Toc
Tần Nhị Thế tên hiệu là Hồ Hợi, con thứ 18 của Tần Thủy Hoàng, tuổi Mùi. Tính cách ngu si, dốt nát, tham lam, là một nhân vật có số phận bi thảm. Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, Lý Tư cấu kết với Triệu Cao lập Hồ Hợi làm hoàng đế, vì một kẻ ngu ngốc thì dễ dàng sai bảo. Sau khi Hồ Hợi kế vị thì thực quyền ở trong tay Triệu Cao. Khi nhà Tần lâm nguy, Hồ Hợi bị Triệu Cao sai người giết chết khi mới 24 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 230 – 207 TCN.
Nơi an táng: vườn Nghi Xuân – Đỗ Nam (nay ở phía tây nam thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây.
Hoàn cảnh lịch sử
Trang Tương Vương Tử Sở nước Tần có một người nô tài trung thành tên là Triệu Thăng. Thời gian Doanh Chính sống ở nước Triệu, Triệu Thăng cũng có một người con trai, được Tử Sở đặt tên là Triệu Cao. Triệu Cao và Doanh Chính bằng tuổi nhau.
Sau này, khi Tử Sở và Lã Bất Vi lén trốn khỏi Hàm Đan, Triệu Thăng có công đỡ tên, cứu mạng Tử Sở. Trước khi Tử Sở qua đời, đã dặn dò Doanh Chính phải đối xử với Triệu Cao như anh em. Sau này, việc Doanh Chính tin tưởng Triệu Cao không chỉ do lời dặn dò của Tử Sở mà là do Triệu Cao luôn trung thành với Doanh Chính như một con chó nghe lời chủ. Thực ra, hắn không phải là một con chó trung thành mà là một con rắn độc.
Con trai trưởng Phù Tô của Tần Thủy Hoàng từ nhỏ đã thông minh hiếu học, khi trưởng thành là một chính nhân quân tử. Tần Thủy Hoàng rất kỳ vọng vào Phù Tô. Sau này, Phù Tô thường bất đồng ý kiến với một số việc làm của Tần Thủy Hoàng nên làm mất lòng Tần Thủy Hoàng; đặc biệt còn kịch liệt phản đối việc Tần Thủy Hoàng bức hại Nho sinh. Trong lúc tức giận, Tần Thủy Hoàng đã đuổi Phù Tô đến phương bắc, đi tu sửa Trưởng Thành với Đại tướng quân Mông Điềm. Tuy nhiên, Phù Tô rất được lòng người, mới hơn 20 tuổi mà đã nổi tiếng là hiển minh.
So với Phù Tô thi con trai út Hồ Hợi được Tần Thủy Hoàng yêu quý hơn. Thứ nhất là do Hồ Hợi là con út; thứ hai là do hắn ngu si, chỉ thích vui chơi, không can dự vào việc chính sự; thứ ba là do hắn cư xử khôn khéo, rất được lòng Tần Thủy Hoàng.
Hồ Hợi học thói xấu từ Triệu Cao
Do Triệu Cao có chút học vấn, viết chữ đẹp nên Tần Thủy Hoàng giao cho hắn dạy bảo Hồ Hợi. Triệu Cao tận tâm tận lực dạy bảo Hồ Hợi bởi hắn hy vọng trong tương lai Hồ Hợi sẽ giúp ích cho hắn. Được Triệu Cao dạy dỗ hơn 10 năm mà Hồ Hợi chẳng học hỏi được bản lĩnh tử tế gì mà chỉ học được cách nịnh hót, khua môi múa mép, nham hiểm thâm độc, ăn chơi trác táng, gây chuyện bất đồng, chia rẽ.
Ngoài ra, Triệu Cao còn dạy dỗ Hồ Hợi tính ỷ lại, không có Triệu Cao thì không làm nổi bất cứ việc gì. Đây chính là điều mà Triệu Cao mong muốn. Hồ Hợi rất tin tưởng và coi trọng Triệu Cao, đối xử rất thân thiết. Khi chỉ có hai người với nhau, Hồ Hợi gọi Triệu Cao là Triệu thúc.
Bắt đầu cấu kết đoạt Vương vị
Lý Tư cũng từng xem qua di chiếu của Tần Thủy Hoàng. Lúc đầu, Triệu Cao bàn bạc với Lý Tư giúp Hồ Hợi đoạt vị thì Lý Tư có phần do dự. Nhưng do e sợ Phù Tô vốn luôn phản đối chính sách và việc làm của Tần Thủy Hoàng mà Lý Tư chính là người đứng sau những việc đó nên nếu Phù Tô kế vị thì địa vị của mình khó được bảo toàn. Hơn nữa, một kẻ ngu si như Hồ Hợi lại dễ dàng sai khiến. Do vậy, Lý Tư đã cấu kết với Triệu Cao đưa Hồ Hợi lên kế vị.
Triệu Cao sai khiến Hồ Hợi xuống chiếu sát hại Phù Tô, Đại tướng quân Mông Điềm, Mông Nghị và những đại thần có công lao trong triều đình.
Hồ Hợi cũng là một kẻ độc ác
Những tội ác của Hồ Hợi không phải tất cả đều do Triệu Cao xúi bẩy mà bản chất Hồ Hợi cũng là một kẻ độc ác không có nhân tính. Lúc đầu, hắn còn do dự không muốn làm hoàng đế, tự cảm thấy bản thân kém cỏi. Nhưng sau này, khi đã tận hưởng cảm giác đứng trên vạn người thì bắt đầu tỏ ra bạo ngược hệt như Tần Thủy Hoàng. Do vậy, Hồ Hợi cũng suy tính mưu mô để giữ vững vương vị.
Khi an táng Tần Thủy Hoàng, Hồ Hợi lệnh cho tất cả những cung phi từng sinh con phải làm vật tùy táng và còn nhốt tất cả thợ xây thi công những khâu cuối cùng trong mộ để giữ bí mật về lăng mộ. Nhưng kỳ thực, hành động này của Hồ Hợi là muốn triệt để xóa sạch mọi dấu tích về Tần Thủy Hoàng.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/tan-thuy-hoang-hoang-de-dau-tien-trong-lich-su-trung-quoc/
- https://ngaydacbiet.com/cuoc-khoi-nghia-o-lang-dai-trach/
- https://ngaydacbiet.com/cach-thuy-hoang-doi-xu-voi-dao-nho-bach-gia-va-bon-phuong-si/
- https://ngaydacbiet.com/lai-lich-cua-tan-thuy-hoang-va-tinh-hinh-cua-nuoc-tan-khi-thuy-hoang-lam-vua/
- https://ngaydacbiet.com/cuoc-hanh-thich-o-bac-lang-sa/
Sau khi vương vị được vững vàng, Hồ Hợi cho giết hết tất cả anh, chị, em của mình. Chỉ trong vòng mấy ngày, Hồ Hợi đã giết chết 28 người anh, chị, em ruột thịt với những tội danh như bất kính với Hoàng thượng hoặc âm mưu tạo phản. Công tử Cao sợ hãi chạy đến cầu cứu Lý Tư nhưng Lý Tư nói rằng: ”Lúc này, đến cái đầu của ta còn khó giữ nổi, sao có thể bảo vệ được công tử? Công tử hãy về nhà mà nghe theo số mệnh đi”. Công từ Cao biết khó giữ nổi mạng, nên dâng tấu lên Hồ Hợi xin được chết bên cạnh mộ của Tần Thủy Hoàng để canh giữ lăng mộ. Hồ Hợi phê chuẩn và còn ban cho rất nhiều vàng bạc để công tử Cao chết một cách đàng hoàng.
Thân thích của các công tử, công chúa phần lớn là đại thần, lão thần trong triều. Hồ Hợi gán cho họ tội danh thông đồng mưu phản và xử tội chết. Chỉ với một chiêu này, Hồ Hợi đã gần như diệt sạch trọng thần trong triều đình. Một số lão thần thấy vậy cũng lần lượt tự sát, như thừa tướng Phùng Khứ Bệnh, tướng quân Phùng Kiếp. Ngay cả đến đại thần được Tần Thủy Hoàng sủng ái nhất là Lý Tư cũng bị khép vào tội mưu phản, phán cho hình phạt tru di tam tộc. Tần Nhị Thế năm thứ 2 (208 TCN), Lý Tư và cả nhà hơn một trăm người bị xử tử hình. Lý Tư bị khắc hai chữ “mưu phản” vào mặt rồi bị chém ngang lưng.
Triệu Cao mới chính là Hoàng Đế
Sau khi Lý Tư bị sát hại, Hồ Hợi lại bị Triệu Cao chi phối. Trên thực tế, Triệu Cao mới chính là hoàng đế. Tuy nhiên, hắn ta tự nhận thấy mình không danh chính ngôn thuận, luôn cảm thấy có người ám hại mình nên bày ra trò chỉ hươu thành ngựa để thăm dò thái độ thật của Hồ Hợi và quần thần đối với mình.
Sau một buổi chầu sáng, Triệu Cao nói rằng mình có một con ngựa quý, muốn dâng lên Tần Nhị Thế. Khi con ngựa quý đó được dẫn đến thì mọi người đều thấy đó lại là một con hươu. Hồ Hợi bảo đó là con hươu nhưng Triệu Cao cứ khăng khăng đó là con ngựa. Quần thần không ai dám làm phật ý Triệu Cao nên cũng nói đó là con ngựa. Lúc này, Hồ Hợi đã bắt đầu nhận ra bộ mặt thật của Triệu Cao. Triệu Cao làm như vậy là muốn thể hiện quyền uy của mình, hễ ai trái ý hắn thì đều gặp tai họa. Cuối cùng, Hồ Hợi cũng phải miễn cưỡng thừa nhận con hươu đó là một con ngựa quý.
Sau sự việc đó, từ Hồ Hợi đến triều thần đều nhìn rõ dã tâm độc ác của Triệu Cao, không ai dám phản đối những hành động bạo ngược của hắn.
Khởi nghĩa chống Tần
Nhưng những cuộc khởi nghĩa của nông dân đã lan rộng trên cả nước, đến kinh thành cũng không còn bình an nữa. Sau cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng, Ngô Quảng, nghĩa quân ở các nơi đồng loạt nổi dậy, khắp cả nước gần như không nơi nào không có cảnh chém giết. Nếu triều đình vẫn không nghĩ cách đối phó thì có khả năng chỉ trong vài ngày, vương triều nhà Tần sẽ bị hủy diệt.
Chương Hàm hiến kế đẹp loạn
Triệu Cao yêu cầu Hồ Hợi mở hội nghị bàn kế phòng ngự. Nhưng các công hầu đều không thể đưa ra một kế sách nào. Lúc đó, Thiếu phủ Chương Hàm hiến kế dùng các tù binh tu sửa lăng Ly Sơn, miễn tội cho họ rồi lập thành quân đội. Như vậy, trong tay triều đình ngay một lúc đã có 34 vạn đại quân, và Đại tướng quân đương nhiên chính là Chương Hàm – một viên quan cai quản thuế vụ, chưa từng có kinh nghiệm trận mạc.
Điều bất ngờ là kế sách này của Chương Hàm rất có hiệu quả. Đội quân gồm những phạm nhân ở Ly Sơn dưới sự chỉ huy của Chương Hàm liên tiếp giành thắng lợi, nhanh chóng dẹp được tất cả các cuộc khởi nghĩa nông dân.
Triệu Cao chẳng qua chỉ là một tên tiểu nhân lắm mưu mô, chưa từng làm được việc gì to lớn. Chương Hàm mới lập được một chút công trạng đã bị Triệu Cao đố kỵ, hắn sợ quyền thế của Chương Hàm quá lớn sẽ không khống chế được Chương Hàm nữa, nên bắt đầu hạn chế quyền lực của Chương Hàm, thậm chí cắt bỏ nguồn cung ứng cho đội quân của Chương Hàm. Do đó, việc tiến vào Trung Nguyên của đội quân Chương Hàm đã phải ngừng lại.
Hồ Hợi bị bức tử – triều đại nhà Tần chấm dứt từ đây
Mùa hạ, Hồ Hợi năm thứ 3 (207 TCN), Hạng Vũ thống lĩnh liên quân kháng Tần đại phá quân Chương Hàm ở Cự Lộc. Bại trận trên chiến trường, lại bị Triệu Cao gây khó dễ, Chương Hàm đã đầu hàng Hạng Vũ.
Một đạo quân khác do Lưu Bang thống lĩnh tiến về hướng tây, lúc này cũng đang áp sát cửa Hàm Cốc, chỉ một vài ngày nữa là có thể tiến vào thành Hàm Dương.
Triệu Cao phái em trai Triệu Thành ngầm liên hệ, đàm phán với Lưu Bang, âm mưu dâng lãnh thổ Trung Nguyên cho Lưu Bang để mong được thừa nhận làm Tần Vương. Như vậy, Hồ Hợi đã trở thành vật cản trở Triệu Cao xưng vương. Triệu Cao sai con rể là Diêm Nhạc dẫn hơn 100 binh sĩ đi giết Hồ Hợi. Khi Diêm Nhạc chuẩn bị kết liễu Hồ Hợi, hắn khóc lóc quỳ lạy, van xin được tha mạng, cầu xin Triệu Cao cho hắn làm Vạn hộ hầu thậm chí là thường dân cũng được. Hồ Hợi khóc than hồi lâu, Diệm Nhạc vẫn không buông tha, mà nói rằng: “Ta chỉ phụng lệnh thừa tướng đến giết ngươi, ngươi có làm trâu ngựa cho thừa tướng thì cũng vô dụng. Ngươi tự kết liễu hay để ta ra tay?”
Hồ Hợi đành rút bảo kiếm kề lên cổ nhưng cứa vài nhát mà chỉ rách da, máu chảy đầm đìa trước ngực, khiến hắn đau đớn khóc rống lên. Sau đó, phải có một thái giám giúp thì hắn mới cắt đứt được cổ. Hồ Hợi tại vị được 3 năm, thọ 24 tuổi, được an táng theo lễ của người bình dân ở trong vườn Nghi Xuân – Đỗ Nam, không có miếu hiệu và Thụy hiệu.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại – nhiều tác giả,