Tần Vương giết chết Kinh Kha, lập tức hạ lệnh cho đại tướng Vương Tiễn gấp rút đánh nước Yên. Thái tử Đan dẫn quân chống lại, nhưng đâu phải là đối thủ của quân Tần, nên bị đánh tan tác ngay.
Yên Vương Hỷ và thái tử Đan chạy tới Liêu Đông. Tần Vương phái quân đuổi, quyết đánh cho tới khi bắt được thái tử Đan mới thôi. Yên Vương Hỷ không còn cách nào, đành giết thái tử Đan để xin hoà.
Tần Vương Doanh Chính hỏi ý kiến Uý Liêu. Uý Liêu nói: “Nước Hàn đã bị ta chiếm, nước Triệu chỉ còn lại toà Đại Thành (nay là huyện Uý, Hà Bắc) Yên Vương đã chạy tới Liêu Đông. Chúng đều sắp tận số rồi. Hiện nay đang mùa lạnh. Chi bằng trước hết, ta quay sang thu phục nước Ngụy và nước Sở ở phương Nam”.
Tần Vương nghe theo kế đó, liền phái Vương Bôn là con Vương Tiễn dẫn mười vạn quân sang đánh Ngụy. Ngụy Vương cử người sang cầu cứu nước Tề, nhưng Tề Vương Kiến từ chối.
Lịch sử Trung Quốc năm 225 trước Công nguyên, Vương Bôn diệt nước Ngụy, bắt Ngụy Vương và các đại thần giải về Hàm Dương.
Sau đó, Tần Vương chuẩn bị đánh Sở, liền triệu tập tướng lĩnh lại bàn bạc. Trước hết, hỏi Lý Tín là một tướng trẻ, xem đánh nước Sở cần bao nhiêu quân, Lý Tín nói: “Bất quá hai mươi vạn là đủ”. Ông ta lại hỏi lão tướng Vương Tiễn. Vương Tiễn trả lời: “Nước Sở là một nước lớn. Dùng hai mươi vạn quân không đủ. Theo tính toán của thần, nếu không có sáu mươi vạn là không được”.
Tần Vương không vui, nói: “Vương tướng quân già rồi. Sao nhát gan thế? Ta cho rằng Lý tướng quân nói đúng”. Liền sai Lý Tín dẫn hai mươi vạn quân đi đánh phương Nam.
Vương Tiễn thấy Tần Vương không nghe theo ý kiến mình, liền cáo bệnh về quê.
Lý Tín dẫn hai mươi vạn quân đánh Sở, đúng như Vương Tiễn đã dự đoán, bị quân Sở đánh cho đại bại, quân lính chết rất nhiều, lại chết mất bảy viên tướng, phải chạy về Tần.
Tần Vương Doanh Chính cả giận, cách chức Lý Tín và thân hành đến tận nhà Vương Tiễn, mời ông ra cầm quân. Tần Vương nói: “Lần trước, ta đã sai lầm, không nghe theo lời tướng quân. Quả nhiên Lý Tín đã làm hỏng việc. Lần này, không có tướng quân chỉ huy thì không xong”.
Vương Tiễn nói: “Đại vương nhất định bắt tôi chỉ huy thì phải có đủ sáu mươi vạn quân mới được. Nước Sở đất rộng người đông, họ muốn huy động một triệu quân cũng không khó. Tôi nói ta phải có sáu mươi vạn quân, còn sợ không đủ. Nếu ít hơn nữa thì không thể được”.
Tần Vương cười: “Lần này nghe theo tướng quân”. Liền cấp cho Vương Tiễn sáu mươi vạn người ngựa. Hôm xuất quân, còn thân tới Bá Thượng chúc rượu tiễn đưa.
Đại quân Vương Tiễn rầm rộ tiến đánh nước Sở. Sở cũng mang toàn bộ binh lực chống lại.
Vương Tiễn đến tiền phương, sai quân sĩ xây thành đắp luỹ, không cho ra đánh. Đại tướng Sở là Hạng Yên nhiều lần khiêu chiến, Vương Tiễn vẫn không tiếp chiến.
Kéo dài một thời gian, Hạng Yên nghĩ: “Thì ra Vương Tiễn chỉ đến đây để trú phòng thôi”, liền lơ là không chú ý lắm tới quân Tần nữa. Không ngờ trong lúc Hạng Yên thiếu chuẩn bị, quân Tần bất ngờ mở cuộc tiến công với khí thế ào ạt như dời núi lấp sông, sáu mươi vạn quân mã xông pha chém giết. Tướng sĩ Sở như nằm mơ chợt tỉnh, gắng gượng chống đỡ lại đòn đánh sấm sét của Tần, nhưng cuối cùng nao núng tan vỡ. Quân Tần đuổi đến Thọ Xuân (nay ở phía Tây huyện Thọ, An Huy) bắt được vua Sở là Phụ Sô.
Hạng Yên được tin vua Sở bị bắt, liền vượt Trường Giang, muốn tiếp tục thu thập lực lượng để chống lại. Vương Tiễn liền cho đóng thuyền chiến, huấn luyện thuỷ quân rồi vượt sông truy kích. Hạng Yên thấy đại thế đã hỏng, liền than dài và rút kiếm tự sát.
Vương Tiễn diệt xong sở, trở về Hàm Dương, trao lại quân cho con là Vương Bôn làm đại tướng đem quân sang đánh Yên. Nước Yên vốn đã suy yêu lắm rồi, nên không thể chống lại được quân Tần. Năm 222 trước Công nguyên, Vương Bôn diệt xong nước Yên và chiếm nốt Đại Thành là thành luỹ cuối cùng của nước Triệu.
Đến lúc này, duy nhất chỉ còn Tề. Các đại thần của Tề đã bị Tần dùng vàng bạc mua chuộc hết. Tề Vương Kiến xưa nay không dám đắc tội với Tần, lần nào các nước khác sang cầu cứu, ông cũng đều cự tuyệt. Ông cho rằng Tề ở xa Tần, miễn là một mực vâng theo Tần thì sẽ không bị tiến công. Đến khi thấy năm nước kia đã lần lượt bị Tần thôn tính hết thì mói cuống cuồng vội vã đưa quân ra phòng giữ biên giới phía tây. Nhưng đã muộn rồi!
Năm 221 trước Công nguyên, Vương Bôn dẫn mấy chục vạn quân Tần từ phía Nam nước Yên đổ xuống Lâm Tri, khí thế như núi Thái Sơn đè xuống. Tề Vương Kiến thấy các nước xung quanh không còn ai để xin cứu viện nữa, thế cô lực mỏng, chỉ trong mấy ngày là xin đầu hàng.
Sáu nước chư hầu do chỉ biết bo bo nghĩ đến mình, lại còn đánh lẫn nhau, mong chiếm đất của người khác để bù vào số bị mất với quân Tần, hòng duy trì tình trạng cát cứ, nên đã tạo cơ hội cho Tần đánh dần từng nước một. Nước Tần lúc đó không những chiếm ưu thế về chính trị, kinh tế và quân sự, mà quan trọng hơn là hành động phù hợp với xu thế thống nhất của lịch sử, nên chỉ trong không đầy mười năm đã diệt hết sáu nước.
Từ năm 475 trước Công nguyên bắt đầu thời kỳ Chiến Quốc, qua hơn 250 năm phân tranh giữa các nước chư hầu, cuối cùng đã kết thúc cục diện cát cứ lâu dài, xây dựng nên một quốc gia phong kiến thống nhất nhiều dân tộc là Vương triều Tần.