Câm thù bọn thống trị ngoại tộc trong suốt 150 năm bị người Híchxốt đô hộ, người Ai Cập đã luôn luôn nổi dậy chống lại. Lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng Ai Cập lúc ấy là một quý tộc lên là Atmet I (Almes) ở thành Tebơ. Sau khi đã đánh đuổi được quân xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước (năm 1560 TCN) Atmet I trở thành người sáng lập vương triều XVIII (1580 – 1314 TCN), mở đầu thời kì mới trong lịch sử Ai Cập – thời Tân vương quốc.
Vương triều XVIII (1580 – 1314 TCN)
Sau khi lên ngôi và định đô ở thành Tebơ, Almet I đã tiến hành ngay các cuộc viễn chinh xâm lược nhằm mở rộng lãnh thổ của vương quốc. Đuổi theo quân Híchxốt. Atmet I đã tiến quân vào Tiền Á, đến tận vùng Palestine và Syria. Ở Nubi, Almet I cũng giành được nhiều thắng lợi và chiếm lại được toàn bộ đất đai mà trước kia đã thuộc về Ai Cập.
Người nối ngôi và cũng là người kế tục chính sách bành trướng của Atmet I là Amenkhôtep I. Dưới thời trị vì của ông, quân đội Ai Cập đã tấn công vùng Ethiopia và Libya, sáp nhập đất đai của những khu vực này vào lãnh thổ Ai Cập. Amenkhôtep I còn tiến sang cả Syria và Palestine, nhưng những nguồn tài liệu ít ỏi không cho ta biết gì chi tiết hơn về cuộc viễn chinh này.
Tham vọng bành trướng, chiếm đất để thành lập một đế quốc Ai Cập rộng lớn được thể hiện rõ nhất dưới thời vua Tutmet I, người nối ngôi và là em rễ của Amenkhôtep I. Bỏ qua những nước nhỏ không dám chống đối, Tutmet I tiến thẳng đến phía bắc sông Ơphơrát (Euphrate) và ở đây quân Ai Cập đã đánh tan đội quân hùng mạnh của Vương quốc Mitanni. Cũng tại đây, Tutmet I đã để lại bút tích của mình, gọi vùng mới chiếm là “lãnh thổ” của Ai Cập, đánh dấu điểm xa nhất về phía bắc của đường biên giới của Ai Cập mà giờ đây nó đã trải dài từ miền Nam Êtiôpia đến vùng trung lưu Ơphơrát.
Dưới thời Tutmet III – một ông vua, một ông tướng chỉ huy tài giỏi, quân đội Ai Cập liên tiếp tiến công sang châu Á và liên tiếp giành thắng lợi. Trong 42 năm trị vì, Tutmet III đã 15 lần dẫn quân đi viễn chinh, trong đó có trận chiến đấu ác liệt ở thành Kates trên bờ sông Côntơ, quân Ai Cập đã chiến thắng liên quân của các tiểu quốc miền Tiền Á, triệt hạ thành trì kiên cố này, thanh thế lừng lẫy khắp miền Tây Á.
Thời kì thống trị của Tutmet III là thời kì lực lượng quân sự của Ai Cập phát triển mạnh nhất, cũng là thời kì hình thành đế quốc Ai Cập rộng lớn. Hoảng sợ trước sức mạnh quân sự của Ai Cập, hầu hết những nước nhỏ còn lại ở vùng Tiền Á và thậm chí cả những đảo ở Địa Trung Hải cũng đều phải cống nạp hay kết bạn đồng minh với Ai Cập. Trên tường hâm mộ một nhà quý tộc có tên là Menheperaxnep có miêu tả những người mang cống nạp kèm theo dòng chữ chỉ rõ đó là những người đứng đầu các thành bang Tunip và Kates, quốc vương Hatti và Kêphtuy (tức đảo Crét).
Vương triều XIX (1314 – 1200 TCN)
Những Pharaoh đầu tiên của vương triều XIX, một mặt ra sức củng cố chính quyền ở trong nước và ở những vùng mới bị chiếm đóng, mặt khác tăng cường lực lượng quân đội để có thể tiếp tục chính sách xâm lược.
Hôremhep – người sáng lập ra vương triều XIX (1314 – 1200 TCN), đã tổ chức nhiều cuộc viễn chinh sang vùng Nubi tấn công vương quốc Punt. Đặc biệt, dưới thời Ramses II (1317 – 1251 TCN), quân Ai Cập đã hai lần tấn công sang Syria. Nhưng sau hai lần chiến tranh giữa Ai Cập và Hatti, hai bên đều không phân thắng bại, cuối cùng phải đi đến kí hòa ước vào năm 1296 TCN, miền Nam Syria lại trở lại phụ thuộc Ai Cập.
Thế là, do chính sách bành trướng bằng vũ lực của các Pharaoh thuộc vương triều XVIII và XIX, Ai Cập dần dần trở thành một đế quốc rộng lớn – biên giới phía bắc giáp vùng Tiền Á, biên giới phía nam đến tận xứ Nubi với khoảng cách dài gần 3200 km.
Các đời vua kế tiếp sau Ramses II cũng rất ham chiến trận, đã nhiều lần tiến hành chiến tranh với các dân tộc láng giềng, nhưng chủ yếu là để giữ vững đường biên giới và ảnh hưởng của Ai Cập ở những vùng này. Cho đến thời Ramses III, Ai Cập vẫn giữ được thế nước của mình, là một đế quốc rộng lớn và hùng mạnh nhất trong khu vực.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,