Tình trạng tập trung đông đảo nô lệ và việc bóc lột thậm tệ sức lao động nô lệ đã làm cho mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ ngày càng trở nên quyết liệt, gay gắt. Vì vậy từ thế kỉ II đến thế kỉ I TCN, trên lãnh thổ của đế quốc Rôma đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh, khởi nghĩa của nô lệ. Từ hình thức giản đơn, tự phát phá hoại công cụ sản xuất, phá hoại mùa màng đến những cuộc khởi nghĩa vũ trang trên bình diện rộng với quy mô lớn làm lao đao giới thống trị Rôma.
2 cuộc khởi nghĩa trên đảo Xixin (136 – 132 TCN và 104 – 99 TCN)
Đáng kể là cuộc khởi nghĩa năm 136 – 132 TCN và cuộc khởi nghĩa năm 104 – 99 TCN trên đảo Xixin. Nguyên nhân trực tiếp là thái độ đối xử tàn bạo của chủ nô Đômôphilốt ở thành Enna. Nô lệ xin quần áo mặc để lao động. Đômôphilốt đã không cho, lại lăng nhục và đánh đập.
Từ Enna, phong trào nổi dậy của nô lệ nhanh chóng lan sang các vùng khác. Ở Agrigiăngtơ – thành phố ở Tây Nam đảo Xixin – quân khởi nghĩa do Clêông chỉ huy cũng đã hoàn toàn làm chủ vùng này. Sau đó lực lượng nô lệ có vũ trang của Clêông (hơn 5.000 người) đã gia nhập lực lượng quân khởi nghĩa Enna. Sức mạnh của phong trào Enna tăng lên, nhờ thế, quân khởi nghĩa đã đánh bại đại quân 8.000 người của Rôma, hoàn toàn làm chủ Xixin trong suốt 5 năm trời. Năm 132 TCN, Rôma đã điều động đạo quân hùng mạnh với số lượng lớn do quan chấp chính Rapiliuxơ chỉ huy tấn công Xixin. Quân Rôma bao vây thành Tôrômênium. Nghĩa quân đã anh dũng chống cự, nhưng bị đói, bị vây hãm lâu ngày và sự phản bội của một số nô lệ, thành Tôrômênium thất thủ. Quân Rôma tiến sang vây hãm Enna, trong nhiều ngày, tình cảnh của nô lệ ở Enna cũng rất khó khăn, cuối cùng Enna lọt vào tay quân Rôma. Rôma đã tiến hành một cuộc thảm sát mang tính chất trả thù, 20.000 nô lệ bị giết hại, Clêông tử trận, còn Ơnút bị bắt và bị sát hại trong tù. Khởi nghĩa của nô lệ ở Xixin bị dìm trong biển máu.
Khởi nghĩa do Xpactacuxơ lãnh đạo (73 – 71 TCN).
Lớn hơn cả và ảnh hưởng hơn cả là khởi nghĩa của nô lệ do Xpactacuxơ lãnh đạo (73 – 71 TCN).
Cuộc khởi nghĩa này bắt đầu từ nô lệ đấu sĩ (Glađiato) ở đấu trường Batiata thuộc thành phố Capu (Italia). Những nô lệ đấu sĩ thường xuyên chịu đựng cuộc sống căng thẳng, luôn luôn đùa giỡn với cái chết để làm trò giải trí cho tầng lớp chủ nô. Tại các đấu trường, không có trận đấu nào không có nhiều nô lệ bị giết hại bởi ác thú hoặc đồng loại.
Năm 75 TCN, 200 đấu sĩ thuộc đấu trường Batiata ở Capu tính chuyện bỏ trốn, nhưng kế hoạch bị bại lộ, chỉ có gần 80 nô lệ trốn thoát, tập hợp và ẩn náu ở núi Vêduvơ – phía nam Capu. Họ bầu Enômaiuxơ (Enomaius), Crikxuxơ (Cricksus) và Xpactacuxơ làm chỉ huy.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/che-do-tam-hung-lan-thu-nhat-va-nen-doc-tai-xeda/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-ky-vuong-chinh-trong-lich-su-roma/
- https://ngaydacbiet.com/roma-tro-thanh-de-quoc-ba-chu-khu-vuc-dia-trung-hai/
- https://ngaydacbiet.com/su-sup-do-cua-che-do-cong-hoa-va-su-thiet-lap-nen-doc-tai-xila/
- https://ngaydacbiet.com/nhung-cuoc-dau-tranh-cua-nguoi-binh-dan-polep-plebs/
Xpactacuxơ là nô lệ đấu sĩ người xứ Toraxơ (Hi Lạp), trước đây đã từng cùng người Hi Lạp chống Rôma, bị bắt làm tù binh và biến thành một Glađiato. Trong quá trình chiến đấu, Xpactacuxơ càng tỏ rõ là một người có bản lĩnh, thông minh, kiên quyết, có đầu óc tổ chức và chỉ huy quân sự. Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và tham gia của nhiều nô lệ ở Italia, Rôma đã đem quân tới đàn áp nhưng đều thất bại. Nô lệ ở khắp Italia theo về với Xpactacuxơ ngày một đông, lực lượng nghĩa quân phát triển rất nhanh chóng, quân số hơn 10.000 người, hầu hết Nam Italia thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân.
Kế hoạch của Xpactacuxơ là hành quân lên phía bắc từ đó vượt dãy Anpơ để trở về quê hương (Hi Lạp). Nội bộ lãnh đạo và nghĩa quân bắt đầu có sự bất đồng ý kiến. Một bộ phận nghĩa quân chủ yếu là dân nghèo Italia, không muốn rời bỏ Italia, muốn chống lại Rôma ngay trên quê hương của họ. 2 vạn quân khởi nghĩa cùng phó tướng Crikxuxơ tách ra thành một đoàn riêng, nhưng kết quả là bị quan chấp chính Heliuxơ (Hellius) đánh bại, Crikxuxơ tử trận. Đoàn do Xpactacuxơ lãnh đạo vẫn phát triển mạnh thế lực, thu hút nhiều nô lệ, dân nghèo, quân số đạt tới 120.000 người. Theo kế hoạch đã định sẵn, Xpactacuxơ dẫn đạo quân của mình tiến về phía bắc, nhưng tới đó, Xpactacuxơ lại thay đổi kế hoạch, kéo quân quay ngược lại hướng nam. Lí do nào đã khiến Xpactacuxơ thay đổi ý kiến? Cho tới nay cũng chưa thật rõ. Có thể là tại đường đi hiểm trở, khó vượt qua, có thể là do chính bản thân Xpactacuxơ thấy nên chống Rôma ngay tại Italia. Nhưng rõ ràng, những hoạt động và chủ trương của quân khởi nghĩa đã gây nên nỗi kinh hoàng cho chính quyền Rôma – nỗi kinh hoàng không kém gì khi nghe tên Haniban tới cổng thành Rôma xưa kia. Viện nguyên lão đã cử Craxiuxơ với 10 quân đoàn Rôma tinh nhuệ tới đàn áp phong trào, nhưng vẫn không thu được kết quả, đến mức Viện nguyên lão đã phải triệu hồi cả Pompêiuxơ đang ở Tây Ban Nha và Luculuxơ đang làm thống đốc Macedonia về tiếp úng.
Xpactacuxơ tiến xuống mỏm Brutium ở Nam Italia, và định vượt biển sang Xixin, nhưng do sự phản bội của bọn cướp biển, thuyền không có, kế hoạch của Xpactacuxơ không thành. Trong khi đó, đại quân của Craxiuxơ vẫn đuổi gấp ở phía sau, Craxiuxơ quyết định chặn đường rút quân của Xpactacuxơ, dồn quân khởi nghĩa xuống cực nam của bán đảo. Craxiuxơ đào một hào rộng, đắp luỹ cao thành một phòng tuyến dày đặc dài suốt 55 km cắt ngang vùng Bratium. Tình thế của nghĩa quân cực kì nguy hiểm, phía trước là biển, phía sau là chiến tuyến của quân Rôma, mặt khác nội bộ nghĩa quân lại không thống nhất, một số nô lệ, dân nghèo không đồng ý với kế hoạch rút sang Hi Lạp, đã tách ra thành những đoàn nhỏ.
Mùa xuân năm 71 TCN, trận kịch chiến giữa quân đội Craxiuxơ và nghĩa quân Xpactacuxơ đã diễn ra ác liệt ở Apuli – Xpactacuxơ bị thương vào mông, ông đã chống đỡ bằng khiên và đánh lui những kẻ xông tới, cho tới khi ngã xuống cùng một số đông người vây bọc xung quanh ông. Toàn quân đội của ông nằm trong tình trạng hỗn loạn hoàn toàn, đã bị chém giết hết.
Người ta không thể tính chính xác số người bị giết. Thi thể Xpactacuxơ không tìm ra… 6.000 người bị bắt và bị treo cổ dọc đường từ Capu đến Rôma. Tuy nhiên, phong trào chưa tắt hẳn, mãi tới năm 62 TCN, Côtaviuxơ mới tiêu diệt được bộ phận cuối cùng của những người theo Xpactacuxơ.
Cuộc khởi nghĩa nô lệ do Xpactacuxơ lãnh đạo là một trong những cuộc đấu tranh vĩ đại nhất trong lịch sử của người nô lệ. Nghĩa quân bao gồm hàng chục vạn người, tồn tại suốt trong mấy năm trên một địa bàn rộng của ngay đế quốc Rôma, gây bao nỗi kinh hoàng cho giai cấp thống trị, trong đó nổi bật hình ảnh Xpactacuxơ “một nhân vật điển hình tốt đẹp nhất trong toàn bộ cổ sử. Đó là một tướng có tài… một bản chất cao quý, một đại biểu chân chính của giai cấp vô sản cổ đại”
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,