Ngô Vương Hạp Lư đánh bại nước Sở, trở thành bá chủ ở phương Nam. Nước Ngô vốn bất hòa với nước láng giềng là nước Việt (đô thành ở Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang ngày nay)
Lịch sử Trung Quốc năm 496 trước Công nguyên, Việt vương Câu Tiễn lên ngôi, Ngô Vương nhân dịp nước Việt vừa có tang, liền mang quân đánh. Hai bên giao chiến một trận lớn ở đất Túy Lý (nay ở tây nam Gia Hưng, Triết Giang)
Ngô Vương Hạp Lư tin chắc rằng mình có thể đánh thắng, nhưng không ngờ lại bị thất bại, bản thân trúng tên bị trọng thương, vì tuổi đã cao, khi về tới nước Ngô thì chết.
Hạp Lư chết, con là Phù Sai nối ngôi. Trước khi chết, Hạp Lư dặn lại: “Không được quên báo thù nước Việt”.
Phù Sai ghi nhớ lời dặn của cha, bảo người khác thường xuyên nhắc nhở mình; mỗi khi ra vào cửa cung, thủ hạ đều quát lớn: “Phù Sai! Ngươi đã quên mối thù Việt vương đã giết cha ngươi rồi sao?” Phù Sai chảy nước mắt trả lời: “Không. Không dám quên”.
Ông ta sai Ngũ Tử Tư và một đại thần khác là Bá Phỉ luyện tập binh mã, chuẩn bị đánh nước Việt.
Hai năm sau, Ngô vương Phù Sai tự dẫn đại quân đi đánh Việt. Nước Việt có hai quan đại phu giỏi, là Văn Chủng và Phạm Lãi. Phạm Lãi nói với Câu Tiễn: “Nước Ngô luyện binh gần ba năm nay. Lần này chúng quyết tâm báo thù, khí thế rất hung hãn. Ta nên giữ vững thành, không nên ra đánh với chúng”.
Câu Tiễn không đồng ý, mang đại quân ra quyết chiến. Quân hai nước giao chiến một trận lớn ở vùng Thái Hồ, quân Việt quả nhiên đại bại.
Việt Vương Câu Tiễn dẫn năm ngàn tàn binh bại tướng chạy về đến Cối Kê, bị quân Ngô vây chặt. Câu Tiễn không tìm ra biện pháp gì, liền nói với Phạm Lãi: “Ta rất hối hận đã không nghe theo lời ngươi. Bây giờ đến tình cảnh này, phải làm thế nào đây?”.
Phạm Lãi nói: “Phải mau cầu hoà thôi”.
Câu Tiễn phái Văn Chủng sang trại quân Ngô xin hoà. Văn Chủng tâu xin với Phù Sai cho Câu Tiễn đầu hàng. Phù Sai toan đồng ý, nhưng Ngũ Tử Tư kiên quyết phản đối.
Văn Chủng trở về, dò biết Bá Phỉ ở nước Ngô là kẻ tiểu nhân tham tài háo sắc, liền ngầm đưa một số mỹ nữ và châu ngọc sang biếu Bá Phỉ, nhờ hắn nói giúp với Phù Sai.
Nghe lời khuyên của Bá Phỉ, Ngô Vương Phù Sai bác ý kiến phản đối của Ngũ Tử Tư, đồng ý cho Câu Tiễn đầu hàng, nhưng yêu cầu Câu Tiễn phải thân tới nước Ngô. Văn Chủng về tâu lại với Câu Tiễn. Câu Tiễn trao mọi việc trong nước cho Văn Chủng, rồi cùng vợ và Phạm Lãi sang Ngô.
Câu Tiễn đến nước Ngô. Phù Sai cho vợ chồng Câu Tiễn ỏ trong một gian nhà đá cạnh phần mộ của Hạp Lư, sai Câu Tiễn nuôi ngựa, còn Phạm Lãi làm công việc của nô lệ. Mỗi lần Phù Sai đi xe, Câu Tiễn phải dắt ngựa hầu. Cứ như thế trong hai năm, Phù Sai cho rằng Câu Tiễn đã thực bụng quy thuận liền cho Câu Tiễn về nước.
Về tới nước Việt, Câu Tiễn lập chí báo thù rửa hận. Ông sợ cuộc sống an nhàn làm tiêu tan mất chí khí, liền treo một cái mật đang ở nơi ăn cơm, trước mỗi bữa ăn, đều nếm một chút mật đắng, rồi tự hỏi mình: “Nhà ngươi có quên mối nhục ở Cối Kê không?” Ông ta còn bỏ chiếu dùng cỏ cây làm đệm nằm. Việc đó được người đời sau gọi là “Nằm gai nếm mật”.
Để làm cho nước Việt giàu mạnh, Câu Tiễn tự mình tham gia cày bừa, bảo vợ tự dệt vải để khuyến khích dân chúng đẩy mạnh sản xuất. Vì nước Việt lâm vào họa mất nước, nhân khẩu giảm nhiều ông ta liền đề ra chế độ khuyến khích sinh đẻ. Mặt khác, Câu Tiễn trao cho Văn Chủng quản lý việc lớn quốc gia, cho Phạm Lãi huấn luyện quân đội, bản thân khiêm tốn nghe theo ý kiến của mọi người, chú trọng cứu tế cho dân nghèo. Nhân dân toàn quốc đều dốc sức để đưa đất nước bị đè nén đó nhanh chóng trở thành cường quốc.