Chữ viết Ấn Độ cổ đại
Chữ cổ nhất của Ấn Độ, được khắc trên các con dấu và được phát hiện tại lưu vực sông Ấn, đã có lịch sử từ hơn 2000 năm TCN. Chữ này mất đi cùng với nền văn hóa sông Ấn, không ai còn dùng, không ai còn biết đọc nữa.
Dân bản địa cũng như các bộ lạc nói ngôn ngữ Ấn – Âu đến từ giữa thiên kỉ II TCN, một thời gian dài không có chữ viết.
Khoảng 800 năm TCN, bắt đầu xuất hiện chữ viết được khắc trên hiện vật. Sớm nhất là chữ Kharosthi, có nguồn gốc từ chữ Aramaic ở Tây Á được dùng ở Iran và vùng Tây bắc Ấn Độ. Trên bán đảo Ấn Độ, dùng rộng rãi hơn chữ Brami, có nguồn gốc Semitic cũng ở Tây Á.
Ít lâu sau, có lẽ khoảng thế kỉ VII TCN, từ những chữ viết này, người ta cải biên thành mẫu tự Devanagari để ghi chép ngôn ngữ Ấn – Âu : chữ Phạn, (sanskrit) ra đời.
गातम नारी शापवश उपल देह धरि धीर।
चरण कमल रज चाहती कृपा करहु रघुबीर ॥
Từ sử thi Ramayana ghi lại bằng sanskrit, văn hào Tulsidas (thế kỉ XVI) phóng tác lại bằng tiếng Hindi, lấy nhan đề Ramcaritmanas (Hồn thiêng các hành động của Rama), đoạn chữ trên là một câu trích trong đó.
Nhưng các địa phương Bắc Ấn, nhất là vùng Magadha người ta ngày càng quen nói một thứ tiếng Ấn – Âu đã chuyển hóa, cải biên, trở thành thổ ngữ (Prâkrita: thổ ngữ). Khi Phật truyền giáo, Người nói với mọi người bằng Prâkrita này, để mọi người hiểu được, và người ta lại cải biên và sáng tạo một hệ thống mẫu tự để ghi chép Prâkrita. Đó là Pali.
So với Sanskrit, Pali đơn giản hơn về âm tiết, biến cách, cú pháp và đơn giản hơn cả về nét chữ. Chẳng hạn Kostha (Skr) : Kottha (Pali) : kho ; Suvarna (Skr) : suvanna (Pali) Vàng ; Dharma (Skr) : Dhamma (Pali) : Đạo Pháp. Pali được dùng để viết kinh Phật, nhưng cũng vì thế mà ít được bổ sung từ ngữ, ít cải tiến và kém phát triển so với Sanskrit.
Kharosthi và Brami vẫn được dùng mấy thế kỉ nữa, đặc biệt trong những trường hợp giao tiếp và giao dịch. Asôca cho dựng nhiều cột đá để ghi các chiến công của mình, rải rác hầu khắp bán đảo Ấn Độ. Các cột này được khắc bằng chữ viết thông dụng ở địa phương : ở vùng Tây Bắc, khắc chữ Kharosthi, vượt qua dãy Hindu Kush còn khắc cả chữ Hi Lạp, nhưng ở miền Bắc và miền Nam Ấn là chữ Brami. Rất nhiều con dấu và đồ trang sức đã được tìm thấy ở Ấn Độ và nước ngoài, khắc chữ Brami. Việc J.Prinsep giải mã được chữ Brami (1837) đã giúp đọc được các cột Asôca và rất nhiều chữ khắc rời nói trên. Tuy nhiên, chữ Kharosthi và Brami không có cơ hội phát triển vì không phải là ngôn ngữ và văn tự bản địa Ấn Độ.
Vì thế, còn lại chữ Sanskrit và tiếng sanskrit trở thành tiếng thông dụng chính thức ở Ấn Độ từ thế kỉ VI TCN cho đến khoảng thế kỉ X CN, trước khi nó trở thành Apabhramsa cái cầu nối sanskrit với các ngôn ngữ tộc người hiện đại (Hindi, Bengali, Marathi, Panjabi…).
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/so-luoc-dat-nuoc-an-do/
- https://ngaydacbiet.com/vuong-trieu-morya-va-su-thong-nhat-an-do-321-232-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/qua-trinh-nghien-cuu-lich-su-an-do-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/su-phan-liet-va-bien-chuyen-tren-ban-dao-an-do-232-tcn-320-cn/
- https://ngaydacbiet.com/tu-tuong-triet-li-va-tu-tuong-ton-giao-o-an-do-co-dai/
Văn học Ấn Độ cổ đại
Những văn liệu được ghi chép sớm nhất là Rig Veda, gồm 108 bài tụng, khoảng thế kỉ VII TCN, rồi đến các bộ Veda khác (Samaveda, Yajurveda, Arthasaveda). Upanishad (“ngồi bên chân người”) triết lí của đạo Bà la môn, có 108 đoạn văn, viết khoảng thế kỉ VI TCN.
Thế kỉ V TCN, học giả Panini viết Asthadhyayi (8 chương). Đây chính là công trình chỉnh lí ngữ pháp và văn sanskrit, hoàn thiện và mở đường cho sự phát triển của Phạn ngữ. .
Thế kỉ IV TCN, Kautalya biên soạn Arthasastra (Luận về bổn phận hay khoa học chính trị). Đây có lẽ cũng là lúc các Purana (thoại) Sastra (luận), Sutra (quy tắc) xuất hiện.
Như đã nói ở bài trước, các sử thi Mahabharata và Ramayana có nguồn gốc và nói về những sự kiện từ đầu thiên kỉ I TCN, nhưng bắt đầu được ghi chép lại vào khoảng vài thế kỉ TCN có phần thậm chí còn muộn hơn nữa.
Những thế kỉ tiếp giáp của Công nguyên là thời gian phát triển rầm rộ của văn liệu Phạn ngữ. Bhagavad-Gite (Bài ca Thần thánh) xuất hiện vào thời gian này. Luật Manu có nguồn gốc từ thế kỉ II TCN nhưng hoàn thành thế kỉ II CN, Pháp điển Narada ra đời ở thế kỉ III CN, Brihaspati thế kỉ IV CN v.v…
Văn học Phạn ngữ được trau chuốt, mài dũa, dùng phổ biến trong văn chương và văn bản chính thức ở lưu vực sông Hằng và bắt đầu được truyền bá, lan tỏa đến các quốc gia miền Tây và miền Nam bán đảo Ấn Độ.
Điều đó càng cho thấy những thế kỉ tiếp giáp của Công nguyên không phải là giai đoạn suy sụp, tan vỡ, mà là giai đoạn phát triển văn hóa một cách mạnh mẽ và phát triển rộng trên toàn bán đảo.
Với sự phát triển rộng của Arthasastra trong vài thế kỉ cuối TCN, sự phổ biến luật Manu và Narada vào đầu Công nguyên, với sự truyền bá rộng tiếng Sanskrit ở cả miền Bắc và miền Nam văn học Hindu giáo đã chiếm ưu thế trong đời sống văn hóa xã hội.
Mối liên hệ và ảnh hưởng của Ấn Độ với bên ngoài, nhất là với Đông Nam Á, có thể được bắt đầu ngay từ thế kỉ đầu của Công nguyên, xuất phát từ Bắc Ấn. Miền Bắc có một quá trình phát triển lâu dài và đầy biến động nên có thể có những nhóm đi ra ngoài từ sớm tìm đất mới, làm ăn sinh sống (Champa, Kamboja, Kalinga…).
Miền Nam chậm hơn sự hình thành quốc gia cùng với sự tiếp thu và phát triển văn hóa Hindu, diễn ra khoảng thế kỉ II-III. Nhưng chính miền Nam với sự hưng khởi ban đầu và điều kiện tự nhiên thuận lợi, đã xúc tiến quan hệ với bên ngoài. Quan hệ giữa Đông Nam Á với miền Nam Ấn Độ, do đó chỉ bắt đầu từ thế kỉ III-IV, nhưng đã giữ được thường xuyên hơn. Dấu tích văn hóa Ấn Độ ở các nước Đông Nam Á, phần nhiều xuất xứ từ miền nam Ấn và từ thế kỉ IV về sau đã nói lên điều đó.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,