Toc
Những cuộc chinh chiến và những thắng lợi liên tiếp của Rôma trong các cuộc chiến đã đem lại cho Rôma những nguồn lợi khổng lồ, không kể quyền bá chủ trên vùng biển Địa Trung Hải, quyền đặc biệt ưu đãi của các thuyền buôn Rôma trong các hải cảng. Chiến lợi phẩm mà Rôma thu được hết sức lớn lao, vàng bạc, châu báu cướp được không đếm xuể, những bất động sản như hầm mỏ, công trường khai thác, bến cảng, đồn điền và trang viên đều bị nhà nước Rôma tịch thu, một phần ban tặng và chia cho dân tự do, phần lớn bán đấu giá lấy tiền sung vào công quỹ. Riêng số tiền bồi thường chiến phí mà Rôma bắt các nước bại trận phải nộp đã là con số vô cùng lớn: Cáctagô phải nộp 3200 talăng bạc (lần thứ 1), 10.000 talăng vàng (lần 2), Macedonia phải bồi thường 1.000 talăng vàng và Syria 15.000 talăng vàng.
Tất cả những điều đó đã gây nên những biến động hết sức lớn lao và sâu sắc trong đời sống kinh tế và xã hội Rôma, tạo nên những tiền đề hết sức thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của Rôma trong thời kì cộng hòa.
Sự phát triển kinh tế nông nghiệp
Nét nổi bật của kinh tế nông nghiệp là việc tập trung cao độ ruộng đất vào tay giai cấp chủ nô. Những chiến thắng liên tiếp và sự mở rộng cường vực đã giúp cho nhà nước có trong tay những vùng đất đai rộng lớn. Thông thường Rôma đã biến một bộ phận đất chiếm được thành ruộng công rồi đem phân cấp cho những người bình dân Rôma di cư tới làm ăn, đại bộ phận đất chiếm được đều đem bán cho tư nhân. Quý tộc và thương nhân Rôma đã tung tiền, vàng ra mua số ruộng đất đó của nhà nước, biến thành tài sản tự hữu của mình để tiến hành kinh doanh sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.
Ngoài ra, bọn quý tộc còn dựa vào uy thế của mình để lấn chiếm ruộng công, đất tư hữu của dân nghèo, dân lưu tán, binh sĩ tử trận. Cuối cùng, họ có trong tay không phải là những khu vườn, khoảng ruộng nhỏ mà là những vùng đất mênh mông. Sự tập trung cao độ ruộng đất vào tay giai cấp chủ nô đã diễn ra. Trên cơ sở đó, các điền trang lớn hay đại trại – Latiphunđia) đã xuất hiện.
Latiphunđia là hình thái sản xuất cơ bản của nền kinh tế Rôma. Vận mệnh của nhà nước Rôma gắn liền với vận mệnh những đại trại (Latiphunđia). Khi các Latiphunđia phát triển cực thịnh thì cũng là lúc nhà nước Rôma, văn minh Rôma phát triển đến đỉnh cao của nó, ngược lại khi các Latiphunđia suy yếu và tan rã, đế quốc Rôma cũng đi vào giai đoạn khủng hoảng, suy vong.
Latiphunđia là sở hữu đất trồng của chủ nô, sử dụng sức lao động tập thể của nô lệ với phương thức sản xuất độc canh. Do vậy, muốn thiết lập Latiphunđia, phải có 2 điều kiện: có chế độ sở hữu ruộng đất lớn của tư nhân và có đầy đủ nô lệ thực thụ.
Trong tiến trình lịch sử, không phải bất cứ quốc gia cổ đại nào (dù đó là những nền văn minh nông nghiệp tưới tiêu) cũng đủ đảm bảo 2 điều kiện cần thiết để thiết lập được các Latiphunđia. Do vậy, trong lịch sử cổ đại, các Latiphunđia dường như trở thành đặc trưng của hoạt động kinh tế nông nghiệp của người Rôma.
Mỗi Latiphunđia thuộc quyền sở hữu của một chủ nô, chủ nô thông qua những viên quản lí thân tín của mình để điều hành, cai quản. Các Latiphunđia đều lấy nông nghiệp làm hoạt động kinh tế chủ chốt, bởi thế sản xuất nông nghiệp ở Rôma lúc đó được chú trọng và đề cao.
Tuy nhiên do điều kiện tự nhiên ở từng vùng, việc kinh doanh nông nghiệp ở các Latiphunđia cũng có sắc thái riêng: trồng những loại cây có hiệu quả kinh tế cao nhất và cũng dễ đôn đốc giám sát nhất.
- Tuyệt đại bộ phận các Latiphunđia đều trồng nho, ôliu. Các Latiphunđia loại này thường có các xưởng chế biến dầu ôliu, ép và làm rượu nho.
- Các Latiphunđia ở Nam Italia, nơi có những đồng cỏ trù phú lại chủ yếu kinh doanh nghề chăn nuôi.
- Còn ở đảo Xixin và Bắc Phi, các Latiphunđia lại chuyên trồng ngũ cốc.
Kinh tế Latiphunđia mang tính chất 2 mặt khá rõ rệt, một mặt, nó là nền kinh tế nông nghiệp trong khuôn khổ của nền kinh tế tự nhiên, đảm bảo việc cung cấp thỏa mãn cho các điền trang, mặt khác sản phẩm của nó lại gắn bó chặt chẽ với hoạt động thủ công nghiệp, thương mại trong khuôn khổ của nền kinh tế hàng hóa.
Latiphunđia sử dụng sức lao động tập thể của nô lệ dưới sự giám sát chặt chẽ và tàn bạo của những viên quản lí. Số nô lệ lao động tập thể có thể lên tới hàng nghìn người. Tuy nhiên, trong những ngày thu hoạch bận rộn và khẩn cấp, chủ các Latiphunđia cũng đã thuê mướn nông dân tự do tới làm việc.
Việc sử dụng chủ yếu sức lao động tập thể của nô lệ trong các Latiphunđịa – loại hình cơ bản nhất của kinh tế Rôma – đã gây nên những thay đổi sâu sắc trong xã hội. Lao động của những người nông dân tự do đã bị đẩy lùi xuống địa vị thứ yếu và thay vào đó, nô lệ đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, chế độ chiếm nô càng có đà phát triển mạnh mẽ theo sự lớn mạnh của các Latiphunđia.
Mặt khác, các Latiphunđia không phải chủ yếu để sản xuất lương thực mà sản xuất những cây trồng phục vụ hoạt động kinh tế hàng hóa cho nên nông nghiệp Rôma quay trong quỹ đạo của nền kinh tế hàng hoá phát triển.
Mặc dù công cụ sản xuất dùng trong các Latiphunđia vẫn là những công cụ thô sơ và cổ lỗ, hầu như không có sự cải tiến (vì chủ nô sợ nô lệ phá hoại công cụ sản xuất) nhưng với phương châm: sử dụng tới mức tối đa sức lao động của nô lệ và chi phí tới mức tối thiểu cho người lao động, năng suất và hiệu quả kinh tế trong các Latiphunđia vẫn không ngừng tăng lên tạo bước tiến mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế Rôma trong suốt thời Cộng hòa. Tuy nhiên, ngay từ buổi ban đầu, kinh tế Latiphunđia đã chứa đựng bên trong nó mâu thuẫn khó giải quyết: mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất chiếm nô và sự phát triển của sức sản xuất trong thời cổ đại.
Các hoạt động thủ công nghiệp và thương mại
Mặc dù nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh tế của người Rôma, nhưng kinh tế thủ công nghiệp và hoạt động buôn bán (cả nội và ngoại thương) của Rôma cũng rất phát triển và có tác dụng rất lớn thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế Rôma nói chung.
Thủ công nghiệp
Thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ đáng kể. Các xưởng thủ công phát triển mạnh mẽ và ngày càng có xu hướng chuyên môn hoá ngay trong mỗi xưởng và trong các vùng kinh tế ở Rôma. Capu nổi tiếng trong sản xuất các thùng đựng dầu oliu, rượu nho, Êtơruria lại có những xưởng thủ công nổi tiếng trong nghề sản xuất các đồ dùng bằng đồng, bằng sắt, còn các xưởng thủ công ở Rôma lại chuyên sản xuất áo choàng và giày dép.
Giới quý tộc chủ nô Rôma bao gồm cả thương nhân kị sĩ đã tung tiền ra thiết lập nhiều xưởng sản xuất vũ khí đáp ứng nhu cầu khổng lồ của những cuộc chiến kéo dài hàng thế kỉ. Họ cũng lạp xưởng thủ công làm các đồ dùng đồ trang sức mĩ nghệ bằng kim loại quý, thuộc da và sản xuất các đồ dùng bằng da, đáp ứng nhu cầu xa xỉ của tầng lớp chủ nô giàu có. Những xưởng thủ công chế biến dầu oliu ép và làm rượu nho mọc lên ở khắp nơi, ngay cả trong các Latiphunđia, ngoài ra còn có những xương thủ công đóng thuyền (thuyền chiến và thuyền buôn), những công trường thủ công khai thác các hầm mỏ với quy mô lớn như công trường khai thác mỏ bạc ở Tây Ban Nha đã sử dụng tới 40.000 nô lệ.
Tuy nhiên, hoạt động thủ công nghiệp của Rôma thời kì này cũng còn nhiều hạn chế và mang tính 2 mặt khá rõ rệt, một mặt có tính chất địa phương của nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc, sản xuất phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của giai cấp chủ nô trong các điền trang và các thành phố, mặt khác những sản phẩm thủ công nghiệp cũng được tung vào quỹ đạo của nền kinh tế hàng hóa.
Thương mại
So với thủ công nghiệp, hoạt động thương mại ở Rôma có bộ mặt phồn thịnh hơn rất nhiều, bao gồm cả những hoạt động buôn bán của nhà nước và của tư nhân.
Sau khi đã làm chủ khu vực Địa Trung Hải, hoạt động thương mại (đặc biệt là hoạt động ngoại thương) của Rôma có những điều kiện để phát triển mạnh mẽ nhờ các khoản bồi thường chiến phí, những châu báu cướp được trong các cuộc chiến tranh, nguồn lợi kếch xù trong việc khai thác các mỏ vàng, bạc ở những vùng lệ thuộc. Số lượng vàng, bạc tập trung vào tay giai cấp chủ nô Rôma ngày một lớn. Nguồn vốn tích luỹ khổng lồ ấy đã giúp Rôma tăng cường mạnh mẽ nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và đặc biệt là kinh tế thương mại. Hoạt động thương mại trở nên sầm uất lôi kéo không những các tư thương mà cả những người thuộc tầng lớp thượng lưu, những nông dân tự do khá giả có chút vốn liếng nhất định tham gia.
Hoạt động thương mại nhất là ngoại thương đã diễn ra trên địa bàn khá rộng. Hàng xa xỉ từ Hi Lạp và phương Đông đổ về Rôma, cung cấp cho quý tộc, chủ nô. Lúa mì từ phía tây, từ Bắc Phi vào, ngược lại, rượu vang Rôma có mặt hầu khắp Địa Trung Hải. Những trung tâm thương mại lớn hình thành đặc biệt ở phía đông, trong đó Đêlốt là trung tâm buồn bán quan trọng nhất, nhất là từ sau khi thế lực của Corinh và Cáctagô suy sụp, Đêlốt thực sự trở thành hải cảng quốc tế, có mặt các thương nhân của hầu hết các miền ven Địa Trung Hải. Họ buôn bán hàng xa xỉ phẩm, thủ công mỹ nghệ.
Việc buôn bán nô lệ ở Rôma cũng trở thành nghề phát đạt, thu nhiều lợi nhuận. Đi sau những đội quân chinh chiến là những lái buôn nô lệ giàu có mua cả hoặc phần lớn tù binh. Đánh Tarentum, Rôma bán 30.000 tù binh nô lệ, sau 3 chiến dịch trong chiến tranh Punic, Rôma bán tổng cộng 95.000 tù binh nô lệ. Đặc biệt sau trận đánh chiếm Xacđen, 80.000 tù binh bị biến thành nô lệ – Những chợ buôn bán nô lệ mọc lên ở mỗi thành phố, chợ nô lệ lớn nhất vùng biển Địa Trung Hải là chợ nô lệ ở Đêlốt (biển Êgiê), Acvile (Italia). Hầu như nô lệ toàn vùng phía đông Địa Trung Hải được chở đến Đêlốt, có lần một ngày bản tới 10.000 nô lệ… những nô lệ từ Đêlốt, Acvile… lại được đưa về các chợ ở địa phương. Nô lệ được bán như tất cả các hàng hoá khác…
Hoạt động thương mại phát đạt đã thôi thúc và làm cho hệ thống tiền tệ, ngân hàng của Rôma có những biến đổi đáng kể. Ngoài đồng as truyền thống bằng đồng đã xuất hiện đồng tiền Sestéctius cũng bằng đồng nhưng giá trị gấp 2,5 lần, đồng Denarius bằng bạc và đồng tiền Aureus bằng vàng.
Đổi tiền và cho vay lãi trở nên tấp nập và cũng thành một hoạt động kinh doanh đáng kể. Ở các thành thị, vùng quê xuất hiện nhiều cơ sở đổi tiền, những cơ sở này về sau đã trở thành các ngân hàng chuyên cho vay nợ, nhận đổi tiền, chuyển tiền, gửi tiền…
Hiện tượng cho vay nợ lãi ngày một thịnh hành, lãi suất khá cao, có thời điểm lên tới 50%.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,