60 năm trước, các nhà khảo cổ học Ấn Độ đã khai quật được một vương cung rộng lớn xây dựng cách đây khoảng 2000 năm. Tuy thời gian cách ngày nay đã quá lâu, nhưng những cây cột gỗ đào lên được vẫn trơn bóng và hoàn chỉnh, thậm chí các mối ghép cũng không nhìn thấy. Những người đến tham quan di tích này ngày nay đều luôn luôn kinh ngạc thốt lên:
– Cho dù ngay ngày nay cũng khó mà làm được hoàn hảo hơn.
Khi đó, tòa cung điện này được xây dựng vô cùng tráng lệ. Trong đó làm người ta chú ý nhất là có rất nhiều cột đá cao to, mỗi cột nặng đến 50 tấn, cao trên 15 mét. Trên đỉnh cột có tượng sư tử chạm khắc rất tỉ mỉ đẹp đẽ. Trên thân cột khắc đầy những chiếu lệnh của nhà vua.
Có một đạo chiếu lệnh viết như sau:
“Quốc vương thần thánh nhân từ lên ngôi được tám năm thì mang quân đi chinh phục nước Kalinga, có mười lăm vạn người bị bắt làm tù binh, mười vạn người bị chết, người bị thương lại càng nhiều hơn. . .”
“Quốc vương rất hối hận vì đã chinh phạt Kalinga, vì đánh chiếm một nước chưa từng bị chinh phục bao giờ nên khiến cho nhân dân bị chết chóc, bị bắt, đau khổ rất nhiều. Trẫm rất đau đớn. . .”
Đạo chiếu lệnh còn ghi, Quốc vương không thể cho phép giết chóc bắt tù binh nữa, cho dù chỉ là một phần trăm, một phần nghìn sự việc giống như đã làm ở Kalinga, Người cũng quyết không làm. Quốc vương cho rằng, chinh phục chân chính là cần phải lấy Phật pháp để thu phục nhân tâm. Từ đó ông sống từ bi, khoan dung, ra sức kiềm chế bản thân. Có ai làm việc gì sai trái, ông vẫn có thể tha thứ. Ông ra sức làm cho mọi người được sống yên ổn, sung sướng, trong lòng bình thản, vui vẻ.
Vì sao lại có chuyện như vậy?
Chuyện là thế này, vào thế kỷ VI TCN, Ấn Độ có hơn 10 nước, luôn xảy ra chiến tranh với nhau. Đến thế kỷ IV TCN, vương triều Maurya, người Trung Quốc gọi là vương triều Không Tước, được thành lập, đã thống nhất đại bộ phận Bắc Ấn Độ. Vua đời thứ ba vương triều Maurya là Acoka lên ngôi vào năm 273 TCN. Khi đó miền Nam và miền Bắc Ấn Độ đã cơ bản thống nhất. Chỉ còn nước Kalinga và một vài tiểu quốc chưa nằm dưới sự cai trị của vương triều. Vua Acoka trẻ tuổi có một tham vọng mãnh liệt là muốn bất cứ nơi nào ở Đông, Nam, Tây, Bắc Ấn Độ đều thuộc quyền thống trị của ông. Vì vậy, vua Acoka lên ngôi chưa bao lâu đã phát động cuộc chiến tranh với Kalinga.
Chiến tranh bắt đầu, từng bản tin bí mật quân sự được chuyển tới vua Acoka.
“Tâu Quốc vương Bệ hạ, 10 vạn bộ binh, 5 vạn ky binh, 400 cỗ chiến xa và 500 voi chiến của Thánh triều đã vượt biển an toàn, hiện đang đổ bộ lên đất nước Kalinga. . .”
“Tâu Bệ hạ, uy phong quân ta chấn động, chưa đến 1 ngày đã giết chết 5000 quân địch, bắt giữ được chiến xa, chiến mã, voi, tiền vàng, lương thực, đàn bà, súc vật rất nhiều, không sao tính xuể. . .”
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/qua-trinh-nghien-cuu-lich-su-an-do-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/su-phan-liet-va-bien-chuyen-tren-ban-dao-an-do-232-tcn-320-cn/
- https://ngaydacbiet.com/chu-viet-va-van-hoc-an-do-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/thuy-to-phat-giao-sakya-muni/
- https://ngaydacbiet.com/tu-tuong-triet-li-va-tu-tuong-ton-giao-o-an-do-co-dai/
“Cấp báo Bệ hạ, quân ta tác chiến suốt đêm, vấp phải sự chống trả ngoan cường của quân dân kinh thành bên địch; quân ta thương vong rất nhiều. . . đã quyết định phải dùng hỏa công. . .”
“Tin chiến thắng! Kinh thành quân địch chỉ trong một đêm đã thành đống tro tàn, những kẻ quyết đánh trả đến cùng đều bị chặt đầu bêu xác. . . vua giặc đang chạy trốn. . .”
“Tin chiến thắng! Quân ta xuất kích trên mọi hướng, ngay trong đêm, đã giết chết 5 vạn quân địch, bắt 10 vạn tù binh, kẻ chống đối đều bị xử tử. . .”
“Chúc mừng Bệ hạ, vua giặc đã bị bắt nhưng thà chịu chết chứ không khuất phục, lại còn có ý mắng nhiếc Thánh vương Bệ hạ, hiện đã tự tử trong trại giam. . .”
Vị vua trẻ xem từng bản tâu tin thắng trận, mới đầu thấy rất vui sướng, nhưng nhìn thấy con số người bị giết mỗi ngày một tăng, vẻ sầu não dần dần hiện ra trên gương mặt. Cuối cùng được tin vua bên địch đã tự tận, ông không ngăn được tiếng thở dài, lẩm bẩm một mình:
– Vũ lực có thể chinh phục được đất nước người, nhưng không thể chinh phục được lòng người!
Ông bèn ra lệnh lập tức đình chỉ việc giết chóc và tiến công, nhanh chóng rút quân quay về, rồi ban bố những chiếu lệnh nói ở trên, tỏ rõ sự hối hận của mình với nhân dân cả nước.
Vì sao vua Acoka lại nói rằng việc chinh phục chân chính là phải dựa vào Phật pháp để thu phục nhân tâm? Nguyên là, trước khi lên ngôi vua, ông đã đảm nhiệm chức vụ Tổng đốc ở một số thành thị lớn. Lúc đó, những thành thị này là trung tâm văn hóa quan trọng, Phật giáo rất thịnh hành, khoa học kỹ thuật cũng rất phát đạt, lại chịu ảnh hưởng các trào lưu văn hóa phương Tây, nhất là Hy Lạp rất sâu sắc. Lúc đó, một số quý tộc và chủng tính cao cấp, nhất là con em Brahman đều tiếp thụ nền giáo dục ở đây. Tất cả những cái đó đều mang lại ảnh hưởng sâu sắc đối với sự hình thành tính cách và toàn bộ sự nghiệp sau này của ông. Từ nhỏ ông đã hết sức sùng kính thủy tổ Phật giáo Sakya Muni, rất thích nghe những câu chuyện về vị thánh nhân này đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh nội tâm và nỗi thống khổ như thế nào để cuối cùng trở thành Phật. Ông cho rằng, Phật giáo có thể giáo dục con người xóa bỏ dục vọng cá nhân, làm cho con người sống yên ổn an phận, như vậy rất lợi cho việc trị nước.
Bây giờ, sau cuộc chiến tranh chết chóc, ông lại hiểu rõ ra chân lý này. Từ đó ông càng tôn sùng Phật giáo, tuyên bố Phật giáo là quốc giáo của Ấn Độ. Ông còn ra lệnh dựng những cột đá, làm những bức tường đá ở trong vương cung và các nơi trong cả nước, bên trên khắc các chiếu chỉ, sắc lệnh. Ít lâu sau, năm 253 TCN, Acoka triệu tập một đại hội Phật giáo quy mô lớn tại Pataliputơra biên soạn, chỉnh lý các Kinh Phật. Lại cho xây dựng nhiều chùa chiền Phật giáo và tháp Phật ở khắp nơi.
Cùng lúc đó, Acoka còn cho các vương tử và công chúa lần lượt đi sang Xâylan truyền giáo. Công chúa dẫn một đoàn tăng lữ và rất nhiều bộ Kinh Phật, dùng thuyền men theo bờ biển Đông Ấn Độ đi xuống. Công chúa còn mang theo một nhánh cây của cây bồ đề thần thánh, đem trồng ở Xâylan, đến nay vẫn sinh sôi. Qua việc truyền bá và trao đổi sứ thần, Phật giáo chẳng những truyền sang Xâylan mà còn nhanh chóng truyền sang Ai Cập, Siri, Miến Điện, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
Ngoài việc truyền bá đạo Phật, vua Acoka còn ban hành hàng loạt chính sách kinh tế xã hội, như mở rộng công trình dẫn tưới nước, xây dựng đường sá, lập các y viện v.v. . . Trong 40 năm cai trị của Acoka, vương triều Maurya đã trở thành một đế quốc thống nhất hùng mạnh nhất thống lịch sử Ấn Độ. Nhưng đế quốc này không được vững chắc, sau khi Acoka qua đời không lâu, nước Kalinga và các tiểu quốc bị chinh phục lần lượt tuyên bố độc lập, bán đảo Ấn Độ lại rơi vào tình trạng chia cắt, ly tán như trước.