Cải cách của Tuliút bước đầu đã xoá bỏ được sự cách biệt giữa người Pơlép và Patơrixi về mặt nguồn gốc huyết tộc, nhưng vẫn chưa mang lại cho người Pơlép địa vị tương xứng với vai trò, vị trí của họ trong xã hội.
Người Pơlép hầu như vẫn không có quyền lợi chính trị, kinh tế, không được chia ruộng đất công; không được kết hôn với người gốc Rôma, không được cử đại diện của họ tham gia bộ máy nhà nước, và thường bị xét xử bất công trong các toà án. Do vậy, cuộc đấu tranh giữa Pơlép với quý tộc Patơrixi trở thành một vấn đề sống còn của cộng đồng người Pơlép. Viện nguyên lão buộc phải cử một phái đoàn đến thương lượng và nhượng bộ. Người Pơlép được quyền cử những đại diện của họ – những quan bảo dân – lúc đầu là 2 rồi là 4, 6 và 10 để bảo vệ, bênh vực quyền lợi cho người Pơlép, giám sát và có ý kiến đối với những dự luật và việc làm của chính quyền Rôma.
Theo thỏa thuận, quyền lực và tư cách của quan bảo dân (Tribun) là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bên cạnh các cơ quan của nhà nước Cộng hòa, quan bảo dân có quyền phủ quyết đối với các dự luật hay đề án chính sách của Viện nguyên lão nếu xét thấy có hại cho quyền lợi của người bình dân. Quan bảo dân cũng có quyền tham dự và theo dõi các phiên họp của Viện nguyên lão để có thể can thiệp trực tiếp hay phủ quyết tại chỗ những quyết nghị không có lợi cho người Pơlép. Tuy vậy, trong thể chế cộng hoà quyền hạn của quan bảo dân vẫn không phải là vô biên.
Theo thỏa thuận, quan bảo dân không được quyền chỉ huy quân sự và những quyền lực của quan bảo dân chỉ có hiệu lực trong phạm vi thành Rôma. Trong trường hợp Tổ quốc lâm nguy, khi 1 trong 2 chấp chính quan được cử làm “độc tài” thì quyền hành của bảo dân quan tạm thời bị đình chỉ.
Đầu thế kỉ V TCN, được sự thừa nhận của chính quyền Rôma, những người bình dân Pơlép đã tổ chức ra những đại hội bình dân của họ. Tới năm 471 TCN, đại hội bình dân lấy biểu quyết theo bộ lạc nên đại hội này còn gọi là đại hội bộ lạc. Do việc bình dân Pơlép chiếm tỉ lệ cao trong số dân cư Rôma, nên những người Pơlép đã tự coi đại hội bình dân của họ là đại hội của toàn thể cư dân Rôma, Những quyết nghị của đại hội bình dân có hiệu lực như pháp luật với toàn thể công dân Rôma. Như vậy bên cạnh đại hội Xenturi, đại hội bình dân của những người Pơlép đã có vai trò khá quan trọng.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/van-hoa-roma-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/cac-cuoc-dau-tranh-va-khoi-nghia-no-le-o-roma-thoi-cong-hoa/
- https://ngaydacbiet.com/tinh-hinh-nghien-cuu-lich-su-roma-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-ki-khung-hoang-suy-vong-cua-de-quoc-chiem-huu-no-le-roma-the-ki-iii-the-ki-v/
- https://ngaydacbiet.com/dieu-kien-tu-nhien-va-tinh-hinh-dan-cu-roma-thoi-co-dai/
Năm 445 TCN, người bình dân Pơlép lại đạt được một thắng lợi mới. Đạo luật Canulêiuxơ đã được ban hành, cho phép người bình dân Pơlép được quyền tự do kết hôn với những người tầng lớp “quý tộc” Patơrixi.
5 năm sau, cuộc đấu tranh của người Pơlép đòi quyền bình đẳng trước pháp luật cũng giành được thắng lợi. Trước áp lực của những người bình dân và đại hội bình dân. Viện nguyên lão đã đi đến quyết định cải tổ lại luật pháp theo hướng cải cách của Xôlông ở Aten (Hi Lạp). Uỷ ban dự thảo pháp luật mới gồm 10 người đã được thành lập và làm việc khẩn trương trong 2 năm. Kết quả là một bộ luật mới, hoàn chỉnh đã được ban hành – bộ luật thành văn đầu tiên của lịch sử Rôma – đề cập tới nhiều mặt trong đời sống xã hội của người Rôma ví như thể thức tố tụng xét xử, quyền thừa kế tài sản, việc cho vay nợ lãi, quan hệ gia đình, địa vị và trách nhiệm của người phụ nữ… Vì bộ luật ấy được khắc trên 12 tấm bảng đồng và đặt công khai ở các quảng trường cũng như ở các nơi công cộng, nên lịch sử thường gọi là luật 12 bảng.
Nếu tính từ cải cách của Tuliút (giữa thế kỉ VI TCN) đến năm 287 TCN, cuộc đấu tranh của những người bình dân Pơlép đã kéo dài gần 300 năm. Những mục đích yêu cầu của người Pơlép trên mọi phương diện từng bước một đã được thỏa mãn.
Những thắng lợi mà người bình dân Pơlép đã giành được trong các cuộc đấu tranh bền bỉ, gian khổ và kéo dài suốt gần 3 thế kỉ đã dẫn tới sự thống nhất cộng đồng người Rôma, tạo nên khối Công dân Rôma, cơ sở xã hội bền vững của thể chế cộng hòa. Tuy nhiên, cũng từ đó, trong xã hội Rôma cũng bắt đầu xuất hiện những cơ cấu giai cấp mới, những tiền đề của sự phân hoá. Trong hàng ngũ những người bình dân đã xuất hiện một bộ phận nhỏ bình dân có chức, có quyền vươn lên, hoà nhập dần với giai cấp quý tộc cũ, tạo nên tầng lớp quý tộc mới, chi phối nền Cộng hoà Rôma. Khái niệm bình dân vì thế cũng thay đổi đi.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,