Truyền thuyết Đại thánh Từ Đạo Hạnh..
Ngài họ Từ, tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, sống vào thời Lý Nhân Tông, tu tại chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, thuộc phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Là nhà tu hành nổi tiếng thông tuệ, uyên bác, có nhiều thuật pháp cao siêu, được đương thời và hậu thế xưng tụng là bậc đại thánh.
Lai lịch
Cha Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh, thuở nhỏ xuất gia theo học đạo Phật, nhưng sau đó hoàn tục làm chức Đô sát ngạch tăng quan đời Lý, trong kinh thành. Những lúc rỗi rãi, Từ Vinh thường đến làng An Lãng ở phía tây kinh thành (tức làng Láng bây giờ) dạo chơi, rồi quen biết và lấy một người con gái làng ấy tên gọi Tăng Thị Loan. Ông bà sinh được hai người con, một gái một trai. Đạo Hạnh là con thứ hai. Nhà cũng làm ở trên mảnh đất phía Nam của làng ấy (nay là chùa Láng).
Về sau người ta bảo rằng kiểu đất mà ông Từ Vinh dựng nhà là kiểu đất quý, nên sinh được Từ Đạo Hạnh ngay từ nhỏ đã có khí cốt tiên Phật. Tuy vậy, khi đến tuổi cấp sách đến trường Từ Đạo Hạnh cũng chỉ chơi bời như mọi trẻ con khác, và nếu có điều gì khác thường là ở chỗ: Từ Đạo Hạnh có những cử chỉ mà người xung quanh ít khi lường tới được.
Bạn bè mà Đạo Hạnh kết giao ở tuổi thanh niên gồm có ba vị: Một là nho sinh tên gọi Phi Sinh, một là đạo sĩ tên gọi Lê Toàn Nghĩa, và một nữa là người hay đàn hay hát tên gọi Phan Ất. Cả bốn người ban ngày thường hay tụ tập nhau lại để đá cầu, thổi sáo, đánh bài và bày ra các trò vui nhộn. Ông Từ Vinh, vốn quan tâm đến sự học hành và sự nghiệp của con sau này, đã nhiều lần trách mắng Từ Đạo Hạnh là đồ lêu lổng, dông dài, nhưng bên ngoài xem ra chàng ta cũng chẳng mấy biến chuyển.
Một hôm đêm đã khuya, ông Từ Vinh vào buồng học của con, thấy sách vở bày ra la liệt, ngọn đèn dầu lạc đã cháy gần tàn mà con ông vẫn đang tay cầm quyển sách, vừa học vừa ngủ gật. Ông hài lòng, biết là con vẫn chăm học, còn sự chơi bời ban ngày chẳng qua là thói thường của tuổi thanh niên. Sau đó ít lâu, nhà vua mở khoa thi Bạch Liên, quả nhiên, Từ Đạo Hạnh đã đỗ thứ nhất thật.
Nhưng chẳng may, trong thời gian ấy, trước kỳ thi chỉ ít ngày, thì ông Từ Vinh có xích mích với ông Diên thành hầu nhà ở mạn cầu An Quyến cạnh sông Tô Lịch (Còn nhà của Từ Vinh ở An Lãng thuộc phía trên, cũng cạnh sông Tô Lịch). Trong nhà của Diên thành hầu có nuôi một vị pháp sư tên gọi Đại Điên, pháp thuật cao cường. Đại Điên đã đến nhà, dùng bùa phép giết chết ông Từ Vinh, rồi vứt xác xuống sông. Xác trôi đến trước cửa nhà Diên thành hầu thì tự nhiên dừng lại, suốt một ngày quanh quẩn ở đấy, không chịu trôi đi. Đại Điên xuống tận nơi hét to lên rằng: “Người tu hành không được giận mãn kiếp. Sống chỉ là một trường đùa bỡn, còn chết mới thành đạo Bồ đề!”
Đại Điên vừa dứt lời thì xác Từ Vinh trôi đi liền, nhưng đến xã Nhân Mục thì lại dừng thêm một lần nữa. Người làng này thấy vậy cho là linh thiêng, bèn vớt lên hậu táng, rồi sau đó dựng lăng miếu và đắp tượng thờ, hàng năm tổ chức tế lễ vào ngày mồng 10 tháng giêng, là ngày giỗ của Từ Vinh.
Bà Tăng Thị Loan, sau đó mấy tháng cũng buồn rầu mà chết. Mộ bà táng tại chùa Ba Lăng ở xã Thượng An. Sau này Từ Đạo Hạnh hiển đạt, chùa Ba Lăng (sau cải là chùa Hoa Lăng) được chọn làm nơi thờ cha mẹ của Ngài, gọi là chùa Thánh phụ và Thánh mẫu.
Bài viết liên quan:
Đến với của Phật
Lại nói về Từ Đạo Hạnh, sau khi đỗ đạt gặp lúc gia cảnh đau buồn, tang tóc như thế, nên không ra làm quan, mà ở nhà nung nấu ý chí phục thù cho cha. Một hôm, rình lúc Đại Điên đi ra ngoài đường, Từ Đạo Hạnh cầm gậy xông đến toan gây sự để đánh chết, nhưng chợt nghe trên không có tiếng hét lớn: “Không được! Thôi ngay đi!”. Thế là Từ Đạo Hạnh đành bỏ gậy xuống ra về, trong lòng vừa buồn bực vừa đau xót.
Biết mình không có pháp thuật gì thì làm sao mà đánh lại Đại Điên được, nên Từ Đạo Hạnh cất công sang tận chùa bên Ấn Độ để cầu phép lạ. Tuy vậy, khi qua đất có người răng vàng ở, Đạo Hạnh thấy núi non hiểm trở không thể vượt qua được, bèn quay lại, tìm đến chùa Thiên Phúc ở trên núi Sài Sơn để ẩn cư. Từ đấy Từ Đạo Hạnh chuyên tâm đọc kinh Đại bi đà la.
Đây là bộ kinh dày, nói về giáo lý của nhà Phật và cũng chứa đựng cả những thuật pháp cao siêu, mà phải là người thông minh, có trí lực, lại kiên trì, mới có thể đọc và hiểu thấu nổi. Vậy mà Đạo Hạnh đã dày công, đọc đủ mười vạn tám nghìn (18.000) lần bản kinh ấy. Xem thế đủ biết, Ngài đã dụng công và kiên trì đến mức nào rồi!
Ở trước chùa Thiên Phúc nơi Ngài tu luyện ngày ấy có hai cây thông cổ thụ, dân chúng trong vùng vẫn quen gọi là hai cây “rồng”. Do ngày nào cũng như ngày nào, Đạo Hạnh đều trông vào cây mà đọc thần chú lấy từ kinh Đại bi đà la ra, cho nên đến khi cây phải rơi rụng dần cành lá, rồi biến mất đi cả, thì Ngài hiểu Đức Quan Thế Âm đã ứng hộ vào lời chú của Ngài. Từ đấy, Ngài lại càng ra sức đọc kinh và niệm chú nhiều và chăm hơn nữa, để cầu cho lời của Ngài được thấu đến tận Thiên cung.
Một hôm đang ngồi tụng niệm, quả nhiên Ngài thấy một thần nhân cưỡi mây từ không trung sà xuống trước mặt, đứng lơ lửng chân không sát đất, mà nói:
– Đệ tử là Trấn Thiên Vương, cảm phục thầy dày công tu luyện, lại kiên trì tụng kinh niệm Phật, nên lại đây để thầy sai khiến.
Đạo Hạnh vô cùng hài lòng, gật đầu thu nạp đệ tử, rồi hẹn khi nào cần sẽ thỉnh đến sau. Trấn Thiên Vương lại biến lên mây bay đi liền.
Vẫn canh cánh mối thù cha chưa trả được, một hôm Từ Đạo Hạnh xuống núi, cầm gậy ném xuống dòng nước đang chảy xiết. Gậy tự nhiên dựng đứng lên, rồi đi ngược cả dòng nước. Đạo Hạnh cả mừng, tự nhủ: “Phép của ta đã thắng được Đại Điên rồi!”
Thế là Đạo Hạnh thu lấy gậy, đi thẳng tới nhà Đại Điên. Vừa giáp mặt, Đại Điên đã cười khẩy: “Thằng nhãi kia! Mày không nhớ chuyện lần trước hay sao mà còn dám đến đây?” Đạo Hạnh cả giận, chẳng thèm trả lời, nhưng miệng nhẩm thần chú thỉnh Trấn Thiên Vương tới, rồi cứ thế cầm gậy đánh cho Đại Điên ngã dúi dụi. Đại Điên trở tay không kịp và trên không trung lúc ấy cũng tịnh không có một tiếng gì để ngăn lại như lần trước, vì vậy, chỉ được một lát thì Đại Điên đã lăn ra chết.
Đạo Hạnh bèn kéo xác Đại Điên ra bờ sông Tô Lịch, rồi quăng xác xuống, như trước kia Đại Điên đã từng làm như thế với Từ Vinh.