Năm thứ 33, Tần Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ. Ở phía tây bắc, đánh đuổi Hung Nô từ Du Trung dọc theo sông Hoàng Hà đi về đông đến Âm Sơn tất cả 31 huyện, xây thành trên sông Hoàng Hà để làm giới hạn.
Lại sai Mông Điềm vượt sông Hoàng Hà lấy đất Cao Khuyết, Đào Sơn, Bắc Giả, xây đình và thành lũy ở đấy để đuổi người Nhung và đưa những người bị đày đến đấy để ở và lần đầu những nơi này trở thành huyện. Cấm không được thờ.
Sao sáng xuất hiện ở phương tây.
Năm thứ 31, đem đày những quan coi ngục không thanh liêm đi xây Trường Thành và đi thú ở đất Nam Việt. Thủy Hoàng đặt tiệc rượu ở cung Hàm Dương, bảy mươi vị bác sĩ đến chúc thọ. Quan bộc dịch Chu Thanh thần tiến lên ca ngợi:
-Ngày xưa đất Tần chẳng qua nghìn dặm, nay nhờ bệ hạ thần linh sáng suốt nên bình định được bốn biển, đuổi được man di, mặt trời mặt trăng chiếu đến đâu thì nơi ấy theo phục, đuổi các nước chư hầu thành quận, huyện, mọi người thấy yên vui, không phải lo về nạn chiến tranh truyền đến vạn đời, từ thượng cổ đến nay, không ai uy đức bằng bệ hạ.
Thủy Hoàng bằng lòng.
Thuần Vu Việt, người Tề, làm bác sĩ đứng lên nói:
-Tôi nghe nhà Ân và nhà Chu làm vua hơn nghìn năm, phong các con em và công thần làm chi nhánh để giúp đỡ cho mình. Nay bệ hạ có bốn biển nhưng con em vẫn là kẻ thất phu, nếu bổng chốc có xảy ra việc như Điền Thường hay lục khanh, thì không ai giúp đỡ, làm sao có thể cứu lẫn nhau được. Trong công việc, không bắt chước đời xưa mà có thể lâu dài thì đó là điều chưa hề nghe nói. Nay bọn thanh thần lại siểm nịnh bệ hạ để làm cho điều sai lầm của bệ hạ thêm nặng. Như thế không phải là kẻ trung thần.
Thủy Hoàng đưa lời can của ông ta xuống các quan bàn.
Thừa tướng Lý Tư nói:
-Ngũ Đế không lập nhau, Tam Đại không bắt chước nhau, đời nào trị dân theo cách của đời đó, không phải vì họ phản lại nhau, chính vì thời thế thay đổi cho nên như vậy. Nay bệ hạ lần đầu tiên làm nên nghiệp lớn, dựng lên cái công vạn đời, đó không phải là điều bọn nhà Nho ngu ngốc biết được. Vả chăng, điều Thuận Vu Việt nói là những việc của thời Tam Đại, làm sao có thể đủ cho ta bắt chước?
Trước đây, các nước chư hầu tranh nhau, hậu đãi đón mời những người du thuyết. Nhưng bây giờ thiên hạ đã bình định, luật pháp, mệnh lệnh, đều từ một nơi ban ra, trăm họ làm ăn ra sức lo về nghề nông, nghề công, kẻ sĩ thì học tập pháp luật, mệnh lệnh những điều ngăn cấm. Nay các Nho sinh không theo thời nay mà học thời xưa để chê bai thời nay làm cho bọn “đầu đen” rối loạn, thần tư này là thừa tướng xin liều chết nói rằng:
Ngày xưa thiên hạ phân tán rối loạn không ai thống nhất được? Vì vậy cho nên các chư hầu cùng trị vì một lúc, khi nói thì mọi người đều nói việc xưa làm hại việc nay, trau chuốt những lời nói suông làm loạn việc thực, mọi người đều lấy cái học riêng của mình để chê bai những điều nhà vua làm. Nhưng nay Hoàng đế đã thâu tóm cả thiên hạ, phân biệt trắng đen mà định ra điều duy nhất được tôn trọng. Những kẻ học Nho theo cái học riêng của mình lại cùng nhau chê cười pháp luật rồi đem dạy cho người ta. Khi nghe lệnh ban xuống thì họ đều lấy cái học riêng của mình để bàn tán. Khi vào triều, thì trong bụng chê bai. Ra đường, thì bàn bạc chê vua của mình để lấy danh, làm cho khác người để tỏ là cao, bày cho kẻ ở dưới phỉ bàng. Nếu như thế mà không cấm thì ở trên uy thế của nhà vua sẽ bị giảm sút, ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên. Nên cấm là hơn. Thần xin đốt tất cả các sách sử, trừ những sách sử của nhà Tần. Trừ những người làm chức bác sĩ, ai cất dấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà đều đem đến quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thư, Kinh Thi thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Quan lại biết mà không tố cáo, thì cũng bị tội. Lệnh ban ra trong ba mươi ngày không đối sách thì khắc vào mặt cho đi thú để xây và canh giữ trường thành. Những sách không bỏ là sách thuốc, sách bói;sách trồng cây. Ai muốn học pháp luật thì thờ quan lại làm thầy.
Chế của nhà vua nói: “Được”.
Năm thứ 35, sai làm con đường thông từ huyện Cửu nguyên đến đất Vân Dương, đục núi, lấp các khe núi, nhờ vậy đường đi suốt và thẳng. Thủy Hoàng cho rằng ở Hàm Dương người thì đông mà cung đình các vua trước thì nhỏ, nói:
-Ta nghe vua Văn Vương nhà Chu đóng đô ở đất Phong và Vũ Vương đóng đô ở Cảo, miền giữa Phong và Cảo là đô của đế vương. Bèn sai xây cung đế tiếp các triều thần ở phía nam sông Vị. Trong vườn Thượng Lâm trước tiên sai xây cái điện đàng trước của cung A Phòng dài 500 bộ từ đông sang tây, rộng 50 trượng từ nam đến bắc, ở trên có thể ngồi một vạn người, ở dưới có thể cắm cờ cao 5 trượng. Xung quanh sai làm đường gác từ dưới điện chạy thẳng cho đến đỉnh núi Nam Sơn. Sai dựng một cái cửa ở núi Nam Sơn, làm đường phức đạo từ cung A Phòng vượt qua sông Vị đi mãi đến Hàm Dương để bắt chước con đường của sao Thiên Cực, sao Sao này qua sông Ngân Hà đến tận sao Dinh Thất. Khi cung A Phòng chưa xây xong, nhà vua muốn tìm một cái tên đẹp mà gọi. Vì cung này gần cung thất nhà vua cho nên thiên hạ gọi nó là cung A Phòng. Đưa những người bị tội thiến ở Ấn Cung hơn 70 vạn người chia nhau xây cung A pHòng hoặc đấp núi Ly Sơn. Lấy cái quách bằng đá ở núi Bắc Sơn, lấy gỗ từ đất Thục, đất Kinh chở về đến nơi ấy. Ở Quan Trung, số cung đến 300 cái, ở ngoài Quan Trung hơn 400 cái. Thủy Hoàng bèn sai dựng đá ở bờ biển Đông Hải thuộc đất Cù để làm cửa phía đông của Tần, nhân đấy dời 3 vạn nhà đến Ly Ấp, 5 vạn nhà đến Vân Dương, những này đều được tha việc công dịch mười năm.
Lư Sinh nói với Tần Thủy Hoàng:
-Bọn thần đi tìm cây “chi” là thứ thuốc lạ nhưng thường không gặp “tiên” xem ra có vật chi cản trở. Trong pháp thuật có phép vi hành để tránh ác quỷ, tránh được ác quỷ thì “chân nhân” mới đến. Nếu kẻ bầy tôi biết được nơi nhà vua ở thì có hại đến thần. Bậc “chân nhân” đi vào nước không ướt, đi vào lửa không cháy, bay lên mây, cùng trường thọ với trời đất. Nay nhà vua cai trị thiên hạ vẫn chưa nghĩ ngơi được chút gì. Xin nhà vua ở cung nào đừng cho ai biết, thì sau đó mới có thể lấy thuốc bất tử.
Thủy Hoàng nói: -Ta rất thích bậc “chân nhân”. Và tự coi là “chân nhân” chứ không gọi là “Trẫm”.
Bài viết liên quan:
Thủy Hoàng bèn ra lệnh:
“Trong vòng hai trăm dặm xung quanh Hàm Dương, 270 cung điện ở đấy có đường phức đạo và đường ống liền nhau; đem màn trướng, trống chiêng cùng gái đẹp đưa vào các cung không cho xê dịch. Vua đến đâu nếu có kẻ nào nói nơi nhà vua ở thì bị tội chết”.
Thủy Hoàng đến cung Lương Sơn đứng trên núi thấy xe, quân kỵ của thừa tướng rất đông, không bằng lòng. Có kẻ nói với thừa tướng. Sau đó thừa tướng bớt xe và quân kỵ đi. Thủy Hoàng nổi giận nói:
-Thế nào cũng có người tiết lộ điều ta đã nói. Khi tra xét thì không ai thú. Nhà vua bèn sai bắt tất cả những người ngồi cạnh lúc nhà vua nói và giết đi. Từ đó về sau, không ai biết nhà vua đi đâu. Khi nghe công việc thì quần thần chỉ nhận được những điều đã quyết định, mọi việc đều giải quyết ở trong cung Hàm Dương.
Hầu Sinh và Lư Sinh bàn nhau:
-Thủy Hoàng tính khí bướng bỉnh, gàn dỡ, chỉ nghe theo mình. Xuất thân là chư hầu, thâu tóm cả thiên hạ, ý chí tự đắc, muốn gì được nấy, tự cho rằng từ xưa đến nay, không ai bằng mình, chuyên dùng bọn pháp quan. Bọn pháp quan được yêu quý, bác sĩ tuy có 70 người nhưng chỉ cho đủ số chứ không được dùng. Thừa tướng và các quan đại thần đều nhận được những điều đã quyết định xong còn việc làm là ở nhà vua. Nhà vua thích việc hình phạt chém giết để ra uy. Thiên hạ sợ tội muốn giữ bổng lộc không ai dám hết lòng trung. Nhà vua không nghe nói đến sai lầm của mình nên ngày càng kiêu ngạo. Ở dưới thì sợ nép một bề, nói dối để được dung thân. Theo phép nhà Tần không được làm hai nghề, làm sai là chết ngay. Những kẻ xem sao, khí mây có đến 300 người đều là những người giỏi nhưng đều sợ hãi, trốn tránh a dua, không nói những sai lầm của nhà vua. Công việc trong thiên hạ không kể lớn nhỏ đều do nhà vua quyết đoán. Đến nổi nhà vua phải lấy thạch mà cân giấy tờ, một ngày một đêm không làm đủ một thạch thì không được nghĩ ngơi. Con người tham quyền thế như vậy không thể nào tìm thuốc thiên cho ông ta được. Hai người bèn bỏ trốn.
Thủy Hoàng nghe nói họ bỏ trốn thì nổi giận, nói:
-Trước đây ta thu các sách trong thiên hạ, sách nào không dùng được thì bỏ đi, sai triệu tập tất cả những người có văn học và những phương sĩ, thuật sĩ rất đông muốn làm cho thiên hạ thái bình; Ta triệu tập bọn thuật sĩ là muốn họ tìm thuốc lạ, nay nghe nói bọn Hàn chúng bỏ đi không báo với ta, bọn Từ Phúc làm tốn kém hàng ức vạn , nhưng cuối cùng vẫn không được thuốc, ngày ngày chỉ nghe chúng nói nhau về việc tham lợi riêng của chúng. Bọn Lương Sinh được ta tôn quý, thưởng cho rất nhiều nhưng lại phỉ báng ta để làm nặng điều sai lầm của ta, bọn nhà Nho ở Hàm Dương được ta sai người hỏi thì có kẻ đặt ra những lời nói nhảm để làm loạn bọn “đầu đen”. Bèn sai ngự sử xét tất cả các nhà Nho.
Các nhà Nho tố giác lẫn nhau, có hơn 460 người phạm điều đã cấm. Thủy Hoàng sai chôn sống tất cả ở Hàm Dương, báo cho thiên hạ biết để làm răn. Sau đó lại sai đày biên giới nhiều người bị tội để đi thú. Con cả của Thủy Hoàng là Thù Tô can:
-Thiên hạ mới được bình định. Những kẻ “đầu đen” ở phương xa vẫn chưa theo ta. Các nho sinh đều học theo Khổng Tử nay bệ hạ dùng theo pháp luật nặng để trói buộc họ thì thần sợ thiên hạ không yên, xin bệ hạ nghĩ đến điều đó. Thủy Hoàng nổi giận sai Phù Tô đi lên miền bắc để giám sát Mông Điềm ở Thượng Quận.
Năm thứ 36, sao Huynh Hoặc ở vào khu vực của sao Tâm, có ngôi sao rơi xuống Đông Quận. Khi rơi xuống đất thì thành đá. Có bọn “đầu đen” khắc vào đá : “Thủy Hoàng chết thì đất bị chia”.
Thủy Hoàng nghe tin ấy, sai ngự sử tra hỏi, nhưng không ai thú, bèn bắt tất cả những người ở gần đấy giết đi, và đốt chảy hòn đá. Thủy Hoàng không vui, sai các bác sĩ làm thơ ca ngợi “tiên” và “chân nhân” cùng những nơi trong thiên hạ mà mình đã đi chơi. Sai nhạc công ca và đàn hát những bài ấy. Mùa thu, sứ giả đang đêm từ Quan Đông đi qua Hoa Âm trên đường bình thư. Có người cầm ngọc bích chặn đường sứ giả mà nói:
-Ông làm ơn đưa viên ngọc cho Hạo Trì. Nhân đấy nói rằng: Năm nay thì Tổ Long chết.
Sứ giả hỏi: -Tại sao?
Người ấy biến mất để lại viên ngọc bích ở đấy. Sứ giả cầm ngọc bích kể lại đầu đuôi cho nhà vua nghe. Thủy Hoàng nín lặng hồi lâu nói:
-Quỷ núi chẳng qua chỉ biết việc xảy ra trong một năm mà thôi.
Khi vào cung nói: -Tổ Lon đó là tổ tiên của người.
Vua sai ngự phủ xem ngọc bích thì đó là viên ngọc nhà vua để chìm khi vượt qua Trường Giang năm thứ 28. Thủy Hoàng sai bói trong quẻ nói:
“Đi chơi thì tốt”.
Thủy Hoàng bèn sai dời 3 vạn nhà đến Du Trung ở Bắc Hà, thưởng cho các quan thêm một cấp.