Từ thế kỉ VI TCN, các minh văn, tác phẩm Arthasastra của Kautilya, các ghi chép về Phật và các ghi chép của người Hi Lạp muộn hơn một chút, đã cung cấp những hiểu biết tương đối chính xác về Ấn Độ và chủ yếu là lưu vực sông Hằng, trong khoảng 5 thế kỉ (6 – 2 TCN).
Từ những công xã cổ xưa, hàng loạt tiểu quốc đã hình thành trên hai bờ sông Hằng. Một số tiêu quốc vốn chỉ là 1 bộ lạc, một số khác xây dựng trên cơ sở liên minh của 2 bộ lạc. Bộ máy cai quản quốc gia do vua đứng đầu đã hình thành, đóng ở kinh đô. Kinh đô là một thành thị cổ, trung tâm quốc gia, nơi có vua, các quan và tăng lữ, nơi sống tập trung dân cư làm nghề thủ công và buôn bán. Do đó, thành thị hay kinh đô có dinh thự, nhà cửa và phố xá, nhưng một thời gian dài, tất cả đều được làm bằng gỗ.
Thí dụ, ta được biết ở thượng lưu sông Indus vẫn có tiểu quốc Kamboja và Gandhara, (kinh đô là Taxila) ; còn lưu vực Ganga có Koshala (kinh đô là Ayodhya), Vrijis (Vaishali), Vatsa (Kaushambi), Kashi (Kashi), Magadha (Rajagriha), Anga (Champa) v.v…
Các quốc gia này cạnh tranh và thôn tính lẫn nhau, nên sang thế kỉ V TCN chỉ còn lại 4 quốc gia – Kashi, Koshala, Magadha và Vrijis trong đó Magadha nhanh chóng giành được ưu thế hơn cả.
Magadha nằm ở hạ lưu Ganga, nhưng cách miền của sông nhiều đầm lầy và nhiều bất trắc của lũ lụt, là xứ sở của Anga – Champa. Đất đai rộng và phì nhiêu, đường liên hệ với các quốc gia ở thượng lưu và cửa sông Ganga đều thuận tiện.
Ông vua đầu tiên của Magadha mà ta biết hiện nay là Bimbisara (khoảng 550 – 490 TCN). Thời Bimbisara trị vì cũng là thời của Phật (khoảng 560 – 480 TCN) tuy rằng, theo Phật tích, Phật sinh cùng năm với Bimbisara nước Magadha và Prasenajit nước Koshala. Phật là hoàng tử nước Shakyas, sống ở kinh thành Kapilavastu, dưới chân Himalaya. Trong quá trình phát triển, Shakyas bị thu hút vào Vrijis, rồi sau đó vào Magadha.
Phật tiếp nhận một cách căn bản những quan niệm của đạo Bà la môn, đã phát triển và làm phong phú cho những quan niệm này.
Tuy nhiên, sự xuất hiện Phật và những quan niệm của Phật đã cho thấy những nhu cầu phát triển mới của Ấn Độ. Việc đề xướng con đường “giải phóng” nhân thân bằng diệt dục, bằng sự chống đối mọi ham muốn về sắc, lợi, danh… nói lên sự khác biệt xã hội, sự bon chen cạnh tranh của một xã hội tư hữu, phân đẳng cấp và khổ sở vì sự tham lam. Chuyện kể một nhà giàu muốn mua đất để dựng tịnh xá cho Phật, chủ đất đòi dải vàng kín đến đâu thì bán cho đến đó. Vàng đã dải kín 80 khoảnh đất, dù là cường điệu đến đâu thì cũng đã nói lên sự phân hóa giàu nghèo đáng kể lúc bấy giờ.
Nhưng theo quan niệm Phật, việc giải phóng là tự mình, có nghĩa là không cần thiết có sự can thiệp của tăng lữ, trong đó, mọi người đều có thể thực hiện như nhau, có nghĩa là không phân biệt đẳng cấp, quốc gia : “Con đường giải thoát mở ra cho mọi người… như những dòng sông đi đến biển cả thì không còn giữ tên sông mà chỉ còn tên gọi Đại dương, nhưng người của 4 đẳng cấp, quý tộc và Bà la môn, Vaisia và Sutra khi vào Tăng già (Sangha) thì chỉ còn một tên gọi, là những Thiện nhân của ta”.
Giáo lý Phật phản ánh đòi hỏi của thời đại là sự không thừa nhận chế độ varna, nhất là sự cách biệt có tính chất chủng tộc giữa dân bản địa và Arya, sự lỗi thời của tình trạng phân chia, thành tiểu quốc và vai trò của tăng lữ Bà la môn riêng biệt trong mỗi quốc gia. Quan niệm như thế có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, đã khuyến khích và hỗ trợ cho sự đấu tranh thống nhất Ấn Độ mà trước tiên là thống nhất lưu vực Ganga.
Tuy nhiên, đấu tranh thống nhất là một quá trình lâu dài và phức tạp.
Bimbisara mới làm các việc chủ yếu có ý nghĩa củng cố và xây dựng vương quốc : lập bộ máy hành chính, tăng cường quân đội và quan tâm đến sự phát triển nông nghiệp.
Con là Ajatashatru có vẻ như sốt ruột với các việc làm của vua cha, đã ám sát vua, cướp ngôi. Nhưng với 32 năm cầm quyền (493 – 461 TCN) Ajatashatru làm được khá nhiều việc. Ông giữ quan hệ tốt với Kosala để chinh phục các quốc gia phía đông và nam, rồi quay lại chinh phục Kosala và các quốc gia phía tây. Cuộc chiến với Vrijis ở bắc và Anga ở cửa sông Ganga là những cuộc chiến ác liệt mà thắng lợi đã làm cho Magadha có vai trò bá chủ trên thung lũng Sông Hằng, kiểm soát đường giao thông và thương mại trên sông, cũng như với các xứ sở ở ven Ấn Độ Dương. Ông vua này đã mở mang xây dựng kinh đô Rajagriha nằm gọn trong một thung lũng bao quanh là 5 quả đồi như những thành lũy tự nhiên và còn xây dựng thêm một trấn thành mới nằm quá về phía bắc, ngay trên bờ nam Sông Hằng để kiểm soát thủy lộ, gọi tên là Pataligrama, về sau trở thành Pataliputra phồn thịnh không nơi nào sánh kịp.
Ajatashatru qua đời năm 461 TCN, tiếp theo một giai đoạn nhiều sóng gió, có tới 5 vua liên tiếp tranh ngôi (461 – 413 TCN), rồi kết thúc bằng việc một phó vương tên là Shishunaga giành được quyền bính (413 – 360 TCN).
Giai đoạn này diễn ra mờ nhạt, một người tên là Mahapadma Nanda soán ngôi. Dường như ông vua này có nguồn gốc xuất thân thấp kém, có thuyết nói ông là con của một phụ nữ thuộc tầng lớp Sutra, lại có thuyết nói là con của một cung nữ với một ông thợ cắt tóc. Đây là trường hợp hết sức hiếm hoi ở miền Bắc, vua không xuất thân từ Ksatria.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/qua-trinh-nghien-cuu-lich-su-an-do-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/chu-viet-va-van-hoc-an-do-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/thuy-to-phat-giao-sakya-muni/
- https://ngaydacbiet.com/che-do-chung-tinh-o-an-do-che-do-varna/
- https://ngaydacbiet.com/luu-vuc-song-hang-thoi-so-su-khoang-nam-1000-600-tcn/
Tuy nhiên, Nanda và cả vương triều do ông sáng lập (360 – 321 TCN) cũng không phải là một vương triều hèn kém, ngược lại, còn có những thành tựu rực rỡ đáng ghi nhận.
Các vua Nanda quan tâm phát triển nông nghiệp bằng việc thực hiện nhiều công trình thủy lợi, đặt chế độ thuế má và thu thuế hợp lí. Của cải và ngân khố phong túc. Việc cai quản của triều đình trên toàn bộ lưu vực sông Hằng tiếp tục được củng cố cũng nói lên địa vị vững chắc của các vua Nanda. Quân đội được tăng cường làm chỗ dựa và sức mạnh của vương triều, theo các tác giả Hi Lạp, có tới 20.000 kị binh, 200.000 bộ binh, 2000 xe, 3000 voi. Thực là một đối phương đáng ngại của các thế lực ngoại xâm.
Giai đoạn Magadha kể từ Bimbisara đến đây (550 – 321 TCN) chưa phải là giai đoạn hoàn toàn thống nhất mà là bước đầu thống nhất dưới sự lãnh đạo của các vương triều Magadha.
Đây cũng là giai đoạn người Ấn Độ bắt đầu có sự tiếp xúc với người Iran và Hi Lạp.
Năm 530 TCN, Cyrus, hoàng đế Ba Tư đã thực hiện cuộc đông tiến, vượt dãy núi Hinđucuc, chiếm lĩnh vùng sông Indus. Hai quốc gia ở Punjab, là Kamboja và Gandhara đã phải nộp cống thuế cho Ba Tư. Người Ấn Độ còn tham gia quân đội Ba Tư trong cuộc chiến tranh với Hi Lạp (486 – 465 TCN).
Năm 330 TCN, đế quốc Ba Tư sụp đổ trước sự tấn công của Alêchxan, vua xứ Macedonia và thống lĩnh quân đội Hi Lạp – Macedonia. Năm 327 TCN, Alêchxan đưa quân vượt Hindu Kush tiến vào đất Ấn Độ, nhằm hoàn thành việc chinh phục lãnh thổ cũ của Ba Tư. Chiếm được Punjab, Alếchxan nảy ra ý muốn tiếp tục đng chinh, vươn ra tới biển. Nhưng quân lính của ông phản đối, không muốn đi hơn đến một đất nước xa lạ, Alệchxan cho quân xuôi sông Indus ra đến biển và rút quân trở về Babilon.
Vương triều Nanda ở Magadha có vẻ như sẵn sàng chống cự, nhưng chiến tranh đã không xảy ra. Cuộc chinh phục của Alêchxan đến lưu vực sông Ấn đã đem lại những hệ quả rất có ý nghĩa đối với Ấn Độ : đã thúc đẩy quan hệ văn hóa và giao thương đông – tây, đã xóa sạch những quốc gia Ấn Độ vùng Tây – Bắc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chinh phục lưu vực sông Indus sau này của vương triều Maurya.
Thung lũng sông Hằng vẫn đứng ngoài những biến động của vùng Tây – Bắc và mặc dù những thăng trầm của nó, vùng này vẫn phát triển và đạt được những thành tựu mới.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển nhờ đất đai màu mỡ và hệ thống thủy lợi được mở mang.
Các ngành nghề thủ công có nhiều tiến bộ. Trước tiên là nghề luyện sắt và rèn đúc sắt lần đầu tiên nở rộ dưới thời Magadha. Các mũi lao, giáo, mũi tên sắt, các công cụ sản xuất bằng sắt đã khá phổ biến.
Loại đồ gốm đặc trưng của miền Bắc, có xương gốm mịn, tráng men màu thẫm, ngả từ màu xanh thép, sang xám thẫm và đen bóng ; chủ yếu là đĩa và bát nhỏ, những mặt hàng thương phẩm có giá trị cao.
Người Hi Lạp quen mặc hàng len thô dệt bằng lông cừu, đã tỏ ra vô cùng thán phục vải trắng dệt sợi bông của người Ấn Độ. Một vị tướng của Alêchxan là Nearchus đã tả “họ mặc quần dài chấm gót, choàng tấm vải qua vai, một góc quấn trên đầu, bằng một thứ vải sợi bông trắng chưa từng thấy ở bất cứ nơi đâu, hay là vì bóng tối (của rừng cây) Ấn Độ khiến người ta có cảm tưởng là nó trắng đến như thế…”.
Người Ấn Độ còn đeo hoa tai làm bằng ngà voi, che Ô, đi giầy da thuộc trắng.
Các thợ thủ công sống ở thành thị, tổ chức thành phường hội (Shreni). Các nhà buôn chuyên chở và trao đổi hàng hóa từ hạ lưu sông Hằng đến cửa sông Indus rồi theo đường biển đến vịnh Ba Tư và Hồng Hải, hoặc ngược sông Hằng đến Punjab, qua Taxila, theo đường bộ đến Iran và Tiền Á. Trong việc buôn bán, người Ấn Độ đã đúc tiền bạc và đồng. Tiền đồng đã được phát hiện, nhưng chưa biết giá trị trao đổi của nó.
Về mặt quân sự, ngoài việc tăng cường lực lượng đã nói trên, cũng có những tiến bộ về kĩ thuật. Hêrôđốt tả lính Ấn Độ (trong quân đội Ba Tư) mặc quần áo sợi bông, trang bị cung tre, giáo và mũi tên bằng sắt. Bộ binh có máy bắn đá (Mahaghilakantaka) bắn được những viên đạn đá lớn, có chiến xa (Rathamushala) là loại xe lớn, kéo hay đẩy, có cài gươm dao, có mái che dùng trong việc tấn công xung kích.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,