Đức Thánh Tản Viên (Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh) trong tâm thức dân gian của người Việt, Tản Viên là một trong bốn vị Thánh bất tử (Tiên Dung Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Tản Viên, Thánh mẫu Liễu Hạnh ). Đây là vị Thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai (lũ lụt) để bảo vệ cuộc sống chung.
Nguồn gốc của Đức Thánh Tản Viên
Tuy nhiên, đã có hai quan niệm và cách giải thích nguồn gốc của vị Thánh này:
– Các học giả thời phong kiến (các sử gia, các nhà trước tác) cho Tản Viên là “hạo khí anh linh của trời đất sinh ra” (Kiều Phú, trong Lĩnh Nam chích quái), hoặc cho “Tản Viên là một trong 50 người con theo cha xuống biển của Lạc Long Quân, Âu Cơ” (Đúng ra thì phải là chắt khoảng đời thứ 19). Chàng “từ biển đi vào, qua cửa Thần phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ (Hà Nội), Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang”. Từ đấy, ” nhìn thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp, lại thêm phía dưới dân chúng thuần phác, thái bình”, nên chàng “đã làm một con đường thẳng như kẻ chỉ, từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía nam núi Tản Viên, tới động An Uyên, thì lập diện để nghỉ ngơi” (Trấn Thế Pháp, cũng trong “Lĩnh Nam chích quái”, nhưng là một di bản). Các tác giả ” Lịch triều hiến chương” (Phan Huy Chú) và “Việt sử thông giám cương mục” … cũng đều có những quan niệm tương tự.
– Trong khi đó theo quan niệm của mọi người, được thể hiện qua các bản thần thích thần phả ở các làng trong vùng Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phú) thì Thánh Tản Viên lại là người có thực, xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ trong dân chúng.
Chúng tôi nhận thấy, quan niệm này phù hợp với những quan niệm chung đã có về các Thánh bất tử trong tâm thức dân gian, bởi vì chính quan niệm ấy đã tạo nên một hình tượng “Thánh Tản Viên” có tính nhất quán và hoàn chỉnh mà nếu so sánh thì các quan niệm của các học giả thời phong kiến chỉ là rất phiến diện.
Tuổi thơ – Trưởng thành – Khi là người thường
Dưới đời Hùng Vương thứ mười tám, ở động Lăng Xương bên bờ sông Đà có vợ chồng ông Nguyễn Cao Hạnh, bà Đinh Thị Điên làm nghề đốt than. Đã đứng tuổi rồi mà ông bà vẫn chưa có con, nên đêm ngày mong ước, cầu nguyện có một đứa con trai nối dõi …
Một hôm bà vào rừng kiếm củi, đến trưa thấy nóng bức bèn tìm đến một hồ nước nhỏ ở cạnh để tắm. Nào ngờ đang tắm, bà bỗng thấy một con rồng từ trên cao cũng xà xuống đấy. Thế là bà mang thai, nhưng đến 14 tháng sau, mới sinh ra một đứa con trai trên tảng đá Thạch Bàn (nay thuộc xã La Phù, Vĩnh Phú). Ông bà vô cùng sung sướng, đặt tên là Tuấn, vì thấy nó mặt mũi trông cũng khôi ngô, sáng sủa.
Bài viết liên quan:
Khi Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì ông bố già yếu rồi mất. Còn lại hai mẹ con, bà Đinh Thị Điên thấy cảnh làm ăn cơ cực bèn dắt con sang mé chân núi Ngọc Tản (Ba Vì) nương nhờ trong nhà bà họ Ma.
Bà họ Ma này vốn là một tù trưởng giàu có. Chồng chết, không có con, nhưng cơ ngơi nhà bà rất lớn, gồm tất cả sông núi, ruộng đất, khe lạch ở vùng Ngọc Tản. Nhà bà lại có rất nhiều gia nhân, đầy tớ và bà cũng là người có sẵn tấm lòng từ bi, đại lượng, nên được mọi người hết sức quý trọng.
Lúc đầu, hai mẹ con bà Đinh Thị Điên ở trong nhà bà họ Ma làm gia nhân. Vì bà là người hiền lành, chất phác, lại chăm chỉ công việc, nên được bà họ Ma mến mộ và hay trò chuyện. Chú bé Nguyễn Tuấn, vừa khôi ngô lanh lợi, lại vừa lễ phép, siêng năng, nên cũng được bà hết sức quý mến. Dần dà bà họ Ma nhận Nguyễn Tuấn làm con nuôi, và đối xử với chú hệt như con đẻ.
Khi Nguyễn Tuấn đến tuổi trưởng thành thì bà Đinh Thị Điên già yếu rồi qua đời. Chàng ở hẳn với mẹ nuôi, và chăm nom, phụng dưỡng bà chẳng khác nào mẹ đẻ. Lúc ấy, chàng là một chàng trai sức vóc, lại đảm đang, tài tuấn hơn người, nên được bà họ Ma quý mến, tin tưởng, và giao cho cai quản tất cả công việc, từ trong nhà đến ngoài đồng bãi. Ít lâu sau, bà họ Ma già yếu rồi cũng qua đời. Trong lúc lâm chung, trước mặt đông đủ gia nhân, đầy tớ, bà trối trăng lại: giao tất cả sản nghiệp cho con nuôi là Nguyễn Tuấn cai quản. Sau khi làm ma và chôn cất cho bà mẹ nuôi xong, Nguyễn Tuấn nghiễm nhiên trở thành một vị tù trưởng. Tuy nhiên, địa vị này đã không làm cho bản chất của chàng thay đổi.
Không như nhiều kẻ nghèo khó sau này, khi được giàu sang thì lập tức quên ngay nguồn gốc xuất xứ, mặt mày vênh vênh váo váo và đối xử tàn nhẫn với đồng loại cứ y như một sự trả thù. Trái lại, Nguyễn Tuấn lại là một chàng trai cực kỳ tốt bụng và hay thương người. Trong trang trại, chàng bãi bỏ hẳn chế độ gia nhân, đầy tớ: Từ đây mọi người sẽ cùng ăn cùng làm, còn chàng chỉ là người đứng mũi chịu sào, vừa làm lụng vừa lo toan quán xuyến công việc, mà thôi. Ai siêng năng chăm chỉ được chàng khuyến khích, động viên. Ai khó khăn, cơ nhỡ được chàng chăm sóc, giúp đỡ. Ai chây lười hoặc làm điều gì sai trái thì chàng khuyên nhủ, bảo ban. bản thân chàng là một tấm gương sáng, ai nhìn vào cũng thấy. Do vậy, trong khắp trang trại rộng lớn mà chàng cai quản, mọi người coi nhau như ruột thịt, nhường cơm sẻ áo cho nhau, và tuyệt nhiên không có những chuyện như chây lười, trộm cắp, hoặc chửi bới, gây gổ đánh nhau.
Đối với những việc hiếu nghĩa, chàng lại càng đặc biệt coi trọng. Mộ phần của cả ba bố mẹ được chàng thường xuyên chăm sóc gọn gàng, sạch sẽ. Ngày tuần ngày tiếp, ngày kỵ ngày giỗ … chàng đều đến thắp đèn nhang và dâng lễ vật chu đáo. Trước vong linh của người quá cố, bao giờ chàng cũng đều tóc để xõa, chắp hai tay, khấn vái thật là trang trọng, thành kính.
Vào đầu năm mới, hay sau các kỳ thu hoạch lúa, hoa màu và đi săn về, chàng đều cùng mọi người làm lễ tạ trời đất, thổ thần, thổ địa, và cầu mong cho sự yên ấm thịnh vượng đời đời.
Lòng thương người của chàng đã làm cho mọi người thật sự cảm phục, kính nể. Còn lòng hiếu nghĩa của chàng thì được mọi người hết sức ca ngợi, noi gương. Tiếng lành đồn xa: những đức tính của chàng được nhiều nơi đến, và đã cảm ứng tới cả đất trời.