Như vũ bão, quân Alexander tràn vào chiếm Babylon, Xudơ, Pécxêpôlít (những thủ phủ quan trọng nhất của Ba Tư). Đế quốc Ba Tư diệt vong sau 200 năm tồn tại. Không dừng lại, Alexander tiếp tục cho quân tràn vào chiếm Ecbatan (kinh độ của vương quốc Medi), Pacti, Báctơria và tiến sâu vào vùng Trung Á. Tại Trung Á, quân Alexander gặp phải sự chống đối quyết liệt của cư dân địa phương, 2.000 chiến binh Macedonia bỏ mạng. (Vì vậy sau khi đã đè bẹp sự phản kháng ở vùng này, Alexander đã thẳng tay tàn sát cư dân, 120.000 người đã bị giết hại).
Từ Afganishtan, Alexander Macedonia thân chinh chỉ huy quân Macedonia tràn vào Tây Bắc Ấn Độ (vùng Pengiáp) và làm chủ vùng này. Alexander còn định tiếp tục vượt sông Indus (Sông Ấn) vào sâu trong nội địa, nhưng vì quá mệt mỏi trên các nẻo đường chinh chiến, lại bị người Ấn thường xuyên đột kích, quấy phá. Alexander buộc lòng phải cho quân Macedonia rút về nước (năm 325 TCN) sau khi đã để lại một lực lượng đồn trú tại Pengiáp.
10 năm chinh chiến đầy chiến tích, bằng vũ lực Alexander đã thiết lập nên một đế quốc rộng lớn, bao gồm lãnh thổ của nhiều vùng, nhiều quốc gia có trình độ kinh tế, tổ chức chính trị khác nhau, nhiều trung tâm của thế giới cổ đại. Biên giới phía bắc tới tận vùng Iran, Trung Á phía nam xuống vùng Bắc châu Phi, phía tây tới bán đảo Bancăng và phía đông tiếp giáp với miền Tây Bắc Ấn Độ. Alexander đã chọn Babylon làm kinh đô của đế quốc. Để thống trị, cai quản đế quốc rộng lớn này, Alexander đã chia đế quốc thành những trấn (satrapes), sử dụng quan lại địa phương bên cạnh các tổng trấn người Macedonia, duy trì trật tự xã hội bằng bạo lực, quân đội.
Alexander nuôi tham vọng xâm chiếm vùng Ả Rập và đã tích cực chuẩn bị, thăm dò đường thuỷ dọc sông Ơphơrát và những điểm có thể đổ bộ lên bán đảo này, nhưng giữa lúc đó – ngày 13 tháng 6 năm 323 TCN – Alexander chết đột ngột vì bệnh sốt rét ác tính, lúc đó mới 33 tuổi. Cái chết đột ngột của Alexander đã làm cho tình hình đế quốc Macedonia khủng hoảng, đúng như dự đoán của chính Alexander khi đang còn nằm trên giường bệnh “Các tướng quân của ta sẽ làm cho đám tang của ta đẫm máu”. Cuộc xung đột giữa các tướng lĩnh Macedonia đã diễn ra, các nhà sử học Hi Lạp gọi cuộc xung đột này là “Xung đột của các Điađêkhốt”. Những người kế tục các tướng quân đã tôn Ariđê – em trai Alexander – và con nhỏ của Alexander làm Hoàng đế, Pécđicát là tể tướng nắm quyền nhiếp chính, nhưng thực tế chia nhau hùng cứ các vùng: Ptôlômê ở Ai Cập, Lêônít ở Syria, Philốt ở Xixin, Antigôn ở Phơrigi, Nêáckhốt ở Lixia… Cuối cùng đến thế kỉ III TCN, đế quốc Macedonia bị phân liệt thành nhiều quốc gia nhỏ, trong đó có 3 quốc gia lớn nhất (với những vận mệnh lịch sử khác nhau):
- Quốc gia Ptôlêmê, bao gồm Ai Cập, một phần Libi, thủ phủ là thành phố Alexandria.
- Quốc gia Xêlêcút gồm những vùng đất của đế quốc Ba Tư cũ ở châu Á, trung tâm là Syria.
- Quốc gia Antigôn gồm đất đai của Macedonia cũ và phần lục địa Hi Lạp.
Thời kì lịch sử từ khi Alexander Macedonia Đông chinh (năm 334 TCN) cho tới khi quốc gia Ptôlômê (ở Ai Cập) bị Rôma xâm chiếm và biến thành một tỉnh của đế quốc Rôma (năm 30 TCN) được gọi là thời kì Hi Lạp hoá (Hellénisme).
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/nguon-su-lieu-va-lich-su-su-hoc-hy-lap/
- https://ngaydacbiet.com/nghe-thuat-kien-truc-dieu-khac-va-hoi-hoa-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/triet-hoc-co-hi-lap/
- https://ngaydacbiet.com/dieu-kien-tu-nhien-va-dan-cu-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/macedonia-va-su-thong-tri-cac-thanh-bang-hi-lap/
Trong thời kì Hi Lạp hóa, nền văn minh Hi Lạp được phổ biến và truyền bá mạnh mẽ sang các nước xung quanh (kể cả những vùng đất thuộc châu Âu), tạo nên bộ mặt phồn vinh của Phương Đông, tạo nên những thành thị lớn với tư cách là những trung tâm thương mại lớn như Antiốt (Syria), Pécgam (Tiểu Á), Alexandria (Ai Cập),…
Thời kì Hi Lạp hóa, những điều kiện khách quan đã tăng thêm sức sống cho các thành bang Hi Lạp, tạo điều kiện cho Hi Lạp phục hưng lại nền kinh tế trong thời kì khủng hoảng, suy thoái.
Thời kì Hi Lạp hóa là thời kì có sự giao lưu của nền văn hóa Đông – Tây (mạnh mẽ hơn và có hiệu quả hơn). Văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật…
Hi Lạp đã được truyền bá và ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa, lối sinh hoạt của các quốc gia phương Đông. Ngược lại, người Hi Lạp cũng tiếp thu được nhiều thành tựu văn hóa, khoa học kĩ thuật của phương Đông (kể cả lối sống, cách trang phục theo kiểu Ba Tư, Ấn Độ). Thời kì Hi Lạp hóa cũng là thời kì có sự pha trộn chủng tộc lớn trong lịch sử nhân loại.
Hiện nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất về thời gian bắt đầu của thời kì Hi Lạp hóa. Có người cho rằng nên lấy mốc năm 323 TCN (khi Alexander chết). Có người cho rằng nên lấy mốc bằng sự kiện đế quốc Alexander Macedonia phân liệt thành 3 quốc gia (đầu thế kỉ III TCN)…
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,