Đến đời Trần Nhân Tông, đạo Phật ở nước ta đã bước vào giai đoạn cực thịnh. Chùa chiền mọc lên khắp nơi, từ Kinh đô đến thôn xóm, từ đồng bằng đến trung du và các miền ven biển. Ngay bản thân nhà vua, sau hai lần lãnh đạo kháng chiến chống giặc Nguyên thắng lợi, vào các năm 1285 và 1292, cũng nhường ngôi lại cho con, rồi xuống tóc đi tu, trở thành vị Tổ thứ nhất của phái Tu thiền Trúc lâm với pháp danh Điều Ngự. Số người tu hành của thời đó rất đông. Nhiều người xuất gia từ bé, nhưng nhiều người đã từng lập gia đình rồi do trắc trở nhân duyên, nên mới tìm đến cửa Phật. Trong trường hợp ngược lại, nhiều vị tu hành nhưng do những hoàn cảnh đặt biệt nào đó đưa đẩy, đã hoàn tục trở lại, thì điều ấy, xét ra cũng là lẽ thường tình mà nhà sư trụ trì ở ngôi chùa cửa Cờn là một ví dụ.
Thuở ấy ở xã Hương Cần thuộc Quỳnh Lưu (Nghệ An) bây giờ, có một ngôi chùa dựng trên một hòn đảo nhỏ ở cửa Cờn. Tiếng là chùa nhưng kiến trúc còn đơn sơ, chỉ là ngôi nhà lá ba gian ở khuất hướng gió biển và bên trong đặt vài pho tượng Phật. Trụ trì trong chùa là một vị sư ông ở độ tuổi ngoài bốn mươi và một chú tiểu nhỏ giúp việc. Hai thầy trò tình nguyện ra đây, vừa tu hành nhưng cũng để vừa giúp đỡ những người đi biển gặp nạn vì đảo cũng thường xuyên là nơi tránh bão của dân chài.
Bài viết liên quan:
Nhà sư vốn xuất thân là một nho sinh, đã từng liều chõng đến trường thi, nhưng do không đỗ lại gia cảnh sa sút nên cũng đành xếp bút nghiên, để gởi mình vào cửa Phật. Ở nơi đảo vắng, quanh năm chỉ nghe tiếng sóng vỗ bờ, lương thực chính yếu do dân chài ghé qua cung cấp, tưởng cũng là nơi tốt nhất để có thể dứt bỏ bụi trần một cách thực hiệu nghiệm. Vừa tu luyện vừa năng giúp người cứu người, quả là một điều kiện lý tưởng cho một vị tu hành muốn mau đắc đạo. Nào ngờ sự đời cũng thật lắm nỗi éo le, không thể lường trước được. Khi mà nhà sư đang còn là một con người khang kiện, buổi thiếu thời đã từng xây dựng nhiều mộng ước đẹp cho tương lai, thì việc có bị “nhuốm” lại bụi trần, âu cũng là điều cần được thể tất, như ở phần sau này sẽ rõ.
Thời ấy ở Trung Hoa, nhà Kim sau khi diệt xong nhà Bắc Tống liền cho viên tướng là Trương Hồng Phạm đi đánh úp quân Nam Tống ở Nhai Sơn. Quân Nam Tống đại bại. Quân Kim thừa thắng đang ào ạt tràn tới Kinh đô , triều đình Nam Tống thật vô cùng nguy ngập. Nhiều vị đại thần đã phải tự sát. Trong tình thế ấy, viên Tả thừa tướng Lục Tú Phu vội vã hộ giá nhà vua vừa mới lên ngôi là Đế Bính xuống thuyền để đi lánh nạn. Cả hoàng cung, các triều thần và gia quyến của họ cũng vội vã xuống thuyền. Quân hồi vô lệnh, tất cả quân lính và tướng sĩ thấy thế cũng ùa cả theo. Thuyền bè chưa kịp chuẩn bị, lại có quá nhiều người đeo bám, nên ra đến ngoài khơi, gặp phải một cơn bão không phải lớn lắm mà tất cả thuyền bè đều bị đắm. Nhà vua, hoàng hậu, các đại thần … Thấy cũng đều chung số phận …
Chỉ có ba mẹ con một vị phu nhân, vốn là công chúa con gái út của đời vua trước, may mắn thoát nạn nhờ cùng bám vào một cây cột buồm lớn. Vị phu nhân cũng khá lanh lợi, đã biết kịp lấy dây ở cột buồm buộc vào người, cho mình và cho hai con gái, nên đã không bị sóng biển đánh bật đi. Cả ba mẹ con cùng chiếc cột buồm theo luồng nước, trôi mãi về biển phương Nam, dạt đến bên ngoài vùng cửa Cờn, nơi có hòn đảo, ngôi chùa và nhà sư trụ trì , như đã nói ở phần trước.