Toc
Sự thống nhất lại Ai Cập dưới vương triều XI – XII là một nhân tố hết sức quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế ở trong nước. Ngành kinh tế chính của Ai Cập là nông nghiệp, sự phát triển của nó phần lớn phụ thuộc vào việc chính quyền nhà nước có quan tâm tới công tác thủy lợi hay không. Đúng như C.Mác đã nói: “Được mùa ở Ai Cập là quyết định ở chính phủ tốt hay xấu, cũng như ở châu Âu là quyết định ở thời tiết tốt hay xấu”.
Nông nghiệp
Phát triển thủy lợi
Ở thời Trung vương quốc Ai Cập, chính quyền Pharaoh đã hiểu một cách sâu sắc tác dụng của công trình thủy lợi và tầm quan trọng của việc quan sát mực nước sông Nin đối với sản xuất nông nghiệp. Vì thế, chính quyền nhà nước đã rất quan tâm tới công tác thủy lợi.
Ở thời kì vương triều XII, nhất là dưới thời trị vì của Pharaoh Amênêmhet III, hệ thống thủy nông của Ai Cập đã được tu bổ và mở rộng hơn nhiều. Điôđo viết rằng vùng tam giác châu của Ai Cập bị chia nhỏ ra bởi các kênh đào.
Người Ai Cập cũng đã biết đo mực nước sông Nin lên xuống bằng một dụng cụ đặc biệt mà người la gọi là Ninlômét (Nilomètre). Trên sườn núi ở gần thác thứ hai của sông Nin, người ta thấy có đánh dấu các mực nước sông Nin lên xuống và gần đấy lại tìm thấy một bản văn tự cổ thuộc thời các vương triều XII – XIII. Rất có thể đây cũng là một loại Ninlômét đặc biệt, được làm ngay trên vách đá ở bờ sông. Có quy mô to lớn nhất trong thời kì này là công trình sửa chữa hồ Phayum (mà các tác giả Hi Lạp gọi là hồ Mơris) thành một bể chứa nước nhân tạo rộng lớn. Công trình này đã được bắt đầu từ thời Hêraclêôpôlít.
Đến thời vương triều XII, người ta đã đào một con kênh dẫn nước nối từ hồ tới sông Nin dài 19km. Các tác giả Hi Lạp cho biết người Ai Cập đã làm hồ đào kênh để khi nước sông Nin dâng cao, thì được chia bớt và chứa trong hồ, sau đó lại từ từ chảy ra khi mực nước sông Nin xuống thấp. Chính nhờ việc xây dựng công trình thủy lợi này, ở đây đã xuất hiện một trung tâm – thành thị mới – thành Kahun.
Ứng dụng công cụ đồng thau
Cùng với việc củng cố và mở rộng các công trình thủy lợi, công cụ lao động ở thời Trung vương quốc đã được cải tiến thêm một bước. Bước tiến quan trọng đó thể hiện trước hết từ sự xuất hiện các công cụ bằng đồng thau. Người Ai Cập thời kì này chế được đồng thau là nhờ việc nhập khẩu thiếc từ vùng Tiền Á.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/chinh-sach-doi-noi-va-doi-ngoai-cua-cac-vuong-trieu-trung-vuong-quoc-ai-cap/
- https://ngaydacbiet.com/to-chuc-nha-nuoc-va-quan-he-xa-hoi-o-ai-cap-thoi-co-vuong-quoc/
- https://ngaydacbiet.com/su-xuat-hien-xa-hoi-co-giai-cap-o-ai-cap/
- https://ngaydacbiet.com/su-suy-vong-cua-nha-nuoc-ai-cap-thoi-hau-ki-vuong-quoc/
- https://ngaydacbiet.com/ton-giao-va-triet-hoc-ai-cap-thoi-co-dai/
Sự xuất hiện công cụ bằng đồng thau đã làm thay đổi căn bản tình trạng kĩ thuật sản xuất lạc hậu trước đây trong mọi ngành kinh tế. Người ta có thể phỏng đoán sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp thời kì này qua việc xảy dựng các công trình thủy lợi, qua các công cụ lao động bằng đồng thau phát hiện được trong các di chỉ ở Kahun và Xackara, qua các bức phù điêu trên tường các hầm mộ ở Beni-Haxana, và El-Bers.
Chăn nuôi được đặc biệt chú ý
Ngành chăn nuôi cũng được nhà nước đặc biệt chú ý. Nhà vua đã cử ra một chức “quan trông coi súc vật trong cả nước” và thành lập “cơ quan thống kê súc vật có sừng“, còn ở hoàng cung thì cử một chức “quan chăn súc vật của vua“. Rất có thể những hiện pháp trên đây đã có tác dụng khuyến khích cho ngành chăn nuôi phát triển. Trong một bản cổ văn, một quý tộc địa phương đã rất tự hào nói rằng ông ta có một đàn súc vật lớn và có thể cung cấp cho nhà nước một số lượng súc vật cần thiết vào bất cứ lúc nào.
Thủ công nghiệp
Đi đôi với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp và các hoạt động thương nghiệp và mậu dịch đối ngoại cũng được đẩy mạnh. Thời kì này, người Ai Cập đã có quan hệ buôn bán hai chiều thường xuyên với Syria, Palestine, cả với Babylon và vùng biển Egiê nữa. Ở Gezera gần Jerusalem, người ta đã tìm thấy những bức tượng Ai Cập và các sản phẩm từ ngà voi. Những bình gốm với hoa văn linh xảo và chữ tượng hình khắc tên các Pharaoh Amênêmhet III và IV đã được tìm thấy ở Biblôs (Xiri).
Ngược lại khi khai quật một ngôi đền ở Tốt vào năm 1936, người ta đã tìm thấy 4 chiếc hòm bằng đồng có khắc tên Pharaoh Amênêmhét II, trong đựng đầy các sản phẩm mĩ nghệ, vàng, bạc, hạt chuỗi, vòng hình lục giác của Babylon. Ở Ai Cập đã tìm thấy những mảnh gốm vỡ được chế tạo ở đảo Krét; và ngược lại những hạt chuỗi Ai Cập thuộc các vương triều XI – XII đã được phát hiện ở Krét.
Sự phát triển chung của các ngành kinh tế còn được biểu hiện ở việc mở mang các đường giao thông thủy bộ, ở sự hưng thịnh của các thành phố củ và sự xuất hiện thêm nhiều thành phố mới. Tuy nhiên, nếu so sánh với những Kim tự tháp hùng vĩ của thời Cổ vương quốc thì thời kì này người ta lại không thấy những công trình xây dựng có “tầm cỡ” như vậy.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,