Toc
Xpác là một thành bang Hi Lạp được xây dựng sớm nhất trong lịch sử Hi Lạp (ngay từ thế kỉ IX TCN). Nằm trên đồng bằng Lacôni thuộc phía nam Pêlôpône, Xpác có lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi. Đồng bằng Lacôni được tạo nên bởi sông Ơrôtát (Eurotas) với những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu, xung quanh lại có những dãy núi cao che chắn, bảo vệ. Lacôni lại là nơi có trữ lượng sắt vào loại nhất của lục địa Hi Lạp.
Về mặt xã hội, ở Xpác có 3 tập đoàn người cùng sinh sống nhưng quyền lợi và nghĩa vụ hoàn toàn khác nhau.
Giai cấp cầm quyền – Người Xpác
Người Xpác – tức người Đôrien chiến thắng là giai cấp cầm quyền. Họ không tham gia các hoạt động sản xuất (không làm ruộng, không làm thợ thủ công và cũng không tham gia buôn bán). Họ sống bằng sự nô dịch, bóc lột sức lao động của người Pêriét và nô lệ Hilốt. Người Xpác chỉ có chức năng, cai trị và tham gia vào lực lượng quân đội (để xâm lược hoặc bảo vệ đất nước). Chính vì vậy ở Xpác, chế độ tư hữu không tồn tại. Toàn bộ ruộng đất, đồng cỏ và cả tập thể nô lệ Hilốt đều là sở hữu chung của những cư dân Xpác – Đôrien.
Nhà nước Xpác đem toàn bộ ruộng đất chia thành khoảng 10.000 mảnh đất bằng nhau, mỗi khoảnh độ 20 ha, cùng với số lượng người Hilốt và Pêriét, cho mỗi gia đình người Đôrien. Những gia đình được phép hưởng số thu hoạch, nhưng không được quyền chiếm hữu số ruộng đó và số nô lệ canh tác, không được phép bán, chuyển nhượng vì ruộng đất và nô lệ là sở hữu chung của nhà nước. Ở Xpác không tồn tại chế độ tư hữu ruộng đất và nô lệ.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/su-ra-doi-nha-nuoc-dan-chu-chu-no-aten-the-ki-vii-the-ki-vi-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/nghe-thuat-kien-truc-dieu-khac-va-hoi-hoa-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/nen-kinh-te-cua-aten-trong-thoi-ky-toan-thinh-cua-che-do-chiem-huu-no-le/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-ki-xuat-hien-xa-hoi-co-giai-cap-nha-nuoc-trong-lich-su-hi-lap/
- https://ngaydacbiet.com/su-hoan-thien-cua-hinh-thai-nha-nuoc-dan-chu-chu-no-aten-tu-the-ki-v-iv-tcn/
Giai cấp bị nô dịch
Người Pêtiét
Người Pêriét lúc đầu là những người Akêen chiến bại, bị nô dịch (về sau thêm một số cư dân ở nơi khác tới Xpác sinh sống), tất cả có khoảng 30.000 người. Luật pháp Xpác coi người Periét là người tự do, nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tham gia các hoạt động kinh tế (nông nghiệp, thủ công nghiệp, chăn nuôi, buôn bán) nộp thuế để nuôi người Xpác – Đôrien. Ngoài ra họ cũng phải tham gia quân đội được phiên chế thành những đơn vị riêng. Họ không được hưởng quyền chính trị, không được phép kết hôn với người Đôrien.
Người Hilốt
Người Hilốt có khoảng 200.000 người, chiếm tỉ lệ đông nhất trong đám dân cư ở Xpác. Hilốt là nô lệ chung của nhà nước. Họ bị chia theo những khoảng ruộng đất mà nhà nước phân chia cho người Đôrien, bị gắn chặt vào ruộng đất, phải lao động sản xuất và được hưởng một phần thu hoạch. Do vậy, khác Aten, nô lệ Hilốt ở Xpác không có quyền lợi chính trị, thân thể, tư pháp nhưng lại được phép có gia đình riêng, có thu nhập riêng, lệ thuộc vào chủ nô, nhưng lại là tài sản chung của nhà nước. Rõ ràng ở Xpác, Hilốt là một loại nô lệ đặc biệt, bị sử dụng và bóc lột theo kiểu riêng, rất Xpác.
Người Periét và nô lệ Hilốt là lực lượng sản xuất chính của xã hội Xpác, là đối tượng bóc lột cơ bản. Do vậy ngay từ đầu, mâu thuẫn giữa tầng lớp thống trị Đôrien – Xpác với 2 tầng lớp xã hội này đã xuất hiện và ngày một sâu sắc. Giai cấp thống trị Xpác đã thẳng tay dùng bạo lực để trấn áp.
Tóm lại, Xpác là một thành bang ở Hi Lạp, lạc hậu về kinh tế, bảo thủ và phản động về chính trị, một nhà nước quân phiệt. Xpác là dinh luỹ của các thế lực bảo thủ, kìm hãm xu hướng dân chủ của các thành bang Hi Lạp. Là nơi tập kết, điểm cư trú chính trị của các chính khách Aten chủ trương duy trì nền chính trị bảo thủ, kẻ thù của nền dân chủ Aten.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,