Ấn Độ là một bán đảo hình tam giác, nằm ở phía nam châu Á nhưng hầu như ngăn cách với châu lục này bởi dải núi cao nhất thế giới, Himalaya, nên còn được gọi là một “tiểu lục địa”.
Ấn Độ chỉ có thể liên hệ với thế giới bằng đường bộ, về phía tây, qua đèo Bolan (nay ở phía nam Pakistan) vượt núi Toba Kakar, hoặc về phía tây – bắc, từ Taxila qua Kabun (nay là thủ đô Afganistan), vượt dãy Hinducuc hiểm trở, để đến Iran và Trung Á. Nhưng Ấn Độ có hai mặt giáp biển, nằm giữa đường biển từ Tây (Hồng Hải và Vịnh Ba Tư) sang Đông (Biển Đông và Thái Bình Dương), nơi dừng chân bắt buộc của đường hàng hải Tây – Đông.
Bán đảo này hầu như bị cắt đôi bởi dãy núi Vinđia. Nửa phía bắc là hai đồng bằng rộng lớn, do sông Hằng (Ganga) tạo nên ở phía đông – bắc, và sông Ấn (Indus) tạo nên ở phía tây – bắc (vùng này nay thuộc Pakistan).
Nửa phía nam, Đêcan là núi Vinđia kéo dài thành cao nguyên Đêcan, núi cao, rừng rậm chiếm phần lớn diện tích, lại thêm hai dãy núi Đông Gat và Tây Gat chạy dọc hai bờ đông, tây của bán đảo. Tuy nhiên, hai vùng duyên hải hẹp và dài là hai vùng quần cư đông đúc và thuận lợi.
Bán đảo Ấn Độ có chiều ngang rộng từ 67° – 87° kinh đông, (khoảng 2100 km) nằm trên 3 múi giờ, và có chiều dài từ 7 đến 32° vĩ bắc (khoảng 3000km).
Từ trung lưu sông Indus, còn con đường bộ qua đèo Goman nhưng rất xa hiểm trở nên ít dùng cũng như có thể qua Axam ở phía đông để đến Mianma, nhưng đi đường biển tiện hơn nhiều.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/chu-viet-va-van-hoc-an-do-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/vua-acoka/
- https://ngaydacbiet.com/cac-quoc-gia-so-ky-va-ba-quyen-magada-600-321-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-tien-su-va-nen-van-hoa-song-an-indus/
- https://ngaydacbiet.com/su-phan-liet-va-bien-chuyen-tren-ban-dao-an-do-232-tcn-320-cn/
Will Durant (1946) cho rằng Đêcan là biến âm của từ Sanskrit Dakshina = (tay phải, nhìn hướng Mặt Trời mọc) nghĩa là phương Nam. René Grousset (1955) lại cho là có gốc từ Sanskrit, nghĩa là Giữa Trưa = ở Giữa (?) đầy ý nghĩa : từ cực nam đến sát vùng hạ lưu sông Ấn và sông Hằng, từ 7 – 25° vĩ bắc, khí hậu nóng và rất nóng. Phía bắc vùng giáp chân núi Himalaya lại rất lạnh, có tuyết rơi. Miền Bắc, ở vĩ độ 23°, chịu ảnh hưởng của đới chí tuyến đã nóng lại rất khô. Vùng tây bắc, lưu vực sông Ấn, khí hậu khô nóng xê dịch ít nhiều lên trên (trong khoảng vĩ độ 25 – 30°) tạo nên sa mạc Thar, mỗi chiều khoảng 600km. Lưu vực sông Ấn rất hiếm mưa và chịu tác động trực tiếp của sa mạc Than, cát bay dữ dội, hàng năm phủ một lớp dày trên hai bờ trung lưu sông Ấn. Trong khi đó vùng đông bắc, lưu vực sông Hằng lại có tác động của gió mùa, có mưa, cây cối tốt tươi.
Gió biển đem lại mưa, khí hậu dịu mát hơn và nước sinh hoạt cho dân hai vùng duyên hải đông, tây. Vùng sông Hằng ở đông – bắc chịu ảnh hưởng của gió mùa, trồng lúa nước và những cây cối gần gũi với đời sống của dân Đông Nam Á.
Thiên nhiên Ấn Độ: miền Bắc sông ngòi và miền Nam lắm rừng nhiều núi, có núi cao rừng già bí hiểm lại có hai dải bờ biển dài vào loại nhất trên thế giới, có sa mạc nóng chảy lại có mưa theo gió mùa. Thật là một thiên nhiên vừa đóng kín vừa cởi mở, vừa là một tiểu lục địa thống nhất, cách biệt với bên ngoài, vừa chia cắt và khác nhau bên trong, vừa hùng vĩ và vừa cực kì đa dạng.
Sông Ấn (Indus) chính là cái nôi của văn minh Ấn Độ mà dân bản địa gọi là sông Sindhu. Người láng giềng Iran phát âm là Hindu, nên gọi tên nước là xứ Hindu – Hindustan. Xưa kia từ này chỉ để gọi miền Bắc, sau dùng để chỉ chung Ấn Độ. Người Hi Lạp gọi tên sông là Indus, và tên nước là India, nhưng chính người Ấn Độ lại lấy tên một ông vua truyền thuyết, thủy tổ để đặt tên chính thức cho nước mình BHARAT.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,