Ấn Độ có một nền văn minh lớn và lâu đời nên nguồn tài liệu cũng như quá trình thành tựu nghiên cứu hết sức phong phú và đa dạng.
Nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại nhờ khảo cổ học
Để hiểu biết về những thời kì xa xôi của lịch sử Ấn Độ cổ đại, khoa khảo cổ học đã có phần đóng góp căn bản.
Từ 1863, người ta đã được biết về văn hóa Soan (lưu vực sông Indus) và Madras (Nam Ấn), nhưng phải đến năm 1935 mới có hiểu biết đầy đủ về nền văn hóa đá cũ này qua báo cáo của nhóm khai quật mang tên Đoàn công tác Yale Bắc Ấn.
Năm 1864, người ta được biết về thời đá giữa, hay đá nhỏ, phát hiện ở Djabalpur. Cho đến giữa những năm 30 thì đã có hiểu biết khá đầy đủ về kĩ nghệ đá nhỏ này trên nhiều địa điểm cũng như phát hiện được hàng loạt di chỉ đá mới trên hầu hết đất nước Ấn Độ.
Trong nhiều năm, người ta chỉ được biết về thời đại đá mới, đồng và sự xuất hiện các quốc gia sơ kì ở lưu vực sông Hằng thì sự phát hiện một nền văn minh cổ xưa hơn trên lưu vực sông Ấn đã gây nên sự ngạc nhiên và thích thú cho giới khoa học cũng như mọi người quan tâm tới lịch sử Ấn Độ. Thực ra, từ cuối thế kỉ XIX, từ năm 1875, A.Cunningham đã phát hiện ra địa điểm Harappa, nhưng phải đến đầu những năm 20, các nhà khảo cổ Ấn Độ R.Sahni, R. D.Banerji mới khai quật đầy đủ hai di chỉ và là hai thành phố cổ Harappa và Mohendjo Daro (trên triền sông Indus). Kết quả khai quật này thực ra lại do giám đốc sở khảo cổ học Ấn Độ thời bấy giờ (Archaeological Survey) là John Marshall thông báo ở Anh năm 1924, đã làm xôn xao dư luận Anh và thế giới. Từ đó đến nay còn có thêm một số thành thị cổ được phát hiện làm phong phú thêm những hiểu biết về nền văn minh cổ sông Indus, như Kot Diji (Sind, Hạ lưu), Kalibangan (ở Rajasthan), Rupar (Punjab – Thượng lưu), cảng thị Lothal (ở Gujarat).
A.Cunningham cũng là người đề xướng từ cuối thế kỉ XIX, việc cần thiết phải khảo sát và sưu tầm các di tích vật chất (đền, tháp, cột…) và bi kí. Nhờ đó, mở màn cho công việc này là việc phát hiện khu di tích hang động Adjanta. Những năm 1819 – 1879, người ta đã thấy trong vùng núi Adjanta, gần làng Fordapur, bang Hyderabad, Tây Ấn Độ, 29 ngôi chùa lớn tạc trong lòng hang động. Trên vách tường của chùa đều có những phù điêu bích họa màu lam, xanh, đỏ, thể hiện các tích Phật với màu sắc rực rỡ, nét vẽ sinh động, có thể “xếp vào hàng những kiệt tác nghệ thuật của loài người”.
Nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại qua Thư tịch
Ngoài các di tích và hiện vật, một nguồn tài liệu khác vô cùng quan trọng là các thư tịch.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/thuy-to-phat-giao-sakya-muni/
- https://ngaydacbiet.com/cac-quoc-gia-so-ky-va-ba-quyen-magada-600-321-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/luu-vuc-song-hang-thoi-so-su-khoang-nam-1000-600-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/che-do-chung-tinh-o-an-do-che-do-varna/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-tien-su-va-nen-van-hoa-song-an-indus/
Người Ấn Độ có một kho tàng văn bản phong phú, được lưu truyền ghi chép lại trên giấy, hoặc khắc trên bia, bằng những văn tự cổ, như Phạn (Sanskrit), Brahmi, Kharosthi, Pali… Một số nhà tu hành vẫn đọc được Sanskrit, Pali, Kharosthi (trừ Brahmi) nhưng đọc, phân tích và khai thác các văn bản, thúc đẩy sự phát triển của việc nghiên cứu Ấn Độ là các cơ quan khoa học Anh, Pháp và Đức.
Năm 1784, William Jones lập Hội châu Á ở Bengan (Asiatic Society of Bengal), mở đường cho ngành Ấn Độ học. Một số bài nghiên cứu và nhất là cuối năm 1784, Charles Wilkins công bố bản dịch từ Sanskrit sang tiếng Anh tác phẩm triết học cổ Bhagavad Gita, đã đem lại vinh quang cho Hội này. Tiếp đó là những nhà tiên phong người Anh như H.H.Wilson (dịch Vishnu Purana, London 1864), người Pháp E.Bournouf (dịch Bhagavata Purana, Paris 1840), người Đức Max Muller (dịch Dhammapada, Oxford 1898) v.v…
Công việc này được đẩy mạnh hơn, khi năm 1795, nước Pháp lập trường ngôn ngữ Phương Đông, năm 1821 lập Hội châu Á. Năm 1823, Anh lập Hội Hoàng gia châu Á (Royal Asiatic Society). Đến năm 1928, Pháp lại lập Viện nghiên cứu văn minh Ấn Độ trong trường Đại học Xoocbon.
Những mốc rực rỡ trong thành tựu nghiên cứu của các nhà bác học và các tổ chức này được đánh dấu bằng năm 1837, James Prinsep, giải mã được chữ Brami, nhờ đó đọc được những dòng chữ trên “cột Ashoka”. Những năm cuối thế kỉ XIX, xuất hiện hàng loạt chuyên gia Ấn Độ học Anh, Pháp, Đức, vừa dịch vừa nghiên cứu toàn diện về văn minh Ấn Độ, những tên tuổi lừng lẫy như R.T.H. Griffiths, J.Eggeling ), A.Bergaigne, A.Barth, E.Senart v.v…
Những nhà sử học Ấn Độ cũng đã góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc mình. Tiến sĩ A.Ghosh thay John Marshall làm giám đốc sở khảo cổ, từ sau 1954, đã phát hiện Rajagriha, cùng với những nhà sử học khác như P.Aiyangaro), N.P. Chakravarti, R.K.Mookerjee, K.A.Nilakantha Sastri, R.S. Sharma ”, và các nhà minh văn học như H.K.Shastri.
Ngày nay, sự hiểu biết về lịch sử và văn hóa Ấn Độ cổ đại đã rất phong phú và ngày càng có nhiều vấn đề lí thú, hấp dẫn. Cùng với một đội ngũ các nhà nghiên cứu rất uyên bác, đông đảo và rộng rãi ở nhiều nước. Ấn Độ học đã trở thành một điểm thu hút sự quan tâm của nhiều người trên thế giới.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,