Thục Phán, sau khi thôn tính nước Văn Lang của Hùng Vương thứ 18, đổi quốc hiệu Âu Lạc. Là vị vua hết sức chăm lo đến việc triều chính, nên sau khi mở mang bờ cõi, An Dương Vương đã nghỉ ngay đến việc củng cố và phòng thủ quốc gia, mà trước hết phải xây dựng một Kinh đô mới, để làm kế bền vững lâu dài.
Thấy Phong Châu không thích hợp nữa, An Dương Vương tìm đến miền Cổ Loa (thuộc Đông Anh, Hà Nội ngày nay) để chọn đất xây dựng Kinh đô. Khi chọn xong, Ngài truyền lệnh đi khắp cả nước, triệu tập đinh tráng, thay phiên nhau về Cổ Loa đắp lũy xây thành.
Thời ấy, vì không hiểu kết cấu nền móng, lại chưa biết sản xuất gạch nung và sử dụng vôi vữa, nên thành xây đến đâu bị đổ đến ấy, vì lượng đất quá lớn đã đè xuống nền đất mềm phía dưới.
Cả triều đình họp lại, nhưng chẳng ai tìm ra được kế sách gì. Nhà vua sai lập đàng tràng, rồi tự mình trai giới đủ mười ngày, sau đó bày biện lễ vật cầu cúng.
Nghi lễ thật trọng thể. Lễ vật thật chu đáo. Có đủ thịt tam sinh đến sôi chè, hoa quả và các thứ cao lương mỹ vị. Rượu bày ra lũ lượt hàng vò. Đèn nến thắp sáng trưng. Khói hương trầm nghi ngút.
Nhà vua mặc đại lễ phục, tóc để xõa, chắp hai tay, nghiêm trang đứng trước đàn tràng, đọc lời cầu khẩn.
Đêm hôm ấy, An Dương Vương nằm mộng, thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, đi từ phía biển lên, báo cho biết: Sáng mai sẽ có thần Kim Quy là sứ giả của thần Thanh Giang đến giúp.
Sáng hôm sau, theo lệnh nhà vua, tất cả văn võ bá quan cùng thị vệ đứng trực ở ngoài cổng thành. Đúng đầu giờ Thìn, từ phía biển, một rùa vàng rất lớn hiện ra, rồi vươn cao đầu, tiến vào. Bốn thị vệ vội vàng quỳ xuống, đặt chiếc mâm bằng đồng cực lớn cho rùa trèo lên, rồi khiêng vào trong trướng phủ.
Nhà vua ra tận ngoài thềm để đón thần Kim Quy (rùa vàng) và thi lễ rất mực cung kính. Sau khi chủ khách tề tựu trong phòng, thần lên tiếng trước:
– Thành sở dĩ không xây cao được là do có nhiều loài yêu quái đến quấy phá. Ở dưới thủy cung, thấy dân chúng và quân lính mệt nhọc, lại có lời thỉnh cầu của nhà vua, nên Đức Thanh Giang đã phái tôi đến đây để trị giúp Ngài. Tôi sẽ vì quân dân Âu Lạc mà ra tay tiểu trừ bằng hết lũ yêu quái này. Yêu quái diệt xong, chẳng mấy chốc nhà vua sẽ có thành trì thật như ý.
An Dương Vương vô cùng mừng rỡ, sai đặt tiệc chiêu đãi thần thật đặc biệt, rồi đích thân dẫn thần đến ở trong một cung thật kín đáo đã được trang hoàng lộng lẫy. Trước khi chia tay, thần hẹn nhà vua sau ba ngày nữa sẽ quay lại.
Trong ba ngày, thần Kim Quy đã làm ra không biết cơ man nào là bùa pháp! Chúng được xếp làm ba đống lớn xung quanh chỗ thần nằm. Đống thứ nhất, nhỏ nhất, xếp ở bên ngoài, được nhuộm màu đỏ. Đống thứ hai, ở giữa, nhiều gấp bốn lần, được nhuộm màu xanh. Đống thứ ba, ở trong cùng, lại nhiều gấp mươi lần của đống thứ nhất, được nhuộm màu vàng.
Từ trước đến nay, có lẽ chưa ai khám phá ra được điều bí mật nằm ở bên trong mỗi đạo bùa pháp ấy! Tuy nhiên, nhìn bên ngoài có thể thấy chúng là hình vặn thừng, như những bùa pháp mà các thầy phù thủy, thầy cúng vẫn làm ngày nay. Chứa đựng bên trong bùa pháp có lẽ là chút vảy, chút móng hay một chút gì đó trong cơ thể của thần, nhưng đó chỉ là những điều phỏng đoán. Chỉ biết trong ba ngày mà thần làm được nhiều bùa như vậy thì quả là một kỳ tích!
Đúng sáng thứ tư, An Dương Vương đến trước cung thất. Thần Kim Quy thong thả “bước” ra. Thần dẫn nhà vua ra khỏi trướng phủ, đến khu thành trì xây dựng cũ. Thần lắc đầu, rồi ra hiệu cho nhà vua theo mình. Thần lại bảo nhà vua mang theo năm mươi lính hộ vệ, mỗi người ôm một bó cọc tre gồm năm mươi chiếc, đi theo. Hễ thần Kim Quy đi tới đâu là An Dương Vương và lính hộ vệ lại đi tới đó và được đánh dấu bằng những chiếc cọc.
Hết ngày thứ nhất, thần và nhà vua trở về trướng phủ. Thần bảo nhà vua chuẩn bị một vạn cọc tre để đóng xuống bốn xung quanh những cọc đã đánh dấu. Mỗi cọc tre sẽ là một gốc tre già, thẳng và lớn, dài đúng năm thước (bằng 2m bây giờ), ở đầu dưới có vạc nhọc. Trước khi đóng xuống đất, bùa phép mầu đỏ sẽ được “yểm” vào trong đốt cuối cùng, ở chỗ có vạc nhọn.
Từ ngày thứ hai trở đi, giai đoạn ” thi công” lần nhất bắt đầu. Hàng vạn tráng đinh và binh lính đi làm cọc tre, rồi gánh đất đá đổ lên những phần đất đã đóng cọc. Chờ ba ngày sau, mộ bức tường đất hình vòng tròn hiện ra.
Giai đoạn “thi công” lần thứ hai liền được tiếp tục. Bốn vạn tráng đinh và binh lính được huy động làm bốn vạn cọc tre, ở phần vạn nhọn sẽ “yểm” bùa pháp màu xanh vào. Trong ba ngày này, thần Kim Quy lại dẫn An Dương Vương và hai trăm lính hộ vệ, mỗi người ôm một bó cọc năm mươi chiếc, đi theo. Hễ thần “đi” đến đâu, là nhà vua và quân lính lại đi tới đó, rồi cọc nhọn đánh dấu. Cọc tre đã “yểm” bùa màu xanh liền được đóng tiếp vào bốn xung quanh, rồi theo đó, đất đá lại được gánh, đổ xuống và nện chặt. Bảy ngày nữa, lại một tường hình tròn, ở bên ngoài và ôm lấy bức tường lần trước hiện ra.
An Dương Vương cho tráng đinh và binh lính nghỉ ngơi ba ngày để lấy sức, chuẩn bị bước vào giai đoạn “thi công” lần cuối. Cũng trong ba ngày đó, đinh tráng và cả dân cúng nữa, lại được huy động thêm, vì lần này số nhân lực sẽ phải cần đến rất nhiều.
Đến ngày thứ tư, tức là ngày thứ mười sáu, kể từ khi bắt đầu “thi công”, mười vạn tráng đinh, binh lính và dân chúng đã có mặt, mỗi ngưòi làm một cọc tre có “yểm” bùa màu vàng. Trong lúc mọi người làm cọc thì thần Kim Quy lại dẫn An Dương Vương cùng năm trăm lính hộ vệ vẫn mang theo mỗi người năm mươi cọc nhỏ, đánh dấu. Mỗi khi cọc nhỏ đóng xong, thì cọc lớn có có “yểm” bùa, liềm được đóng vào bốn xung quanh, và đất đá cũng được đỗ xuống, nện chặt.
Lần này, vì số lượng nhiều gấp hai lần rưỡi lần thứ hai, nên thời gian “thi công” phải mất nhiều hơn. Nhưng cũng chỉ mười bốn ngày sau, búc tường đất thứ ba cũng hoàn thành, ở bên ngoài và bao quanh bức tường lần trước.
Thế là thành đã được xây xong, vì lũ yêu quái đã bị bùa pháp và cọc nhọn tiêu diệt rồi.! Tính ra, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà đã xây dựng được ba bức tường có chu vi lớn như thế (có dấu vết còn lại đến ngày nay) thì quả là một lỳ tích ở vào thời bấy giờ. Qua sự kiện này cũng còn có thể thấy thêm: quân dân ta trong thời kỳ nước Âu Lạc, khi cần thì có thể tập trung được một lực lượng hùng hậu như thế nào.
Thành lúc ấy chưa có tên gọi, vì vùng đất Cổ Loa cũng chưa có tên, nhưng do có ba lớp tường đất, mà lớp bên trong, theo thứ tự, lại có hơn lớp bên ngoài, nên từ xa nhìn vào, thành giống hình một vỏ ốc khổng lồ. Tên “thành Ốc” do vậy mà có. Các nhà chép sử đời sau gọi và viết là “Loa thành” cho sang trọng hơn, nhưng thực ra chỉ là phiên âm từ từ Việt sang từ gốc Hán. Về sau này, khi vùng đất Cổ Loa có tên gọi, thì thành cũng được mang tên là thành Cổ Loa.
Khi xây thành xong, An Dương Vương vô cùng sung sướng, cho binh lính và dân chúng ăn mừng suốt ba ngày liền. Lại khoản đãi thần Kim Quy rất hậu tình và chu đáo. Thế nhưng cũng đã đến lúc phải chia tay. Nhà vua đặt tiệc thật lớn để tiễn thần, có đông đủ văn võ bá quan cùng tham dự.
Trong hai việc hệ trọng mà từ trước đến nay An Dương Vương vẫn thường bận tâm lo lắng, là xây thành và có vũ khí thật lợi hại, thì một việc đã xong, nhưng còn việc kia, liệu có thể nhờ cậy thêm ở thần được chăng? Vì vậy, trước lúc chia tay, nhà vua đã nói với thần:
– Thật muôn đội ơn thần, nếu không có thần cất công khó nhọc thì dân chúng Âu Lạc này biết đến bao giờ mới có thể xây xong thành được. Tuy thế, nhưng chẳng dám dấu thần, nếu vạn nhất sau này có xảy ra giao chiến, quân giặc bủa vây đông đúc, tên nỏ trong thành bắn ra không xuể, thì liệu có cách nào, xin thần cũng dạy bảo cho quân dân Âu Lạc được nhờ.
Thần Kim Quy mỉm cười, điều An Dương Vương lo lắng thần cũng đã biết từ lâu. Thần cúi xuống tước một chiếc móng vuốt ở mé bàn chân phải, đưa cho nhà vua bảo:
– Nhà vua khỏi phải nói, ta cũng đã hiểu. Nay ta tặng nhà vua vật này để dùng làm lẫy nỏ. Chỉ cần đem nỏ có lẫy này bắn ra vài phát là phá tan được quân giặc. Tuy thế cũng không thể chủ quan, lơ là việc canh phòng và củng cố lực lượng.
An Dương Vương cung kính cúi đầu, rồi chấp hai tay lại vái thần, cử chỉ có phần còn rất lưu luyến. Thấy vậy, thần Kim Quy lại bảo:
– Thôi, ta còn nhiều việc khác phải lo. Nhà vua hãy ở lại trong coi việc nước, cốt sao cho được trên thuận dưới hòa. Nếu mai sau, rủi có xảy ra chuyện gì chẳng lành, thì cứ gọi ba lần “Sứ giả Thanh Giang” là ta sẽ đến giúp.
An Dương Vương và cả triều thần lại cung kính chắp tay, cúi đầu từ biệt. Thần Kim Quy thong thả quay trở ra phía biển.
Nhà vua đưa chiếc vuốt đang cầm trên tay cho Cao Lỗ, viên Đại tướng phó tổng chỉ huy quân đội, bảo đi làm nỏ, tra lẫy đúng như lời thần đã dặn.
Khi nỏ làm xong, đem ra bẳn thử, mỗi phát có đến hàng ngàn mũi tên vun vút bay đi. An Dương Vương vô cùng thích chí reo lên:
Thế là từ nay trở đi, ta chẳng có điều gì phải lo lắng nữa.
Truyền thuyết Việt Nam – nhiều tác giả,