Toc
Sau cải cách Xôlông, chế độ nô lệ vì nợ ở Aten chấm dứt. Nguồn nô lệ chủ yếu cung cấp cho xã hội Aten là những tù binh trong các cuộc chiến, những nạn nhân của những vụ cướp biển và những nô lệ được mua và bán từ nước ngoài về. Tuyệt đại bộ phận nô lệ ở Aten là gốc người châu Phi, Tiểu Á, vùng Hắc Hải.
Có bao nhiêu nô lệ ở Aten vào thời kỳ này?
Cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác số lượng nô lệ ở Aten. Atênê – nhà văn Hi Lạp thế kỉ III – cho rằng ở Aten có khoảng 40 vạn nô lệ, 2 vạn dân tự do, 1 vạn kiều dân Mêtéc. Trong tác phẩm “Nhân khẩu của thế giới Hi Lạp – Rôma” (xuất bản năm 1886), nhà sử học Đức – Bêlốc – lại cho rằng Aten (ở thời điểm cao nhất) số lượng nô lệ cũng chỉ đạt tới 10 vạn (cùng 10 vạn dân tự do và 30 vạn kiều dân Mêtéc). Còn F.Enghen trong “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” lại đưa ra một số liệu khác: 365.000 nô lệ, (90.000 dân tự do và 45.000 kiều dân Mêtéc). Nhà sử học Nga – Nikiphơrốp – dù không nêu ra một con số cụ thể nhưng ông đã dự đoán tỉ lệ nô lệ so với dân tự do: “Ngay ở những thành bang Hi Lạp phát đạt nhất, số nô lệ không vượt quá 90% và cũng không ở dưới mức 15% cư dân thành thị”.
Nô lệ được sử dụng trong các hoạt động kinh tế và xã hội
Sức lao động của nô lệ được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong đời sống kinh tế, xã hội của người Aten. Trong nông nghiệp, lao động của nô lệ ít được sử dụng, số lượng nô lệ nông nghiệp không nhiều, vì nông nghiệp Aten chủ yếu trồng nho, ôliu – một loại cây trồng đòi hỏi sự chăm sóc công phu, cẩn thận, khi thu hoạch cũng phải hết sức nhẹ nhàng, thận trọng (để khỏi dập, vỡ ảnh hưởng đến chất lượng rượu, dầu ôliu). Lao động nô lệ được sử dụng phổ biến và với quy mô lớn chủ yếu trong hoạt động kinh tế công, thương nghiệp. Có xưởng sử dụng 20, 30 nô lệ, nhưng cũng có đa số xưởng đã sử dụng tới hàng trăm nô lệ. Tại các xưởng khai thác mỏ, sức lao động của nô lệ được sử dụng nhiều nhất, số lượng đông nhất. Mỏ bạc ở Lôriông – do nhà nước quản lí – đã sử dụng tới hàng nghìn nô lệ”.
Sức lao động của nô lệ còn được sử dụng triệt để trong việc xây dựng các công trình công cộng, khai thác đá, những công việc tạp địch trong các gia đình chủ nô (chăm sóc vườn gia súc, giữ ngựa, nấu bếp, hầu hạ…). Trong thương mại, nô lệ được sử dụng chủ yếu để chèo thuyền, khuân, bốc dỡ hàng hóa, phục dịch ở các hiệu buôn. Khi có chiến tranh, nô lệ được huy động để chèo thuyền chiến, vận chuyển lương thực, vũ khí. Ở thủ đô Aten, nhà nước đã sử dụng 300 nô lệ người xứ Xíttơ (vùng Đanuýp) làm cảnh sát.
Những nô lệ cảnh sát này thực hiện nhiệm vụ của họ một cách mẫn cán, trung thành và cứng rắn.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/van-hoc-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/lich-su-hi-lap-thoi-ky-home-tu-the-ky-xi-den-the-ky-ix-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/su-ra-doi-nha-nuoc-dan-chu-chu-no-aten-the-ki-vii-the-ki-vi-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/nhung-thanh-tuu-khoa-hoc-tu-nhien-cua-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-ki-xuat-hien-xa-hoi-co-giai-cap-nha-nuoc-trong-lich-su-hi-lap/
Sở hữu, mua bán nô lệ,… được pháp luật công nhận và bảo hộ
Dù là nô lệ của tư nhân hay của nhà nước, luật pháp Aten quy định nô lệ là sở hữu riêng, tài sản riêng của chủ nô. Nô lệ là “công cụ biết nói” – không có tài sản, không có gia đình không có tên gọi (thường được gọi theo quê quán). Để phân biệt và để nhận biết nô lệ của mình, chủ nô thường khắc dấu trên trán mỗi nô lệ. Chủ nô bỏ tiền ra mua nô lệ, nô lệ hoàn toàn thuộc về sở hữu của họ, có nghĩa vụ lao động sản xuất và phục dịch. Luật pháp thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu này. Chủ nô có quyền bán, mua, nhượng đổi, thừa kế cho người khác nô lệ của họ, hành hạ đánh đập, thậm chí có thể giết chết nô lệ của mình.
Việc bán, mua, đổi chác nô lệ là việc thường ngày, công khai và đậm tính thương mại. Nô lệ ở Aten đã thành một món hàng hóa. Aten có những chợ chuyên bán nô lệ. Nô lệ được đem bán như người ta bán gia súc. Người mua xem xét, xoi mói từ dáng dấp, cái răng, cái tóc đến những khả năng có thể có được của nô lệ. Giá cả không ổn định, phụ thuộc vào số tù binh có được sau mỗi cuộc chiến, số lượng người bị bắt trong các vụ cướp biển và vào khả năng, nghề nghiệp của nô lệ. Những nô lệ vốn là thợ thủ công giỏi, vũ nữ, nhạc công… bao giờ cũng cao giá hơn.
Các phương thức bóc lột nô lệ ở Aten
Ở Aten, phương thức bóc lột và cách sử dụng nô lệ cũng đa dạng, phong phú. Đa số chủ nô đã sử dụng nô lệ để trực tiếp sản xuất hoặc phục dịch gia đình. Một số người giàu có, mua nô lệ về nhưng không phải để trực tiếp sản xuất, mà đem nô lệ cho tư nhân hoặc nhà nước thuê theo những hợp đồng thoả thuận. (Phần lớn nô lệ của nhà nước ở mỏ bạc Lôriông là do thuê lại của những chủ kinh doanh kiểu này). Một số chủ nô khác lại sử dụng nô lệ theo kiểu cho phép nô lệ của mình tự kinh doanh sản xuất, tự tìm kiếm việc làm ở các xưởng thủ công, hầm mỏ, bến tàu, trang trại… theo những kì hạn quy định, đem nộp cho chủ những khoản tiền nhất định.
Nhà nước Aten cũng có nô lệ, nhưng số lượng không nhiều và chủ yếu được sử dụng trong các công việc hành chính, quét đường, sửa chữa đường sá, cầu cống, xây dựng công trình công cộng, cảnh sát, chèo thuyền… Những nô lệ nhà nước có thân phận và đời sống khá hơn những nô lệ tư gia, thậm chí một số nô lệ có công trạng được giải phóng thành kiều dân Metéc (như Clixten đã thực hiện).
Nô lệ chiếm tỉ lệ đông đảo trong đám cư dân Aten và có mặt ở hầu hết trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Nhưng thân phận, địa vị của họ lại quá thấp hèn, hoàn toàn là vật sở hữu của chủ nô, bị chủ nô bóc lột tàn bạo theo phương châm: chi phí ít nhất để thu lợi nhuận cao nhất. Đó là đặc trưng cơ bản của chế độ nô lệ Hi Lạp và đó cũng là lí do cơ bản để giải thích mâu thuẫn giữa nô lệ và chủ nô là mâu thuẫn đối kháng cơ bản, không thể điều hòa được trong xã hội Aten.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,