Toc
Vào thời đó công xã thị tộc ở Trung Quốc không ngừng mở rộng hoặc sáp nhập, dần dần hình thành bộ lạc, vài bộ lạc cũng có thể gọi là Bộ tộc. Hoàng đế chính là một vị lãnh tụ của Liên minh Bộ lạc nổi tiếng ở lưu vực sông Hoàng Hà thời cổ đại Trung Quốc. Nên phân biệt rõ hai từ “Hoàng đế”, một là Hoàng Đế là tên người và một Hoàng đế là tên gọi nhà vua, kể từ Tần Thủy Hoàng. Bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng trở đi, người thống trị cao nhất của các triều đại Trung Quốc đều gọi là Hoàng đế. Về “Hoàng Đế” kể trong chuyện này là một con người cụ thể. Các nhà lịch sử cổ đại gọi lãnh tụ của Liên minh Bộ lạc này là lãnh tụ tài cán nhất trong lịch sử Trung Quốc, là tổ tiên của dân tộc Trung Hoa (chủ yếu là dân tộc Hán).
Truyền thuyết kể rằng Hoàng Đế họ Công Tôn, cũng có người nói ông mang họ Cơ, tên gọi là Hiên Viên. Ông vừa sinh ra đã rất thông minh, tuổi còn rất nhỏ đã hiểu được nhiều đạo lý. Khi lớn lên, ông nhiệt tâm làm việc vì quần chúng, được tiến cử làm thủ lĩnh bộ tộc.
Hoàng Đế “khai sáng” dân tộc Trung Hoa
Sau khi làm thủ lĩnh bộ tộc, Hoàng Đế đã lãnh đạo mọi người thay đổi cuộc sống săn bắt lang thang, dạy mọi người làm nhà dựng cửa để ở, thuần dưỡng gia súc, trồng trọt ngũ cốc, định cư ở lưu vực Hoàng Hà. Để tiện cho việc giao thông ở hai bờ Hoàng Hà, Hoàng Đế đã tạo ra thuyền và xe. Để đánh nhau với các bộ lạc khác, mọi người đã dùng ngọc vỡ, mài thành các loại binh khí. Ngọc, kỳ thực là một loại đá rắn.
Văn tự và lịch
Truyền thuyết kể rằng Hoàng Đế còn sai Sử quan của ông là Thương Hiệt chế tạo ra văn tự, thay thế phương pháp ghi chép sự việc một cách vụng về bằng buộc nút thừng trong thời kỳ Viễn cổ, mà bắt đầu dùng văn tự. Do Thương Hiệt tạo ra chữ, mọi người cũng đã hiểu được chữ số, đã phát minh ra toán thuật để tính số. Hoàng Đế còn sai thần tử là Đại Náo sáng tạo ra Giáp Tý, chính là dùng Thập thiên can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý phối hợp với Thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Tuất, Hợi, để ghi chép năm, tháng, ngày, giờ. Thập thiên can luân lưu sáu vòng, Thập nhị địa chi luân lưu năm vòng, vừa tròn 60 năm, điều này được gọi là một “Giáp tý”, hoặc “Hoa giáp”.
Âm nhạc
Truyền thuyết kể lại rằng, lúc đó con người đã hiểu âm nhạc, đã phát minh ra nhạc cụ như chuông, trống v.v…Hoàng Đế ra lệnh cho một nhạc sư tên gọi là Linh Luân dùng một ống trúc dài ba tấc chín phân làm thành âm luật có thể phát sinh ra 12 âm, dùng để hiệu chỉnh các loại âm thanh của nhạc cụ, làm cho các loại nhạc khí hài hòa tiết tấu.
Y dược
Trong thời Hoàng Đế, con người đã biết dùng y dược để chữa trị các loại bệnh tật. Có một quyển sách lí luận cơ sở Đông y học gọi là Hoàng Đế Nội Kinh, kỳ thực là trước tác của thời kỳ Chiến Quốc, Tần, Hán. Nhưng có truyền thuyết lại kể rằng tác giả là một vị thầy thuốc tên gọi là Kỳ Bá, thời Hoàng Đế.
Nghề nuôi tằm, dệt
Theo truyền thuyết, người vợ của Hoàng Đế tên gọi là Luy Tổ, cũng là một người rất thông minh, mẫn cán. Thấy con người mùa đông khoác da thú, mùa hạ xuyên lá cây vây quanh eo sườn, không có quần áo mặc, bà liền nghĩ ra nghề nuôi tằm kéo tơ, lấy tơ dệt thành luạ, lại còn cho nhuộm thành các loại màu sắc, dùng để may quần áo. Người đời sau đã suy tôn Luy Tổ là “Tiên tằm nương nương” để ghi ơn phát kiến quan trọng này.
Qua nhiều truyền thuyết có thể thấy rõ, ở thời kỳ Hoàng Đế đã bắt đầu có cuộc sống văn minh, đã bước vào thời kỳ đỉnh thịnh của thời đại đồ đá mới. Có thể vì lẽ đó mà Hoàng Đế luôn được coi là đại biểu kiệt xuất của dân tộc Trung Hoa vĩ đại, là tổ tiên chung của mọi người Trung Quốc. Người Trung Quốc đều bằng lòng coi mình là con cháu của Hoàng Đế.
Hoàng Đế đánh bại các tộc khác
Đánh bại Viêm Đế, sát nhập Viêm Hoàng
Khi bộ tộc của Hoàng Đế bắt đầu cuộc sống văn minh, trên dải đất Trung Quốc vẫn còn rất nhiều bộ tộc khác nữa. ở Tây Bắc lưu vực Hoàng Hà có một bộ tộc do Viêm Đế họ Khương làm thủ lĩnh. Bộ tộc Viêm Đế thấy vùng trung du Hoàng Hà đất đai tốt đẹp, liền dần di chuyển về hướng Đông Nam. Tới trung du Hoàng Hà, họ đã xung đột với bộ tộc bản địa Cửu Lê từng cư trú ở đó từ lâu. Hậu quả là bộ tộc Viêm Đế bị đánh bại. Viêm Đế đành phải dẫn bộ tộc chạy trốn tới địa bàn mà bộ tộc của Hoàng Đế đang cư trú, thế là lại phát sinh xung đột với bộ tộc Hoàng Đế và trận tử chiến ở Bản Tuyền đã xảy ra.
Bản Tuyền ở vùng Đông Nam huyện Trác Lộc, tỉnh Hà Bắc ngày nay, địa thế rất hiểm yếu. Bộ tộc Hoàng Đế chiếm lĩnh các địa hình có lợi nhất, có tới ba lần giao chiến kịch liệt với quy mô lớn, cuối cùng Hoàng Đế đánh bại được Viêm Đế. Đứng trước Hoàng Đế, Viêm Đế ngoan ngoãn chịu thua, đồng ý đem hai bộ tộc sáp nhập lại, tôn Hoàng Đế làm thủ lĩnh, bản thân Viêm Đế đảm nhiệm chức phó thủ lĩnh. Bộ tộc Hoàng Viêm hoặc bộ tộc Viêm Hoàng này chính là mô hình đầu tiên sớm nhất của dân tộc Trung Hoa. Về sau, người Trung Quốc vẫn tự xưng mình là duệ trụ của Viêm Hoàng. Duệ trụ có nghĩa là con cháu đời xa xưa.
Sau khi hai dân tộc Viêm Hoàng sáp nhập lại, Viêm Đế yêu cầu Hoàng Đế giúp ông rửa sạch mối sỉ nhục bị bộ tộc Cửu Lê đánh bại. Vừa hay lúc đó bộ tộc Cửu Lê cũng đang di chuyển về phía Đông Nam, uy hiếp sự an toàn của bộ tộc Viêm Hoàng. Thủ lĩnh bộ tộc Cửu Lê là Suy Vưu đã từng đánh bại Viêm Đế, do đó càng vênh vang tự đắc, xem thường bộ tộc Hoàng Viêm.
Đánh bại Suy Vưu
Theo truyền thuyết thì Suy Vưu cũng là một nhân vật đáng gờm. Suy Vưu có 81 người anh em, người nào cũng đều đầu người thân thú, đầu đồng, trán sắt, có tám cánh tay, chín ngón chân, trên mặt có các loại hoa văn màu sắc, có thể ăn được cát và đá. Lẽ dĩ nhiên đó chỉ là sự miêu tả ngoa ngôn trong sách cổ. Căn cứ vào sự miêu tả hoang đường này, chúng ta có thể suy đoán, đại đế Suy Vưu là một thủ lĩnh của một bộ tộc dã man; bộ tộc Cửu Lê của Suy Vưu so với bộ tộc Hoàng Viêm thì lạc hậu hơn nhiều.
Hiệp thứ nhất
Để rửa thù, cũng là uy hiếp sự chống đối của bộ tộc Cửu Lê, Hoàng Đế và Viêm Đế đã làm rất nhiều công tác chuẩn bị. Chẳng hạn, hướng dẫn người trong bộ tộc mài chế rất nhiều dao đá, rìu đá, rèn tập được một đội quân tinh nhuệ. Mấy phân đội của đội quân này đã lấy tên các mãnh thú Hổ, Báo, Gấu, Beo v.v… đặt tên cho mình. Thủ lĩnh của đội Hổ thân khoác da hổ, thủ lĩnh của đội Báo thân choàng da báo, mượn oai phong của mãnh thú để khuyếch trương thanh thế, hù dọa kẻ thù. Các ngài còn chế định ra phương án tác chiến tỉ mỉ.
Cuộc đại chiến giữa bộ tộc Hoàng Viêm với bộ tộc Cửu Lê cuối cùng đã nổ ra ở vùng Trác Lộc. Hai bên tác chiến, một phía do Suy Vưu và 81 người anh em của hắn đánh ở đầu trận, một phía đội quân Hổ, Báo, Gấu, Beo do Hoàng Đế và Viêm Đế chỉ huy làm tiên phong. Căn cứ vào sự miêu tả trên sách cổ thì trận đánh nhau này diễn ra rất kịch liệt, cả hai bên đều mời quỷ thần đến trợ chiến.
Cuộc đại chiến vừa bắt đầu, Hoàng Đế đã ra lệnh cho ứng Long đảm nhận chức Đại tướng, chặt đứt Giang Hà, chuẩn bị thủy tai làm cho Suy Vưu chết chìm. Suy Vưu không can tâm tỏ ra yếu đuối, đã sớm mời Phong Bá Vũ Sư tới thổi gió lớn, đổ mưa to. Hoàng Đế thấy Suy Vưu có thể hô gió, gọi mưa, liền nhanh chóng mời nữ thần Hạn Bạt dùng ánh nắng gay gắt và gió bão hanh khô đuổi bay hết gió to, mưa lớn.
Hiệp thứ hai
Hiệp thứ nhất, Suy Vưu bị thua, liền thi hành một tuyệt chiêu, gây ra sương mù lớn. Sương mù lớn nhiều làn khói đặc bao phủ kín suốt ba ngày đêm, làm cho người của bộ tộc họ Viêm Hoàng thò tay ra không nhìn thấy năm ngón tay, tất cả đều lạc mất phương hướng, chẳng những không nhìn rõ kẻ thù ở trước mặt, mà ngay tới người của mình đều thất tán lẫn nhau. Hoàng Đế vội sai đại tướng Phong Hởu dựa theo nguyên lý chỉ huy phương hướng của sao Bắc Đẩu chế tạo ra xe chỉ Nam dùng nhận biết phương hướng. Họ dựa vào xe chỉ Nam, nhận biết được đại bản doanh của Suy Vưu, phát động một cuộc tiến công mãnh liệt.
Lúc này Suy Vưu đang đắc ý nhìn làn sương mù dày đặc và cho rằng bộ tộc Hoàng Viêm sẽ bị lạc phương hướng, không nhúc nhích được, thắng lợi đã ở trong tầm tay. Suy Vưu hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi quân của Hoàng Đế đã dựa vào sự chỉ dẫn của xe chỉ Nam, lúc này đã xông tới trước mặt đại bản doanh của mình rồi. Suy Vưu trở tay không kịp, cuối cùng đã bị đánh tan và bị bắt làm tù binh.
Hoàng Đế bắt được Suy Vưu, sai ứng Long áp giải tới hang Hung Lê, lệnh cho chặt đứt đầu. Hoàng Đế và Viêm Đế còn đem toàn bộ tộc Cửu Lê của Suy Vưu sáp nhập vào bộ tộc Hoàng Viêm. Một số quân của bộ tộc Cửu Lê không chịu đầu hàng, vội vã chạy trốn tới vùng ven biển và hải đảo ở phương Nam. Họ chính là tổ tiên của bộ tộc Lê sau này. Cửu Lê hoặc bộ tộc Lê kỳ thực cũng chỉ là các dân tộc anh em cùng lớn lên trên dải đất Trung Hoa rộng lớn.
Cuộc chiến giữa Hoàng Đế và Suy Vưu có phần hơi “hoang đường” nên trong nhiều tài liệu lịch sử khác nhau lại kể khác nhau, xem thêm một bài viết khác cũng mô tả về cuộc chiến này.
Kết luận
Trong truyền thuyết, cuộc đại chiến giữa Hoàng Đế và Suy Vưu ở Trác Lộc, được mô tả rất hoang đường, thế nhưng nó cũng hé ra được một số đầu mối giúp vào việc nghiên cứu sự phát triển của lịch sử nhà nước Trung Quốc trong thời Viễn cổ.
Không những thế, nó còn cho biết, trong thời Viễn cổ, giữa các bộ tộc hoặc liên minh bộ tộc đã có sự xung đột rất lợi hại, hơn thế đã phát sinh ra những cuộc chiến tranh. Những truyền thuyết đó còn phản ánh rõ cội nguồn sâu xa của các dân tộc Trung Hoa. Và vì sao người Trung Hoa lại luôn tự hào gọi mình là con cháu của Hoàng Đế.
Thông sử Trung Quốc,