Trương Lương đã học binh pháp như thế nào?
Có một truyện truyền kỳ nói rằng:
Một lần, Trương Lương đi dạo trên một chiếc cầu lớn, thấy một ông già chân đi giày vải thô đang ngồi bên cầu. Thấy Trương Lương, ông già cố ý co chân lại, một chiếc giầy rơi xuống dưới cầu.
Ông già quay lại, giọng hách dịch: “Này cậu, xuống nhặt cho ta chiếc giầy”.
Trương Lương hơi bực, muốn cự lại, nhưng thấy ông ta đã già, liền nén giận, xuống dưới cầu nhặt chiếc giầy lên đưa cho ông.
Ai ngờ ông già không cầm giầy, lại chìa chân ra; “Xỏ vào chân cho ta”.
Trương Lương nghĩ: Thôi thì đã xuống nhặt rồi, thì xỏ giầy vào cho ông ta cũng không sao.
Tới lúc đó ông già mới mỉm cười, đứng dậy đi.
Trương Lương ngây người, thấy ông già có vẻ kỳ quái, liền đứng nhìn theo, tới lúc ông già đi xa mới thôi.
Ông già đi khoảng một dặm, liền quay lại, nói với Trương Lương: “Cậu này khá. Ta muốn dạy cậu. Năm ngày nữa, lúc trời sáng, tới cầu này gặp ta”.
Bài viết liên quan:
Nghe giọng nói, Trương Lương biết ông già không phải người thường, vội vàng quì xuống nhận lời.
Ngày thứ năm, Trương Lương dậy sớm, vội vàng đi tới cầu. Ai ngờ vừa tới nơi, đã thấy ông già ở đó, Ông già nổi giận nói: “Cậu hẹn với người già, thì phải đến sớm một chút, chứ sao lại để ta phải đợi?”
Trương Lương đành nhận lỗi. Ông già lại nói: “Thôi về đi. Năm ngày nữa lại đến, mà đến sớm một chút đấy!” Nói xong đứng dậy đi.
Năm ngày sau, Trương Lương vừa nghe tiếng gà gáy, liền vội vàng chạy tới cầu. Chưa lên cầu, đã nhìn thấy ông già đứng đó.
Ông già nhìn Trương Lương, bảo: “Thôi, năm ngày sau lại đến”.
Trương Lương rút kinh nghiệm hai lần trước, đến nửa đêm ngày thứ tư, liền đi ra cầu, lặng lẽ ngồi đợi trời sáng.
Một lát sau. thấy ông già lững thững đi tới. Thấy Trương Lương, ông cười hiền từ. “Như thế mới đúng, con ạ”. Nói xong, rút từ ống tay áo ra một cuốn sách, trao cho Trương Lương và nói: “Về nhà hãy chịu khó đọc, sau này sẽ có tác dụng lớn đấy”.
Trương Lương còn muốn hỏi thêm, ông già không nói thêm gì nữa, quay đầu đi thẳng.
Đợi tới lúc trời sáng, Trương Lương mở sách ra xem. Thì ra đó là cuốn “Thái Công binh pháp” do Thái Công Vọng đầu thời Chu soạn ra.
Từ đó về sau, Trương Lương chuyên cần, khổ công nghiên cứu, trở thành một nhà mưu lược tiếng tâm.