Những Đặc Sản Ninh Bình khác
Đến Ninh Bình du khách không chỉ bị thu hút bởi cố đô Hoa Lư cổ kính mà còn được lôi cuốn bởi Bái Đính, Tràng An, Tam cốc – Bích động…Thả hồn theo những thắng cảnh mê hồn, chìm đắm theo từng cung bậc thiên nhiên hùng vỹ. Ngoài ra, khi đến với miền đất cố đô Hoa Lư du khách đừng bỏ lỡ những nét ẩm thực nơi đây tuy dân dã mà gần gũi, mang một vẻ mộc mạc riêng tạo nên nét đặc sản vùng miền. Hãy cùng Đặc sản chính gốc khám phá những đặc sản mua về làm quà khi đến Ninh Bình.
Toc
1. Cơm cháy
Cơm là món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Nhưng khi nhắc đến cơm cháy thì người ta lại nghĩ ngay đến Ninh Bình, cơm cháy đã làm nên thương hiệu cho đặc sản nơi này. Cơm cháy đã có từ rất lâu, tận thế kỷ 19 khi vẫn còn ở thời Pháp thuộc. Từ đó, người dân ở đây coi món cơm cháy như là đặc sản của vùng đất cố đô truyền từ đời này sang đời khác. Để có được món cơm như ý, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ và nguyên liệu phải được lựa chọn kĩ càng. Cơm cháy thành phẩm có vị giòn ngon, thơm, xốp và rất dễ ăn. Cơm cháy gồm có cơm cháy chà bông, cơm cháy kho quẹt, cơm cháy mắm ớt tỏi… Điều đặc biệt là cơm cháy nơi này thường ăn kèm với sốt dê (thịt dê núi đem xào với tim cật, hành, cà rốt cho thơm ngon và đầy đủ dinh dưỡng). Mỗi loại cơn cháy điều ngon và có hương vị riêng, du khách hãy lựa chọn loại phù hợp và đảm bảo cách bảo quản tốt nhất khi mang về làm quà cho mọi người nhé.
2. Bún mọc
Bún mọc có từ lâu đời và là món ăn không thể thiếu khi đến với Ninh Bình, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp và thưởng thức bún mọc ở bất cứ đâu khi thăm thú nơi đây. Thường người ta sử dụng bún trong bữa sáng và bữa trưa. Bún phải làm từ gạo tẻ loại ngon nhất và loại gạo này phải để qua một thời gian nhất định thì mới cho ra sợi bún dẻo, thơm. Thịt làm mọc phải là thịt mông ngon và thật tươi thì viên mọc mới ngọt đậm, chắc, ăn đã miệng. Nước dùng phải ninh từ xương ống thì mới ngọt thanh. Sợi bún mềm, dai, miếng mọc ngọt đậm, nước dùng thanh ngọt, rắc thêm hành lá, tiêu xay…vị ngon hòa quyện khiến người ta vô cùng khó quên. Khi ăn bún mọc không thể thiếu rau sống, tuy đơn giản nhưng lại làm nên hương vị đặc trưng. Hãy thử một lần để cảm nhận nhé.
3. Nem chua Yên Mạc
Nem chua nổi tiếng phải kể đến nem chua Bình Định, nem chua Thanh Hoá nhưng nếu bỏ qua nem chua Yên Mạc, Ninh Bình thì quả là một thiếu sót. Nem chua Yên Mạc có từ rất lâu và có hương vị riêng biệt không lẫn vào đâu được. Kỹ thuật làm nem chua rất cầu kỳ. Đầu tiên phải chọn những miếng thịt ngon nhất ở phần đùi mông sau hoặc phần trên dọc theo sống lưng thịt thăn của con heo mới mổ thái mỏng ngang thớ rồi giã nhuyễn, trộn một chút sợi bì lợn theo tỷ lệ thích hợp, sợi bì thái mỏng trộn đều kết dính chặt với thịt nạc nổi nét trên nền hồng hào của thịt nạc trông thật đẹp mắt hấp dẫn. Đem gói lại bằng một lớp lá ổi sau đó bọc lại bằng lá chuối tươi bên ngoài để 2 đến 3 ngày cho nem chín là có thể ăn được. Khi ăn nem kèm với chút lá ổi, lá sung, rau thơm cuộn lại, chấm với nước mắm chanh, tỏi thêm ớt hoặc hạt tiêu người ăn sẽ cảm nhận đủ vị ngọt, cay, thơm nức khó quên.
4. Rượu cần Nho Quan
Nhắc đến rượu cần chắc chắn bạn sẽ nghĩ ngay đến Tây Nguyên lộng gió nhưng trên mảnh đất cố đô Ninh Bình cũng có loại rượu cần thơm ngon, nổi tiếng không kém chính là rượu cần Nho Quan. Rượu cần Nho Quan là loại thức uống nổi tiếng của đồng bào dân tộc Mường ở Nho Quan, Ninh Bình. Rượu được ủ theo phương thức gia truyền riêng với loại men đặc biệt làm từ các loại cây cỏ có sẵn, thêm vào đó gạo được làm rượu phải xay nứt rồi mới nấu thành cơm trộn với men cho vào trong chóe ủ từ 3 tháng trở lên mới đem ra uống. Chất ngọt thơm nồng của rượu tạo nên cái say nhẹ nhàng, cảm giác lâng lâng, khoan khoái như mãi níu kéo, gọi mời dù bạn mới chỉ thưởng thức lần đầu. Rượu cần dùng trong các dịp lễ tết, tụ họp bạn bè hay thiết đãi khách… khi uống rượu người ta sử dụng những thân cây trúc rỗng ruột để gia tăng hương vị. Một bình rượu cần cho mọi người cùng thưởng thức là món quà thật ý nghĩa phải không nào.
5. Chiếu Kim Sơn
Làng nghề dệt cói Kim Sơn nổi tiếng từ lâu đời với những sản phẩm chất lượng và thẩm mĩ cao. Chiếu Kim Sơn là một trong số những sản phẩm được mọi người ưa chuộng và lựa chọn làm quà khi đến với Ninh Bình. Dệt chiếu cói là cả một quá trình lao động sáng tạo, cẩn thận từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao cho đỏ tươi và bền mầu, đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu. Người cải hoa phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để không đan lỗi. Sau đó được đem gia công lần cuối rồi bán ra thị trường.
Một chiếc chiếu vừa đẹp, vừa mềm mại, vừa bền thì quả là một món quà thật ý nghĩa.
Bài viết liên quan:
6. Thịt dê núi
Có lợi thế về núi đá vôi, nên nghề nuôi dê ở đây cực phát triển. Dê sống tự do, thức ăn của chúng chủ yếu là cây, cỏ tự nhiên, lại không thiếu các vị thuốc quý, nên thịt dê khi chế biến lên bao giờ cũng có mùi thảo dược và đậm đà khó cưỡng.
Thịt dê chế biến được rất nhiều món từ nướng, hấp, xào, né, hầm… phù hợp với mọi bữa ăn trong gia đình và làm hài lòng ngay cả những thực khách khó tính.
Trong dân gian, món ăn bồi bổ từ thịt dê có tác dụng chữa trị các chứng bệnh đau lưng mỏi gối, bổ thận, hoa mắt ù tai, lưng gối yếu, yếu sinh lý, thận suy, liệt dương, hoạt tinh, gầy yếu, tiêu hoá kém, buồn nôn sau bữa ăn,suy nhược, lãng tai. Cao dê toàn tính làm thuốc bổ.
Thật tuyệt vời phải không nào, với những công dụng mà thịt dê mang lại thì còn chần chờ gì nữa mà không mang về cho mọi người cùng thưởng thức.
7. Nem dê
Với lợi thế về việc chăn thả và phát triển dê núi, những món ăn được chế biến từ thịt dê không thể bỏ qua nem dê, món ăn mát và vô cùng bổ dưỡng.
Qui trình chế biến nem phải tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt, nem làm ra phải đảm bảo sạch, thơm, màu hồng tươi, để hàng tuần vẫn dùng được. Nem dê ăn cùng với lá sung, lá ổi, khế, chuối xanh, lá mơ, rau thơm chấm với tương gừng, khi ăn người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt, cay, thơm lan toả.
8. Xôi trứng kiến
Xôi là một món ăn phổ biến với người Việt, nhưng không phải ai cũng biết đến đặc sản xôi trứng kiến quý hiếm, độc đáo của vùng Nho Quan (Ninh Bình).
Trứng kiến được người ta lấy về loại bỏ kiến mẹ và tạp chất rồi phi với mỡ hành cho dậy mùi thơm rồi gói vào là chuối khô cùng gia vị rồi nướng hơ trên lửa. Xôi cũng được nấu rất công phu từ những hạt gạo nếp mẩy tròn, đều tăm tắp mang đồ trên chõ đất, tới khi xôi chín thơm hương của gạo nếp ngon thì người ta mang ra rắc trứng kiến lên, đảo đều tay cho xôi và trứng kiến quyện đều vào nhau. Khi ăn thực khách có thể cảm nhận rõ mồn một vị ngậy của trứng kiến với hương thơm của xôi nếp, thoáng mùi mỡ hành phi. Xôi trứng kiến chỉ có theo mùa, nên du khách hãy lựa chọn thời gian đến Ninh Bình để được thưởng thức loại đặc sản đặc biệt vừa ngon vừa bổ dưỡng này nha.
9. Rượu Kim Sơn
Ninh Bình có một huyện nhỏ tiếp giáp với biển chính là Kim Sơn, vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên đã giúp cho nghề nấu rượu trở thành một làng nghề truyền thống của Ninh Bình. Để có được một chai rượu ngon, người chế biến đã phải lựa chọn rất kĩ trong nhiều công đoạn như gặt lúa, phơi khô sau đó nấu cùng men rượu, và chỉ có những hộ gia đình có kinh nghiệm thì mới biết cách nấu ngon được. Điều đặc biệt nhất của rượu này chính là phần men rượu được làm từ 36 vị thuốc bắc sau đó đem nấu và ủ. Rượu được nấu hoàn toàn bằng rơm và củi, canh lửa vừa để rượu không bị cháy khét.
Sức hút của rượu Kim Sơn chính là nhờ hương vị thơm nồng đặc trưng, thậm chí người ta bảo chỉ cần mở nắp chai rượu là bạn đã có thể ngửi thấy mùi thơm rồi.
Để có một mẻ rượu ngon thường sẽ phải chế biến trong khoảng 15 ngày thế nhưng những người dân tại đây dường như không hề bỏ hay rút ngắn bất kể một công đoạn nào cả để đảm bảo được chất lượng cũng như vị ngon của rượu.
Trên đây là danh sách những đặc sản Ninh Bình làm quà được nhiều người yêu thích. Nếu như sắp tới bạn đang có kế hoạch ghé thăm Ninh Bình thì hy vọng với những gợi ý của Đặc sản chính gốc sẽ giúp bạn tìm được một món đặc sản làm quà cho người thân và bạn bè nhé!