Toc
Nhờ việc thiết lập thể chế cộng hòa và quy chế công dân Rôma, thành bang Rôma bên bờ Tibrơ đã có thêm sức mạnh. Nền kinh tế đã phát triển, an ninh xã hội ổn định, lực lượng quân sự hùng hậu, cộng vào đó nhu cầu về ruộng đất cũng tăng lên. Thực tế đó cùng với tham vọng mở rộng uy lực của tầng lớp quý tộc Rôma đã đặt Rôma trước một đòi hỏi khẩn thiết: bành trường và mở rộng lãnh thổ.
Quá trình bành trướng của Rôma đã diễn ra trong suốt gần 200 năm và đã trải qua 2 thời kì – Thời kì Rôma thống nhất bán đảo Italia và thời kì vươn ra khống chế, làm chủ cả khu vực Địa Trung Hải.
Rôma thống nhất bán đảo Italia
Vùng đất đầu tiên mà người Rôma để mắt tới là những vùng đất đai của người Êtơruxcơ ở giữa 2 sông Ácnô và Tibrơ. Người Êtơruxcơ lúc này đã suy yếu, tuy nhiên họ vẫn kháng cự quyết liệt để bảo toàn lãnh thổ của họ. Trận kịch chiến cuối cùng giữa người Êtơruxcơ và quân Rôma đã diễn ra ở thành Vêi – thành phố nằm bên hữu ngạn sông Tibrơ – quân Rôma đã liên tục vây hãm và tấn công thành trong suốt 10 năm (từ năm 406 đến 396 TCN).
Thành Vei của người Êtơruxcơ bị san phẳng, tất cả dân cư đều bị biến thành nô lệ.
Sau khi giải phóng xong những vùng đất của người Êtơruxcơ ở phía bắc, Rôma bắt tay vào việc mở rộng cương vực của mình ra đồng bằng Latium. Sự chống đối của cộng đồng người Latinh ở đây không đáng kể vì bản thân người Latinh đồng tộc cũng mong muốn được hoà nhập vào khối công dân Rôma.
Tiếp đó, Rôma bắt đầu vươn xuống vùng lãnh thổ miền Trung Italia, nơi vốn dĩ đang thuộc quyền cai quản của người Samnium.
Suốt non nửa thế kỉ, người Rôma đã phát động 3 chiến dịch lớn nhằm thôn tính vùng đất của người Samnium. Chiến dịch thứ nhất xảy ra vào các năm 343 – 341 TCN, chiến dịch thứ II (năm 326-304 TCN) và chiến dịch thứ III (năm 298 – 290 TCN).
Người Samnium cam chịu thất bại. Vùng đất mênh mông ở Trung Italia đã thuộc quyền kiểm soát của Rôma.
Nhân đà thắng lợi, Rôma mở rộng cương vực của mình xuống phía nam, nhòm ngó các thành bang của Hi Lạp ở miền cực Nam và trên đảo Xixin. Những cuộc hành quân lớn đã được thực hiện. Đầu thế kỉ III TCN, người Rôma đã chiến thắng Lucanium và Campanium ở miền Nam. Năm 280 TCN, Rôma đã kịch chiến với Tarentum, thành bang mạnh nhất của người Hi Lạp miền Nam Italia. Trong trận kịch chiến đẫm máu cuối cùng đã xảy ra ở Bênêventô năm 275 TCN, liên quân Tarentum, Epia thất bại hoàn toàn, Piruxơ vội vã rút quân về Hi Lạp. Thành bang Tarentum lọt vào tay người Rôma và các thành bang khác của người Hi Lạp ở Nam Italia cũng lần lượt quy thuận. Rôma đã làm chủ phần đất rộng lớn cuối cùng của bán đảo Italia. Năm 275 TCN được coi là năm cuối cùng đánh dấu sự hoàn thành chinh phục toàn bộ Italia của Rôma.
Rôma vươn lên giành quyền bá chủ khu vực Địa Trung Hải
Xâm chiếm và làm chủ toàn bộ Italia, Rôma chiếm thêm được nhiều đất đai, thỏa mãn quyền bình đẳng về ruộng đất của các công dân, chiếm thêm được nhiều hải cảng quan trọng ở miền Nam. Nhờ học hỏi được kĩ thuật đóng thuyền của người Hi Lạp, lần đầu tiên Rôma đã xây dựng được lực lượng hải quân của mình với 120 chiến thuyền trọng tải lớn. Sức đang mạnh, thế đang lên, Rôma đã không dừng lại tham vọng mở rộng cương vực. Tuy nhiên, người Rôma đã vấp phải những trở ngại: ở phía tây Địa Trung Hải là thế lực của Cáctagô; phía đông là những thế lực hùng mạnh của người Macedonia, Syria. Những cuộc chiến tranh lớn kéo dài nhiều năm giữa các thế lực đã và đang muốn làm bá chủ khu vực Địa Trung Hải đã bùng nổ.
+ Chiến tranh Rôma – Cáctagô (264-146 TCN)
Lịch sử quen gọi cuộc Chiến tranh giữa Rôma và Cáctagô là cuộc chiến tranh Punic, cuộc chiến tranh này đã kéo dài 120 năm (264-146 TCN) và là cuộc chiến gian khổ, tốn kém nhất của Rôma.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/thoi-dai-ogustuxo-the-ki-i-ii-thoi-ki-cuc-thinh-cua-che-do-chiem-no-roma/
- https://ngaydacbiet.com/dieu-kien-tu-nhien-va-tinh-hinh-dan-cu-roma-thoi-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/nhung-cuoc-dau-tranh-cua-nguoi-binh-dan-polep-plebs/
- https://ngaydacbiet.com/van-hoa-roma-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/su-thanh-lap-che-do-cong-hoa/
Nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ chiến tranh Rôma – Cáctagô là những biến động xảy ra trên đảo Xixin, nơi mà cả Rôma và Cáctagô đều đang thèm khát, mưu toan biến thành vùng lãnh thổ của riêng mình.
Sau hai chiến dịch, Cáctagô bị đè bẹp. Nhưng đến năm 201 TCN, viện cớ Cáctagô vi phạm hiệp ước, Rôma đã đem đại quân sang Cáctagô với tối hậu thư buộc Cáctagô phải phá huỷ thành phố của họ, rời sâu vào nội địa ít nhất 15 km cách bờ biển, từ bỏ nghề hàng hải, phải giao nộp toàn bộ chiến thuyền và đưa 300 quý tộc Cáctagô sang Rôma để làm con tin. Những yêu cầu quá đáng của Rôma đã buộc Cáctagô phải cầm vũ khí để tự vệ dù sức và lực có kém xa Rôma.
Suốt 2 năm kiên trì chống trả, cuối cùng vào năm 146 TCN, người Cáctagô đành cam chịu thất bại. Rôma tiến hành cuộc thảm sát tàn khốc trong suốt 6 ngày đêm. Thành Cáctagô bị thiêu huỷ. Thành bang Cáctagô có lịch sử lâu đời và trù phú đã bị Rôma xoá tên và thành một bộ phận của thế giới Rôma.
Chiến tranh Rôma – Cáctagô kết thúc.
+ Chiến tranh Rôma – Macedonia (từ năm 214 đến năm 168 TCN) và chiến tranh Rôma – Syria (từ năm 192 đến năm 189 TCN)
Bành trướng và mở rộng cương vực sang Đông Địa Trung Hải, Rôma đã gặp các thế lực đang nắm quyền khống chế khu vực này, đó là Macedonia và Syria.
Chiến tranh Rôma – Macedonia thật sự bắt đầu kể từ khi người Ai Cập yêu cầu Rôma giúp đỡ để giành lại những đất ở hải ngoại của Ai Cập bị Macedonia xâm chiếm.
Trong suốt những năm từ 171 đến 168 TCN, Rôma đã liên tục tổ chức những cuộc hành quân tấn công quyết liệt với dã tâm biến Macedonia thành một “tỉnh” của đế chế Rôma. Năm 168 TCN, người Macedonia đại bại tại trận Pítna (Nam Macedonia), Rôma đã chia xứ Macedonia thành 4 vùng tự trị, không được liên hệ với nhau và cùng lệ thuộc vào Rôma. Cho tới năm 147 TCN, Macedonia mất cả quyền tự trị, trở thành một “tỉnh” Rôma.
Chiến thắng của Rôma trước Macedonia đã kết thúc quá trình bành trướng của Rôma ở Đông Địa Trung Hải, xác lập quyền thống trị của người Rôma khu vực này.
Sau khi làm chủ toàn Italia, từ năm 264 đến năm 146 TCN, Rôma đã lần lượt đánh gục những thế lực cạnh tranh của mình ở cả Tây và Đông Địa Trung Hải, thâu tóm trong tay mình những vùng đất rộng lớn, làm chủ toàn bộ khu vực Địa Trung Hải, thao túng hoàn toàn trên biển, biến Địa Trung Hải thành cái “ao nhà” của Rôma.
Từ một thành bang non trẻ, Rôma đã vươn lên bá chủ hoàn toàn khu vực Địa Trung Hải.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,