Toc
Hán Minh Đế tên là Lưu Trang, con trai thứ tư của Hán Quang Võ Đế, tuổi Sửu. Tính tình kín đáo, cương nghị, cơ mưu, nghiêm khắc. Sau khi Quang Võ Đế mất thì kế vị, tại vị 18 năm, sau mắc bệnh mà chết, thọ 47 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 29-75.
Nơi an táng: Hiển Tiết Lăng. Thụy hiệu là Hiếu Minh Hoàng Đế, miếu hiệu là Hiển Tông.
Công – tội: Trong lịch sử nhà Đông Hán, Hán Minh Đế được coi là một hoàng đế anh minh. Khi ông chấp chính, tuy không theo chủ trương dựa vào “nhu” để trị nước như phụ thân Lưu Tú mà thi hành sự thống trị hà khắc nhưng vẫn có những công lao nhất định. Ông củng cố chính quyền, thu phục được Hung Nô và Tây Vực, mở đường cho Phật giáo phát triển, mở ra sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Tây Á.
Trước khi lên ngôi
Lai lịch của Hán Minh Đế
Hán Minh Đế tên là Lưu Trang, là hoàng đế thứ 2 của triều Đông Hán được kế vị ngai vàng nhờ vào may mắn. Lưu Tú vốn đã lập Lưu Cương, con của Quách hoàng hậu, làm thái tử. Sau này, do sủng ái Âm Lệ Hoa, mẹ của Lưu Trang, nên phế bỏ Lưu Cương, lập Lưu Trang làm thái tử.
Lưu Tú luôn hành xử theo tiêu chuẩn của Nho học, coi trọng danh phận. Do vậy, việc thay đổi danh vị thái tử không phải việc dễ dàng. Nhưng chính sự thiển cận của Quách hoàng hậu đã giúp ông. Quách hoàng hậu vốn là người hẹp hòi. Thấy Lưu Tú sủng ái Âm Lệ Hoa thì ghen ghét, thường xuyên chửi chó mắng mèo, kiếm cớ gây sự. Lưu Tú dựa vào cớ đó, phế bỏ Quách hoàng hậu, lập Âm Lệ Hoa làm hoàng hậu. Lưu Cương cảm thấy ngôi thái tử của mình khó giữ nên chủ động đề nghị được nhượng vị. Lưu Tú nhân cơ hội đó lập Lưu Trang làm thái tử.
Từ nhỏ Lưu Trang đã thông minh lanh lợi
Lưu Trang từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, rất được Lưu Tú yêu quý. Sau khi lập Lưu Trang làm thái tử , Lưu Tú lệnh cho Lưu Trang hàng ngày cùng ông thượng triều, tiếp kiến quần thần, để rèn luyện khả năng chấp chính. Lưu Trang tuy nhỏ tuổi nhưng thường xuyên có những việc làm vượt qua dự liệu của mọi người, khiến bá quan văn võ hết lời khen ngợi.
Một lần, khi đang phê duyệt công văn, Lưu Tú nhất thời không hiểu được một câu văn trong đống tấu thư cũ. Các vị đại thần cũng không thể giải thích được. Vậy mà Lưu Trang khi đó mới 12 tuổi đã giải thích rành mạch, rõ ràng, khiến cho Lưu Tú và quần thần vô cùng ngỡ ngàng. Lưu Tú càng thêm coi trọng Lưu Trang.
Sau khi kế vị
Lúc mới lên ngôi Lưu Trang nhẫn nhịn, củng cố lực lượng
Sau khi Lưu Trang kế vị, rất nhiều kẻ âm mưu cướp ngôi. Bởi ông là con trai thứ tư mà được lập làm thái tử nên rất nhiều anh em của ông cho là không hợp lệ, hầu như đều rất bất mãn. Một số lão thần cũng không ủng hộ việc ông kế vị; Ngoài ra, còn có một số ngoại thích cũng có ý rình rập.
Lưu Trang tự thấy mình thân cô thế yếu, quyết định nhẫn nhịn, không biểu hiện gì mà chỉ ngầm chuẩn bị lực lượng, ông bàn bạc với một số đại thần, trong vài tháng sẽ nắm lấy binh quyền ở kinh đô, từng bước khống chế những huyện ở xung quanh kinh đô. Thế lực của ông dần lớn mạnh.
Lúc này, em trai cùng mẹ với Lưu Trang là Lưu Kinh cũng đố kỵ với ông, sai người bắt chước nét chữ của anh em trong họ của Quách hoàng hậu, viết thư cho Lưu Cương, khuyên hắn dấy binh làm loạn. Nhưng Lưu Cương là người nhút nhát, sợ hãi chạy đến thanh minh với Lưu Trang, giao nộp bức thư. Sau khi Lưu Trang tra xét biết được là do Lưu Kinh làm thì vẫn nhẫn nhịn vì ông biết rằng lực lượng của mình còn mỏng, bên trên còn có thái hậu. Hơn nữa, làm vậy có thể dẫn đến biến cố lớn, khó lòng khống chế được.
Ông áp dụng 3 chiến lược:
- Một là quy tụ những lão thần trung thành như Đặng Vũ, Lưu Thương, Triệu Hỷ thành trung tâm quyền lực.
- Hai là đối xử với hai vị hoàng hậu Quách, Âm như nhau, tận tình quan tâm đến Lưu Cương, ra sức lôi kéo những anh chị em ủng hộ mình. Làm như vậy thì trong họ hàng thân thích sẽ không còn kẻ thù địch nữa.
- Ba là đại xá thiên hạ, tiếp tục thi hành chính sách khoan thư sức dân của Lưu Tú. Phái người điều tra tình hình cả nước, phát triển thủy lợi, cứu trợ dân gặp thiên tai, nên Lưu Trang được đông đảo dân chúng ủng hộ.
Tuy nhiên, ông vẫn không quên những kẻ thù của mình, đợi sau khi chính quyền được củng cố vững chắc, ông liền bắt đầu nghiêm khắc trừng trị bọn chúng để tập trung hơn nữa.
Thanh trừng các thế lực thù địch
Năm 70, có người tố cáo anh trai ông là Sở Vương Lưu Anh mưu phản.
Từ khi Lưu Trang kế vị, Lưu Anh luôn tỏ ra bất mãn, không chỉ thường xuyên phỉ báng hoàng để mà còn ly gián nội bộ hoàng tộc. Lưu Trang vốn muốn trừng trị hắn từ lâu nhưng chưa tìm được lý do. Sau Khi truy xét biết rằng đích thực có kẻ vu cáo Lưu Anh nhưng Lưu Trang quyết không bỏ qua, nói với viên quan điều tra: “Dù là án giả thì nhà ngươi cũng phải làm thành án thật”.
Viên quan đó lập tức làm theo ý chỉ của hoàng đế tra tấn cực hình Lưu Anh, khiến hắn không chịu nổi đau đớn mà thừa nhận tội phản nghịch. Lưu Trang dựa vào khẩu cung của Lưu Anh, ghép tội cho tất cả những hoàng thân, vương hầu, quan lại mà ông muốn báo thù, tạo thành một vụ án lớn liên can đến mấy ngàn người. Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, biết rằng có rất nhiều người bị oan nhưng Lưu Trang vẫn phê chuẩn. Chỉ một bước mà Lưu Trang đã hoàn thành mục đích của mình, chỉ xét xử một vụ án mà đã thanh trừ được gần hết những kẻ đối địch.
Sau này, có một số vị lão thần cảm thấy hành động của Lưu Trang có phần quá đáng, những kẻ đối địch đã bị xử tử, khuyên ông nên dùng việc giết chóc lại. Lưu Trang nghe theo, phóng thích hàng ngàn tù nhân.
Lưu Trang còn có hai sự kiện được hậu thế ca ngợi.
Thu phục Hung Nô và Tây Vực
Từ năm 65 đến năm 72, Hung Nô nhiều lần xâm phạm Hà Tây, khiến cho dân chúng ở biên giới lũ lượt bỏ chạy. Trong các đại thần, có người chủ trương nghị hòa. Lưu Trang cân nhắc sức mạnh của quân Hán rồi quyết định phản công. Nhưng ông không vội vàng phái quân đi quyết chiến mà lệnh cho tướng quân Đậu Cố và Cảnh Bỉnh đồn trú tại Lương Châu (nay thuộc Vũ Uy tỉnh Cam Túc) rồi liên minh với các dân tộc như Nam Hung Nô, Ổ Hoàn, Tiên Ty xuất quân tấn công Hung Nô, liên tiếp giành thắng lợi.
Đồng thời, Đại tướng quân Đậu Cố phái Ban Siêu đi sứ Tây Vực, tuyên truyền chính sách Tây Vực của nhà Hán, để các quốc gia ở Tây Vực quy thuận nhà Hán. Đúng lúc đó, Hung Nô cũng phải sứ thần đến Thiện Thiện. Ban Siêu dẫn theo tùy tùng, trong một đêm giết sạch đoán sứ thẩn 100 người của Hung Nô, uy hiếp các quốc gia ở Tây Vực, ép họ quy thuận nhà Hán. Thiện Thiện Vương còn gửi con trai đến Lạc Dương làm con tin, những nước nhỏ khác cũng phái sứ thần đến Lạc Dương triều cống.
Mở đường cho Phật giáo phát triển sau này
Khi đã có tuổi, Lưu Trang bắt đầu kiểm điểm lại những việc làm của mình, đêm ngủ liên tiếp gặp ác mộng. Một lần, ông mơ thấy một người khổng lồ tỏa ánh vàng rực rỡ, đầu tỏa hào quang, bay lượn khắp cung điện rồi bay về hướng tây. Hôm sau, ông kể lại giấc mơ đó với mấy vị cận thần. Một quan bác sĩ tên là Phó Nghị nói rằng đó là một vị Phật rồi kể cho ông nghe câu chuyện về Phật Thích Ca Mâu Ni.
Lưu Trang nghe xong thì rất kính phục Phật Thích Ca Mâu Ni, muốn tìm hiểu nhiều hơn những câu chuyện về Phật giáo. Lưu Trang phái hai viên đại thần là Thái Âm và Tần Cảnh đến nước Thiên Trúc lấy kinh Phật. Họ vượt vạn dặm đường xa xôi, cuối cùng cũng mang được kinh Phật về Lạc Dương. Lưu Trang cảm động, hạ lệnh xây dựng chùa Bạch Mã. Do hai vị đại thần này dùng bạch mã để vận chuyển kinh thư về Lạc Dương nên hai con bạch mã này được coi là thần vật. Sau khi chúng chết, các tín đồ dùng đá trắng chạm thành tượng, đặt ở ngoài chùa. Vì vậy, ngôi chùa có tên là Bạch Mã. Đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên của Trung Quốc, là nơi khởi nguồn của Phật giáo Trung Quốc.
Năm 75, Hán Minh Đế ốm chết trong cung nhà Hán ở Lạc Dương.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại – nhiều tác giả,