Nhận rõ vai trò quan trọng của người Pơlép và sự chật hẹp của tổ chức thị tộc, giữa thế kỉ thứ IV TCN, Xécviút Tuliút (khoảng 540 – 530 TCN) đã theo cải cách của Xôlông (Hi Lạp), tiến hành cải cách xã hội ở Rôma.
Ông đã chia dân (thực chất là phân chia những người đàn ông làm nghĩa vụ quân sự) thành 6 đẳng cấp khác nhau căn cứ theo mức tài sản tư hữu.
- Đẳng cấp thứ nhất: có tài sản ít nhất là 100.000 as*
- Đẳng cấp thứ hai: có tài sản ít nhất là 75.000 as
- Đẳng cấp thứ ba: có tài sản ít nhất là 50.000 as
- Đẳng cấp thứ tư: có tài sản ít nhất là 25.000 as
- Đẳng cấp thứ năm: có tài sản ít nhất là 1.000 as
- Đẳng cấp thứ sáu: những người dân binh nghèo.
*as (một loại tiền đồng có giá trị nhỏ nhất trong hệ thống tiền tệ của người Rôma Cổ)
Trên cơ sở phân chia ấy, tổ chức những đội Xenturi cứ 100 binh sĩ thì tổ chức thành 1 Xenturi và mỗi Xenturi có quyền biểu quyết ở đại hội bằng một lá phiếu. Theo quy định đó, đẳng cấp thứ nhất có thể thiết lập 80 Xenturi bộ binh và 18 Xenturi kị binh, chiếm 98 trên tổng số 193 Xenturi. Các đẳng cấp còn lại không được phép thiết lập các Xenturi kị binh, số Xenturi bộ binh của các đẳng cấp còn lại thứ tự là 22, 20, 30 và 1. Trên cơ sở các đơn vị Venturi, một đại hội nhân dân mới – đại hội Xenturi đã được thiết lập thay thế cho đại hội nhân dân Curi ở thời kì lịch sử trước.
Theo quy định, mỗi Xenturi chỉ được quyền biểu quyết bằng 1 lá phiếu và cũng theo quy định, chỉ cần số phiếu quá bán (97/193) là mọi quyết nghị sẽ được thông qua, do vậy đẳng cấp giàu có nhất (đẳng cấp thứ nhất) với 98 lá phiếu luôn luôn nắm ưu thế trong đại hội, nếu họ nhất trí với nhau thì không cần trưng cầu ý kiến của các đẳng cấp khác. Với đại hội Xenturi, nền dân chủ phổ biến của chế độ thị tộc đã phải nhường chỗ cho nền dân chủ, giành ưu thế cho các tầng lớp giàu có trong khuôn khổ của xã hội có giai cấp.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/thoi-dai-ogustuxo-the-ki-i-ii-thoi-ki-cuc-thinh-cua-che-do-chiem-no-roma/
- https://ngaydacbiet.com/roma-tro-thanh-de-quoc-ba-chu-khu-vuc-dia-trung-hai/
- https://ngaydacbiet.com/che-do-tam-hung-lan-thu-hai-va-su-sup-do-hoan-toan-cua-che-do-cong-hoa/
- https://ngaydacbiet.com/van-hoa-roma-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/su-sup-do-cua-che-do-cong-hoa-va-su-thiet-lap-nen-doc-tai-xila/
Về mặt hành chính, Tuliút xoá bỏ 3 bộ lạc cũ thiết lập 4 đơn vị hành chính theo khu vực cư trú. Tính huyết thống trong quan hệ xã hội đã giảm nhẹ và yếu tố địa lí khu vực đã được tăng cường, tạo điều kiện cho những người Polép nhanh chóng hoà nhập vào khối cộng đồng công dân Rôma theo ý nguyện của họ.
Ph. Enghen gọi cải cách của Tuliút là “cuộc cách mạng đã kết thúc chế độ thị tộc cũ”. Cải cách Xecviút đã xoá bỏ chế độ thị tộc dựa trên quan hệ huyết thống, thiết lập nên “một nhà nước mới chân chính”, dựa trên cơ sở phân chia địa vực và trên sự chênh lệch về tài sản”.
Cải cách của Tuliút bước đầu đã hạn chế mức độ nhất định sự cách biệt giữa những người bình dân Polép và dân Rôma gốc. Các Xenturi được thiết lập không phải trên cơ sở họ là người Polép, hay người Rôma, mà theo mức tài sản tư hữu, theo sự giàu, nghèo của mỗi người trong xã hội, tạo cơ sở cho việc thiết lập khối công dân Rôma sau này.
Cải cách Tuliút đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước Rôma cổ đại trên cơ sở thủ tiêu tổ chức thị tộc. Đó chính là kết quả ban đầu của cuộc đấu tranh của tầng lớp bình dân Pơlép. Người Pơlép đã có quyền bình đẳng về nghĩa vụ quân sự, có tiếng nói của mình trong đại hội Xenturi. Tuy vậy với cải cách của Tuliút, người Pơlép vẫn chưa được quyền phân chia ruộng đất công (ager publicus), chưa được quyền kết hôn với người Rôma, chưa được xét xử công khai và bình đẳng trong các toà án Rôma, chưa có người đại diện của mình trong bộ máy nhà nước.
Do vậy, người Pơlép vẫn tiếp tục đấu tranh trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,