Lịch sử Lưỡng Hà là lịch sử của nhiều quốc gia, dân tộc. Thành tựu văn hóa Lưỡng Hà đạt được chính là sự tổng hợp những thành tựu văn hóa của người Sumer, Akkad, Babylon, người Canđê… Trong đó, người Sumer không những là tộc người lập nên những quốc gia đầu tiên mà còn là tộc người đặt nền móng xây dựng nên nền văn hóa Lưỡng Hà. Văn hóa Lưỡng Hà phát triển tương đối toàn diện, phong phú có sự kế thừa và phát triển. Văn hóa Lưỡng Hà đã có những ảnh hưởng tới nền văn hóa của các quốc gia ở Tây Á, văn hóa Hi Lạp và Rôma.
Toc
Chữ viết
Chữ viết xuất hiện ở Lưỡng Hà khá sớm, vào khoảng thiên niên kỉ IV TCN và là một trong những thành tựu văn hóa quan trọng nhất của Lưỡng Hà.
Người Sumer đã phát minh ra chữ viết Lưỡng Hà sớm nhất. Đầu tiên người Sumer dùng những hình vẽ – về sau là những nét vạch hợp lại thành ý. Họ dùng một thanh gỗ nhỏ hay sậy vót nhọn 1 đầu, ấn trên phiến đất mềm tạo thành 1 đầu nhọn, đáy bằng, trở ngược thanh gỗ vạch một đường thẳng, trông như mũi tên hay chiếc đinh. Một số chiếc đinh này hợp lại thành từ.
Mỗi tấm đất sét là một trang sách, đó chính là chữ tượng hình của người Ai Cập, những thứ chữ đó có hình tiết như những góc nhọn, nên thường được gọi là chữ hình góc hay hình đinh. Rất nhiều tộc người ở Tây Á thời cổ đại đã sử dụng loại chữ viết này, vì vậy có thể coi chữ viết do người Sumer phát minh ra là thứ chữ mẹ đẻ của nhiều chữ viết cổ khác của người Akkad, Babylon, Hatti, Atxiri, Ba Tư. Sau khi khai quật thành phố Ninivơ – Thủ đô của đế quốc Atxiri, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một thư viện lớn trong cung điện của vua Atxuabanipan, trong đó lưu trữ tới 2200 cuốn sách. Đó chính là những “trang sách” bằng đất sét, được ghi bằng loại chữ “hình đinh” Sumer.
Nửa đầu thế kỉ XIX, hai nhà ngôn ngữ Đức Gơrôtophen (Grôtefend) và Anh Raolinhxơn (Henry Rawlinson) thông qua văn tự Ba Tư đã đọc được chữ hình đinh này, việc nghiên cứu lịch sử của khu vực Lưỡng Hà thời cổ đại càng đạt được những thành tựu mới.
Văn học
Cơ sở của nền văn học Lưỡng Hà cũng chính là nền văn học do người Sumer sáng tạo, bao gồm nhiều thể loại: văn học truyền miệng, văn học dân gian, thơ, ca và nhất là thể loại anh hùng ca.
Văn học truyền miệng, dân ca có bài ca của người xay lúa, người nấu bếp, người làm bánh mì. Thể loại ngụ ngôn nhân cách hóa các con vật để khuyên răn giáo dục con người cũng khá phổ biến, ví như truyện ngụ ngôn “Cuộc tranh cãi giữa ngựa với bò”.
Truyền thuyết về nạn hồng thủy và cuộc đấu tranh của thần Ninuta với loài quỷ dữ giữ nước đã phản ánh thực tế điều kiện tự nhiên vừa thuận lợi vừa dữ tợn của hai dòng cảng Tigrơ, Ơphơrát. Cũng như cuộc đấu tranh gian khổ của người dân Lưỡng Hà trong công cuộc chế ngự thiên nhiên để tồn tại và phát triển nền kinh tế nông nghiệp của mình. Văn học Lưỡng Hà chịu ảnh hưởng khá đậm nét của hệ thống tư tưởng, tôn giáo. Những bài thánh ca, ngợi khen sức mạnh và ủy quyền tuyệt đối của các thần linh đặc biệt là thần Macđúc – thần chủ của người Lưỡng Hà – khá phổ biến. Trong bài thơ “Emit và Enten”, thần Enhin đã quyết định phần thắng lợi cho người làm ruộng trong cuộc tranh cãi giữa hai người đại diện cho hai nghề trồng trọt và chăn nuôi.
Trong văn học, thần Macđúc luôn luôn được thể hiện là một vị thần tối cao, sáng tạo muôn loài. Thần đã chiến thắng quỷ dữ Tiamát để tạo ra thế giới.
Tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của Lưỡng Hà cổ đại là anh hùng ca Gilgamesh, mặc dù vẫn bị bao phủ bởi lớp màng tôn giáo, nhưng anh hùng ca Gilgamesh đã ca ngợi sức mạnh vô địch của con người, ca ngợi cái thiện và thắng lợi tất yếu của cái thiện trước cái ác.
Gilgamesh là vua thành Urúc, một người khỏe mạnh, giàu nghị lực và óc sáng tạo đã kết thân với Enkidu và cùng nhau lập được nhiều chiến công. Tài năng và vẻ đẹp của chàng trai đã làm nữ thần Isơta say đắm, nhưng chỉ được đáp lại bằng sự thờ ơ. Isơta căm tức, tìm cách hại Gilgamesh. Nữ thần đã cho một đàn bò xuống tàn phá đồng ruộng Urúc, nhưng Gilgamesh và bạn chàng là Enkidu đã giết hết đàn bò thần của Isơta, bảo vệ mùa màng. Isơta càng tức giận đã làm cho Enkidu lâm bệnh, chết. Gilgamesh cô đơn, bàng hoàng, đã đi tìm thần thánh để chất vấn về sự sống chết, trường sinh bất tử.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/luong-ha-duoi-thoi-ky-thong-tri-cua-vuong-quoc-tan-babylon/
- https://ngaydacbiet.com/su-thong-nhat-luong-ha-cua-vuong-trieu-co-babylon/
- https://ngaydacbiet.com/bo-luat-khac-tren-cot-da/
- https://ngaydacbiet.com/vuong-trieu-ua-va-su-phuc-hung-cua-nguoi-sumer/
- https://ngaydacbiet.com/trang-thai-kinh-te-xa-hoi-cua-vuong-quoc-co-babylon/
Tôn giáo
Người Lưỡng Hà theo đa thần giáo. Mỗi quốc gia đều có thần chủ của mình. Người Urúc thờ thần Anu, Eriđu thờ thần Eaua.
Ngoài các thần chủ, người Lưỡng Hà còn tôn thờ nhiều thần khác như Thần nước Ea và con trai của thần. Thần Tammu được coi như vị thần dạy bảo cư dân trồng trọt, làm nghề thủ công và là vị thần của lòng nhân ái, bảo vệ mùa màng. Thân Nêgan – Thần địa ngục – được thể hiện như một sinh vật kì dị, có sức mạnh ghê gớm: mặt người, sừng bò, mình sư tử, có cánh. Nữ thần Iara được gọi là thần mẹ, thần bảo hộ nông nghiệp và sinh sản. Thần Mặt trời Samát là thần bảo trợ luật pháp, tòa án.
Cùng với sự xác lập quyền lực tối cao trong toàn khu vực Lưỡng Hà của người Babylon, thời kì Hămmurabi trị vì, Thần Mácđúc đã trở thành vị thần tối cao trong toàn quốc. Bản thân nhà vua cũng được thần thánh hóa, thay mặt thần Mácđúc cai trị muôn dân. Cùng với sự tồn tại của hệ thống tôn giáo phức tạp, đa dạng, tập đoàn tăng lữ Lưỡng Hà cũng đã xuất hiện. Họ có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, xã hội của cư dân Lưỡng Hà, điều hành toàn bộ lễ nghi tôn giáo của cư dân. Đồng thời cũng là những quý tộc giàu có nhiều ruộng đất, bóc lột cư dân trong toàn quốc.
Khoa học tự nhiên
Toán học của người Lưỡng Hà phát triển khá sớm. Người Lưỡng Hà sử dụng nhiều phương pháp đếm khác nhau. Từ hệ thống đếm lấy số 5 làm cơ sở, đến hệ thống đếm lấy 60 làm đơn vị. Ngoài ra, người Lưỡng Hà cũng còn sử dụng hệ thống đếm lấy số 10 làm cơ sở (phương pháp Thập tiến vị).
Người Lưỡng Hà cũng đã biết dùng số pi = 3,00 để tính diện tích và chu vi hình tròn. Họ cũng đã phát hiện ra định lí: trong một tam giác vuông, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh góc vuông. Người ta đã tìm thấy những cuốn sách ghi lại các bài tập toán học của người Lưỡng Hà theo nhiều phép tính khác nhau như tính sản lượng thu hoạch ở các khoảnh ruộng có diện tích khác nhau; tính thời gian cần thiết để đào 4 cái hồ chứa nước có độ sâu khác nhau…
Về thiên văn học, người Lưỡng Hà đã có những cống hiến hết sức quan trọng. Bầu trời Lưỡng Hà trong sáng suốt 8 tháng trong một năm, do vậy các nhà thiên văn học có điều kiện và có những thu góp đáng kể. Họ đã phát hiện ra hoàng đạo, chia các tinh thể trên bầu trời thành 12 cung gọi là “12 cung hoàng đạo”. Các chòm tinh thể được vẽ và ghi chép lại theo quỹ đạo tương đối chính xác. Người Lưỡng Hà cũng có những kiến thức sâu sắc về sao chổi, sao băng, hiện tượng nguyệt thực, nhật thực. Lịch pháp của người Lưỡng Hà xuất hiện sớm ngay từ thời kì thống trị của các quốc gia Sumer, và theo nguyên tắc âm lịch: 1 năm có 12 tháng, một tháng có 29 hoặc 30 ngày (6 tháng 29 ngày và 6 tháng 30 ngày). Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy 40 tấm bảng đất sét ghi chép khá chi tiết cách chữa một số bệnh thông thường như các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, mắt, tai, tim, thần kinh… Nội khoa và ngoại khoa đã được phân biệt rõ ràng trong y học Lưỡng Hà.
Kiến trúc, điêu khắc
Mặc dù thiếu đá, gỗ và gạch là vật liệu xây dựng chủ yếu ở Lưỡng Hà, nhưng cư dân Lưỡng Hà đã có những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc.
Nhiều đền miếu có trang trí, chạm khắc sặc sỡ đã được xây dựng. Cung điện của vua Guđêa – vua Lagasơ – và cung điện của vua Nabusôđônôxo – vua xứ Mêđi là 2 công trình kiến trúc đồ sộ của người Lưỡng Hà.
Nổi bật nhất trong nghệ thuật kiến trúc của Lưỡng Hà là thành Babylon và khu vườn treo Babylon được xây dựng trong thời trị vì của Nabusôđônôxo – quốc vương Tân Babylon sau này được coi là một trong 7 kì quan của thế giới cổ đại. Tương truyền khu vườn treo Babylon – khu vườn thượng uyển độc đáo được Nabusôđônêxo xây dựng để chiều ý vương hậu sủng ái của ông. Bà vốn là công chúa xứ Mêđi – xứ sở của rừng núi, cây, cảnh. Toàn bộ vườn treo là một ngọn núi nhân tạo cao 25m được chia thành 4 tầng, nối mỗi tầng là những cầu thang to, rộng. Mỗi tầng được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống – kiến trúc vòm cuốn bằng gạch trên những cột cao, có trang trí. Người ta dùng những tảng đá to phẳng xây khít để tạo nên mặt bằng của thành. Kế đó, người ta trải một lớp cói mỏng, nhựa đường, tiếp đó xây một lớp với 2 hàng gạch được ghép lại với nhau chặt chẽ bằng bột thạch anh, trên lớp gạch ấy là những tấm kim loại và trên cùng, người ta đổ đất để trồng cây. Để tưới cho cây, trong vườn có hệ thống ống dẫn nước được xây dựng. Một luồng nước từ sông Ơphơrát được dẫn lên bể chứa ở mỗi tầng, và hàng trăm nô lệ, hàng ngày vác gầu ra múc nước ở các bể chứa để tưới cho cây cỏ. Vườn treo bốn mùa cây cối xanh tươi. Đứng trên “vườn hoa không trung” ấy có thể bao quát toàn cảnh thành Babylon lộng lẫy.
Đền tháp Ementelauki cũng là một loại hình kiến trúc độc đáo của Lưỡng Hà. Tháp cao 90m, từ xa trông ngọn tháp 7 tầng như một cái thang khổng lồ vươn thẳng lên trời. Tầng dưới cùng là một khối vuông cạnh 90m, cao 30m, gồm nhiều phòng và được quét một lớp sơn màu đen. Tầng 2 hẹp dần theo thế hình tháp sơn màu đỏ. Tầng 3 màu trắng, tầng 4, 5, 6 màu đỏ và tầng 7 màu xanh, có những viền vàng sáng chói, tầng này có mái che và trang trí hình những chiếc sừng to bằng vàng cao vút ở 4 góc. Tầng 7 chính là một ngôi miếu nhỏ trong đó có tượng thần Macđúc bằng vàng.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,