Lê Phụng Hiểu sống vào khoảng đầu thời Lý. Ngài là người làng Băng Sơn, nay là Hương Sơn, Dương Sơn, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Vì nhà ở gần núi Bơng, một hòn núi nhỏ ở giữa cánh đồng, nên dân chúng trong vùng thường gọi Lê Phụng Hiểu thời trẻ là anh Bơng, rồi đến khi hiển đạt là ông Bơng, một cái tên vừa hồn nhiên vừa thán phục. Cũng như Lý Công Uẩn, vua sáng lập triều Lý, Lê Phụng Hiểu không có cha đẻ. Mẹ Ngài khi trước lên núi trông thấy một dấu chân lạ to lớn khác thường bèn ướm thử bàn chân mình vào về nhà mà có mang, rồi sinh ra Ngài. (hơi giống giống truyền thuyết Thánh Gióng)
Thuở nhỏ, Lê Phụng Hiểu không được học chữ nhưng thiên hướng con nhà võ thì đã lộ rõ. Khi đến tuổi thanh niên, Ngài cao lớn vạm vỡ, mặt mũi phương phi, râu quai nón rậm và có sức mạnh phi thường. Tính tình Ngài cương trực, quyết đoán. Các môn võ nghệ, từ côn quyền đến phóng lao, cung kiếm … Ngài đều tinh thông. Để rèn luyện thể lực, buổi sáng Ngài thường lên đỉnh núi Bơng, dùng một hòn đá cực lớn để tập cử tạ. Hòn đá này nặng phải đến bốn người khỏe mạnh xúm vào mới nhấc lên nổi!
Vào mùa hội hè, Ngài thường đến các sới vật trong vùng để tranh tài lĩnh thưởng. Tuy mới là mùa thi đấu đầu tiên, nhưng những tay đô vật lừng lẫy nhất trong vùng, chỉ vừa mới trông thấy Ngài, đã vội chắp tay vái dài, không dám vào giao đấu nữa.
Thời ấy, ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cũng có một tay đô vật kỳ tài tên là Tuấn, tục gọi là đô Vồm. Nghe tiếng ở Hoằng Hóa có đô Bơng mới lên không ai địch nổi, đô Vồm tìm đến thách đấu.
Bữa đô Vồm tìm đến nhà đô Bơng thì thấy bà mẹ đang lúi húi dưới bếp. Bà mẹ nói:
– Bác ráng chờ cháu một lát. Nó đi kiếm củi chắc lúc này cũng sắp về rồi.
Quả nhiên, đang ngồi uống nước, bà mẹ đã chỉ cho khách thấy trên con đường núi phía trước mặt một người cao lớn vạm vỡ gánh hai bó củi to như hai bó rạ, đang đi thoăn thoắt về nhà. Bà mẹ vừa chỉ vừa nói với khách:
-Đấy. Cháu nó đấy!
Đô Vồm chột dạ, không dám nghĩ đến chuyện thách đấu nữa, bèn nói với bà mẹ:
– Thôi, xin phép bà để bữa khác tôi lại. Chắc chiều nay chú ấy còn phải gánh củi đi chợ nữa …
Nói rồi ông khách đứng dậy liền, bà mẹ giữ lại không được. Vừa ra khỏi cổng, chân khách đã bước nhanh như chạy …
Lê Phụng Hiểu gánh củi về nhà, thấy mẹ nói có khách vừa ra khỏi, bèn đặt gánh củi xuống rồi chạy đi tìm. Chẳng mấy chốc Ngài đã theo kịp khách ở giữa cánh đồng.
Lê Phụng Hiểu nói to với theo:
– Này … bác gì ơi. Tôi về rồi. Mời bác quay lại.
Đành lòng, đô Vồm phải dừng lại:
– À … tôi tưởng chú bận.
Đô Bơng vồn vã:
– Nào, có bận gì đâu?
Vừa giáp mặt, cả hai đều đo lường sức mạnh của nhau. Cả hai đều to lớn, bắp chân bắp tay cuồn cuộn.
Đô Vồm nói:
– Nghe danh chú mấy bữa nay, cũng muốn đến để học hỏi thêm, nhưng bây giờ chắc không tiện.
Đô Bơng hiểu ý ngay: “Ông này lớn tuổi hơn mình. Nói thế chắc là ngại đây. Nhưng dẫu sao cũng thử sức một tí cho biết chứ?”, bèn đáp lại:
– Tôi hậu sinh còn phải học bác nhiều. Tiện đây rộng rãi, ta thử một vài “queo” cho biết. Anh hùng tao ngộ dễ mấy khi có dịp …
Không thể từ chối, đô Vồm đành phải cởi quần áo ra rồi hai bên giao đấu. Ở giữa cánh đồng, không trọng tài, không khán giả, nhưng hai bên đấu thủ đều giữ đúng luật lệ. Người tám lạng, kẻ nửa cân, đã bảy “queo” mà chưa phân thắng bại. Tuy vậy, càng đấu, đô Bơng càng tỏ ra dẻo dai, rồi cuối cùng đến “queo” thứ tám, đô Vồm đã phải nằm phơi bụng.
Đô Vồm nói:
– Thôi thôi! Ta phục tài chú rồi.
Đô Bơng cả cười:
– Bác cũng thực khá lắm.
Nói rồi, cả hai đứng dậy, rồi dắt nhau về nhà uống rượu …
Từ đó Lê Phụng Hiểu nổi tiếng là người tài cao và hào hiệp trong suốt mấy vùng. Đi đến đâu Ngài cũng có bạn bè tâm đắc.
Một hôm, có việc Ngài đi qua hai làng Cổ Bi, Đàm Xá, lúc ấy đang um xùm lên vì việc tranh nhau đất cát. Làng Đàm Xá cậy đông người đã chém hẳn doi đất màu mỡ mà lẽ ra phải thuôïc làng Cổ Bi. Trai tráng làng Cổ Bi đang cùng nhau chuẩn bị gậy gọc chống lại, còn các cụ bô lão trong làng thì có phần tỏ ra lo lắng.
Sau khi biết mọi chuyện, Lê Phụng Hiểu tìm đến ra mắt các cụ làng Cổ Bi mà bảo:
– Các cụ cứ yên tâm. Có tôi đây dẫu có mười làng Đàm Xá cũng chẳng chiếm không ruộng của Cổ Bi được.
Đã nghe danh đô Bơng từ lâu nên các cụ cùng dân làng mừng lắm, bèn làm cỗ để tiếp đãi Ngài. Cả năm mâm cỗ to, nào thịt nào rượu, nào xôi, vậy mà Ngài cứ thủng thỉnh ngồi ăn bằng hết. Ăn xong, Ngài xúc miệng, uống một tợp nước rồi lăn ra ngủ, tiếng gáy vang như sấm.
Chờ cho giấc ngủ của Ngài đã đẫy, trai tráng Cỗ Bi bèn vác gậy gọc ra khiêu chiến với làng Đàm Xá. Trai tráng Đàm xá cũng vác gậy ra vây kín cả một doi đất. Chính lúc ấy, Lê Phụng Hiểu thức dậy. Ngài vươn vai một cái, rồi chẳng nói chẳng rằng, “phi” một hơi đến chỗ giáp chiến. Ngài đi một đường quyền nhảy tới giật gậy trong tay một đối phương, rồi cứ thế múa tít, đến chỗ nào người phải dãn ra đến đấy. Khoảng hơn chục tay mạnh mẽ, liều lĩnh nhất của làng Đàm Xá xúm vào chỗ Ngài, nhưng chỉ được một chặp, hơn một nữa đã phải ngã gục, số còn lại thì quay đầu chạy.
Ngài tiến đến những chỗ đang đánh nhau, nhưng bấy giờ thấy gậy đã gãy, Ngài bèn quăng nó đi. Không thèm nhặt những chiếc gậy rơi, Ngài nhổ phăng những khóm cây bên đường rồi cứ thế cầm cả cụm cây mà phang vào đối phương, làm cho họ tối tăm mày mặt phải quay cổ chạy thục mạng.
Làng Cổ Bi toàn thắng. Làng Đàm Xá phải trả lại doi đất, và từ đấy, hễ cứ gặp dân làng Cổ Bi là đều phải gọi một điều “quan anh”, hai điều “quan bác” cả …
Thời bấy giờ, Lý Thái Tổ đã lên ngôi thay Lê Ngọa triều. Vốn xuất thân là anh lính “Tứ sương quân” (tức quân bảo vệ bốn mặt kinh thành) nên nhà vua hiểu rất rõ giá trị và tác dụng của quân túc vệ. Ngài cho tuyển những người khỏe mạnh, can trường và trung thành nhất vào đội quân này, để cho cùng đi theo, mỗi khi Ngài xa giá đến các nơi. Lê Phụng Hiểu, người nổi tiếng khắp cả vùng châu Ái, lẽ dĩ nhiên phải là một trong những người đầu tiên trúng tuyển.
Từ khi được tuyển dụng, qua mấy phen thử sức thử tài, lại cần mẫn siêng năng, nên Lê Phụng Hiểu được nhà vua mến mộ rồi cất nhắc dần lên tới chức Vũ vệ tướng quân, ngang hàng với các tướng Đàm Thảm, Dương Bình, Quách Thịnh Dật, Lý Huyền Sư, vốn là những người đã được bổ dụng từ trước. Các tướng này đều chỉ huy quân túc vệ và nằm dưới quyền cai quản của quan Nội thị Lý Nhân Nghĩa.
Lý Thái Tổ thọ 55 tuổi (974 – 1028), ở ngôi 18 năm (1010 – 1028) băng hà ở điện Long An, và đang còn quàn tại đấy chưa chôn.
Các đại thần theo di chiếu cùng nhau đến cung Long Đức ở ngoài thành để lập con trưởng là Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi (cung Long Đức đặt ở ngoại thành là ý nhà vua muốn cho Thái tử biết mọi việc của dân).
Triều Lý có lệ là lập các con của mẹ đích đều làm “vương”, còn con của mẹ thứ đều làm “hầu”, mà không đặt ngôi Hoàng Thái tử. Đến khi nào vua ốm nặng mới chọn một người trong số các con cho vào để nối ngôi. Đây là một ý tưởng tốt vì như thế các con sẽ đua nhau làm việc thiện, nhưng trên thực tế lại nảy ra sự ganh đua, dẫn đến những hành vi mờ ám như sửa di chiếu hoặc dùng vũ lực để tranh cướp ngôi.
Ngay từ triều vua đầu tiên của nhà Lý khi nhà vua vừa nằm xuống, là đã xảy ra sự không hay đó rồi. Đó là việc ba vương Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức khi nghe tin Phật Mã sẽ từ ngoài thành vào, nên cho quân của phủ mình phục sẵn ở hai hướng, chờ Thái tử đến thì đánh úp.
Như có linh tính báo trước qua thần Đồng Cổ, hoặc giả có người mật báo thì không rõ, Lý Phật Mã đã không đi vào con đường có quân mai phục, khi đến điện Càn Nguyên, biết có biến, Phật Mã bèn sai quân lính chốt chặt hết các cửa và bảo các vệ sĩ sẵng sàng đối phó. Nhà vua tương lai bảo với mọi người:
– Ta đối với anh em không có chút gì phụ bạc. Nay tiên đế vừa mất, ba Vương đã làm việc bất nghĩa. Vậy các khanh nghĩ sao?
Nội thị Lý Nhân Nghĩa nói:
– Anh em như chân với tay, lẽ ra phải cùng nhau hợp sức thì bên ngoài mới chống được giặc. Nay ba Vương đã làm phản thì chỉ coi là kẻ thù vậy. Xin điện hạ cho được một trận quyết sống mái.
Lời qua lời lại một hồi nữa nhưng Lý Phật Mã vẫn còn dùng dằng chưa quyết. Ý của Thái tử là muốn các Vương kia tự nhận ra lỗi lầm mà rút quân đi cho êm. Nhưng khi ấy, chẳng những ba vương không rút lui mà lại cho quân đến vây chặt điện Càn Nguyên. Bất đắc dĩ, Phật Mã phải nói:
– Ta chỉ biết làm lễ thành phục đến hầu tiên đế, ngoài ra đều ủy cho các khanh cả.
Lý Nhân Nghĩa cùng các tướng dưới quyền đều quỳ xuống mà nói:
– Chết vì vua gặp nạn là chức phận của bọn thần đây.
Nói rồi bảo vệ sĩ mở cửa và tất cả cùng xông ra đánh quân của ba Vương kia. Một hồi lâu, cả hai bên đều chưa phân thắng bại.
Lê Phụng Hiểu tức giận, xách gươm chạy thẳng tới cửa Quảng Phúc là nơi ba Vương đang đứng chờ. Ngài quát to:
– Các Ngài trên quên ơn tiên đế, dưới trái đạo vua tôi. Vì vậy thần là Lê Phụng Hiểu xin dâng các Ngài lưỡi gươm này.
Nói đoạn, Ngài xông thẳng đến trước ngựa Vũ Đức Vương. Vương này quay ngựa định tránh, nhưng đã bị lưỡi gươm của Ngài chém chết. Hai Vương kia thấy thế kinh hãi vội vàng thúc ngựa chạy bán sống, không dám quay cổ lại nhìn. Lê Phụng Hiểu quay trở về điện Càn Nguyên, cùng các võ sĩ đánh tiếp các đám loạn quân, chém và bắt sống không sót một mống nào.
Dẹp xong vụ bạo loạn, Lê Phụng Hiểu cùng các tướng đến lạy trước linh cữu Lý Thái Tổ báo tin thắng trận, rồi đi rước Lý Phật Mã lên ngôi. Lý Thái tử nói:
– Ta được vẹn toàn tính mạng là nhờ ở các khanh cả. Vũ Vệ tướng quân thật còn hơn cả Uất Trì Kinh Đức nhà Đường.
Lê Phụng Hiểu lạy tạ mà thưa lên:
– Đức của Điện hạ cảm động đến cả trời đất nên được thần linh giúp đỡ, chứ công sức của hạ thần nào có đáng gì.
Ý của Lê Phụng Hiểu là nhắc lại việc Lý Phật Mã được thần núi Đồng Cổ báo mộng nên không đi vào con đường có phục binh của ba Vương kia. Nhà vua tương lai cả mừng, cho rằng mình xứng đáng được ở ngôi Thiên tử vai đã được cả thần lẫn người phù trợ. Sau khi làm lễ đăng quang, Ngài thăng luôn cho Lê Phụng Hiểu lên chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu.
Năm Thiên cảm thánh vũ thứ nhất (1044), tức là 16 năm sau khi tại chức, Lý Thái Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành. Đô thống thượng tướng Lê Phụng Hiểu được cử chỉ huy đạo quân tiên phong, đã lập được nhiều chiến công hiển hách.
Sau trận đại thắng quân Chiêm, mọi người có công đều được nhà vua ban thưởng, nhưng Lê Phụng Hiểu lại nói:
– Muôn tâu Bệ hạ. Thần không muốn được thưởng tước mà chỉ xin Bệ hạ cho đứng ở núi Băng Sơn ném dao đi xa. Hễ dao rơi xuống chỗ nào trong đất công, thì xin bệ hạ ban cho hạ thần làm đất sản nghiệp tới đó.
Nhà vua cả cười:
– Đất đai của Đại Việt ta nào có thiếu gì? Chỉ sợ tướng quân sơ ý để dao chẳng vượt chân núi là mấy, thì ta mang tiếng lắm.
Lê Phụng Hiểu kính cẩn:
– Xin đội ơn tấm lòng của Bệ hạ. Nếu phải như vậy thì hạ thần cũng thực vui lòng, vì số trời chỉ cho có như thế.
Nhà vua gật đầu tán thưởng. Thực là một sự lạ xưa nay chưa từng có! Ngài hạ lệnh cho quan sở tại tổ chức một ngày hội, có đông đủ dân chúng trong vùng đến để chứng kiến xem Đô thống Thượng tướng quân phóng dao nhận ruộng.
Hôm tổ chức buổi lễ, mọi người nô nức đến xem ông Bơng phóng lao. Cờ quạt rợp trời, tiếng chiêng trống vang lừng. Trên đỉnh Băng Sơn, Lê Phụng Hiểu mình trần như một lực sĩ, tay phải cầm con dao, Ngài chạy lấy đà rồi phóng nhanh ra phía trước mặt. Chỉ nghe vút một cái đã thấy lưỡi dao ở giữa tầng không, lao đi như tên bắn. Đến ngút tầm mắt mọi người mới thấy lưỡi dao chúc xuống và đi chếch đến địa phận làng Đa Mỹ.
Tiếng reo hò vang lên như sấm. Tiếng chiêng, tiếng trống cũng khua lên liên hồi. Đích thân quan sở tại chạy đến chỗ lưỡi dao rơi xuống, rồi cho người chăng dây quy vuông để đo đạc. Thật không thể nào tưởng tượng nổi: hơn một ngàn mẫu đất đã nằm gọn trong vòng quy vuông ấy!
Nhà vua vui lòng ban cho Lê Phụng Hiểu số ruộng đó để thưởng công, hàng năm không phải đóng thuế. Từ đấy trở đi ở châu Ái, hễ ai có công được thưởng ruộng, thì đều gọi là ruộng ném dao cả.
Lê Phụng Hiểu trung thành với nhà vua hết lòng, biết điều gì là nói luôn không giấu. Đi đánh dẹp tới đâu cũng thắng. Ngài thọ ở tuổi bảy mươi bảy. Khi mất, dân chúng trong vùng thương tiếc, có đến mấy nơi lập đền thờ Ngài làm phúc thần, cầu đảo mọi người rất là linh ứng.
Đời Trần, năm Trùng hưng thứ nhất gia phong cho Ngài là Đô thống vương. Năm thứ tư, thêm hai chữ “Khuông quốc“. Năm Hưng Long 21, thêm hai chữ nữa là “Tá thánh“. Đền miếu của Ngài nguy nga, hương khói bốn mùa không lúc nào dứt. Ngày nay, ở các thành phố lớn cũng có đường phố mang tên Ngài.