Cái chết đột ngột của Xêda năm 44 TCN đã tạo ra một bước ngoặt mới của lịch sử Rôma. Trong khi đám bình dân đang đòi hỏi phải xét xử những kẻ đã mưu sát Xêda, thì một bộ tướng của Xêda là Lêpiđuxơ chỉ huy kị binh đã kéo quân đội về Rôma, Antôniuxơ cũng kéo quân về và được Viện nguyên lão cử làm chấp chính quan.
Mặc dù ủng hộ Antôniuxơ, nhưng Viện nguyên lão rất lo sợ y thiết lập lại nền độc tài mới theo kiểu Xêda, có lợi cho quý tộc công thương. Ngược lại, đám bình dân và binh sĩ lại cho rằng Antoniuxơ đã bị Viện nguyên lão mua chuộc, phản bội lại đường lối Xêda. Đúng vào thời điểm đó, Ôctaviuxơ đã xuất hiện. Mặc dù mới có 19 tuổi, nhưng Ôctaviuxơ lại là cháu gọi Xêda bằng cậu, do vậy đám binh sĩ và bình dân hi vọng Ôctaviuxơ sẽ tiếp tục sự nghiệp Xêda, thực hiện lời hứa trước đây của nhà độc tài, cấp cho mỗi người 300 Séctécsium. Trong khi đó, Viện nguyên lão cũng muốn lợi dụng Ôctaviuxơ để kiềm chế quyền uy của Antôniuxơ.
Ôctaviuxơ đã nhanh chóng xây dựng được lực lượng quân sự riêng của mình, nhưng y cũng đủ khôn ngoan để nhận thấy chưa đủ sức chống chọi với cả hai. Kết quả là, tháng 10 năm 43 TCN, Ôctaviuxơ, Antoniuxơ và Lepiđuxơ đã bắt tay nhau trong một thỏa ước được kí kết ở Bônônia, thiết lập nên “chính quyền tam hùng lần thứ hai” trong lịch sử Rôma, cùng nhau nắm giữ quyền chi phối nhà nước Rôma. Theo thỏa ước, chức vụ chấp chính quan trong năm 42 TCN sẽ giao cho Lêpiđuxơ đảm nhiệm. Ngoài vùng Italia, do cả 3 người cùng quản lí, Antôniuxơ được phân chia cai quản xứ Gôlơ, Lêpiđuxơ, Tây Ban Nha và Nam Gôlơ, còn Ôctaviuxơ cai quản các đảo Xixin, Xácđen và Bắc Phi.
Sau khi kí thoả ước, cả ba đã kéo lực lượng quân sự về Rôma và ép Viện nguyên lão, đại hội nhận dân phải trao cho họ những quyền hành vô hạn để quản lí công việc nhà nước Rôma trong thời hạn 5 năm.
Lên cầm quyền “Liên minh tam hùng lần thứ hai”, y đã thẳng tay trấn áp những lực lượng chống đối: 300 nghị viên Viện nguyên lão bị sát hại (tài sản của họ bị tịch thu). Ôctaviuxơ và Antôniuxơ cùng thống lĩnh quân đội Rôma tấn công lực lượng chống đối do Catxiuxơ và Brutuxơ chỉ huy ở vùng Bancăng.
Năm 40 TCN, “tam hùng lần thứ hai” lại tự chia nhau cùng cai quản đế quốc. Antôniuxơ được chia cai quản những vùng đất ở Phương Đông; Lêpiđuxơ cai quản vùng Bắc Phi; Ôctaviuxơ cai quản xứ Gôlơ và Tây Ban Nha. Cả ba tạm thời bắt tay nhau, dựa vào nhau nhưng đồng thời vẫn cố gắng tập hợp, xây dựng lực lượng, chờ thời cơ tiêu diệt nhau để độc quyền nắm lấy Rôma.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/su-thanh-lap-che-do-cong-hoa/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-dai-ogustuxo-the-ki-i-ii-thoi-ki-cuc-thinh-cua-che-do-chiem-no-roma/
- https://ngaydacbiet.com/che-do-tam-hung-lan-thu-nhat-va-nen-doc-tai-xeda/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-ky-vuong-chinh-trong-lich-su-roma/
- https://ngaydacbiet.com/tinh-hinh-nghien-cuu-lich-su-roma-co-dai/
Năm 36 TCN, nhờ đánh thắng lực lượng cuối cùng của phe đối lập ở Xixin (do Xếchtiuxơ chỉ huy), thế lực của Ôctaviuxơ ngày một mạnh lên. Khéo léo và khôn ngoan, Ôctaviuxơ ngày càng thu hút được lực lượng binh sĩ và những người ủng hộ Lêpiđuxơ. Quyền lực thực tế của Lêpiđuxơ ở Rôma không còn, “tam hùng lần thứ hai” bắt đầu rạn vỡ.
Trong khi đó, ở Phương Đông, Antôniuxơ sống như một hoàng đế, y kết hôn với nữ hoàng Ai Cập Clêôpát (năm 37 TCN) và đem nhiều đất đai của Rôma ở vùng này tặng hoàng gia Ai Cập với tham vọng lập một giang sơn riêng biệt hùng cứ Phương Đông. Lợi dụng thái độ bất bình của quý tộc Rôma trước những việc làm của Antôniuxơ, Ôctaviuxơ đã thống lĩnh đại quân tấn công. Thế là “Liên minh tam hùng lần hai” tan vỡ.
Năm 31 TCN, trận kịch chiến đã xảy ra ở mũi Actium (thuộc xứ Êpia). Antôniuxơ đại bại, bỏ chạy sang Ai Cập. Năm 30 TCN, Ôctaviuxơ tấn công Ai Cập, thế cùng Antôniuxơ và cả Clêôpát phải tự sát. Ai Cập biến thành một “tỉnh” của đế quốc Rôma.
Những thế lực đối lập và các đối thủ đã bị loại trừ. Ôctaviuxơ độc quyền nắm lấy Rôma. Xã hội Rôma ở thời điểm lịch sử này có những thay đổi mới, cơ sở xã hội của chế độ Cộng hòa không còn nữa, tầng lớp quý tộc thượng lưu giàu có bị suy giảm, những quý tộc loại vừa bao gồm các thương nhân, chủ nô ruộng đất nhỏ, các cựu chiến binh ngày càng chiếm ưu thế và trở thành chỗ dựa của Ôctaviuxơ tạo nên một cơ sở xã hội mới của Rôma.
Khuynh hướng thiết lập một chính quyền quân sự, tập trung, độc tài nhằm bảo vệ quyền lợi của quý tộc chủ nô và củng cố nhà nước chiếm nô Rôma đã thắng thế.
Lịch sử Rôma bước sang trang mới – thời kì đế chế.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,