Cách đây khoảng hơn bốn ngàn năm, ở lưu vực Hoàng Hà và Trường Giang có nhiều thị tộc và bộ lạc sinh sống. Bộ lạc do Hoàng Đế làm thủ lĩnh ban đầu sống ở vùng Cơ Thủy thuộc Tây Bắc Trung Quốc, sau dời tới vùng Trác Lộc (nay là Trác Lộc, Hoài Lai tỉnh Hà Bắc) bắt đầu định cư, phát triển chăn nuôi và trồng trọt.
Viêm Đế là thủ lĩnh một bộ lạc khác đồng thời với Hoàng Đế. Ban đầu cư trú tại vùng Khương Thủy ở Tây Bắc Trung Quốc. Theo truyền thuyết. Viêm Đế có quan hệ thân tộc với Hoàng Đế. Trong khi bộ lạc của Viêm Đế ngày càng sa sút thì bộ lạc của Hoàng Đế lại rất thịnh vượng.
Lúc đó, Xuy Vưu là thủ lĩnh của bộ tộc Cửu Lê, rất hung tợn. Truyền thuyết nói Xuy Vưu có 81 anh em đều có thân hình mãnh thú, đầu đồng trán sắt. ăn sỏi đá, hung hăng mạnh mẽ vô cùng. Họ còn chế tạo ra các loại vũ khí như dao, kích, cung nỏ. thường dẫn bộ lạc đi xâm chiếm, cướp bóc bộ lạc khác.
Có lần, Xuy Vưu xâm chiếm vùng đất của Viêm Đế, Viêm Đế mang quân chống lại nhưng không địch nổi, bị Xuy Vưu đánh giết tan tác. Viêm Đế đành phải chạy đến Trác Lộc., xin Hoàng Đế giúp đỡ. Hoàng Đế vốn đã muốn tiêu trừ hiểm họa đó, liền liên kết các bộ lạc, chuẩn bị người ngựa vũ khí, triển khai một cuộc đại quyết chiến với Xuy Vưu trên cánh đồng Trác Lộc.
Về trận đại chiến này, có rất nhiều truyền thuyết hoang đường, như nói rằng ngày thường Hoàng Đế đã nuôi sáu loại dã thú là hùng, bi, tì, hưu, khu, hổ khi đánh nhau thì thả chúng ra trợ chiến (có người cho rằng, sáu loại dã thú trên, thực tế là sáu thị tộc mang tên các dã thú đó). Quân của Xuy Vưu tuy hung dữ nhưng gặp phải quân của Hoàng Đế có dã thú giúp sức thì không địch nổi, liền tan vỡ tháo chạy.
Hoàng Đế dẫn quân thừa thắng đuổi theo, bỗng trời đất tối tăm, sương mù dày đặc, lại thêm cuồng phong dữ dội, sấm sét liên hồi, khiến quân của Hoàng Đế không sao đuổi được. Thì ra Xuy Vưu đã mời thần gió. thần mưa đến giúp. Hoàng Đế không chịu kém, liền mời Thiên Nữ giúp sức. Chỉ trong chớp mắt, trời quang mây tạnh, nên Xuy Vưu đã bị đánh bại. Lại có truyền thuyết nói rằng Xuy Vưu dùng yêu thuật, tạo ra sương mù dày đặc làm quân của Hoàng Đế mất phương hướng. Hoàng Đế liền dùng xe có kim chỉ nam dẫn đường, nhằm đúng hướng rút chạy của Xuy Vưu đuổi riết, kết quả đã bắt và giết được Xuy Vưu. Những truyền thuyết trên đã phản ánh mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh đó.
Các bộ lạc thấy Hoàng Đế đánh bại được Xuy Vưu, đều rất phấn khởi. Hoàng Đế được rất nhiều bộ lạc ủng hộ. Nhưng sau đó hai bộ lạc của Hoàng Đế và Viêm Đế lại nảy ra xung đột, hai bên đánh nhau một trận ở Ban Tuyền (nay là Đông Nam huyện Trác Lộc tỉnh Hà Bắc). Viêm Đế thất bại. Từ đó, Hoàng Đế trở thành thủ lĩnh của liên minh bộ lạc vùng Trung Nguyên.
Thời Hoàng Đế trong truyền thuyết, đã có rất nhiều phát minh sáng tạo, như làm nhà ở, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ sắc… Đương nhiên, những cái đó không thể là phát minh của một người, nhưng người đời sau đều qui công tất cả cho Hoàng Đế.
Theo truyền thuyết, Hoàng Đế có người vợ tên là Luy Tổ, tự mình làm mọi công việc lao động. Từ trước, giống tằm chỉ sống trong tự nhiên, người ta không biết tác dụng của nó, Luy Tổ dạy phụ nữ nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa. Từ đó, loài người mới có tơ lụa.
Hoàng Đế còn có một sử quan tên là Thương Hiệt, đã sáng tạo ra chữ viết thời cổ. Chúng ta không được thấy chữ viết thời đó, nên không có cách gì chứng minh việc này.
Trong các truyền thuyết thời cổ đại Trung Quốc, Hoàng Đế rất được tôn sùng. Người đời sau đều cho rằng Hoàng Đế là Thủy tổ, của tộc Hoa Hạ (tức tộc Hán ngày nay) và coi mình là con cháu Hoàng Đế. Vì Viêm Đế và Hoàng Đế vốn là thân thuộc, sau này hai bộ lạc lại hòa lẫn vào nhau, nên người Trung Quốc thường tự xưng mình là con cháu Viêm – Hoàng. Để kỷ niệm vị tổ tiên chung đó, đời sau người ta xây lăng Hoàng Đế ở Kiểu Sơn, phía Bắc huyện Hoàng Lăng tỉnh Thiểm Tây.
Lịch sử Trung Quốc 5000 năm,