Để nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng của người Ai Cập thời cổ đại, các sử gia hiện nay có trong tay nguồn tài liệu hết sức phong phú bao gồm các bản cổ văn, các di tích kiến trúc đền thờ, miếu mạo và cả những tranh tượng nghệ thuật nữa.
Qua các nguồn tài liệu, người ta nhận thấy rằng, do sự phát triển chậm chạp của xã hội, Ai Cập trong một thời kì dài còn giữ nhiều tín ngưỡng tôn giáo thời nguyên thủy, trong đó, việc sùng bái tự nhiên chiếm một địa vị quan trọng. Đối với người Ai Cập cổ đại, mọi chim muông, cầm thú đều được coi là thần: hạc thần, rắn thần, sói thần… mọi hiện tượng tự nhiên đều được thần thánh hóa. Vì thế có thần Mặt Trời Ra, địa thần “Ghep” và thủy thần – Odirit tức là thần sông Nin. Đến thời Amenkhotép IV có thêm thần Aten – cũng là thần Mặt Trời.
Người Ai Cập cũng tin vào linh hồn bất tử. Theo họ, trong mỗi người đều có linh hồn “Ka” đi theo thân thể người như hình với bóng. Khi người chết thì “Ka” rời khỏi xác và chỉ khi nào xác người bị hủy hoại hoàn toàn thì “Ka” mới chết theo. Nhưng nếu giữ được xác khỏi bị hủy hoại thì có ngày “Ka” sẽ quay trở về, người chết sẽ sống lại. Vì thế mà ở người Ai Cập có tục ướp xác.
Mặt khác ở Ai Cập từ rất sớm, những tư tưởng vô thần và duy vật tự phát đã bắt đầu nảy sinh và phát triển. Cơ sở của những tư tưởng tiến bộ này bắt nguồn từ những mâu thuẫn giai cấp trong xã hội, khi mà giai cấp bóc lột muốn sử dụng tôn giáo để làm công cụ thống trị về mặt tinh thần thì giai cấp bị trị chống lại bằng những tư tưởng vô thần và duy vật. Mặt khác sự tích lũy dần những tri thức khoa học đầu tiên cũng làm nảy sinh những tư tưởng duy vật.
Cũng như ở nhiều nơi khác, tư tưởng vô thần trước hết đều nhằm chống lại chính những giáo lí tôn giáo nói về đời sống ở “thế giới bên kia”. Người ta nghi ngờ thế giới đó vì chưa có người chết nào sống lại để kể tường tận những điều “mắt thấy tai nghe”. Người ta chỉ thấy “người mất đi và thân thể biến thành tro bụi”. Họ không tin vào cái “thế giới đầy thánh thiện” ấy khi mà trong xã hội đương thời “đâu đâu cũng toàn là kẻ trộm cướp”. Vì thế, họ đòi “nhất thiết” phải giải quyết mọi việc trên trần thế này thôi”.
Mặc dù mới chỉ được thể hiện dưới dạng văn học qua hai tác phẩm “Bài ca của người đánh thư cầm” và “Cuộc hội thoại của một người thất vọng với linh hồn của mình”, những tư tưởng trên đây đã chứng tỏ mầm mống của những quan niệm vô thần và duy vật tự phát đã xuất hiện ở Ai Cập cổ đại và chúng đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội Ai Cập.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,