Toc
Việc nghiên cứu lịch sử Hi Lạp cổ được bắt đầu từ thời cổ đại. Hiện nay, khoa học lịch sử đã có một khối lượng lớn những tư liệu.
Nguồn sử liệu nghiên cứu lịch sử Hi lạp
Nguồn tư liệu mà các nhà sử học sử dụng để viết về lịch sử Hi Lạp rất đa dạng, có thể phân chia thành mấy loại sau đây :
a) Những di tích bằng vật chất, bao gồm nhà cửa, công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng cá nhân, tiền đồng v.v…
b) Tài liệu về ngôn ngữ Hi Lạp (nghiên cứu các thổ ngữ Hi Lạp cho phép ta giải thích vấn đề dân cư).
c) Những tài liệu văn bản: những bộ luật, hiệp ước, sắc lệnh… được lưu giữ dưới dạng văn bia hoặc thông qua các tác giả Hi Lạp.
d) Các tác phẩm văn học
e) Văn học truyền miệng : Quá khứ xa xưa của các dân tộc Hi Lạp được biểu hiện trong các truyền thuyết, câu chuyện, truyện thần thoại. Trong số đó, thần thoại đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa Hi Lạp, đặc biệt là lịch sử tôn giáo.
Các giai đoạn nghiên cứu lịch sử Hy Lạp
Phi chính thức: nghiên cứu qua các tài liệu văn học, văn bia, tiền cổ
Những di tích văn học đầu tiên trước công nguyên là hai tập thơ : “Iliát” và “Ôđixê” ra đời vào thế kỉ VII TCN của Hôme. Như là một tư liệu lịch sử, thơ của Hôme có ý nghĩa to lớn mặc dù nó mang tính chất thần thoại. Hai tập thơ đã phản ánh khá rõ nét về chế độ xã hội, nếp sống, tín ngưỡng, tập quán của những bộ lạc Hi Lạp trong giai đoạn chuyển từ chế độ thị tộc sang chế độ chiếm nô.
Nhà sử học đầu tiên của Hi Lạp là Hêrôđốt. Những tài liệu về tiểu sử của ông còn quá ít ỏi và không được chính xác lắm. Ông sinh năm 484 TCN và mất năm 425 TCN. Theo một số tài liệu, ông tham gia hoạt động chính trị ở thành phố quê hương và đấu tranh chống lại ách thống trị. Ông đã buộc phải rời khỏi thành phố quê hương và sau đó đi du lịch nhiều nơi. Ông đã viết tác phẩm : “Lịch sử chiến tranh Hi Lạp – Ba Tư”, Hêrôđốt đã có ảnh hưởng lớn đến những người cùng thời và nổi tiếng trong thời kì cổ đại. Ông hoàn toàn xứng đáng với tên gọi “Cha đẻ lịch sử”.
Người cùng thời với Hêrôđốt là Tuyxiđít (khoảng 400 TCN – 395 TCN), xuất thân từ một gia đình giàu có danh tiếng. Tác phẩm của ông khá đồ sộ, gồm 8 quyển, trong đó chương đầu là phần giới thiệu về lịch sử cuộc chiến tranh Pêlôpône, bắt đầu bằng lịch sử thời cổ và dẫn dắt người đọc đến những sự kiện chính của cuộc chiến tranh. Nhờ có tác phẩm của ông, chúng ta có thể hiểu rõ những sự kiện của cuộc chiến tranh nói trên. Không những thế, Tuyxiđít còn đặt nền móng cho việc phê bình lịch sử và khái quát lịch sử.
Xênôphôn là một trong những nhà văn Hi Lạp có nhiều tác phẩm, trong đó cuốn “Lịch sử Hi Lạp” được coi như là sự tiếp tục của Tuyxiđít.
Người cùng thời với Xênôphôn là nhà triết học Platôn. Những tác phẩm của ông có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với lịch sử triết học mà còn đối với lịch sử chính trị, xã hội. Đó là các tác phẩm bàn về chính trị như: “Nhà nước” và “pháp luật”. Học trò của ông là Arixtốt tiếp tục phát triển đề tài về nhà nước. Arixtốt đã đưa ra những kết luận dựa trên cơ sở phân tích lịch sử và chế độ chính trị của quốc gia riêng biệt.
Đến thời kì Hi Lạp hóa, tư liệu về sử học để lại cũng khá nhiều. Một tác phẩm lịch sử vĩ đại là của Pôlibia. Ông trình bày lịch sử của các nước Hi Lạp hóa trong thời kì từ năm 220 đến 160 TCN. Sau tác phẩm “Chiến tranh Pêlôpône” của Tuyxiđít, tác phẩm của Pôlibia được coi là tác phẩm lịch sử vĩ đại nhất thời kì cổ đại.
Như thế, những tác phẩm lịch sử Hi Lạp cổ cho phép ta nhớ lại những nét cơ bản trong tiến trình lịch sử Hi Lạp với những thời điểm chủ yếu, chúng còn cung cấp nhiều tài liệu cho việc nghiên cứu chế độ chiếm nô Hi Lạp. Những tư liệu văn hóa khác (như tác phẩm văn học, bi kịch và hài kịch, văn học chính luận) đã đề cập nhiều đến những vấn đề thú vị trong đời sống chính trị và xã hội.
Một nguồn tư liệu khác cần được nói đến là văn bia. Có nhiều văn bia được lưu lại.
Những phát hiện về khảo cổ học đã đem lại nhiều điều mới trong nghiên cứu lịch sử Hi Lạp… Việc nghiên cứu về văn hóa Crét – Mixen chỉ có thể được tiến hành sau khi những khu di tích cổ, tiền Hi Lạp được khai quật. Những khám phá về khảo cổ cho phép khẳng định nền văn hóa Crét ra đời trước văn hóa Mixen. Nhưng cũng đồng thời tìm ra được mối quan hệ giữa Crét và dân ở miền Nam Hi Lạp, do đó có cơ sở để nói về nền văn hóa Crét – Mixen.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/van-hoc-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/su-hoan-thien-cua-hinh-thai-nha-nuoc-dan-chu-chu-no-aten-tu-the-ki-v-iv-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/thanh-bang-xpac-trong-lich-su-hi-lap/
- https://ngaydacbiet.com/nhung-thanh-tuu-khoa-hoc-tu-nhien-cua-hi-lap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/su-phat-trien-cua-che-do-no-le-o-aten-tu-the-ki-v-den-the-ki-iv-tcn/
Tiền cổ cũng là nguồn tư liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Hi Lạp. Những đồng tiền Hi Lạp được chạm khắc ở nhiều vùng. Những hình tượng, chữ khắc trên đồng tiền, phương pháp khắc có vai trò trong nghiên cứu lịch sử kinh tế Hi Lạp, trước hết là vấn đề lưu thông tiền tệ.
Giai đoạn nghiên cứu chính thức về lịch sử Hy Lạp
Việc nghiên cứu lịch sử Hi Lạp cổ đại một cách có hệ thống được tiến hành từ thời Phục Hưng. Lúc đầu, mối quan tâm chính là những di tích văn hóa, nghệ thuật. Những bản viết tay của các tác giả cổ đại được phát hiện đóng một vai trò quan trọng.
Ban đầu, lịch sử Hi Lạp chưa phải là một môn khoa học độc lập. Nó là một phần cấu thành của triết học Hi Lạp, một lĩnh vực của những tri thức khoa học nghiên cứu quá khứ của Hi Lạp: Ngôn ngữ, văn học, phong tục và các sự kiện lịch sử. Một trong những công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa Hi Lạp là tác phẩm “Lịch sử nghệ thuật cổ” nói về nghệ thuật luôn luôn gắn liền với thiên nhiên và phụ thuộc vào phong tục tập quán, thể chế xã hội.
Cuối thế kỉ XVIII, một công trình khác ra đời, bắt đầu cho việc phê bình phân tích lịch sử. Vonphơ đã xuất bản một tuyển tập so sánh “Iliat” “Ôđixê” với các bản anh hùng ca của dân tộc khác. Tác giả cho rằng, thời kì Hôme, người Hi Lạp chưa có chữ viết. Những bài ca về cuộc chiến tranh Troa được truyền từ đời này qua đời khác. Việc nghiên cứu lịch sử Hi Lạp được hình thành bởi nhiều yếu tố. Lịch sử Hi Lạp cũng như các môn khoa học xã hội khác, phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử chính trị và xã hội. Điều đó được thể hiện trong một chuỗi các sự kiện, trong tính cách của các nhà hoạt động, cách đánh giá các tầng lớp xã hội khác nhau.
Những nhà hoạt động và các chính luận gia thời kỳ cách mạng tư sản Pháp đã hướng tới lịch sử Hi Lạp nhằm biện minh cho những lí tưởng chính trị và xã hội của mình. Những người cộng hòa Hi Lạp được coi như những hình tượng của một chế độ chính trị lí tưởng, họ nêu lên những tấm gương về tinh thần tự do, lòng dũng cảm và chủ nghĩa yêu nước của người Hi Lạp.
Vào giữa thế kỉ XIX, xuất hiện nhiều tác phẩm viết về Hi Lạp. Đó là “Lịch sử Hi Lạp” của Grốt (1794 -1871), “Lịch sử Hi Lạp” của Kirơxiux ; “Lịch sử thời Hi Lạp hóa” của Đrôidây.
Những kết quả nghiên cứu của ngành dân tộc học, mà cơ sở của nó là nghiên cứu đời sống các dân tộc có mức phát triển văn hóa thấp đã thúc đẩy việc tìm hiểu lịch sử Hi Lạp cổ đại. Năm 1861, tác phẩm “Quyền mẫu hệ” của Bachophen đã chỉ ra quyền đó, đã tồn tại trong các dân tộc Hi Lạp và các dân tộc phương Đông.
Các nhà khảo cổ đã tiến hành các cuộc khai quật ở Tiểu Á, Hi Lạp, đặc biệt ở Ôlempic (nơi đã diễn ra thế vận hội thời cổ đại). Những cuộc khai quật 1875 – 1881 đã mang lại một khối lượng tư liệu lớn bao gồm các pho tượng, phù điêu, đồ vật bằng đồng thau, tiền và các văn bia.
Các nghiên cứu bên ngoài Hi Lạp
Các nhà khoa học Nga cũng tham gia một cách tích cực trong các cuộc khai quật và nghiên cứu những tư liệu tìm được. Tại các khu vực phía nam châu Âu của Liên Xô (trước đây), người ta đã phát hiện thấy ảnh hưởng của Hi Lạp. Nhiều tượng, đồ vật, văn bia đã được lưu giữ tại bảo tàng Ecgiơmitat. Cùng với việc nghiên cứu các hiện vật tìm được, việc tìm hiểu lịch sử Hi Lạp cũng phát triển ở Nga. Nhà nghiên cứu đầu tiên, có nhiều tác phẩm nối tiếng ở Nga và Tây Âu là Kutoria (1809 – 1889). Những tác phẩm của ông đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong lịch sử Hi Lạp, ông đặc biệt quan tâm đến lịch sử Aten. Người học trò xuất sắc của ông là Xôbôlôp (1841 – 1909) chuyên nghiên cứu về văn bia. Trong các công trình nghiên cứu lịch sử Hi Lạp của Nga phải kể đến vai trò của Misenkô người đã dịch toàn bộ các tác phẩm của Herôđốt, Tuyxiđít, Pôlibia, và Xtarabôn. Vaxiliep đã chú trọng nghiên cứu lịch sử xã hội Hi Lạp trong thời kì Hi Lạp hóa trong khi vấn đề này không được đề cập đến một cách đầy đủ trong các tác phẩm nghiên cứu ở phương Tây.
Những tác phẩm của C.Mác và Ph.Enghen có những ảnh hưởng lớn tới việc nghiên cứu lịch sử Hi Lạp vào cuối thế kỉ XIX.
Luận án tiến sĩ của Mác đã xem xét những vấn đề về triết học Hi Lạp cổ với tiêu đề: “Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcơrít và triết học tự nhiên của Epicuya”. Trong nhiều tác phẩm khác (Hệ tư tưởng Đức, Phê phán kinh tế chính trị, Tư bản), Mác đã giải thích những cơ sở của chế độ chiếm nô, đặc trưng của thời kì cổ đại.
Trong tác phẩm “Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước”, Ph. Enghen đã trình bày một chương đặc biệt về bộ tộc Hi Lạp. Ph.Enghen đã chỉ ra rằng nền dân chủ quân sự giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử Hi Lạp cổ. Ông cho rằng việc chuyển từ chế độ nguyên thủy sang chế độ chiếm nô được tiến hành bằng cuộc cách mạng chính trị.
Những năm 90 và đầu thế kỉ XX là thời kì các nhà sử học Nga đạt được nhiều thành công về nghiên cứu lịch sử Hi Lạp. Cùng với việc nghiên cứu lịch sử vùng Bắc Biển Đen, lịch sử thời kì Hi Lạp hóa cũng thu hút được sự quan tâm lớn.
Về các quan hệ xã hội Hi Lạp cổ được đề cập trong các công trình nghiên cứu chuyên đề của các nhà nghiên cứu như Xecgây Kôvaliep. Nhà sử học Mixulin đã giải thích một loạt vấn đề như vai trò của chiến tranh trong nền kinh tế nô lệ trong các tác phẩm của mình.
Những vấn đề về tư tưởng được đề cập trong tác phẩm “Lịch sử tư tưởng xã hội” của Lurie xuất bản năm 1929. Năm 1947, công trình của ông về lịch sử khoa học cổ đại ra đời. Ông đánh giá những thành tựu của các nhà nghiên cứu cổ đại trong các ngành khoa học tự nhiên và xã hội. Vấn đề này cũng được đề cập trong tác phẩm của Macôvenxki.
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu lịch sử Hi Lạp còn quá ít, tập trung chủ yếu vào các giáo trình của các trường Đại học.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,