Sau vương triều Nanda là một vương triều mới, gọi tên là Morya – tên bộ lạc (có nghĩa là con công) cầm quyền ở Magadha. Thủ lĩnh bộ lạc này, tên là Chandragupta, xuất thân là một bộ tướng dưới triều Nanda, một người thuộc đẳng cấp bình dân – Vaishya, có lẽ do có tài nên đã được nhiều lực lượng ủng hộ lên ngôi (321 – 297 TCN).
Chandragupta có một người thầy và người bạn, một tăng lữ Bà la môn, tên là Kautalya, hết lòng bảo trợ phò tá. Chính Kautalya đã soạn tác phẩm Arthasastra (Luận về bổn phận hay còn gọi là khoa học chính trị), vừa là cẩm nang trị nước của nhà vua, vừa là một tài liệu quý để hiểu về thời đó.
Chandragupta một mặt dựa vào Kautalya tổ chức cai trị quốc gia, mặt khác tiến hành chinh chiến mở rộng quyền lực của mình. Nhân sự suy sụp của các quốc gia ở vùng Punjab, sau khi Alechxan rút đi, ông đã chinh phục toàn bộ thung lũng sông Indus. Tiếp đó tiến về miền Trung, đến sông Narmada, phía bắc dãy núi Vindhya, chinh phục vùng này, rồi quay trở lại vượt dãy Hindu Kush, chiếm một vùng rộng lớn ở phía đông Iran, nay là Apganistan (năm 303 TCN).
Ba Tư lúc này được Alechxan giao cho một bộ tướng người Hi Lạp và Seleucds cai quản, Chandragupta chuyển sang kết giao hòa hiếu với vương triều Seleucos và hỏi một công chúa của vương triều làm vợ. Cuộc đời ông chuyển sang theo đạo Giaina, một giáo phái có quan niệm gần Phật giáo nhưng có phần khắc nghiệt chặt chẽ hơn.
Chandragupta qua đời năm 297 TCN, con là Bindusara kế ngôi (297–272 TCN).
Kinh đô đã được chuyển từ Rajagriha về Pataligrama, đổi tên là Pataliputra, có lẽ từ thời Chandragupta để thích hợp với việc cai quản những lãnh thổ rộng lớn hơn, thuận tiện giao thông hơn, xứng với kinh đô của một đế quốc, chứ không phải chỉ là một tiểu quốc sơ kì.
Bindusara hẳn là đã cho mở mang kinh đô mới và tiếp tục theo đuổi cuộc chinh chiến của vua cha, như tên hiệu của ông – Người tiêu diệt các kẻ thù, Amitraghata. Ông đem quân vượt qua dãy Vindhya, tiến về phương Nam đến Dekkan, rồi đến tận Mysor. Thực tế thì Bindusara đã hoàn thành việc chinh phục bán đảo, trừ một phần mỏm cực nam không cần đến chinh chiến vì dân đây là thần phục. Phần duy nhất còn lại chưa chịu khuất phục là Kalinga ở vùng đông bắc, nay là Orissa.
Asôca là con, kế ngôi Bindusara, đã đưa vương triều Morya phát triển đến mức cực thịnh (272 – 232 TCN).
Năm 260 TCN, Asôca đã tiến đánh Kalinga, một cuộc chiến dữ dội, ác liệt mà theo lời ông “150 nghìn người bị bắt mang đi, 100 nghìn bị giết và nhiều lần hơn như thế bị thương vong”. Toàn bộ bán đảo đã thuộc quyền cai quản của vương triều Môrya.
Ông còn cử sứ thần đặt quan hệ ngoại giao với nhiều nước như Syria, Ai Cập, Makedonia và tiếp tục duy trì quan hệ thân hữu với vương triều Seleucos ở Iran. Một người con gái của ông được gả cho một quý tộc Nepal, Asoka quan tâm khuyến khích việc giao thương giữa Ấn Độ với các nước ngoài, mở mang đường sá, bến cảng. Chính Asôca đã cho lập thành phố Srinagar Kashmir, di dân Ấn Độ đến lập nước Khotan, nằm ở Trung Á, giáp tây bắc Ấn Độ. Ở nhiều nơi, Asôca cho xây cột kỉ niệm – gọi là cột Asôca – mô phỏng kiểu cột Persepolis, để ghi nhớ hoạt động của mình, khắc chữ Brahmi, hoặc Kharosthi và đôi khi bằng chữ Aramaic. Các bản văn tự thường được mở đầu, hoặc kết thúc bằng câu “Đức vua (Ashoka) sủng ái của thần thánh (Devanamapiya) Piyadassi đã nói thế…”
Công tích rực rỡ, nhưng tàn sát ác liệt nên có lẽ vì thế ông cảm thấy day dứt, luôn luôn bị ám ảnh bởi nỗi kinh hoàng, nên đã dốc lòng thờ Phật và theo Phật giáo, ngay sau trận chiến với Kalinga.
Dưới thời Asôca, Phật giáo phát triển rất mạnh, năm 250 TCN, đại hội Phật giáo lần thứ ba họp ở Pataliputra, nhằm mục đích ngăn chặn sự phân chia giáo phái. Nhiều phái bộ được cử đi các nơi để truyền bá Phật giáo, tuy rằng không ngăn được sự chia rẽ sau đó thành hai phái Đại Thừa và Tiểu Thừa.
Có tài liệu cho biết là Asôca cố tránh không can thiệp vào sự bành trướng Phật giáo mà chỉ tự coi là sự sùng tín cá nhân. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, Phật giáo phát triển mạnh, trùng hợp về thời gian với việc vương triều Morya chinh phục lãnh thổ và biến bán đảo Ấn Độ thành một đế quốc thống nhất rộng lớn.
Vương triều Marya không phải là một vương triều tiếp nối bình thường của quốc gia Magadha, lần đầu tiên nó thực sự thực hiện vai trò của một Đế chế, cai quản thống nhất toàn bộ tiểu lục địa, thực tế là một đế quốc Ấn Độ cổ đại.
Bộ máy triều đình được tổ chức bao gồm một Hội đồng Thượng thư. Quan chức cao cấp nhất là Đại Tư tế (Purohita), nhưng chỉ là cách gọi thôi, có vai trò như Tể tướng, chứ không phải là một tăng lữ Bà la môn. Tiếp đó là hai Thượng thư Ngân khố và Thuế vụ rồi đến các quan chức khác. Trong các chỉ dụ của mình, Asôca nói là thường tham khảo ý kiến của Hội đồng Thượng thư, nhưng thực ra, quyền quyết định tối hậu chính là Đức vua.
Mỗi Thượng thư được phân phụ trách một số ngành, thông qua các Sở ở địa phương phụ trách mỗi sở một ngành, chẳng hạn đo lường, thương mại, vàng và kim khí quý, nông nghiệp, tàu thuyền, xe, voi ngựa, lâm nghiệp… kể cả Sở phụ trách các ca kĩ.
Nhà nước đã đặt các phẩm trật quan chức, quy định chức năng, nhiệm vụ, lương bổng một cách rõ ràng. Chẳng hạn lương Đại Tư tế là 48.000 panas, Ngân khố và Thuế vụ 24.000 panas, các Thượng thư khác 12.000 cho tới một nhân viên văn thư là 95 panas.
Toàn bộ lãnh thổ chia làm 1 đặc khu kinh đô và 4 tỉnh, mỗi nơi do 1 hoàng thân đứng đầu, có địa vị như Phó vương. Dưới tỉnh có huyện và làng. Làng và việc quản trị làng hầu như không biến đổi gì qua hàng thế kỉ. Các viên chức địa phương được hưởng một phần thuế hoặc tô.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/cac-quoc-gia-so-ky-va-ba-quyen-magada-600-321-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-tien-su-va-nen-van-hoa-song-an-indus/
- https://ngaydacbiet.com/thuy-to-phat-giao-sakya-muni/
- https://ngaydacbiet.com/su-phan-liet-va-bien-chuyen-tren-ban-dao-an-do-232-tcn-320-cn/
- https://ngaydacbiet.com/tu-tuong-triet-li-va-tu-tuong-ton-giao-o-an-do-co-dai/
Đặc khu kinh đô được Megasten miêu tả khá tỉ mỉ: Hội đồng quản trị có 30 quan chức, chia làm 6 Ban (mỗi Ban có 5 ủy viên) phụ trách 6 mặt khác nhau (thủ công, ngoại vụ, hộ tịch, thương mại, thuế vụ và giám sát việc cung cấp sản phẩm).
Đất nước vẫn dựa chủ yếu vào nền kinh tế nông nghiệp. Nhà nước đặc biệt coi trọng và khuyến khích nông nghiệp. Theo Arthasastra, vua vẫn được coi là người sở hữu tối cao của mọi ruộng đất, nhưng cũng thừa nhận hình thức chiếm hữu tư nhân. Việc khai khẩn đất hoang thuộc về nhà nước. Sau chiến tranh với Kalinga, có tới 150.000 người Kalinga bị điều đi khai hoang và lập trại mới. Họ sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bộ máy nhà nước và phải nộp toàn bộ sản phẩm thặng dư. Những người này cũng được gọi là Sutra và lại có thân phận giống như nô lệ – Dasas.
Nông dân nhận ruộng của làng, tự canh tác và phải nộp từ 1/6 đến 1/4 sản phẩm, tùy theo chất lượng đất và thuế được tính theo diện tích và chất đất đối với từng nông dân mà chính quyền địa phương phải thu và nộp lên triều đình.
Gắn liền với nông nghiệp là thủy lợi. Nhà nước hết sức quan tâm công tác thủy lợi, như tổ chức đào kênh, đắp đê, đập, đào hồ ao, giếng. Một viên quan thời Chandragupta được giao việc đắp đập tạo nên một hồ nước ở gần Girnar. Đập này vẫn còn có tác dụng đến 800 năm sau. Thủy lợi là một nhiệm vụ quan trọng của quan chức địa phương và cũng là một chính sách quan trọng của nhà nước nhằm kiểm soát chính trị trên toàn lãnh thổ. Nhà nước cũng định cả mức thuế nước đối với nông dân nói chung và nhất là những người có sử dụng các công trình thủy lợi do nhà nước làm.
Thủ công và thương nghiệp cũng có nhiều tiến bộ. Các mặt hàng truyền thống tiếp tục phát triển. Nhà nước trực tiếp điều khiển việc chế tạo vũ khí và tàu thuyền. Những thợ làm nghề này được miễn thuế. Còn những ngành nghề khác, ngay cả những người làm trong các cơ sở nhà nước như kéo sợi, dệt vải, khai thác mỏ… cũng vẫn phải nộp thuế.
Thợ thủ công tự tập hợp nhau trong phường hội. Họ được quyền tự sản xuất và bán hàng, nhưng phải đóng dấu ngày sản xuất để phân biệt hàng cũ mới. Đã có sự kiểm soát giá cả để tránh cho người mua phải chịu giá quá cao. Quan thương vụ có trách nhiệm kiểm soát kĩ thời giá, chất lượng và cung cầu đối với hàng hóa. Mỗi sản phẩm phải chịu thuế 1/5 trị giá hàng hóa và thêm 1/5 thuế doanh thu (có nghĩa là cả trực thu và gián thu). Trốn thuế bị coi là một tội rất nặng.
Việc buôn bán nội địa có cơ hội phát triển hơn trước rất nhiều, vì nay không còn sự phân biệt quốc gia này với quốc gia khác từ bắc đến nam. Có lẽ đã có những đường buôn bán thường xuyên ven biển, và đường bộ nối sông Ấn với sông Hằng. Hiện nay chưa có dấu tích gì về việc buôn bán với vùng biển Đông Nam Á, nhưng ngoại thương bằng đường bộ và đường biển với vương triều Seleucos ở Iran và qua đó với thế giới Địa Trung Hải, gia tăng hơn trước nhiều.
Arthasastra của Kautalya và Indika của Megasten cùng những văn phẩm khác đương thời còn cung cấp những hiểu biết sinh động về xã hội Ấn Độ đương thời.
Trước hết về chế độ chủng tính Varna hình thành cùng với sự có mặt của người Arya, tức là người nói ngôn ngữ Ấn – Âu, từ nửa sau thiên kỉ II TCN. Đạo Phật không có ý tưởng xóa bỏ varna mà chỉ chủ trương không phân biệt varna trong Đạo Pháp, tức là dù thuộc tầng lớp nào cũng có thể tin theo và hành động theo Phật Pháp.
Megasten nói rằng xã hội Morya chia làm 7 đẳng cấp: Các triết gia, nông phu, binh sĩ, mục đồng, thợ thủ công, quan tòa và các thành viên Hội đồng. Dường như ông không biết gì về các varna thời Veda. Theo ông, lớp thứ nhất bao gồm các nhà tu hành Bà la môn, Phật và các giáo phái khác; binh sĩ, quan tòa và các quan chức đã là sự phân tách của Ksatria. Tuy nhiên đa số binh sĩ không phải xuất thân từ Ksatria, mà từ Vaisia. Vaisia còn bao gồm nông phu, mục đồng và thợ thủ công. Nhưng phần lớn nông phu hẳn là Sutra, nhất là những người làm trong các đất khẩn hoang thời Asôca. Dường như các varna cũ được pha trộn và kéo dài ra, tăng thêm những tầng lớp xã hội mới. Những tầng lớp mà ông kể ra không cho thấy một trật tự cao thấp như thế nào, nhưng lại cho biết về quan hệ giữa các tầng lớp không giống như các varna thời Veda: “Không ai được phép kết hôn ngoài đẳng cấp hoặc thực hành nghề nghiệp, hay kĩ nghệ khác với nghề nghiệp của mình”.
Địa vị của các tầng lớp xã hội cũng thay đổi. Sự gia tăng các viên chức và quân đội, cùng với sự tham gia của các tầng lớp khác, khiến cho ý nghĩa của tầng lớp kshatriya khác trước. Sự phát triển thành thị và tầng lớp công thương gia với sự gia tăng của cải và vai trò quản trị thành thị, chắc chắn không thể duy trì thân phận Vaisia của họ như trước.
Đến đây – thế kỉ IV-III TCN, có lẽ hệ thống varna đã không còn trong thực tế, hệ thống casta mới nảy sinh. Có lẽ chế độ đẳng cấp casta đang trên đường định hình dưới vương triều Môrya trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn này.
Kết cấu xã hội cũng có những biến đổi phức tạp. Tầng lớp tăng lữ không thay đổi mấy về vị trí, chức năng và thành phần, nhưng không còn địa vị kinh tế như trước. Các quan chức và các nhà buôn giàu, có địa vị kinh tế cao nhưng không giống nhau về vị trí xã hội. Tầng lớp bình dân gồm thợ thủ công làm các nghề nghiệp thông thường và nông dân. Thợ thủ công tập hợp nhau trong các phường hội. Còn nông dân là những người sản xuất chủ yếu, sống trong các làng – grama – còn thấm đượm tàn dư của quan hệ công xã nguyên thủy.
Các thư tịch thường nhắc đến 2 lớp người, là suđra và dasa. Dasa thường được hiểu là nô lệ. Arthasastra cho biết một người có thể bị biến làm nô lệ do sinh ra là con nô lệ, bị bắt làm tù binh, bị tội, gán mình chuộc nợ…
Nhưng theo Megasten, đại sứ của triều Seleucos tại Pataliputra. Ấn Độ không có chế độ nô lệ. Nhưng đó là cách nhìn của người Hi Lạp, vì ở đây không có sự phân biệt hoàn toàn giữa người tự do và nô lệ, cũng như vai trò của nô lệ trong sản xuất ở Hi Lạp. Ở Ấn Độ, nữ nô lệ có con với chủ, thì chị ta và đứa con đều trở thành tự do. Người nô lệ có thể chuộc lại thân phận hoặc được chủ trả lại tự do và nếu người đó là Arya thì cũng lại được hưởng địa vị Arya. Vì phần lớn ruộng đất vẫn do nông dân trong các làng canh tác, người nô lệ chủ yếu làm các việc hầu hạ, lao động nặng nhọc mà chỉ có vai trò phụ trong sản xuất.
Cũng do đó, dasa và suđra không đồng nhất với nhau. Như đã thấy, Arya cũng có thể bị biến làm nô lệ và ngược lại, nhiều sutra có thân phận thấp kém và nghèo khổ, nhưng không lệ thuộc riêng một chủ nào. Mặt khác lại có những người, như dân Kalinga bị bắt đi khẩn hoang và do nhà nước trực tiếp quản lí, thì họ vừa bị coi là sutra, vừa có thân phận gần như nô lệ của nhà nước.
Ở Ấn Độ, dasa phát triển một cách hạn chế và mang tính chất gia trưởng, như nhiều nước phương Đông khác.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,