Hi Lạp được coi là quê hương của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau của khoa học tự nhiên (Thiên văn học, địa lí, toán học, vật lí, sinh vật, y dược). Là nơi sản sinh ra những con người khổng lồ, kiến thức uyên bác, với những thành tựu đáng giá đóng góp cho kho tàng khoa học tự nhiên của lịch sử nhân loại.
Toán học
Toán học Hi Lạp với Talét (thế kỉ VI TCN), Pitago (580 – 500 TCN), Ơcơlít, Acsimét (285 – 212 TCN)… đã vượt qua cách tính nhân, chia, cộng, trừ sơ cấp, vươn tới sự khái quát thành những định lí, định đề, nguyên lí vẫn được sử dụng trong toán học hiện đại: Định lí Pitago, định lí Talét, định luật Acsimét, định đề Ơcơlít…
Các nhà toán học Hi Lạp cổ đại đã phát minh và đặt cơ sở cho môn hình học. Họ đã tính được độ dài của chu vi quả đất (39.700 km), đường kính, diện tích và chu vi các hình với việc tìm ra giá trị của số đo pi = 3,1324.
Talét (Thế kỉ VI TCN) nhà toán học, thiên văn học và triết học Hi Lạp, quê ở Milê. Người đầu tiên đo được chiều cao của Kim tự tháp nhờ phương pháp đo và tính bóng của nó trên mặt đất. Talét cũng là nhà thiên văn học đầu tiên tính toán và dự báo chính xác ngày xảy ra nhật thực ở Milê – ngày 28 – 5 – 585 TCN.
Pitago (580 – 500 TCN) nhà số học nổi tiếng, quê ở đảo gamốt (thuộc biển Êgiê) người theo chủ trương xây dựng nền chính trị bảo thủ nên đã bỏ Xamốt sang sống ở Nam Hi Lạp, đã từng mở trường dạy học. Pitago (và những học trò của ông) đã có công tổng kết những tri thức về số học, thiết lập nhiều công thức, định lí toán học trong đó có định lí Pitago “Tổng bình phương của hai cạnh góc vuông bằng bình phương của cạnh huyền trong một tam giác”. Pitago còn là nhà thiên văn học tiến bộ thừa nhận trái đất hình cầu, chuyển động theo một quỹ đạo nhất định.
Acsimét (285 – 212 TCN) – nhà vật lí có tên tuổi nhất, người chế tạo ra những hệ thống máy móc đầu tiên ở Hi Lạp – quê ở Xixin (thành bang Xiracudơ) tác giả của định luật Acsimét, người phát hiện ra sức đẩy của nước (bằng chính trọng lượng của vật ở trong nước), phát hiện ra nguyên lí của phép đòn bẩy. Khi Rôma tấn công Xiracudơ, Acsimét đã phát minh ra nhiều vũ khí, máy móc bảo vệ thành: kính hội tụ để sử dụng ánh nắng mặt trời đốt cháy thuyền Rôma; máy bơm nước sử dụng tay để hút nước cho các chiến thuyền Hi Lạp. Acsimet cũng là người tìm ra giá trị của số pi = 3,1324. Acsimét bị quân Rôma giết chết ngay trong phòng thí nghiệm của ông ở Xiracudơ.
Ơcơlít (nửa đầu thế kỉ III TCN), nhà toán học quê ở Alexandria (Ai Cập) người có công tập hợp nhiều nhà toán học và nhiều công trình toán học về Alexandria; người đầu tiên biên soạn sách giáo khoa hình học.
Thiên văn học
Về thiên văn học, người Hi Lạp cũng có những thành tựu và đóng góp đáng kể với tên tuổi của các nhà thiên văn sáng giá: Talét (thế kỉ VI TCN), Pitago (580 – 500 TCN), Arixtác (khoảng thế kỉ III TCN), Eraxtôten (281 – 192 TCN), Hecataút.
- Các nhà thiên văn Hi Lạp đã nghiên cứu và công bố những bản đồ thiên văn Babylon;
- dự đoán được ngày nguyệt thực, nhật thực (Talét);
- thừa nhận quả đất hình cầu và chuyển động theo một quỹ đạo nhất định (Pitago);
- đề ra thuyết về hệ thống mặt trời và thuyết trái đất tự xoay quanh nó và xoay quanh mặt trời (Arixtác, người ở đảo Xamốt);
- tính được độ dài của chu vi quả đất với con số tương đối chính xác 39.700 km (Eraxtôten, người ở Alexandria);
- vẽ được bản đồ đầu tiên của thế giới (Hêcataút);
- tính được một năm có 365 ngày và 5/19 của ngày (Mêtôn, thế kỉ V TCN).
Y học
Về y học, Híppôcơrát (460 – 377 TCN) được coi là “ông tổ của khoa học y dược”, là người đả phá mạnh những tư tưởng mê tín, dị đoan trong chữa bệnh, đề ra việc chữa bệnh bằng phương pháp khoa học và yêu cầu đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp đối với các thầy thuốc.
Hêrôphin (đầu thế kỉ III TCN) là người đầu tiên nêu ra luận điểm não là trung tâm hệ thần kinh, chỉ huy các hoạt động của con người. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra học thuyết về sự tuần hoàn của máu và phương pháp khám bệnh thông qua việc bắt mạch (nhanh, chậm) của bệnh nhân.
Hêracơlít – người xứ Tarentum – nổi tiếng trong giới phẫu thuật Hi Lạp. Tương truyền, khi mổ xẻ, Hêracơlít đã sử dụng thuốc mê để giảm sự đau đớn cho bệnh nhân.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,