Toc
Hán Chương Đế tên là Lưu Đát, là con trai thứ 5 của Hán Minh Đế, tuổi Thìn. Tính tình nhân hậu khoan dung, nho nhã hiếu học. Kế vị sau khi Minh Đế qua đời, tại vị 13 năm, ốm chết, thọ 33 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 56 – 88.
Nơi an táng: Kính Lăng (phía đông nam Lạc Dương). Thụy hiệu là Hiếu Chương hoàng đế, miếu hiệu là Túc Tông.
Công – tội: ông tiếp tục thi hành chính sách khoan thư sức dân của Hán Quang Võ Đế, bãi bỏ những hình luật hà khắc thời Hán Minh Đế, phái sứ thần thiết lập quan hệ với các dân tộc ở tây bắc, an định biên thùy. Ngoài ra, ông còn có thành tựu to lớn trên phương diện văn hóa giáo dục, cùng với Minh Đế, tạo ra thời kỳ “Minh Chương thịnh thế”.
Tuy Minh Đế cai trị hà khắc, nhưng quốc gia vẫn phát triển phồn vinh về mọi mặt, tạo nền móng vững chắc cho thời đại của Lưu Đát.
Để ngoại thích hoành hành triều chính
Sau khi kế vị, Lưu Đát đã làm một việc sai lầm là để cho ngoại thích can dự vào việc triều chính. Thời Lưu Tú cai tri, thấm nhuần bài học Vương Mãng nên từng lập ra quy định “ngoại thích không được phong hầu và can dự vào việc chính sự”. Nhưng Lưu Đát đã phá bỏ quy định đó. Mã hoàng hậu của Minh Đế là con gái của hiền thần Mã Viện. Ông chính là người bỏ chạy từ Thung Hữu đến Lạc Dương quy thuận Lưu Tú. Mã Viện lập được rất nhiều công lao, là tác giả của câu nói nổi tiếng “Làm trai phải chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mới là đáng trọng”. Mã hoàng hậu là người đã nuôi dưỡng Lưu Đát, nay là Mã thái hậu.
Lưu Đát rất tôn trọng Mã thái hậu và bắt đầu trọng dụng người nhà của bà vào việc triều chính. Rất may là khi thái hậu biết chuyện đã kiên quyết ngăn cấm mới có thể diệt trừ tai họa về sau.
Sau khi Mã thái hậu qua đời, không ai cai quản việc này, người nhà của Đậu hoàng hậu lại bắt đầu lộng quyền.
Lưu Đát rất sủng ái Đậu hoàng hậu, luôn nghe theo lời bà ta. Đậu hoàng hậu nhân cơ hội đó xây dựng thế lực của mình. Chỉ vài năm sau, mọi quyền lực trong triều đều nằm trong tay người nhà họ Đậu. Anh trai của Đậu hoàng hậu là Đậu Hiến đã nắm giữ mọi chức vụ quan trọng trong triều như Đại tư mã, Đại tướng quân, ngang ngược chuyên quyền, thậm chí còn ức hiếp, bức hại cả hoàng tộc.
Lưu Đát không phải không biết những việc này nhưng ông ta vốn tính đôn hậu, do dự không quyết đoán nên đã gây ra hậu họa về sau. Một lần, Đậu Hiến tháp tùng Hoàng thượng xuất du. Hoàng thượng cố ý cho xe đi qua đất phong của công chúa Thấm Thủy, rồi hỏi Đậu Hiến: “Hiện nay khu đất này thuộc về ai?” Trước đó không lâu, Lưu Đát đã biết Đậu Hiến chiếm đoạt khu đất này của công chúa Thấm Thủy nên mới cố ý hỏi như vậy.
Bài viết liên quan:
Đậu Hiến nghe vậy thì sợ đến cứng lưỡi. Lưu Đát trách mắng và nghiêm khắc cảnh cáo những việc làm ngang ngược của Đậu Hiến. Từ đó, người nhà họ Đậu cũng bớt ngang ngược. Nhưng Lưu Đát vẫn để ngoại thích thao túng triều chính như cũ.
Tại sao lại như vậy? Đó chính là hậu quả của chủ trương “dĩ nhu trị quốc” của Lưu Tú. Lưu Đát luôn cho rằng nhân nghĩa tốt hơn là nền chính trị hà khắc. Cho nên, sau khi ông nắm quyền, đã lần lượt nới lỏng và bãi bỏ những hình phạt và luật lệ hà khắc mà phụ thân đã định ra. Ông coi trọng việc tuyển chọn quan lại, cho rằng quan lại thanh liêm sẽ khiến cho chính trị trong sạch. Chỉ cần làm tốt những việc này thì có một vài ngoại thích làm loạn cũng không đáng lo ngại.
Phát triển sản xuất
Trong phát triển sản xuất, Hán Chương Đế chủ yếu thực hiện ba việc.
- Một là cấm tư nhân buôn bán muối và rèn sắt, để tránh tình trạng đầu cơ tích trữ.
- Hai là giảm nhẹ lao dịch và sưu thuế.
- Ba là chống bọn cường hào chiếm đoạt ruộng đất, khuyến khích khai hoang, khuyến khích việc sinh đẻ để tăng dân số.
Những chính sách này có vai trò quan trọng, giúp đất nước phát triển phồn vinh.
Lưu Đát bản chất là một Nho sĩ. Một Nho sĩ làm chính trị thì chỉ cần làm được những việc trên. Đợi khi tình hình đất nước ổn định, ông lại làm những việc mình yêu thích.
Phát triển Nho học
Năm 83, Lưu Đát lệnh cho chính quyền các cấp tiến cử người học rộng tài cao cho trung ương, để họ nghiên cứu cổ tịch trong Thái học. Những người này giống như những thành phần tri thức ngày nay, lúc nào cũng tranh luận không ngừng nghỉ. Lưu Đát bèn cho triệu tập họ đến Bạch Hổ quán để trao đổi các quan điểm bất đồng, tập trung trí tuệ của các phái để phân biệt sự giống và khác nhau, cuối cùng biên soạn thành một bộ sách lớn còn được truyền tận đến ngày nay là “Bạch Hổ thông nghĩa”. Bộ sách này không chỉ nghiên cứu các cổ tích mà còn tiếp thu các học thuyết như Âm Dương Ngũ hành và sấm vĩ, phát triển thêm Nho học và triết học thần bí từ thời Đổng Trọng Thư đến lúc đó, có ảnh hưởng rất to lớn.
Ngoài ra, ông còn có công sáng lập trên các phương diện như lịch pháp và khoa học.
Lưu Đát cũng là một nhà thư pháp tài ba, sở trường về viết chữ thảo, được những bậc cao thủ về thư pháp các đời tôn kính gọi là “chương thảo”. Tóm lại, nhà Đông Hán đến thời Hán Chương Đế đã phát triển đến đỉnh cao.
Năm 88, Hán Chương Đế mắc bệnh qua đời.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại – nhiều tác giả,