Hậu Lương Ý Vũ Đế tên là Lã Quang, tự Thế Minh, tuổi Dậu. Tính cách thận trọng. Là Kiêu kỵ tướng quân của Tiền Tần, sau tự lập làm vương. Tại vị 13 năm, ốm chết, thọ 63 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 337 – 399.
Nơi an táng: Cao Lăng (không rõ ở đâu). Thụy hiệu là Ý Vũ Đế, miếu hiệu là Thái Tổ.
Lã Quang xuất thân từ một gia đình danh môn vọng tộc ở Lược Dương (nay ở phía tây nam huyện Trang Lãng tỉnh Cam Túc). Ông từ nhỏ đã ham thích đọc sách, là người thông minh, được bạn bè kính trọng. Thời thanh niên, Lã Quang là người trầm tĩnh, thận trọng, vui buồn không để lộ ra sắc mặt. Mưu sĩ Vương Mãnh của Phù Kiên thấy Lã Quang là một nhân tài nên tiến cử ông với Phù Kiên. Sau này, Phù Kiên đã phong ông làm Ứng Dương tướng quân.
Phù Kiên có tham vọng rất lớn. Sau khi thống nhất phần lớn lãnh thổ phương bắc, lại muốn thôn tính Tây Vực. Lã Quang được chọn đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này. Sau khi đến Tây Vực, Lã Quang hàng phục Yên Thị, đánh bại Quy Từ, quy phục được hơn 30 nước. Năm 385, Lã Quang xây dựng căn cứ địa ở Lương Châu. Năm 386, tin Phù Kiên bị giết chết truyền đến Lương Châu. Lã Quang vô cùng đau khổ, ban lệnh tất cả người dân Lương Châu phải để tang cho Phù Kiên. Ít lâu sau, Lã Quang tự xưng là Tửu Tuyển Công, lấy niên hiệu là Thái An. Tiếp đó, ông lần lượt dẫn quân tấn công tiêu diệt Bành Hoàng, Vương Mục. Năm 387, Lã Quang xưng làm Lương Vương. Năm 196, lại đổi lại thành Đại Lương Thiên Vương. Sử gọi là Hậu Lương.
Tháng 12 năm 399, Lã Quang ốm nặng, nhường ngồi cho thái tử Lã Thiệu, tự xưng làm Thái thượng hoàng, phong cho con trưởng và con thứ hai của vợ lẽ Lã Soạn và Lã Hoành làm thái uý, tư đồ.
Lã Quang dặn dò Lã Thiệu: “Hiện nay, Nam Lương, Bắc Lương, Tây Tần đều đang tìm cơ hội tiêu diệt chúng ta. Sau khi ta chết, con phải dựa vào hai vị huynh trưởng, cho Lã Soạn cai quản quân đội, Lã Hoành cai quản triều chính. Có như vậy mới giữ vững được đất nước. Con phải an phận, thận trọng, không được gây chuyện bất hoà trong nội bộ”.
Rồi ông lại dặn dò Lã Soạn, Lã Hoành: “Lã Thiệu không phải người có tài trị nước nhưng lại là con của chính thất nên phải được kế vị. Anh em các con phải hoà thuận với nhau, cùng cai trị đất nước”.
Ít lâu sau, Lã Quang qua đời tại Cô Tạng.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại – nhiều tác giả,