Trong thời gian xảy ra cuộc khởi nghĩa nô lệ do Xpactacuxơ lãnh đạo, mâu thuẫn và xung đột trong nội bộ giai cấp quý tộc chủ nô tạm thời dịu xuống và hòa hoãn. Nhưng ngay sau đó, hai phái quý tộc đối lập lại đối mặt nhau gay gắt hơn.
Craxiuxơ và Pompêiuxơ – hai kẻ có công trong việc dìm khởi nghĩa Xpactacuxơ trong biển máu – trở thành 2 nhân vật nổi bật trên trường chính trị Rôma. Cũng vào thời điểm này, từ Tây Ban Nha với tư cách là tổng đốc xứ này trong nhiệm kì 3 năm, Xêda trở về Rôma với những chiến tích huy hoàng. Xêda, Pompêiuxơ và Craxiuxơ đã tạm thời liên kết với nhau, thiết lập nên chính quyền tay ba, lũng đoạn nền chính trị Rôma.
Thực chất của “chính quyền tam hùng lần thứ nhất” là liên minh với 3 lực lượng: quân sự, kị sĩ và bình dân, theo khuynh hướng của quý tộc chủ nô Công thương.
Năm 59 TCN, Xêda được bầu làm chấp chính quan. Được sự ủng hộ của đại hội nhân dân, Xêda thông qua những dự luật đem lại quyền lợi cho những người bình dân và binh sĩ: giảm 1/3 tổng số tiền nộp thuế đấu thầu, lấy đất đai ở khu vực Campania chia cho 2 vạn cựu binh sĩ, dân nghèo. Xêda còn đưa Cơlauđiuxơ (Claudius) – người thân tín của mình – lên làm quan bảo dân.
Năm 58 TCN, hết nhiệm kì chấp chính quan, Xêda lại được cử làm tổng đốc xứ Gôla (với nhiệm kì 5 năm). Năm 56 TCN, một thỏa thuận trong nội bộ “tam hùng lần thứ nhất” quy định: Xêda tiếp tục làm tổng đốc xứ Golơ, Pompêiuxơ và Craxiuxơ sẽ đảm đương chức vụ chấp chính quan của nhiệm kì 56, 55 TCN. Hết nhiệm kì chấp chính quan, Pompeiuxơ sẽ là tổng đốc Tây Ban Nha; Craxiuxơ là tổng đốc xứ Xiri. Nền chính trị Rôma bị lũng đoạn và chia xẻ bởi 3 thế lực trong liên minh tam hùng lần thứ nhất.
Năm 54 TCN, theo đúng thoả thuận, Craxiuxơ sang trấn giữ xứ Xiri (nhưng chỉ năm sau – năm 53 TCN – Craxiuxơ bỏ mạng trong một trận giao chiến). Còn Pompêiuxơ, theo thoả thuận, đáng lẽ phải sang Tây Ban Nha, nhưng y đã không thực hiện cứ ở lại Rôma (chỉ cử người thân tín sang Tây Ban Nha). Pompêiuxơ trở mặt, quay lại dựa vào sự ủng hộ của Viện nguyên lão, hi vọng sẽ độc quyền thâu tóm mọi quyền lực ở Rôma. Thế là liên minh “tam hùng lần thứ nhất” tan vỡ.
Ở Gôlơ, Xêda liên tục giành được những chiến thắng: Các bộ tộc Gôlơ đều khuất phục, các tộc Giécman bị dồn đẩy sang hữu ngạn sông Ranh. Lo sợ trước thế lực của Xêda, Pompêiuxơ càng bắt tay chặt chẽ với Viện nguyên lão, chống lại Xêda.
Năm 52 TCN, được Viện nguyên lão ủng hộ, Pompêiuxơ được cử làm chấp chính quan duy nhất – “Chấp chính quan không cần có đủ ban chấp chính” – một điều trái với quy định của hiến pháp Rôma. Pompêiuxơ và Viện nguyên lão buộc Xêda sau khi hết nhiệm kì phải giải tán quân đội và quay về Rôma với tư cách của một công dân thường. Xêda bị đặt trước một sự thách đố: hoặc sẽ có tất cả hoặc sẽ mất tất cả!
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/su-sup-do-cua-che-do-cong-hoa-va-su-thiet-lap-nen-doc-tai-xila/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-dai-ogustuxo-the-ki-i-ii-thoi-ki-cuc-thinh-cua-che-do-chiem-no-roma/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-ki-khung-hoang-suy-vong-cua-de-quoc-chiem-huu-no-le-roma-the-ki-iii-the-ki-v/
- https://ngaydacbiet.com/cai-cach-cua-xecviut-tuliut-va-su-ra-doi-cua-nha-nuoc-roma/
- https://ngaydacbiet.com/van-hoa-roma-co-dai/
Sẵn có trong tay 13 quân đoàn Rôma thiện chiến, lại được sự ủng hộ của bình dân, kị sĩ và quý tộc Công thương, ngày 14 tháng 1 năm 49 TCN, Xeda thống lĩnh đại quân, từ Gôlơ, vượt sông Rubica và nhanh chóng, bất ngờ tấn công Rôma. Viện nguyên lão và Pompeiuxơ không kịp trở tay, buộc phải bỏ Rôma chạy sang Hi Lạp. Để tiêu diệt lực lượng của Pompêiuxơ, Xêda quyết định đưa quân sang tấn công 7 quân đoàn của Pompêiuxơ hiện đang ở Tây Ban Nha. Trận kịch chiến đã xảy ra ở Ilécđa (Ilerda), quân Pompêiuxơ hoàn toàn tan vỡ, Tây Ban Nha theo Xêda.
Tiếp đó, Xeda thống lĩnh đại quân tiến sang Hi Lạp. Năm 48 TCN, trận kịch chiến giữa Xêda và Pompêiuxơ đã xảy ra ở Phácxan (Pharsale), Xêda đại thắng, Pompêiuxơ tháo chạy sang Ai Cập, tại đây, y bị một thủ hạ của vua Ai Cập giết chết. Từ Bắc Phi, Xêda kéo quân qua miền Tiểu Á đàn áp các cuộc nổi dậy của các quý tộc địa phương chống Rôma.
Năm 45 TCN, Xêda toàn thắng và trở về Rôma. Viện nguyên lão buộc phải tôn Xêda là “quốc phụ” và trao cho y mọi chức vụ cao quý nhất: độc tài suốt đời, quan bảo dân vĩnh viễn, tổng tư lệnh quân đội Rôma, tăng lữ tối cao và thường xuyên được phép mặc y phục của kẻ chiến thắng. Theo truyền thống và phong tục của người Rôma, y phục này chỉ dành riêng cho người lãnh đạo cao nhất quốc gia và chỉ được mặc trong những ngày ăn mừng chiến thắng.
Như vậy, trên thực tế, Xêda đã trở thành kẻ độc tài, thâu tóm trong tay mọi quyền lực vô biên về chính trị, quân sự, tôn giáo. “Chế độ tam hùng lần thứ nhất” kết thúc. Nền Cộng hòa Rôma chưa bị loại bỏ, nhưng cũng chỉ còn là hình thức mà thôi.
Sau khi trở thành độc tài, Xêda đã thực hiện một loạt chính sách mang lại quyền lợi cho quý tộc Công thương, kị sĩ, binh lính và những người bình dân:
- Số nghị viên Viện nguyên lão từ 300 tăng lên 900 người, toàn những người thân tín Xêda.
- Thực hiện việc ban thưởng rộng rãi các chiến lợi phẩm thu được và ruộng đất cho binh sĩ.
- Đưa 8 vạn binh sĩ và dân nghèo tới các vùng đất thực dân để lập nghiệp.
- Hạn chế những hành động lộng quyền của các toàn quyền Rôma ở các tỉnh.
- Công nhận quyền công dân Rôma cho nhiều quý tộc địa phương.
- Nới rộng quyền hành cho các quý tộc địa phương.
- Ban hành đồng tiền vàng thống nhất trong toàn đế quốc và thực hiện việc cải cách lịch pháp.
Nền độc tài Xeda được thiết lập, nền Cộng hòa chỉ còn là hình thức. Những tư tưởng và truyền thống cộng hòa vẫn còn in đậm trong suy tư của người Rôma, và sự đối lập của phái quý tộc chủ nô ruộng đất cũng chưa chấm dứt. Lấy cớ bảo vệ nền Cộng hòa, quý tộc chủ nô ruộng đất vẫn kích động phòng trào chống Xêda.
Tháng 3 năm 44 TCN, có chuẩn bị từ trước, phe quý tộc đối lập đã gây tình thế hỗn độn, tạo điều kiện cho Brutuxơ và Cátxiuxơ – những kẻ thân tín nhưng lại phản bội Xêda – đâm chết Xêda ngay trong khi ông đang chủ trì buổi họp của Viện nguyên lão.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,