Toc
Trong các thế kỉ I, II, trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, an ninh xã hội và văn hóa, chế độ chiếm nô Rôma đạt tới điểm đỉnh của sự phát triển tạo nên thời kì mà người Rôma thường tự hào “thời kì hoàng kim” của họ.
Tình hình chính trị
Sau khi đánh bại Antôniuxơ (năm 30 TCN), Ôctaviuxơ trở thành kẻ thống trị duy nhất ở Rôma. Tuy không tự xưng là Hoàng đế, nhưng trong thực tế, Ôctaviuxơ đã nắm trong tay những quyền hạn của một ông Hoàng thực thụ: tổng chỉ huy quân sự (Imperator), quan chấp chính và quan bảo dân vĩnh viễn, tổng giáo chủ toàn Italia… Viện nguyên lão còn suy tôn y là “quốc phụ” (người cha của đất nước) và tặng y danh hiệu Ôguxtuxơ (đấng cao cả, tôn kính). Không dám coi thường truyền thống Cộng hòa, chỉ coi mình là người số 1 trong danh sách công dân – Prinxép. Bởi thế, chế độ chính trị do Ôctaviuxơ thiết lập, trong lịch sử Rôma được gọi là chế độ Principát – chế độ nguyên thủ.
Trong chế độ chính trị mới này, bên cạnh vai trò cá nhân rất được đề cao của Ôctaviuxơ, vai trò của Viện nguyên lão vẫn được coi trọng. Số nghị viên Viện nguyên lão bao gồm 600 người, thân tín của Ôctaviuxơ, nhiều chức năng của đại hội nhân dân được chuyển giao cho Viện nguyên lão. Đại hội nhân dân chỉ là hình thức, Chế độ Principát thực chất là chế độ quân chủ chuyên chế được che đậy khéo léo bởi chiếc áo khoác Cộng hòa.
Vương triều Giuliux Clauđiux (27 TCN – 68 CN)
Thời kì Ôctaviuxơ trị vì, cương vực của đế quốc Rôma đã mở rộng: phía đông bắt đầu từ khu vực sông Ơphơrát; phía tây tới bờ Đại Tây Dương; phía nam xuống tận sa mạc Xahara; còn phía bắc vươn đến bờ sông Ranh và Đanuýp, tiếp giáp với những vùng đất của người Giécman. Thủ đô Rôma với nhiều cung điện, đền, miếu, rạp hát, các công trình công cộng được xây dựng công phu, nguy nga, tráng lệ đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của một đế quốc thống nhất, hùng cường. Ôctaviuxơ là người đã thiết lập nên vương triều đầu tiên trong thời đế chế – Vương triều Giuliux Clauđiux (Julius Claudius) tồn tại từ năm 27 TCN đến năm 68 sau CN.
Năm 14, Ôctaviuxơ qua đời, Viện nguyên lão đem tước vị và danh hiệu Ôguxtuxơ trao cho Tibêriuxơ (14 – 37), nền quân chủ Rôma được củng cố thêm, vai trò cá nhân Tibêriuxơ, và vai trò của Viện nguyên lão được hết sức đề cao. Tibêriuxơ tước bỏ dần chiếc áo khoác Cộng hòa.
Sau Tibêriuxơ là thời kì thống trị của Caligula (37 – 41). Caligula chủ trương xây dựng nền quân chủ ở Rôma theo kiểu Ai Cập, bắt chước kiểu sinh hoạt ở cung đình Ai Cập, thậm chí còn lấy em gái mình làm vợ. Caligula đã cho xây dựng nhiều đền thờ thần Ixida của người Ai Cập ở Rôma và tự xếp mình trong hàng ngũ các thần thánh. Caligula đã dùng bạo lực đàn áp tàn khốc mọi dư luận chống đối. Vì vậy, Caligula chỉ cầm quyền được 4 năm, năm 41, y bị chính các sĩ quan cận vệ của mình mưu sát.
Sau khi Caligula chết, nền chính trị Rôma khủng hoảng, phe cánh duy trì nền Cộng hòa yêu cầu thiết lập lại trật tự Cộng hòa cũ, tuy nhiên cơ sở xã hội của nền Cộng hòa không còn nữa và quyền lực thực tế chi phối xã hội Rôma lại đang trong tay giới quý tộc quân sự. Những người này chủ trương tiếp tục chính sách của Ôctaviuxơ, do vậy đã chọn Clauđiuxơ, chú ruột Caligula làm nguyên thủ quốc gia (từ năm 41 đến năm 54). Nhờ sự giúp đỡ và những mưu kế của người vợ kế – Agơrigina – Clauđiuxơ đã cải tổ và phát triển chế độ quân chủ, thiết lập một số cơ quan mới, hoàn thiện thêm bộ máy hành chính như lập ra vụ tài chính, nội chính, giám sát, chính pháp…
Clauđiuxơ còn thực hiện việc ban bố quyền công dân một cách rộng rãi và mở rộng cửa vào Viện nguyên lão cho quý tộc các tỉnh. Con đường liên kết tất cả giai cấp thống trị toàn Rôma bắt đầu mở ra. Mặt khác, Clauđiuxơ tiếp tục ổn định và mở rộng lãnh thổ Rôma, xâm lược và biến xứ Britania (nước Anh ngày nay) thành một tỉnh của đế quốc, đánh chiếm những vùng đất ở phía nam hạ lưu Đanuýp, và vùng đất đai của vua Mitơriđát III xứ Bốtpho thuộc Hắc Hải, ổn định tình hình Acmenia, chiếm toàn bộ Bắc Phi… Clauđiuxơ cũng là người đầu tiên tiến hành ráo riết việc “Rôma hóa” các tỉnh và lập thêm nhiều vùng đất thực dân mới.
Năm 54, Agơripina (Agrippina) – đương kim hoàng hậu – đã ép Clauđiuxơ thừa nhận Nêrô – con riêng của bà – là con chính thức được thừa kế và truyền ngôi. Tiếp đó, Agơrigina đã đầu độc Clauđiuxơ và đưa con trai Nêrô – lúc đó mới 18 tuổi – lên làm nguyên thủ quốc gia. Trong 5 năm đầu, quyền nhiếp chính thuộc về Hoàng thái hậu Agơripina và thể chế nhà nước quân chủ chuyên chế tiếp tục được duy trì. Từ năm thứ 6 trở đi, với bản chất tàn bạo, thích ăn chơi, tự do, trác táng, Nêrô đã lần lượt giết mẹ, đầu độc anh trai, giết vợ, giết cả thầy dạy học của mình – nhà triết học Xênecơ – và cũng đã thẳng tay dùng bạo lực trấn áp, giết hại bất kì ai mà y nghi ngờ là có những hành vi chống đối. Nêrô trở thành bạo chúa của bạo chúa trong lịch sử Rôma. Người ta cho rằng chính Nêrô là thủ phạm gây ra vụ cháy khủng khiếp ở Rôma năm 64 để tiếp đó là vụ tàn sát đẫm máu các tín đồ Kitô giáo…). Nêrô còn tự ý tuyên bố cho Hi Lạp tự trị và phung phí ngân quỹ của nhà nước. Do vậy, thời Nêrô trị vì, có rất nhiều cuộc đấu tranh, khởi nghĩa (khởi nghĩa Bơritania, Tiểu Á, Bắc Phi…). Trước sức ép của dư luận, cuối cùng Viện nguyên lão cũng phải tuyên bố Nêrô là kẻ thù của nhân dân, của đất nước. Nêrô phải bỏ trốn và sau đó phải tự sát.
Nêrô chết, vương triều Giuliux Clauđiux do Ôctaviuxơ thiết lập chấm dứt. Thời kì thống trị độc tôn của quý tộc chủ nô Rôma cũng kết thúc mở ra thời kì mà giai cấp chủ nô ở các tỉnh bắt đầu tham gia vào công việc quản lí, điều hành đế chế Rôma.
Vương triều Phlaviuxơ (69 – 96)
Vương triều Phlaviuxơ (69 – 96) được thiết lập, chế độ chiếm nô Rôma lại tiếp tục được củng cố. Việc “Rôma hóa” được xúc tiến mạnh mẽ, vai trò và quyền lực của quý tộc chủ nô các tỉnh được tăng cường. Số nghị viên Viện nguyên lão là quý tộc các tỉnh đã chiếm tới 40%. Các nguyên thủ – mà thực chất là các hoàng đế – đều thực hiện những chính sách căn bản giống nhau nhằm củng cố và phát triển đế quốc chiếm nô. Vương triều Phlaviuxơ trải qua 3 thời kì trị vì của 3 nguyên thủ – Hoàng đế :
- Phlaviuxo Vexpađianuxơ (67 – 79)
- Phlaviuxo Tituxơ (79 – 81)
- Phlaviuxo Đômitianuxơ (81 – 96)
Vương triều Antôniuxơ (92 – 192)
Từ năm 96 đến năm 192, Rôma dưới quyền thống trị của các hoàng đế thuộc vương triều thứ 3 – Vương triều Antôniuxơ.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/cac-nguon-su-lieu-nghien-cuu-lich-su-roma-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/cac-cuoc-dau-tranh-va-khoi-nghia-no-le-o-roma-thoi-cong-hoa/
- https://ngaydacbiet.com/su-phat-trien-cua-che-do-chiem-no-roma-thoi-cong-hoa/
- https://ngaydacbiet.com/cai-cach-cua-xecviut-tuliut-va-su-ra-doi-cua-nha-nuoc-roma/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-ky-vuong-chinh-trong-lich-su-roma/
Nét nổi bật của tình hình chính trị Rôma thời kì lịch sử này là chế độ chiếm nô vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển (mặc dù những biểu hiện của sự khủng hoảng đã bộc lộ). Chế độ nguyên thủ vẫn được duy trì, nhưng chiếc áo khoác Cộng hòa hầu như đã bị vứt bỏ, với những quyền lực vô biên dành cho nguyên thủ. Vai trò của Viện nguyên lão và quân đội được đặc biệt đề cao, việc thiết lập hoặc bãi miễn các hoàng đế hoàn toàn nằm trong tay Viện nguyên lão và những kẻ chỉ huy quân đội. Độc quyền nắm giữ ngôi hoàng đế của quý tộc Rôma chấm dứt. Các hoàng đế là người của các tỉnh đã xuất hiện, và chế độ truyền ngôi theo lối cha truyền con nối cũng chấm dứt.
Vương triều Antôniuxơ (96 – 192) trải qua 6 đời Hoàng đế khác nhau:
- Nécva (96 – 98).
- Trajaruxơ (98 – 117), là người có nguồn gốc ở Tây Ban Nha, là hoàng đế Rôma đầu tiên không phải là người Italia.
- Hadrianuxơ (117 – 138): người Tây Ban Nha
- Antôniuxơ (138 – 161): người Italia.
- Dreliuxơ (161 – 180): người Tây Ban Nha, đồng thời cũng là một nhà triết học, một học giả uyên thâm.
- Commôđuxơ (180 – 192), con trai Oreliuxơ, đây là trường hợp kế ngôi duy nhất trong triều Antoniuxơ. Từ sau năm 192, chế độ chiếm nô Rôma bắt đầu khủng hoảng nghiêm trọng.
Thời kì Antôniuxơ cầm quyền, đế quốc chiếm nô Rôma lại đạt tới đỉnh vinh quang cuối cùng của nó. Antôniuxơ thiết lập “Hội đồng của nguyên thủ” (hay còn gọi là “Hội đồng những người bạn”) gồm những người có tài năng, uy tín trong Viện nguyên lão và chỉ huy quân đội, Antoniuxơ cũng chú ý xây dựng luật pháp, quân đội, cải tiến kĩ thuật quân sự, mở rộng quan hệ ngoại giao và duy trì các lễ nghi, tôn giáo cổ truyền.
Tình hình kinh tế
Thủ công nghiệp
Sự phát triển của thủ công nghiệp, thương nghiệp trước hết phải kể tới những tiến bộ về mặt kĩ thuật trong sản xuất thủ công nghiệp. Đó là những tiến bộ trong kĩ thuật chế tác kim khí, sự phát minh ra cối xay nước, liềm cong để gặt lúa, việc hoàn thiện máy ép nho bằng gỗ, những cải tiến trong kĩ thuật chế tạo công cụ sản xuất… Những tiến bộ đáng kể này đã thúc đẩy kinh tế thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Sự phân công chuyên môn hóa – trong sản xuất thủ công đã trở nên khá phổ biến trên toàn đế quốc, nhất là Bắc Italia và Campania. Đồ gốm vẽ hoa ở Acrotium, đèn thắp ở Mutina… Nghề dệt có sự chuyên môn hóa cao độ, có người chuyên dệt, có người chuyên nhuộm màu…
Những sản phẩm thủ công, nhất là hàng thủ công xa xỉ phục vụ lối sống vương giả được hết sức chú trọng, một số nghề thủ công phức tạp, đòi hỏi trình độ tinh xảo, khéo léo đã hình thành (ví như nghề sản xuất các mắt giả cho tượng, nghề sản xuất dụng cụ mổ xẻ…).
Ngoài những xưởng sản xuất thủ công quy mô nhỏ và vừa của tư nhân, còn có những xưởng thủ công quy mô lớn của nhà nước chuyên khai thác kim loại, đá quý, sản xuất đồ gốm cao cấp, gạch ngói xây dựng… Những mặt hàng thủ công truyền thống vẫn tiếp tục chiếm ưu thế và phát triển mạnh mẽ nhất là nghề kim khí, sản xuất vũ khí, gốm, dệt, chế biến rượu, dầu ôliu, dệt thảm. .. Các xưởng thủ công của nhà nước hay tư nhân đều sử dụng sức lao động đồng đảo của nô lệ và dân tự do làm thuê.
Thương nghiệp và mậu dịch hàng hải
Theo đà phát triển của thủ công nghiệp, thương nghiệp và mậu dịch hàng hải cũng phát đạt. Rôma có quan hệ buôn bán rộng rãi với Ả rập, Ấn Độ, Trung Hoa. Thuyền buôn Rôma ngược dòng Đanuýp, sông Ranh, Vixtuyn đến tận vùng Bantich và bán đảo Xcăngđinavơ. Trên mặt biển Địa Trung Hải, thuyền bè Rôma đi lại nhộn nhịp.
Những sản phẩm thủ công truyền thống của Rôma hầu như có mặt ở khắp Italia, khắp các tỉnh của đế quốc và sang tận các nước Phương Đông, Bắc Âu, Ban Tích… Ngược lại, những sản phẩm của Phương Đông (hương liệu, gia vị, tơ lụa, đá quý…) cũng thường xuyên được các lái buôn Rôma chuyển về khu vực Địa Trung Hải. Bên cạnh các thành phố cổ, nhiều thành thị với tư cách là những trung tâm thương mại được xây dựng ví như Lôngđinium (Luân Đôn ngày nay), Lúcđunum (Liông), Vinđôbora (Viên)…
Kinh tế nông nghiệp
Thủ công nghiệp và thương nghiệp Rôma rất phát đạt, nhưng hoạt động kinh tế chủ đạo của Rôma trước sau vẫn là kinh tế nông nghiệp. Trong các Latiphunđia, việc chuyên môn hóa cây trồng được xúc tiến mạnh mẽ. Nho, Oliu vẫn tiếp tục giữ vai trò hàng đầu trong các cây trồng ở Rôma.
Văn minh Rôma là văn minh nông nghiệp nhưng nền nông nghiệp ấy không hoàn toàn mang tính chất của nền kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc mà gắn bó hữu cơ với thủ công nghiệp, với hoạt động thương mại. Số lượng lương thực mà các Latiphunđia tự sản xuất hầu như không đáng kể, tuyệt đại bộ phận lương thực nuôi sống xã hội Rôma được nhập từ nước ngoài. Latiphunđia chủ yếu cung cấp những sản phẩm cho hoạt động thủ công nghiệp, thương nghiệp trong khuôn khổ của nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ.
Từ những năm cuối thế kỉ II, đầu thế kỉ III, một hiện tượng mới trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện – dù chưa phải là phổ biến – Đó là một số ít Latiphunđia, trước đây vẫn trồng nho, ôliu, đã bắt đầu chuyển sang trồng cây lương thực, thậm chí một số chủ nô cũng đã chia nhỏ điền trang rộng lớn của mình thành những mảnh đất nhỏ, cùng với công cụ sản xuất, giao cho nô lệ tự sản xuất. Những mầm mống đầu tiên của một phương thức canh tác mới trong nông nghiệp đã xuất hiện, tạo những tiền đề cho chế độ lệ nông giai đoạn sau hình thành, phát triển.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,