Toc
Triết học và tôn giáo là hai lĩnh vực khác nhau. Nhưng tư tưởng tôn giáo, mặc dù siêu hình, huyền bí, cũng tham gia triết lí về tâm linh, về con người, cuộc sống và cả thế giới. Trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, tư tưởng tôn giáo còn có vai trò nổi bật hơn triết học. Lại có tư tưởng trở thành tôn giáo (như Phật giáo) nhưng từ nguồn gốc không tự coi là tôn giáo mà là quan niệm về cuộc sống và đạo lí.
Đạo Bà la môn – Veda
Veda là thư tịch cổ xưa nhất, phản ánh buổi đầu người Arya đến Ấn Độ, cùng với việc làm ăn sinh sống, còn có cả tín ngưỡng, tôn giáo của họ.
Ban đầu chưa phải là một hệ thống thần thánh hoàn chỉnh mà sau là tín ngưỡng tinh linh. Yakshas là thần cây, trong đó có bodhi cây đa, naga – rắn thần (vốn có lẽ là vật tổ của bộ lạc Nagas ở thượng nguồn sông Ấn), Hanuman – khỉ thần, Nandi – bò thần… là những tinh linh đầu tiên được nói tới.
Tín ngưỡng mở rộng đến các lực lượng siêu nhiên, như Trời (Varuna) cũng là Cha ; Đất (Prithivi) cũng là Mẹ ; Lửa (Agni), Gió (Vayu). Ngay Visnu ban đầu cũng đồng nhất với Mặt Trời (Surya).
Vị thần gần gũi nhất là Indra, thần mưa bão, sấm sét. Indra có phần mang tai họa, nhưng nước mưa cần thiết biết bao nhiêu cho cuộc sống của người Arya ở sông Hằng. Đối lập với Indra là Visnu, Mặt trời chiếu sáng nhưng cũng đem lại khô nóng. Visnu đồng nhất với Krisna, vốn là vị thần địa phương của bộ lạc Krisna.
Từ Deva (thần) có quan hệ thế nào đó với Dyaus (tức là Zeus Hi Lạp), vốn có nghĩa là “sáng sủa”, là Trời.
Rig Veda nói về việc các thần Devas số nhiều, sinh ra các sắc đẳng (Varna) không phải là Brama đã có vai trò thần sáng tạo, càng chưa phải là thần tối cao, thần duy nhất. Brama lúc đầu có thể chỉ mới là biến thể của Atma. Atma là gì? là “Tinh tuý linh hồn của toàn thể Vũ trụ, là bản thân Chân lí hay Chân Như, là Bản ngã Tat team asi, là chính người” (Upanishad). Một khái niệm rất trừu tượng. Có thể hiểu Atma hay Brama là Vũ trụ, Chân Như, đồng thời cũng là Ta, Bản ngã.
Như thế, ban đầu Brama chưa định vị là thần. Sự phân sắc đẳng là điều thực, nhưng không do một thần nào mà do các thần sinh ra.
Gắn liền với sắc đẳng là quan niệm về số phận, định mệnh. Ramayana nói tới Karma (nghiệp) tức là nhân quả, số phận. Upanishad (Áo nghĩa thư) thì nói về Samsara (luân hồi) tức là sự chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Trong sự chuyển đó, con người khao khát Moksha, là sự giải phóng hay giải thoát. Đó là tất cả sợi dây ràng buộc con người hay Pháp, Đạo Pháp – Dharma, là khuôn khổ, quy luật tất yếu, không thể thoát ra được.
Có thể nói triết lí vĩ mô là hệ thống ảo, những triết lí vi mô là hệ thống thực. Con người phải theo cái thực, nhưng nguồn gốc của cái thực được giải thích bằng sự trừu tượng, mơ hồ.
Điều đó biện hộ cho vai trò của tăng lữ Bà la môn, tầng lớp quý tộc thị tộc chuyên coi việc lễ thần. Tầng lớp này chỉ có vai trò lớn và địa vị cao nhất trong khuôn khổ hẹp của bộ lạc hay quốc gia sơ kì mà sự phân hóa xã hội mới là bước đầu, mà tầng lớp võ sĩ Katria chưa quyết định vận mệnh và sự phát triển của các quốc gia.
Tóm lại, trong suốt thời Veda và Sử thi (khoảng 1500 – 600 TCN), đạo Veda hay Bà la môn ngự trị xã hội Ấn Độ, với tín ngưỡng đa thần còn mang nhiều yếu tố tinh linh, tự nhiên với quan niệm và sự phục tùng Đạo Pháp, sự phân biệt Varna và vai trò của Bà la môn.
Đạo phật
Sự ra đời của đạo Phật
Những hệ thống Varna và địa vị của tầng lớp Bà la môn, tối cao, bí hiểm và độc quyền đã không còn thích hợp với sự chuyển biến xã hội qua 10 thế kỉ, và sự phát triển bành trướng của các quốc gia.
Đạo Phật đã ra đời trong điều kiện đó (560 – 480 TCN), Đạo Phật vẫn giữ quan niệm Đạo Pháp – Dharma, với hạt nhân của Pháp là Karma (nghiệp) và Sansara (Luân hồi). Các tôn giáo đều gắn cuộc sống hiện hữu với số phận, đem lại hi vọng cho con người bằng sự luân hồi kiếp người, trong đó kiếp hiện tại là hệ quả của kiếp trước và là nguyên nhân của kiếp sau. Đó là Pháp hay quy luật bắt buộc, không ai tránh được.
Phật giải thích sự luân hồi là khổ, kiếp người là khổ, ai cũng khổ mặt này hay mặt khác. Từ đó, cái mới, bổ sung của Phật là “tứ diệu đế”:
- khổ (Dukha) là gì?
- Tập (Samudaya) hay nguyên nhân của sự khổ,
- diệt (Nirodha) hay sự cần thiết phải loại trừ sự khổ,
- Đạo (Marga) hay con đường đúng để loại trừ sự khổ.
Theo giáo lí Phật, Đạo là 8 con đường đúng, tựu trung lại là loại trừ mọi ham muốn hay xa lánh những cám dỗ trần tục.
Đây cũng là một hình thức tu thân và cái mới của Phật là trong sự tu thân đó, hướng tới chân lí của Phật thì không có sự phân biệt về mức độ thực hiện và hiệu quả giữa các sắc đẳng. Sự tự tu và tinh thần trái ngược với sự phân biệt sắc đẳng, thực tế là hạ uy thế tầng lớp tăng lữ Bà la môn và khuôn khổ chật hẹp của các quốc gia sở kì.
Phật cũng góp phần giải thích khái niệm Nirvana (Niết bàn), vốn đã có từ thời Veda. Câu hỏi đặt ra là trong vòng luân hồi triền miên, con người có thể đạt được sự giải thoát (moksa) triệt để hay không? Trả lời có, đó là Nirvana. Nhưng từ Veda đến Phật, chưa bao giờ có thể giải thích tường minh. Có thể hiểu Niết Bàn là nơi “Cực lạc” (Sukhovati) hay “Hư vô” (Shunyata), cũng có thể hiểu là “không là gì cả”.
Phật không tôn thờ một vị thần nào và cũng không hề tự coi mình là thần, mà đưa ra một triết lí về nhân sinh quan. Về sau do cảm phục mà người ta tôn sùng Phật.
Như thế, về giáo lí, Phật có phần kế thừa Veda, có phần không rõ ràng, triệt để nhưng những biện pháp, những con đường và phương pháp thực hiện, đã có ý nghĩa tích cực, đáp ứng những yêu cầu của xã hội Ấn Độ trong 6 thế kỉ cuối TCN. Đó là những biện pháp rèn luyện đạo đức và bản lĩnh, sự khuyến khích xoá bỏ ranh giới chật hẹp cũ của các công xã, các tiểu quốc, khuyến khích sự thống nhất và phát triển cao hơn của Ấn Độ.
Sự phân chia của Phật giáo
Nhưng thực tế một xã hội như Ấn Độ, thời đó, chưa thể đạt được sự thống nhất thực sự, chưa thể thủ tiêu hoàn toàn xu hướng phân liệt tản quyền, chưa thể xóa bỏ sự phân chia đẳng cấp cũng như chưa thể loại trừ tín ngưỡng thần thánh để chỉ có tư duy triết lí.
Vì thế, sự ra đời cũng là một đòi hỏi và sự biến mất của Phật giáo trên chính mảnh đất đã sinh ra Phật cũng là một thực tế.
Bài viết liên quan:
Asôca có ý thức không tự mình truyền bá đạo Phật, nhưng Phật giáo phát triển mạnh ở Ấn Độ và sang cả Sri Lanka dưới vương triều Môrya và thời Asôca (321 – 232 TCN). Asôca mất cũng là lúc mà đạo Phật phải chịu những thử thách gay go (232 TCN).
Tuy nhiên, nó vẫn được bảo tồn và khuyến khích dưới thời vương quốc Bactria và nhất là Kusana (80 TCN – 250). Chính sự bảo tồn và truyền bá đạo Phật ở Kusana và từ Kusana mà đi vào Trung Á và Trung Quốc, đã dẫn tới sự hình thành những quan niệm khác nhau về Phật giáo.
Thứ nhất là phái Tiểu Thừa (Hinayana), giữ hình ảnh Phật ban đầu, coi Phật là con người mẫu mực, đã tu đắc đạo và truyền bá đạo. Tiểu thừa lấy từ bị làm phương tiện, noi gương Phật tu và hành động để tự giải phóng mình. Viết kinh bằng tiếng Pali, truyền bá ở Đông Nam Á, Nam Ấn và Sri Lanka.
Thứ hai là phái Đại Thừa (Mahayana), coi Phật là siêu việt, là “Thần”, lấy từ bi làm mục đích, nặng về triết lí. Theo Đại Thừa, vũ trụ là ảo mộng, không có cả Atman, tức là Bản ngã, dẫn tới quan niệm “Vô Ngã”, “Hư vô”, “Sắc – không”. Theo Đại Thừa, nếu thực hành từ bi và giới răn đạt đến “Vô Ngã” thì có thể đắc đạo, không nhất thiết phải tu hành. Môn phái mở rộng, giáo hội “đại đồng” cho cả thiện nam và tín nữ. Viết kinh bằng sanskrit, truyền bá ở Bắc Ấn, và Bắc Á.
Thứ ba là phái Mật tông (Tantrism), từ Tantra nghĩa là “sách”, chủ trương sống gần tự nhiên, ít triết lí, lấy lẽ tiết ma thuật để đạt mục đích thiêng liêng. Phái này cũng có nhiều sách (như tên gọi) để ghi chép những lễ tiết ma thuật tỉ mỉ, cụ thể. Mật tông được thịnh hành ở Tây Tạng.
Kỳ Na giáo – Giain (Jainism)
Gần như đồng thời với Phật, hoặc muộn hơn chút ít, khoảng giữa thế kỉ VI TCN, ở Ấn Độ còn nảy sinh một giáo phái khác, gọi là Kỳ Na giáo – Giain (Jainism). Một thanh niên con nhà giầu, người tỉnh Vaishali (nay là Bihar), năm 31 tuổi, từ chối và phủ nhận toàn bộ thế giới hiện hữu, lột bỏ quần áo, lang thang khắp vùng Bengal đi tìm sự thanh khiết. Tự gọi mình là Mahavira (Con người vĩ đại), hiệu là Jina (kẻ Chinh phục), tập hợp tín đồ – gọi là những người Giain (Jains), theo nguyên tắc sống độc thân, ông qua đời vào tuổi 72, số tín đồ đã lên đến 14.000 người.
Chính Giain nêu lên ví dụ câu chuyện 6 người mù xem voi và cho rằng chỉ có Giain mới nắm được chân lí tuyệt đối. Chân lí đó là không có thần thánh và vì thế Veda là vô nghĩa. Nhưng Giain cũng tin vào sự luân hồi (Samsara), trong đó mỗi người đã thực hiện bổn phận của mình, đã hoàn thiện thì khi chết sẽ trở thành một Paramatman – hay Đại Nga, Toàn Ngã, Tuyệt đối, và sẽ thoát khỏi luân hồi.
Để trở thành hoàn thiện, phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc Ahimsa, vừa là giới sát sinh, vừa là bất bạo động. Do đó, người Giain không cày cấy vì thế là xẻ đất, không ăn mật vì mật là ong, quét đất mới bước để khỏi dẫm chết sâu bọ.
Khoảng đầu Công nguyên, Giain cũng chia làm 2 phái : Swetambara mặc áo trắng còn Digambaras vẫn trần truồng. Ngày nay, người Digambaras chẳng hạn, có khoảng hơn 1 triệu, đã mặc quần áo truyền thống, nhưng các “vị thánh” của họ vẫn trần truồng đi ra phố.
Đạo Hindu
Như thế, xuyên suốt hơn 1000 năm, điều nhức nhối dai dẳng vẫn là có một Dharma, một luật lệ khắc nghiệt mà hạt nhân của nó là Karma – Samsara – Moksa, và con người ta vật vã hoặc trầm mặc chịu đựng một điều : Giải thoát (Mousa) là gì? và như thế nào?
Sự ra đời của đạo Hindu
Chính vì thế mà sau Veda là Phật và sau Phật cũng không thể là một cái gì hoàn toàn khác. Đạo Hindu hình thành vào những thế kỉ cuối TCN đã đóng góp tiếp tục vào việc trả lời câu hỏi đó. Có thể nói một cách đơn giản, đạo Hinđu là sự tái lập và hoàn thiện đạo Veda.
Thời Veda đã có nhiều thần nhưng nói chung chưa định rõ danh tính, chức năng và hệ thống. Will Durant nghiên cứu Hindu giáo thấy có tới 30 triệu thần”, nhưng trong đó bộ ba “Tam thần” (Trimurti) gồm Brama, Siva, Visnu giữ vai trò trung tâm và được sùng bái nhất. Brama được coi là thần Sáng tạo, Siva là thần Hủy diệt và Visnu là thần Bảo vệ. Siva còn được tôn thờ cùng với vợ là Kali (hay Parvati, Uma v.v…), Visnu có vợ là Lakshmi, Kamala V.V…
Đạo Hinđu rất nhấn mạnh Đạo Pháp, Nhân quả và Luân hồi. Không chỉ nói tới trong lí thuyết mà cả trong “thực tế thần thánh” : Krisna là hóa thân của Visnu, sinh trong tù ngục, ra đời chữa bệnh cho người hủi, người mù, cứu giúp người nghèo khổ… Con voi tái sinh thành Ganesa, thần voi và là con của Siva v.v… Vẫn một mạch tư duy – tâm linh đằng đẵng hàng nghìn năm xuyên suốt mọi tôn giáo Ấn Độ, chẳng khác gì nhau giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Nhưng dường như Hinđu giáo thờ ơ với việc giải thích Moksa (Sự giải thoát) và Nirvana (Niết bàn). Phải chăng, trong quan niệm Hindu, một số tầng lớp xã hội phải cam chịu số phận ở kiếp này hay kiếp khác là điều bắt buộc bởi thần thánh?
Từ những sử thi, Purana, Sastra… Hinđu giáo có những Sutra (quy tắc) và từ đó tổng kết trong luật Manu, định ra những nguyên tắc đạo lí, những luật lệ và hình phạt, định ra một cách tỉ mỉ những nguyên tắc Hinđu cho mọi lĩnh vực của đời sống tinh thần, nghệ thuật, xã hội…
Trong đó, đã định hình những quy tắc Hinđu về kiến trúc đền tháp, các lễ gồm có lễ sinh (Samskara), lễ dâng (Upanaiana), lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang v.v… và những nghi thức cử hành lễ… Việc tiến hành những nghi lễ hàng năm thống nhất trong đền miếu là bước tiến rất xa so với Veda giáo, khiến Hinđu giáo có “chuẩn” để dễ thực hiện và dễ phổ biến.
Sự phát triển của đạo Hindu
Sự phát triển của Hinđu giáo gắn liền với sự phổ biến quy tắc và luật được ghi chép, biên soạn để lưu truyền rộng rãi. Do đó nó gắn liền với sự phát triển Phạn ngữ và văn chương Phạn ngữ.
Sau cùng, đạo Hindu gần với “đời” hơn các tôn giáo khác ở Ấn Độ. Nó phản ánh thực tế xã hội và gắn liền với xã hội đó, một xã hội phân chia thành đẳng cấp (Casta) mà quy chế đẳng cấp được xác định trong Manu, không tách rời tinh thần Hinđu.
Tại sao lại gọi là Hindu giáo (Đạo Ấn Độ)? Veda là tôn giáo của làng xóm thì đạo Hinđu là tôn giáo quốc gia và quốc tế. Những quy tắc chuẩn của nó khiến nó có thể được truyền bá rộng ra ngoài biên giới. Phật giáo là sự tìm tòi con đường vừa trí tuệ, vừa tâm linh, vừa rèn luyện thể xác, để giải phóng nhân thân của con người Ấn Độ, nhưng về nhiều mặt cũng là của loài người, nên sự lan tỏa rộng cũng dễ hiểu. Còn Hinđu giáo là sự phục tùng về mặt tâm linh của con người Ấn Độ, mang đậm sắc thái Ấn Độ. Đạo Hindu cũng được truyền bá ra ngoài bán đảo Ấn Độ, chủ yếu ở các quốc gia Đông Nam Á, nhưng ở đây, nó trở thành một yếu tố văn hóa, trong tổng thể ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ ở các nước này. Chính vì thế mà ở Ấn Độ, đạo Hinđu tồn tại như một phần đời sống tâm linh, một phần văn hóa và đời sống xã hội trong gần hết 2 thiên kỉ của Công nguyên.
Các tư tưởng triết lý khác
Không phải Ấn Độ cổ đại chỉ có tư tưởng tôn giáo. Có phái Kanada chủ trương thế giới được cấu tạo bằng nguyên tử và sự vận động của nguyên tử sinh ra vạn vật. Đây thực sự là một tư tưởng triết học duy vật. Lại có phái Samkhya chủ trương nhị nguyên, gồm tinh thần và vật chất, linh hồn và thể xác, tách biệt và thống nhất với nhau. Hoặc phái Yoga chủ trương thiền định, luyện trí, luyện thân để đạt tới “đại tự tại”. Tuy nhiên nổi bật lên vẫn là tư tưởng tôn giáo.
Trên cơ sở tâm linh, đạo Phật và cả Kỳ Na giáo suy tư về cuộc đời, con đường đời, về lẽ sống và cách sống. “Con đường đi theo Người” (Weg nach Ihnen) nói như nhà văn được giải Nobel Herman Hess, là con đường có mô hình cụ thể để theo và xét cho cùng là xa lánh trầm luân thoát khỏi trầm luân.
Ở đạo Hinđu thì ngược lại, người ta cũng thấy sự đè nặng của số phận, sự vâng chịu uy lực của thần thánh nhưng lại thấy sự khơi dậy cuộc sống vật chất, trần tục, trong đó những lạc thú kể cả nhục dục, cũng trở thành quy tắc (Kamasutra).
Dường như vừa có sự nhất quán, vừa có sự đa dạng trong tư duy. Và phải chăng đó là bản chất Homo philosophicus Ấn Độ (Con người triết lí Ấn Độ)?
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,