Văn học Ai Cập bắt nguồn từ các sáng tác dân gian, phát triển từ rất sớm, ngay từ giai đoạn đầu thời Cổ vương quốc. Đến thời Trung vương quốc, văn học phát triển mạnh và thời kì này được gọi là thời hoàng kim “cổ điển” của văn học Ai Cập.
Về thể loại, văn học Ai Cập phát triển rất phong phú, có đủ các thể loại khác nhau: văn học truyền miệng, văn viết, thơ ca v.v…
Văn học truyền miệng như tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao, đối thoại… được lưu truyền sớm nhất và rộng rãi nhất trong xã hội Ai Cập cổ đại. Một số truyện lí thú của thời kì đó như truyện Thuyền gặp nạn, truyện về Xinuhét, truyện Người thất vọng với linh hồn của mình… rất được nhân dân Ai Cập ưa chuộng và còn truyền tụng đến ngày nay.
Trong văn học viết của Ai Cập cổ đại có một loại hình đặc biệt – đó là những tác phẩm có tính chất giáo huấn của tầng lớp quý tộc, hay là những lời khuyên răn và lời tiên đoán để đề ra một thứ luân lí hoàn chỉnh của giai cấp thống trị. Trong số các tác phẩm này, điển hình nhất và có giá trị hơn cả là “Lời khuyên bảo của vua Hêraclêôpôlít”, “Lời khuyên răn của Ipuxe” và “Lời tiên đoán của Nophecti” đã được nói tới ở phần trên.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/quan-he-xa-hoi-va-dau-tranh-giai-cap-o-thoi-trung-vuong-quoc/
- https://ngaydacbiet.com/su-tich-luy-cac-tri-thuc-khoa-hoc-thoi-ai-cap-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/ton-giao-va-triet-hoc-ai-cap-thoi-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/cai-cach-ton-giao-cua-amenkhotep-iv-va-nguy-co-tan-ra-cua-de-quoc-ai-cap/
- https://ngaydacbiet.com/chinh-sach-doi-ngoai-va-doi-noi-cua-cac-vuong-trieu-tan-vuong-quoc/
Còn có những tác phẩm mang tính chất miêu tả du lịch như truyện Thuyền gặp nạn, truyện về Xinuhet, mô tả sự lưu lạc của Xinuhet ở Xiri v.v…
Thơ ca cũng có nhiều loại: Có tác phẩm của các thi sĩ cung đình, ca tụng công đức của các Pharaoh, có tác phẩm mang tính tôn giáo, lại có thơ, trữ tình rất được quần chúng ưa chuộng.
Nghệ thuật Ai Cập cổ đại cũng phát triển rất toàn diện, gồm đủ thể loại, trong đó nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật tạo hình của Ai Cập đã nổi tiếng trong thế giới cổ kim, trong đó các công trình xây dựng Kim tự tháp là vô tiền khoáng hậu. Các Pharaoh xây dựng Kim tự tháp – những lăng mộ cực kì kiên cố và đồ sộ với ước vọng lưu lại đời đời tiếng tăm lừng lẫy và quyền uy bất diệt của mình. Ngày nay ở vùng Memphit, hàng chục ngọn Kim tự tháp hùng vĩ vẫn đứng sừng sững, uy nghiêm, vườn đỉnh cao chót vót lên bầu trời cao xanh của vùng sa mạc, như thách thức với thời gian và mọi biến đổi của cuộc đời. Người Ai Cập thường nói: “Bất cứ cái gì cũng đều sợ thời gian, nhưng thời gian thì lại sợ Kim tự tháp”.
Giữa các Kim tự tháp là tượng Xphanh khổng lồ cao tới 20m, đầu người mình sư tử, được tạc từ một khối đá nguyên. Chỉ riêng một bức tượng này thôi cũng đã đủ nói lên bàn tay tài hoa của các nhà điêu khắc Ai Cập cổ đại. Nhưng không phải chỉ có thế. Những bức tượng Người thư lại, tượng Rahôtép, tượng Nôphơrô, tượng “Xã trưởng Bơlét” vv… đã làm kinh ngạc các nhà nghiên cứu nghệ thuật và các nhà điêu khắc hiện đại. Trong số các bức tượng đó thì bức tượng chân dung nữ hoàng Nêphectiti – vợ Pharaoh Iknatôn là tuyệt mĩ hơn cả. Nêphectiti đội mũ cao màu xanh da trời có nẹp vàng và cổ đeo chuỗi hạt đủ màu. Lông mày và môi đều tô màu, da màu rám nắng thẫm. Cái làm cho chúng ta say mê tác phẩm này là sự mềm mại đặc biệt của cách tạc, sự uyển chuyển của đường nét và sự dịu dàng của màu sắc làm cho nữ hoàng trở nên hết sức tế nhị, duyên dáng.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,