Tiếp thu và chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Crét, Ai Cập, Babylon, người Hi Lạp (từ thế kỉ V TCN) đã tạo nên nền nghệ thuật hoàn mĩ, đậm tính hiện thực, tính dân tộc “đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn về thẩm mĩ… được dùng làm tiêu chuẩn, mẫu mực mà chúng ta khó có thể vươn tới.
Kiến trúc
Trong các thành bang Hi Lạp, đâu đâu cũng có những công trình kiến trúc đẹp đẽ, đồ sộ, nguy nga: nhà ở, đền miếu, kịch trường, sân vận động… thể hiện phong cách Hi Lạp. Đáng kể nhất là đền thờ thần Dớt (ở Olympus), đền thờ nữ thần Atêna (trên đảo Êgin) và nhất là đền Páctênông (ở Aten) được xây dựng dưới thời Pêricơlét.
Pictênông được coi là kiệt tác của kiến trúc đền thờ cổ đại Hi Lạp. Đền thờ nữ thần Atêna – thần bảo hộ thành bang Aten – do kiến trúc sư Íchtinốt vẽ theo sự hướng dẫn của nhà điêu khắc thiên tài Phiđiát. Đền được khởi công xây dựng từ năm 447 TCN, cơ bản hoàn thành vào năm 432 TCN, dài 70 m, ngang 31 m, cao 14 m. Nhìn từ xa, ngôi đền vừa trang nghiêm, vừa cân xứng, hài hòa, trang nhã. Toàn bộ ngôi đền bằng đá, được xây dựng trên một nền trụ đá, với 3 bậc, xung quanh có 46 cột tròn, trang trí theo phong cách Đôrien. Trên các tường, có những phù điêu lấy từ đề tài các truyện thần thoại hay diễn tả cảnh sinh hoạt kinh tế, xã hội Aten. Trong đền có tượng nữ thần Atena, cao 12 m bằng gỗ khảm vàng và ngà voi do Phiđiát thể hiện”.
Trước thế kỉ XVII, ngôi đền này còn được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh. Từ cuối thế kỉ XVII, trong cuộc chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kì và Vênêdia, đền Páctênông đã bị tàn phá nặng nề, nhiều hiện vật quý bị thất lạc.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/nen-kinh-te-cua-aten-trong-thoi-ky-toan-thinh-cua-che-do-chiem-huu-no-le/
- https://ngaydacbiet.com/nguon-su-lieu-va-lich-su-su-hoc-hy-lap/
- https://ngaydacbiet.com/dieu-kien-tu-nhien-va-dan-cu-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/triet-hoc-co-hi-lap/
- https://ngaydacbiet.com/su-ra-doi-nha-nuoc-dan-chu-chu-no-aten-the-ki-vii-the-ki-vi-tcn/
Điêu khắc
Nghệ thuật điêu khắc của người Hi Lạp cổ đại cũng được xem là một mẫu mực hoàn mĩ của điêu khắc thế giới. Những tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của các nhà điêu khắc tài ba.
Tượng “Người ném đĩa” của Mirông, tượng “Thần Hécmét” và “Thần Vệ nữ” của Praxiten, tượng “Nikê” ở Samôtơrát hay “Nữ thần chiến thắng” bằng đá cẩm thạch, đặt trên một bệ đá (cũng bằng đá cẩm thạch) với đôi cánh thần lộng lẫy. Các pho tượng “Nữ thân Atêna” của Phiđiát (nhất là pho tượng “Atena” trong đền Páctênông), tượng “Người chỉ huy chiến đấu” (đặt ở quảng trường Aten), tượng “Thần Dớt” khảm ngà voi và vàng đặt trong đền thờ thần Dớt tại quảng trường Antix ở Olympus.
Hội họa
Về hội họa, người Hi Lạp cũng có những sáng tạo, thành công với các bức vẽ trên vải, trên tường và trên các đồ gốm, sành, sứ (kể cả gốm màu).
Pôlinhốt là tác giả của tranh khổng lồ “chiến dịch Maratông”. Apôtôđo đã phát minh ra phép bối cảnh trong hội họa, chú ý đến khoảng cách xa, gần cần thiết của các nhân vật và cảnh vật trong tranh. Tiếc rằng cho tới nay không còn lưu giữ được các tác phẩm vô giá của Pôlinhốt và Apôtôđo.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,