Ở thời Trung vương quốc, xã hội Ai Cập càng phân hóa mạnh mẽ. Do sự phát triển của sản xuất ở trong nước và do chiến lợi phẩm của các cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng nhiều nên của cải và số lượng nô lệ chiến tranh ngày càng tăng Iên. Vì thế, tầng lớp quý tộc quan lại và quý tộc tăng lữ, nhất là các thủ lĩnh quân sự, giàu lên một cách nhanh chóng. Đồng thời trong xã hội cũng hình thành một tầng lớp mới – tầng lớp trung lưu – trong các bản cổ văn thường gọi là “Tiểu nhân” (“Nodjes”).
Trong số các “tiểu nhân” có những người xuất thân từ thư lại, thương nhân hay nông dân, ngày càng trở nên giàu có và trở thành những ông chủ. Các tài liệu cổ văn gọi họ là những “tiểu nhân hùng mạnh”. Ngược lại, lại có một số “tiểu nhân” sống rất nghèo khổ, mặc dù họ có tài sản riêng, có thể đó là những thợ thủ công và nông dân nghèo tự canh. Theo các tài liệu cổ văn miêu tả thì họ tự cày cấy và gặt hái, tự chèo thuyền cùng với hàng hóa, tự nấu cơm tối và sống nghèo khổ bằng chính sản phẩm của mình.
Do chiến tranh, số lượng nô Iệ đã có phần đông hơn trước. Đa số nô lệ vẫn là người Syria, Palestine và Ethiopia bị bắt làm tù binh. Song đến thời Trung vương quốc, số lượng nô lệ vì nợ cũng đã chiếm một phần đáng kể do sự phá sản của một bộ phận dân nghèo. Vẫn như trước kia, người Ai Cập chỉ tính nô lệ bằng đầu. Một bản cổ văn có chép : “Tôi tặng cho cô ấy nô lệ là người bộ lạc amu (cư dân châu Á) – 4 đầu”. Công việc chính của họ là hầu hạ chủ, cũng có khi phải làm ruộng hoặc làm các nghề thủ công. So với thời Cổ vương quốc, chế độ nô lệ thời Trung vương quốc đã có một bước phát triển mới.
Sự biến đổi trong cơ cấu xã hội trên đây đã dẫn tới những mâu thuẫn ngày càng thêm gay gắt. Nô lệ và dân nghèo phải chịu hai tầng áp bức, bóc lột của Pharaoh và các chúa châu. Một tác phẩm văn học thời này giờ đã phản ánh : “Thần đói lảng vảng xung quanh túp lều tranh của nông dân, lao động nhọc nhằn vẫn không đảm bảo cho họ đủ sống… Người ta đánh đập họ không chút thương tiếc… Và nếu họ có đi thưa kiện thì họ cũng không tìm đâu ra công lí”.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/ton-giao-va-triet-hoc-ai-cap-thoi-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/van-tu-ai-cap-co-dai-chu-tuong-hinh/
- https://ngaydacbiet.com/su-phat-trien-cua-cac-nganh-kinh-te-thoi-trung-vuong-quoc-ai-cap/
- https://ngaydacbiet.com/to-chuc-nha-nuoc-va-quan-he-xa-hoi-o-ai-cap-thoi-co-vuong-quoc/
- https://ngaydacbiet.com/chinh-sach-doi-noi-va-doi-ngoai-cua-cac-vuong-trieu-trung-vuong-quoc-ai-cap/
Có thể trong lịch sử cổ đại Ai Cập, nô lệ và dân nghèo đã nhiều lần vùng dậy đấu tranh. Nhưng rất tiếc nguồn sử liệu nói về các cuộc đấu tranh này lại rất ít ỏi. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì ở Ai Cập cổ đại chỉ có tầng lớp quý tộc quan lại mới biết chữ, mà họ thì không bao giờ muốn ghi lại những cuộc bạo động “phản loạn” ấy và nếu có ghi lại thì cũng với lời lẽ đầy hằn học và phỉ báng những người khởi nghĩa.
Qua nội dung của một tài liệu cổ văn – lời khuyên bảo của vua Hêraclêôpôlít đã nói ở trên, người ta thấy hiện lên hình bóng của một cuộc khởi nghĩa của nô Iệ và dân nghèo khi tác giả của nó yêu cầu nhà vua phải “trói cổ bọn người ấy lại và dập tắt ngay ngọn lửa do chúng dấy Iên” và tác giả kết luận : “Nó là kẻ thù… vì nó nghèo đói”.
Những cuộc bạo động lẻ tẻ đó đã dần dần hợp lại thành một phong trào khởi nghĩa to lớn vào khoảng năm 1750 TCN. Ngày nay người ta biết được về cuộc khởi nghĩa này qua hai tài liệu còn lưu lại: “Lời khuyên bảo của Ipuxe” và “Lời tiên đoán của Nêphéctuy”. Hai tác giả kể lại: Người ta phá phách các cung điện nhà vua, người ta xục xạo vào các nơi bí mật để thiêu hủy những hồ sơ, sổ sách của các cơ quan tư pháp, tài chính, đạc điền…”… “Những người bạo động thậm chí còn bắt trói nhà vua đem đi…” và cuối cùng các tác giả kết luận “… Bây giờ những kẻ toi tớ trở thành những người chủ nhà”. Qua đó, ta có thể biết được phần nào diễn biến và kết quả của cuộc khởi nghĩa.
Rõ ràng cuộc khởi nghĩa đã bị đàn áp, nhưng nó đã góp phần làm cho nhà nước Ai Cập thời kì này suy yếu, tạo cơ hội tốt cho người Híchxốt vào xâm lược và đô hộ trong ngót 150 năm (1710 – 1500 TCN).
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,