Người Ai Cập cho rằng con người có thể xác và linh hồn. Thể xác gọi là Djet, là nơi linh hồn nương tựa. Khi con người chết, linh hồn thoát ra nhưng vẫn cần thể xác làm chỗ trú ngụ cho nên cần giữ thi thể bất hoại.
Người Ai Cập cho rằng con người có nhiều hồn. Con người có một xác và 4 hồn, Akk là hồn ma, là sức mạnh thiêng tượng trưng bằng con cò quăm. Chỉ vua và thần mới có Akk, sau mở rộng cho mọi người. “Ba” cũng là một loại hồn tượng trưng bằng con chim đầu người. “Ka” là phần vô hình khó định nghĩa nhưng rất quan trọng. Người ta cho đó là “năng lượng sinh tồn” hay là sức mạnh bảo tồn cuộc sống. Muốn tồn tại, Ka phải có chỗ dựa thể xác cho nên phải ướp xác. Shouyt là cái bóng (Ombre), một loại hồn khó diễn tả.
Bài viết liên quan:
Do quan niệm thể xác phải làm chỗ dựa cho Ka cho nên phải ướp xác.
Thuật ướp xác Ai Cập ra đời từ thời cổ vương quốc khoảng năm 2700 trước Công nguyên và tồn tại mãi đến thế kỷ V sau Công nguyên. Về nguyên tắc, đó là kỹ thuật làm khô thi thể. Lấy các bộ phận dễ phân hủy như não, nội tạng ra bằng cách hút qua mũi hay giải phẫu bụng. Sau đó ướp thi thể vào khối natron khô, một loại Carbonate hydrate cọ xát, có rất nhiều ở Ai Cập, ướp như thế trong 70 ngày. Rửa, nhồi cỏ thơm vào đầu và bụng thay cho óc và nội tạng đã bị lấy ra. Xoa dầu thơm và một chất gọi là Myrrhe. Dùng vải lanh bó từng bộ phận cơ thể, riêng các ngón tay lồng vào bằng vàng để khỏi rơi rụng.
Người Ai Cập cho rằng Diêm vương là Osiris, vua phương Tây tức cõi chết. Địa ngục Ai Cập có cả ruộng đồng mà người chết phải cày cấy. Các Pharaon chết cũng không ngoại lệ. Vì vậy cần phải tìm cách cho linh hồn vua thoát khỏi cảnh cơ cực đó, do vậy cần được đưa lên thuyền Mặt trời để về gặp thần cha là Re. Các kim tự tháp có bậc để cho hồn vua lên trời, rồi khi tháp thành hình chóp thì đó là tia mặt trời giúp hồn vua về với mặt trời. Người ta cho rằng buổi chiều con thuyền Mặt trời xuống thế giới bên kia thuộc vương quốc Osiris trên sông Nile bên dưới. Nhiều điều nguy hiểm sẽ đe doạ chuyến đi đêm của con thuyền Mặt trời. Do đó, cần có những bài cầu nguyện để vượt qua các nguy hiểm ấy. Đấy là những phù chú huyền bí, ban đầu chỉ dùng cho vua, vốn được khắc trên thành quan tài các vua thời Trung vương quốc gọi là Linh Cữu ký. Đến thời Tân Vương quốc, những phù chú ghi trên giấy đặt trong hầm mộ cung cấp cho linh hồn người chết những phương tiện, phương pháp ứng xử đối đáp với ác quỷ, đối phó sự phán xét sao cho tránh tội không bị trừng phạt (chết lần thứ hai), không bị hoá vôi mà biến thành chim ưng thần kết hợp lại với thể xác bay lên trời.
Lịch sử các nền văn minh – Hoàng Lê Minh,