Vẫn như trước đây, nền kinh tế Ai Cập thời Tân vương quốc dựa chủ yếu trên sự phát triển của ngành nông nghiệp tưới tiêu. Nhưng đến thời kì này, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển mới. Bước tiến đó thể hiện trước hết trong kĩ thuật canh tác. Công cụ bằng đồng thau đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất. Người ta đã biết dùng loại cày cán đứng có lỗ cầm tạo cho người cày tư thế thoải mái và biết dùng vồ để đập đất. Bức phù điêu trên tường hầm mộ của một quý tộc có tên là Hacmhet miêu tả cảnh 20 người đang làm ruộng – một nhóm cày, một nhóm cuốc, còn nhóm khác cầm vồ đập.
Sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp còn được biểu hiện ở sự quan tâm của nhà nước đến công tác thủy lợi. Quan Vidia được cử đặc trách lãnh đạo mọi công việc sản xuất nông nghiệp trong cả nước. Có tài liệu cổ văn đã ghi lại: “Công văn các châu gửi về triều đình được giữ trong dinh Vidia : Vidia xét mọi đơn kiện tụng về ruộng đất. Ông quy định ranh giới của mỗi châu, mỗi trang viên của quý tộc và của tăng lữ, giữ sổ sách, địa bạ. Công tác thủy lợi cũng do ông điều khiển. Ngày đầu của mỗi tuần ông nghiên cứu tình hình mực nước các lạch, các sông ngòi…, cử quan lại chuyên trách theo dõi từng địa phương do đó nắm vững được tình hình mùa màng trong cả nước. Ông theo dõi, quan sát sao Lang xuất hiện và mực nước sông Nin Iên xuống.
Trong nhiều công văn của triều đình Ai Cập thời bấy giờ cũng có nó tới lệ quy định cứ 4 tháng một lần, quý tộc các châu phải gửi báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương lên cho quan Vidia. Tất cả những điều trên đây chứng tỏ nhà nước hết sức quan tâm tới ngành sản xuất nông nghiệp.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/su-suy-vong-cua-nha-nuoc-ai-cap-thong-nhat/
- https://ngaydacbiet.com/su-phat-trien-cua-cac-nganh-kinh-te-thoi-trung-vuong-quoc-ai-cap/
- https://ngaydacbiet.com/ton-giao-va-triet-hoc-ai-cap-thoi-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/su-tich-luy-cac-tri-thuc-khoa-hoc-thoi-ai-cap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/su-xuat-hien-xa-hoi-co-giai-cap-o-ai-cap/
Trong ngành thủ công nghiệp, ở thời Tân vương quốc người ta thấy xuất hiện những xưởng lớn, chủ yếu là thuộc các nhà thờ lớn. Thợ thủ công làm việc ở các xưởng này có tới hàng trăm người. Trên tường lăng mộ quan Vidia Rekmir có miêu tả xưởng thủ công của đền thờ thần Atôn ở Tebơ. Trong bức phù điêu người ta đếm được tới 150 thợ thủ công đang làm việc. Một số ngành thủ công truyền thống của Ai Cập như nghề làm đồ mĩ nghệ, làm đồ gỗ, đóng thuyền, ngành luyện kim v.v… vẫn tiếp tục phát triển. Trong việc nấu quặng và đúc đồng, người Ai Cập chế tạo được những hợp kim gồm nhiều thành phần. Một tài liệu cổ văn đã có nói tới một hợp kim “đồng thau gồm 6 thành phần”. Họ cũng đã làm được những dây bằng vàng hết sức mảnh và dài để làm dây chuyền.
Việc thành lập một đế quốc Ai Cập rộng lớn với chiều dài Bắc Nam tới 3200 km là một nhân tố hết sức quan trọng thúc đẩy ngành ngoại thương phát triển. Quan hệ mậu dịch với Syria và Palestine được củng cố. Ai Cập xuất sang Syria, Palestine, Phênixi (Phénicie)… các hàng nông sản, đồ mĩ nghệ bằng vàng, đá hay ngà voi. Ai Cập lại mua gỗ của Libăng, sắt của người Hatti, đồng của đảo Síp và nhiều loại hàng khác của khu vực Lưỡng Hà hay của các đảo trên biển Êgiê (Aegean). Mặc dù trong buôn bán vẫn dùng hình thức vật đổi vật là chủ yếu, việc sử dụng tiền tệ bằng kim loại đã bắt đầu có. Để xác định giá trị của các loại hàng hóa khác nhau, người ta đã sử dụng những thanh kim loại (vàng, bạc, hoặc đồng) có trọng lượng nhất định, thường là bằng 91g. Loại “tiền” đó được gọi là Đêben và chia thành 10 đơn vị nhỏ hơn.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,