Toc
Nội dung và bản chất nhà nước Aten
Giai cấp thống trị ở Aten có 2 bộ phận: quý tộc chủ nô ruộng đất và quý tộc chủ nô công thương. Quý tộc chủ nô ruộng đất chủ trương thiết lập nền chuyên chính theo thể chế cộng hòa quý tộc, ngược lại, quý tộc chủ nô công thương lại chủ trương xây dựng bộ máy nhà nước theo thiết chế dân chủ, chủ nô.
Sự đối lập và xung đột giữa hai chủ trương của hai bộ phận thuộc giai cấp thống trị đã diễn ra ngày càng quyết liệt ngay từ những thập kỉ 80 của thế kỉ V TCN. Xu hướng dân chủ ngày càng lấn át và thắng thế trước xu hướng bảo thủ của quý tộc chủ nô ruộng đất, nhờ vậy nền dân chủ chủ nô Aten được củng cố, hoàn thiện và đạt tới đỉnh cao nhất của nó, thành niềm tự hào vĩnh cửu của lịch sử nhân loại.
Những cải cách dân chủ của Ephiantét
Năm 462 TCN, sau khi nắm quyền, Ephiantét (Ephialtes) bắt đầu thực hiện một số cải cách dân chủ. Trước hết ông đã tước bỏ quyền lực của hội đồng trưởng lão – một tổ chức, mà theo Ephiantét, là cơ quan phản dân chủ về thành phần cũng như các chức năng, quyền hạn. Quyền lập pháp (trước đây do Hội đồng trưởng lão nắm giữ) được trao cho đại hội nhân dân (Ecclesia). Quyền hành pháp trao cho hội đồng 500 người (Bule) và quyền tư pháp trả về cho cơ quan chức năng của nó – toà án nhân dân (Hélie) – Hội đồng trưởng lão (Arêôpagiơ) vẫn tồn tại nhưng chỉ có chức năng điều hành các nghi lễ, tế tự và xét xử các vụ án tôn giáo.
Tiếp đó, Ephiantét đa đưa ra chế độ Gơraphêparanômôn, quy định các nhà soạn luật phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về nội dung và hậu quả của những dự luật mà họ soạn thảo. Chế độ này vừa ngăn chặn được những mưu đồ phá hoại nền dân chủ, vừa đề phòng được những chủ trương phiêu lưu, quá khích không có lợi cho nền dân chủ. Phái bảo thủ không chịu khoanh tay, hò hét và kích động dân chúng rằng Ephiantét “đã mê hoặc quần chúng bằng những quyền tự do dân chủ quá trớn” và tổ chức ám hại ông (vào năm 461 TCN).
Thời kỳ Pêricơlét cầm quyền Aten
Pêricơlét (Péricles) (499 – 429 TCN) trở thành lãnh tụ của phái dân chủ đồng thời cũng là người lãnh đạo cao nhất của nhà nước Aten. Pêricơlét xuất thân từ gia đình quý tộc chủ nô giàu có, cháu ngoại của Clixten, con trai của danh tướng Aten Xăngtipốt. Nhờ gia thế và được giáo dục toàn diện, chu đáo ngay từ nhỏ nên Pêricơlét sớm nổi tiếng là một người học rộng, tài cao, nhà hùng biện và quân sự lỗi lạc, có quan hệ mật thiết và rộng rãi với nhiều nhà triết học, văn học nổi tiếng ở Aten. Sử gia Tuyxiđít – người theo phái bảo thủ đối lập, cũng phải thừa nhận Pêricolét “… có tài năng, uy tín, thông minh, có tư cách đạo đức, không để cho ai mua chuộc”. Vì thế, trong suốt 15 năm liên tục (từ năm 444 đến 429 TCN), Pêricơlét được bầu làm tướng quân thứ nhất. Pêricolét đã tích cực vận động và thực hành nhiều chính sách dân chủ, tiến bộ nhằm hoàn thiện nền dân chủ Aten.
Thời kì Pêricơlét cầm quyền, nền dân chủ chủ nô Aten đạt đến mức hoàn hảo nhất, trở thành mẫu mực của chế độ dân chủ trong thế giới cổ đại. Thời kì Pêricơlét cầm quyền cũng là “thời kì hoàng kim” của Aten và thế giới Hi Lạp. “Thế kỉ vĩ đại” hay “thế kỉ Pêricơlét”.
Pêricolét chủ trương tiếp tục duy trì và phát triển các tổ chức và các sinh hoạt dân chủ vốn đã có từ trước. Duy trì quyền hạn và chức năng của Đại hội nhân dân hội đồng 500 người, toà án nhân dân (có 6000 thẩm phán), hội đồng tư lệnh (gồm 10 tướng lĩnh)… Pêricơlét còn tăng cường các hoạt động dân chủ, quy định 10 ngày đại hội nhân dân sẽ nhóm họp một lần. Toà án nhân dân với 6000 thẩm phán sẽ không có công tố viên chuyên nghiệp để toàn thể những ai tham dự phiên toà đều có quyền công khai hết tội hoặc bào chữa cho bị can. Pêricơlét cũng tăng cường những hoạt động văn hóa tinh thần phục vụ các công dân tự do (tổ chức lễ hội, thi đấu thể thao, biểu diễn ca kịch…).
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/nghe-thuat-kien-truc-dieu-khac-va-hoi-hoa-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/nen-kinh-te-cua-aten-trong-thoi-ky-toan-thinh-cua-che-do-chiem-huu-no-le/
- https://ngaydacbiet.com/chien-tranh-hi-lap-ba-tu-492-448-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/cuoc-dong-chinh-cua-alexander-macedonia-va-thoi-ky-hy-lap-hoa/
- https://ngaydacbiet.com/triet-hoc-co-hi-lap/
Để thực sự mở rộng quyền dân chủ cho các công dân Aten, Pêricơlét đã thực hành chế độ bầu cử các quan chức nhà nước bằng phương pháp bốc thăm“. Nhờ vậy, các công dân Aten đều có cơ hội nắm giữ các chức vụ của bộ máy nhà nước, kể cả những chức vụ cao nhất: quan chấp chính.
Để tạo cơ sở vững chắc cho nền dân chủ và tạo điều kiện cho công dân Aten thực hiện quyền dân chủ của họ, Pêricơlét đã cho thực hiện một loạt những chính sách tiến bộ khác: Trả lương cho các viên chức, nhà nước thực hành rộng rãi và thường xuyên chế độ phúc lợi trợ cấp đối với những công dân gặp khó khăn (cấp phát thóc, lúa, cấp tiền để mua vé xem ca kịch, thể thao…), tiến hành xây dựng củng cố các công trình quốc phòng kiến thiết xây dựng thủ đô Aten, đồng thời Pêricolét cũng triệt để thực hành chính sách di dân Aten tới các vùng nhượng địa tại các thành bang của đồng minh Đêlốt vừa kiểm soát được các thành bang đồng minh vừa thỏa mãn yêu cầu ruộng đất của công dân Aten. (Theo thống kê, Pêricơlét đã đưa hơn 10.000 công dân Aten tới các vùng nhượng địa).
Tóm lại, với “Thế kỉ Pêricơlét”, Aten trở thành một thành bang phát triển nhất về kinh tế, có một thiết chế nhà nước tiến bộ nhất. Nền dân chủ chủ nô đạt tới mức hoàn hảo nhất, đỉnh cao của văn minh cổ đại, cội nguồn của văn minh châu Âu, niềm tự hào và kinh nghiệm của nhân loại.
Những hạn chế của Nhà nước Aten
Nhà nước Aten là đỉnh cao của nền dân chủ cổ đại, nhưng đó chỉ là nền dân chủ của giai cấp chủ nô, nền chuyên chính của giai cấp thống trị; do vậy nhà nước Aten vẫn còn nhiều hạn chế.
Trước hết, nhà nước dân chủ chủ nô Aten được thiết lập, tồn tại và phát triển trên nền sức lao động của đông đảo nô lệ và kiều dân Mêtéc. Nếu con số của Enghen là chính xác, thì số lượng nô lệ, kiều dân Mêtéc ở Aten hoàn toàn áp đảo số lượng của những công dân tự do (365.000 nô lệ và 45.000 kiều dân trên 90.000 dân tự do). Nô lệ, kiều dân chiếm tỉ lệ tuyệt đối, họ là lực lượng sản xuất cơ bản nuôi sống toàn bộ xã hội Aten, nhưng lại không có quyền công dân, không có quyền định đoạt vận mệnh của họ. Vì vậy, nhà nước Aten trước hết là nhà nước của một thiểu số người thống trị đại đa số cư dân đang sinh sống ở Aten.
Thứ hai, nền dân chủ Aten cũng không được thực hiện phổ cập ngay trong nội bộ những người được hiến pháp thừa nhận là công dân tự do. Đạo luật năm 451 TCN quy định chỉ có những người tự do có đủ 3 tiêu chuẩn (nam giới, 18 tuổi trở lên và cha mẹ đều là người Aten) mới được tham dự đại hội nhân dân (Ecclesia) để thực hiện quyền dân chủ của mình. Trên thực tế, số công dân tự do Aten có đủ 3 tiêu chuẩn kể trên không chiếm quá 30% tổng số công dân tự do Aten. Phụ nữ, trẻ nhỏ dưới 18 tuổi, những người già yếu, ốm đau, những thanh niên 18 tuổi nhưng cha hoặc mẹ không phải là người Aten chiếm một tỉ lệ cao, nhưng theo luật pháp, họ không được hưởng quyền công dân.
Thứ ba, các hoạt động chính trị, bầu cử đều chỉ diễn ra ở thủ đô Aten, do vậy, trên thực tế chỉ có những công dân tự do (đủ tiêu chuẩn) ở ngay Aten và một số vùng phụ cận mới có điều kiện trực tiếp tham gia các hoạt động dân chủ một cách thường xuyên. Nhiều người cho rằng: số công dân Aten thường có mặt tại các đại hội nhân dân (Ecclesia) chỉ đạt tới con số 6000 người. Như vậy, nền dân chủ Aten Vốn dĩ đã là nền dân chủ của một thiểu số trong đám cư dân Aten, lại càng trở nên thiểu số hơn nữa.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,