Toc
Hán Quang Võ Đế tên là Lưu Tú, tự là Văn Thúc, cháu 9 đời của Lưu Bang, là vị hoàng đế lập ra nhà Đông Hán, tuổi Mão. Tính tình ôn hòa, nho nhã, có tài thao lược. Sau khi lật đổ Vương Mãng, Lưu Huyền thì xưng đế. Tại vị 33 năm, ốm chết, thọ 64 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 6 TCN – 57.
Nơi an táng: Nguyên Lăng (huyện Mạnh Tân tỉnh Hà Nam ngày nay). Thụy hiệu là Quang Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thế Tổ.
Công – tội: Hán Quang Võ Đế khôi phục nhà Hán, thống nhất đất nước, kết thúc thời kỳ chiến loạn. Sau khi xưng đế, cai trị đất nước theo đường lối ôn hòa. Có công khôi phục và phát triển dân sinh, đưa đất nước phát triển trên mọi phương diện. Nhưng tiếc rằng đường lối cai trị ôn hòa của ông lại là mầm họa cho chính quyền về sau.
Lai lịch của Lưu Tú
Lưu Tú tuy là con cháu của hoàng thất nhà Hán, là dòng dõi của Trương Sa Vương Lưu Phát, con trai Hán Cảnh Đế, nhưng truyền đến đời phụ thân ông là Lưu Khâm thì chỉ làm chức huyện lệnh Nam Đôn. Khi Lưu Khâm qua đời, Lưu Tú mới 9 tuổi, được chú là Lưu Lương nuôi dưỡng.
Lưu Tú dung mạo anh tuấn, có phong độ của một Nho sĩ. Ông làm việc thận trọng, cư xử lễ nghĩa, khiêm tốn, tín nghĩa, được mọi người ca ngợi, ông còn có khí chất yếu đuối của nữ nhi nên tính tình rất hiền lành. Khi hơn 20 tuổi, ông vào học ở Thái học tại kinh đô, là vị hoàng đế có học vấn cao nhất.
Tương truyền, Lưu Tú vốn không hề có chí hướng muốn làm hoàng đế. Ông vừa gặp Âm Lệ Hoa ở Tân Dã đã sinh lòng mê đắm. Nhìn thấy đội nghi trượng của quan Chấp kim ngô (quan cai quản trị an của kinh đô Trường An) thì vô cùng ngưỡng mộ, từng nói rằng: “Làm quan thì làm Chấp kim ngô, lấy vợ thì lấy Âm Lệ Hoa”. Có thể thấy rằng, mục tiêu sống của Lưu Tú không hề cao xa.
Giai đoạn còn thuộc nhà Tân
Cuối triều Tân, chính trị hủ bại, dân chúng lầm than, thiên hạ đã đại loạn. Năm 22, quê nhà Nam Dương gặp nạn đói. Trong số bạn bè của Lưu Diễn (anh trai Lưu Tú, không phải Hán Bình Đế: Lưu Diễn) có người làm trộm cướp. Lưu Tú sợ bị liên lụy nên đã trốn đến Tân Dã, đi buôn bán lương thực. Có thể thấy ông là một người dân an phận.
Tham gia khởi nghĩa chống quân Tân
Sau này, các nghĩa quân nổi dậy ở khắp nơi, Lưu Tú cũng có chút dao động. Một người bạn của ông tên là Lý Thông khuyên ông cũng nên dấy binh khởi nghĩa. Sau khi đắn đo cân nhắc, Lưu Tú thấy rằng không khỏi nghĩa thì cũng không có đường thoát, liền lén mua binh khí, mưu tính khỏi sự với Lưu Diễn.
Tháng 10 năm đó, Lưu Diễn ở Thung Lăng, Lưu Tú và Lý Thông, Lý Dật ở Uyển Thành cùng khởi binh và gia nhập quân Lục Lâm.
Quân Lục Lâm là nghĩa quân lớn mạnh nhất lúc bấy giờ, có hơn 10 vạn người. Mọi người thương lượng lập một người trong tông thất nhà Hán làm hoàng đế để hiệu triệu lòng dân. Người ở Nam Dương muốn lập Lưu Diễn vì ông ta trị quân nghiêm minh, được mọi người trọng vọng. Nhưng nghĩa quân Tây Thị, Bình Lâm muốn lập một kẻ bất tài như Lưu Huyền để dễ sai khiến. Lưu Diễn rất tức giận nhưng cũng không làm được gì. Sau khi Lưu Huyền làm hoàng đế, phong cho Lưu Diễn làm Đại tư đồ, Lưu Tú làm Thái thường thiên tướng quân.
Lưu Tú lãnh đạo, đánh quân Tân đại bại
Khi Lưu Huyền và các tướng lĩnh đang vất vả tấn công Uyển Thành, Lưu Tú dẫn quân chiếm được Côn Dương.
Trước tình hình đó, Vương Mãng vội vàng tập kết trăm vạn đại quân (thực ra chỉ có bốn mươi mấy vạn) tấn công quân Lục Lâm. Quân Lưu Tú chỉ có chưa đến 1 vạn. Các tướng lĩnh thấy tình thế đó thì đều chủ trương rút chạy khỏi Côn Dương, nhưng Lưu Tú phân tích tình hình và khuyên mọi người nên dũng cảm chiến đấu. Tướng lĩnh rất khâm phục Lưu Tú, đồng ý nghe theo sự chỉ huy của ông.
Lưu Tú chia quân làm 2 cánh, Vương Phượng và Vương Thường ở lại trấn thủ còn mình dẫn theo Lý Dật và 13 người phá vòng vây xông ra ngoài, triệu tập các nghĩa quân khác đến ứng cứu. Lúc này, quân Tân đã đến chân thành Côn Dương.
Sau khi ra khỏi thành Côn Dương, Lưu Tú hỏa tốc đến huyện Yển và Đinh Lăng, tập hợp được vài ngàn người, trở về cứu viện Côn Dương. Quân Tân đã vây kín thành Côn Dương.
Lưu Tú nhân lúc quân Tân chưa bày trận xong, tự mình dẫn 3000 tử sĩ đánh thẳng vào trung quân của địch. Tướng địch là Vương Ấp, Vương Tầm cậy quân số đông đảo, coi thường quân Lưu Tú, chỉ mang vài ngàn quân ra nghênh chiến. Kết quả là bị quân Lưu Tú đánh cho tan tác, quân Tân không dám cứu viện, đến Vương Ấp cũng bị giết chết.
Quân Tân thấy Đại tướng quân bị giết thì hoảng loạn. Vương Thường và Vương Phượng ở trong thành xuất binh đánh ra. Hai cánh quân cùng hợp lại đánh cho quân Tân bỏ chạy tán loạn, dẫm đạp lên nhau chết vô số. Quân Tân bỏ chạy bị chết đuối ở sông Tù làm tắc nghẽn cả dòng chảy.
Nhờ sự dũng cảm và tài thao lược của Lưu Tú, nghĩa quân đã đánh cho quân Tân đại bại, bắt được mấy vạn tù binh, chiến lợi phẩm thu được phải vận chuyển mấy tháng mới hết.
Anh trai bị Lưu Huyền giết
Chiến thắng ở Côn Dương đã làm tăng thêm uy thế của nghĩa quân, khiến cho Lưu Tú và Lưu Diễn trở thành danh tướng nổi tiếng của quân Lục Lâm. Tuy nhiên, tướng lĩnh quân Lục Lâm lại không vui mừng trước chiến thắng này. Chúng thấy anh em họ Lưu lập được đại công thì liên tục khuyên Lưu Huyền trừ khử họ. Lưu Huyền vốn là kẻ thiển cận, nghe lời khuyên của bọn tay chân thì cũng thấy rằng anh em Lưu Diễn là một mối họa, liền mượn cớ mời anh em họ đến Uyển Thành dự tiệc. Trong buổi tiệc, Lưu Huyền thấy anh em họ một người thì dũng mảnh như hổ, một người thi thư sinh nho nhã, tự thấy không thể đối đầu, liền để cho họ đi.
Sau đó, các tướng lĩnh của Lưu Huyền đều trách hắn bất tài, khiến Lưu Huyền rất tức giận. Đúng lúc đó, có viên tướng tên là Lưu Tắc, vốn ghen ghét anh em họ Lưu nên đã mắng cho Lưu Huyền một trận. Lưu Huyền liền lôi hắn ra chém đầu. Lưu Diễn đến doanh trại để cứu hắn cũng bị giết chết.
Sau khi Lưu Diễn chết, rất nhiều người khuyên Lưu Tú báo thù cho anh trai. Lưu Tú vẫn không có động tĩnh gì, vì ông biết bọn Lưu Huyền chỉ chờ ông làm vậy để kiếm cớ trừ khử. Ông không mặc tang phục, không cử hành tang sự, gặp Lưu Huyền thì đều tỏ ra cung kính, không hề nhắc đến chuyện của Lưu Diễn. Những việc Lưu Huyền giao phó, ông đều lo liệu chu đáo, khiến cho Lưu Huyền không tìm được cớ để giết ông. Nhưng thật ra ông vô cùng đau khổ, kiêng rượu thịt, âm thầm khóc một mình.
Sự thay đổi của tình thế sau đó khiến Lưu Tú trở thành lực lượng cốt cán của nghĩa quân, Lưu Huyền cũng cảm thấy ăn năn vì những việc đã làm, phong cho ông làm Phá hổ Đại tướng quân và Vũ Tín Hầu.
Giai đoạn Lưu Huyền làm vua
Chuẩn bị xây dựng đại nghiệp
Sau khi quân Lục Lâm định đô ở Lạc Dương, Lưu Huyền ban cho Lưu Tú chức Đại tư mã và một số người ngựa, phái ông đi vỗ yên các quận ở Tuyên Phủ tỉnh Hà Bắc. Đây chính là cơ hội để Lưu Tú xây dựng đại nghiệp.
Sau khi đến Hà Bắc, Lưu Tú lập tức phế bỏ chính sách “Tân chính” của Vương Mãng, bãi bỏ các loại thuế khiến dân chúng vô cùng vui mừng, ông tiến hành phân loại quan lại địa phương, cách chức kẻ xấu, ban thường và thăng chức cho người tốt và phục hồi tên gọi của các chức quan thời Hán. Ông thẩm tra lại vụ án của những phạm nhân đang bị giam trong ngục, sửa chữa những án oan sai.
Vài tháng sau, quân và dân ở đó ai cũng quý mến và quy phục theo Lưu Tú. Có người từng khuyên ông nên phá đê sông Hoàng Hà, dìm chết quân Xích Mi ở Hà Đông, ông kiên quyết không nghe, ông nói rằng: “Cũng là nghĩa quân chống lại Vương Mãng, sao lại tàn sát lẫn nhau? Hơn nữa, nếu phá vỡ đê thì người chịu tai họa vẫn chỉ là trăm họ”. Điều đó chứng tỏ Lưu Tú là một người quân tử nhân nghĩa.
Bài viết liên quan:
Bình định Hà Bắc
Kẻ địch lớn nhất của Lưu Tú ở Hà Bắc là Lưu Lang. Lưu Lang được thế lực ở địa phương ủng hộ, tự xưng là con trai của Hán Thành Đế, định đô ở Hàm Đan, chiếm một vùng rộng lớn từ đất Triệu đến Liêu Tây. Lưu Tú dựa vào lực lượng ở Hà Bắc, nhanh chóng lên đường tấn công Hàm Đan. Khi ông đánh đến Hàm Đan, thuộc hạ của Lưu Lang mở cổng thành đón đại quân của ông vào thành. Lưu Lang nhân lúc đêm tối bỏ trốn, bị giết trên đường đi.
Khi Lưu Tú thanh lý văn kiện dưới thời Lưu Lang thì phát hiện rất nhiều mật báo của quân Lưu Tú gửi cho Lưu Lang. Có người kiến nghị Lưu Tú căn cứ theo danh sách những kẻ phản bội, lần lượt hỏi tội từng tên khiến chúng rất sợ hãi. Lưu Tú nói: “Bỏ qua đi, ngày nay thiên hạ đại loạn, có người không nhìn rõ thời cục, không biết nên theo ai cũng là điều dễ hiểu”, rồi lệnh thiêu hủy hết các công văn đó trước mặt mọi người khiến những kẻ có liên quan cảm động, một lòng theo ông chinh chiến. Đây chính là sự việc tiêu biểu cho việc Lưu Tú chủ trương trị quân, trị nước một cách ôn hòa.
Sau khi ổn định ở Hà Bác, ông liền chiêu mộ anh tài, thu phục lòng dân, muốn xây dựng đại nghiệp như Cao Tổ. Lúc này, ông mới thực sự muốn làm hoàng đế.
Rất nhiều người nhìn thấy chí hướng cao xa, khâm phục nhân cách của ông đã đua nhau tìm đến. Những nhân vật nổi tiếng như Đặng Vũ, Phùng Dị, Khẩu Tuân, Diêu Kỳ, Cảnh Yểm đều có vai trò quan trọng, giúp ông bình định thiên hạ sau này, trở thành danh thần của triều đình.
Lưu Huyền đề phòng
Lưu Huyền thấy Lưu Tú lập được đại công thì thấy lo lắng. Tướng lĩnh dưới trướng cũng khuyên hắn đề phòng Lưu Tú.
Lưu Huyền bèn phái sứ thần đến gặp Lưu Tú, sau khi phong ông làm Tiêu Vương thì lệnh cho ông dừng mọi hoạt động quân sự, lập tức dẫn những tướng lĩnh có công về Trường An. Lưu Tú nhận ra âm mưu của Lưu Huyền, bèn lấy lý do chưa bình định xong Hà Bắc, từ chối chấp hành mệnh lệnh của Lưu Huyền. Lúc đó, thế lực của Lưu Tú đã hùng mạnh, Lưu Huyền cũng không thể làm gì được.
Lưu Tú không ngừng mở rộng lãnh thổ, phát triển lực lượng. Mọi việc làm của ông đều lấy ”nhu” làm gốc. Bởi ông tin rằng nhu có thể thắng cương, yếu có thể khắc chế mạnh, ông liên tiếp xuất binh, lần lượt đánh bại nhiều quân khởi nghĩa như Đổng Mã, Cao Hồ ở Quán Đào (nay thuộc Sơn Đông), Bổ Dương (nay thuộc Hà Bắc) rồi chiêu hàng họ. Ông biết rằng những người này không thực sự hàng phục, luôn chuẩn bị làm phản hoặc bỏ trốn, nên sai người chỉnh đốn, nhiều lần tự mình giám sát chúng, cư xử thân thiết như anh em, không hé tỏ ra nghi ngờ, khiến những kẻ hàng phục rất cảm động.
Giai đoạn sau khi lên ngôi
Lưu Tú bắt đầu xưng đế
Lưu Tú thu nạp nghĩa quân ở khắp nơi, một bộ phận quân Xích Mi cũng đến xin hàng khiến cho lực lượng của ông nhanh chóng lớn mạnh. Lưu Tú nhận thấy lực lượng đã đủ để tranh đấu với quần hùng.
Lúc đó, Phàn Sùng dẫn quân Xích Mi tiến về Trường An. Lưu Tú lệnh cho Đặng Vũ dẫn binh tiến về Quan Trung, Khấu Tuân trấn thủ Hà Nội, coi Hà Nội là hậu phương, đợi thời cơ. Mấy hôm sau, có tin truyền về rằng kinh đô của quân Lục Lâm đã là một tòa thành trống.
Lúc này, văn võ bá quan đều khuyên Lưu Tú xưng đế. Sau một hồi thoái thác, ông cũng đồng ý làm hoàng đế, vẫn lấy quốc hiệu là Hán để biểu thị ý quang phục Hán thất.
Tấn công Lạc Dương
Sau khi xưng đế, Lưu Tú không tổ chức lễ đăng cơ mà lập tức phái quân tấn công Lạc Dương. Tướng trấn giữ Lạc Dương là Lý Dật, Chu Vị đều từng khuyên Lưu Huyền giết Lưu Diễn, Lưu Tú và đều thù ghét anh em họ.
Khi quân Hán đến gần, Lý Dật sợ hãi, viết thư nói rằng mình muốn đầu hàng nhưng sợ Chu Vị không nghe. Lưu Tú lệnh cho các tướng lĩnh tuyên truyền nội dung bức thư đó. Chu Vị biết tin rất tức giận, bèn giết chết Lý Dật.
Lưu Tú phái người đến nói với Chu Vị rằng ông bỏ qua mọi thù oán trước đây, nếu hắn đầu hàng thì sẽ ban thưởng hậu hĩnh. Chu Vị tự thấy không thể địch lại quân Hán nên đã đầu hàng. Lưu Tú phong cho hắn làm Bình Địch tướng quân, Phù Câu Hầu.
Quân Lưu Tú không phải đổ máu mà vẫn chiếm được Lạc Dương. Trước khi vào thành, Lưu Tú giao hẹn với tướng sĩ tuyệt đối không được quấy nhiễu dân chúng. Tuy nhiên viên tướng tên là Tiêu Quảng vẫn dẫn quân giết chóc. Lưu Tú liền đem hắn ra chém đầu thị chúng. Do đó, quân dân thành Hàm Dương đều quy thuận Lưu Tú.
Trấn áp quân Xích Mi
Sau khi định đô ở Lạc Dương, Lưu Tú quyết định trấn áp quân Xích Mi. Quân Xích Mi vốn chỉ là một lũ trộm cướp ô hợp, không thể địch lại quân Hán. 10 vạn quân Xích Mi bị vây trong vùng Nghi Dương chật hẹp, chỉ mấy ngày sau liền đầu hàng. Lưu Tú cho triệu tập các thủ lĩnh đến, nói rằng: “Trẫm không ép các ngươi phải đầu hàng. Ai không phục thì lĩnh quân quyết chiến với trẫm một trận nữa”. Các thủ lĩnh đều dập đầu thuận lòng quy phục.
Năm 36, sau hơn 10 năm chinh chiến, Lưu Tú đã thống nhất đất nước.
Lưu Tú trị vì đất nước như thế nào?
Chính sách và chủ trương mới
Lưu Tú lấy Nho học làm gốc, chủ trương “dùng nhu trị quốc”. Khi đất nước vừa được bình định, ông liền đến khắp nơi chiêu mộ những nhà Nho có tài, ban quan tước để họ cùng giúp ông an bang định quốc. Trong đó có mấy chục nhà Nho lớn như Phạm Tỉnh, Trần Nguyên, Trịnh Hưng, Đỗ Lâm, Vệ Hoành, Lưu Côn, Hoàn Vinh…
Lưu Tú đưa những nhà Nho này thay thế vị trí của những tướng quân không hiểu chữ nghĩa, chỉ nhờ vào chiến công mà thăng tiến, lệnh cho bọn họ giao nộp binh quyền, về quê nghỉ hưu. Đồng thời, cắt giảm quân đội và những chức vụ không cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho dân chúng.
Do chiến tranh kéo dài nhiều năm, dân chúng phải lưu lạc tha hương nên phần lớn đồng ruộng bị bỏ hoang. Lưu Tú liên tiếp ra mười mấy chiếu lệnh để ổn định dân lang thang, khuyến khích sản xuất, mở kho lương cứu trợ. Chỉ vài năm sau, dân chúng ở Trung Nguyên đều đã an cư lạc nghiệp.
Mỗi khi có việc gì, Lưu Tú luôn bàn bạc với các đại thần, cho phép họ tự do phát biểu ý kiến. Thái độ khiêm tốn nhã nhặn, khoáng đạt của ông khiến các đại thần rất cảm động nên ai cũng ra sức cống hiến tài năng cho triều đình. Sau khi bàn thảo việc quốc sự, Lưu Tú thường cùng các đại thần thảo luận về Nho học.
Chủ trương ôn hòa
Có kẻ tên là Nguy Hiêu đã cát cứ ở Lũng Hữu nhiều năm. Rất nhiều đại thần đều chủ trương xuất binh thảo phạt nhưng Lưu Tú nói rằng: “Hà tất phải làm thế, trẫm viết cho hắn 1 bức thư, nếu hắn là người hiểu biết thì sẽ đầu hàng”.
Nhưng Nguy Hiêu cũng đồng thời nhận được thư chiêu hàng của Công Tôn Thuật cát cứ ở đất Thục, lưỡng lự khó quyết định. Nguy Hiêu phái tướng quân Mã Viện đến cả hai nơi để thăm dò tình hình. Mã Viện đến Thành Đô trước, Công Tôn Thuật đối xử với ông ta rất ngạo mạn và còn phòng bị nghiêm ngặt. Sau đó, Mã Viện đến Lạc Dương, gặp Lưu Tứ thì rất bất ngờ thay ông ăn mặc giản dị như thường dân ra tiếp đón, thái độ hết sức thân thiết. Mã Viện muôn phần cảm động, quay về hồi báo với Nguy Hiêu, khuyên ông ta nên quy thuận nhà Hán. Nhưng Nguy Hiêu vẫn do dự không quyết, Mã Viện liền tự mình bỏ theo nhà Hán.
Lưu Tú: một vị Hoàng đế giản dị
Lưu Tú sống rất giản dị, ngoài những ngày đại lễ, ông không bao giờ mặc tơ lụa, càng không uống rượu, vui chơi. Đối với người trong cung cũng yêu cầu hết sức nghiêm khắc. Chỉ có hoàng hậu và quý nhân mới được ban tước lộc, những người còn lại chỉ được hưởng lộc là mấy đấu gạo mà thôi.
Những năm cuối đời, quần thần muốn xây lăng mộ cho ông, ông dặn dò rằng: “Không nên xây quá cao, to, chỉ cần để xung quanh không ứ đọng nước là được”.
Năm 57, Lưu Tú mắc bệnh nặng. Ông ra ý chỉ: “Ta không tạo phúc được cho dân chúng, tang lễ cử hành theo nghi thức tang lễ của Văn Đế, mọi thứ phải tiết kiệm, không được lãng phí”. Tháng 2 năm đó Lưu Tú qua đời.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại – nhiều tác giả,