Toc
Asôca mất năm 232 TCN, vương triều Môrya suy sụp hẳn. Sự phát triển không đồng đều về kinh tế – xã hội và sự phân cắt của điều kiện tự nhiên chưa thể tạo nên sự thống nhất thực sự sau một thời gian ngắn chưa đầy một thế kỉ, mặc dù dưới sự cai quản của một vương triều mạnh. Trong khoảng 5 thế kỉ tiếp theo, từ 232 TCN đến 320 CN, lịch sử Ấn Độ diễn biến theo những hoàn cảnh khác nhau ở mỗi vùng:
Miền Bắc Ấn Độ
Miền Bắc Ấn nhất là trên lưu vực sông Hằng, sau triều Môrya là triều Sungat và triều Kanvat còn tiếp tục trị vì từ 232 đến 28 TCN. Hai vương triều này mờ nhạt và suy yếu, thường xuyên bị uy hiếp và cuối cùng thì bị người Sakat ở phía tây chinh phục.
Kalinga
Kalinga (nay là vùng Orissa) ở phía nam sông Hằng, vốn là vùng đất kiên cường mà triều Môrya phải chinh phục vất vả, thì nay lại có cơ hội phục hồi. Vua Kharavela của nước này, khoảng nửa sau thế kỉ I TCN đã mạnh lên, thường đem quân đánh vương triều Kanvat ở Magadha. Tấn công phương Nam vào lãnh thổ các bộ lạc ở cao nguyên Đêcan, và nhất là đã tiến xa về phía tây, đến lưu vực sông Indus, tấn công các vùng do người Hi Lạp kiểm soát.
Tất cả các cuộc viễn chinh đó không đem lại kết quả gì đáng kể. Nhưng sau Kharavela mặc dù bị suy yếu, lịch sử diễn ra mờ nhạt, Kalinga vẫn giữ được quyền tự chủ rất lâu dài.
Tây Bắc Ấn Độ
Tây Bắc Ấn Độ ngược lại, diễn biến rất sôi động. Khoảng năm 200 TCN, vương triều Sêlêucôs suy yếu, các tướng tách ra hùng cứ mỗi người một phương : phía nam biển Aran là nước Parthia, còn phía đông Aran là nước Bactria. Bactria kiểm soát toàn bộ vùng đông Iran, tiếp giáp với Ấn Độ.
Tướng Hi Lạp là Điôđôtôs trở thành vua đầu tiên của Bactria đã mở đầu việc vượt qua dãy Hindu Kush xâm nhập đất Ấn Độ. Một ông vua địa phương ở thượng lưu sông Indus, có tên là Subhagasena đã phải nộp nhiều voi và của cải để đổi lấy sự yên ổn tạm thời. Nhưng đến con của Điôđôtôs là Ethyđêmôs và cháu là Đêmêtriôs I đã chiếm vùng Punjab, thượng lưu sông Indus.
– Tiếp đó, Đêmêtriôs II chiếm toàn bộ lưu vực sông Indus và lại còn tiến xa hơn về phía đông nam, chiếm vùng Kutch.
Ông vua cuối cùng của vương triều này có tên là Menander hoặc gọi theo các Ấn Độ là Milanda, trị vì vào những năm 155-130 TCN. Tiếp bước các tiền bối của mình, Menander tiến quân về phía đông, tấn công vùng sông Hằng. Dường như ông đã đến cả kinh đô Magadha là Pataliputra, nhưng ông đã không giữ được vùng trung và hạ lưu. Chỉ có vùng thượng lưu đến Mathura là thuộc quyền kiểm soát của ông. Tiền Menander được phát hiện thấy trên lưu vực sông Indus và ở phía bắc, từ Kabun cho đến Mathura, cách Đeli khoảng 150km về phía đông nam.
Ông tôn sùng đạo Phật và giữ trong triều, nhà sư Nagasena làm quân sư. Khi chết, sau lễ hỏa thiêu, tro xương của ông được phân phát cho nhiều thành thị Bactria để thờ, chẳng khác gì Phật tích. Nhưng đến đây cũng là lúc Bactria suy sụp, nhường chỗ cho nước Kusana.
Nước Kusana
Bấy giờ vùng giáp ranh giữa Trung Á và Trung Quốc có nhiều tộc du mục. Một trong những tộc đó người Trung Quốc gọi là Nhục Chi, người châu Âu gọi là Sitơ (Scythes). Bị người Trung Quốc xây thành ngăn và dồn đẩy họ, một bộ phận, gọi là Tiểu Nhục Chi cứ ở lại miền tây Tây Tạng, còn nhóm Đại Nhục Chi thì tìm đường thiên di về phía tây. Một bộ phận đến Iran, bộ phận khác còn đi xa hơn nữa, đến vùng Hắc Hải.
Một bộ phận Đại Nhục Chi, còn gọi là người Sakat, gồm 5 bộ lạc, đi chuyển về vùng đồng Iran, tràn vào lãnh thổ Bactria khoảng năm 128 TCN. Lúc này họ còn sống trong tình trạng bộ lạc và mới định cư từng bộ phận. Năm 80 TCN, Moja trở thành vua đầu tiên của người Sakat, lên ngôi ở Taxila, vùng Gantara. Con ông là Azes, lật đổ vua cuối cùng của người Hi Lạp là Hippostratos, giành lấy quyền lực cho vương triều Sakat trên toàn bộ lãnh thổ cũ của Bactria, tức là bao gồm toàn bộ tây bắc Ấn Độ, kể cả vùng thượng lưu sông Hằng.
Sau Azes ở ngôi khoảng đầu thế kỉ I CN, rồi đến Kujula sống đến 80 tuổi đã chấm dứt tình trạng bộ lạc du mục của người Sakat, thống nhất cả 5 bộ lạc trong một quốc gia, gọi tên là Kusana. Có lẽ đến đây thì Kusana đã làm chủ miền Bắc Ấn Độ, đến lưu vực sông Hằng, nhưng vẫn đặt kinh đô ở Purusapura (nay là Pashawar) ở thượng nguồn Sông Indus, nằm trên đường đi từ Taxila đến Kabun.
Các vua Kusana học cách của người Hi Lạp và vương triều Akêmênit, tự xưng là “Đại vương”, “Vua của các vua”, chia vương quốc thành Trấn, cử Tổng trấn (Mahashatrapa) vừa cai quản hành chính vừa chỉ huy quân sự. Họ còn học người Rôma, đúc tiền vàng kiểu tiền Dénarius, tiêu dùng khắp Trung Á và Ấn Độ.
Họ cũng kế thừa dân Bactria cũ, cải theo đạo Phật. Thừa hưởng miếng đất có nền văn hóa lâu đời và sự hòa trộn văn hóa và tộc người rất mạnh, người Sakat đã từ những bộ lạc du mục nhanh chóng trở thành một quốc gia hùng mạnh, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển và giao lưu văn hóa trong vùng.
Sau Kujula là Vima, có lẽ ở ngôi trong khoảng năm 50 – 78 CN, thì đến Kanishka (78 – 144 CN). Kanishka tiếp tục mở rộng lãnh thổ về phía đông, đến Bénares (Vanaras) trung lưu sông Hằng và về phía nam, đến Sanchi, trên sông Narmada. Mathura được coi như là Đông đô.
Ông tiếp tục sùng tín và truyền bá Phật giáo, đã triệu tập Đại hội Phật giáo lần thứ 4, thảo luận việc thống nhất và khẳng định giáo lí tổ chức các đoàn truyền giáo đi Trung Á và Trung Quốc. Bản thân ông được giáo hội suy tôn là giáo chủ.
Kaniska còn áp dụng một lịch pháp mới trong vương quốc mà sau này còn có ảnh hưởng sâu rộng trong các quốc gia Ấn Độ và chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, gọi là lịch Sakat. Lịch pháp này cũng chỉ là âm lịch, lấy năm sinh của Kanishka làm năm mở đầu lịch Sakat.
Bài viết liên quan:
Sau Kanishka, các con cháu ông còn giữ ngôi khoảng 150 năm nữa, nhưng suy yếu dần. Năm 226, vương triều Sassanid – Ba Tư được lập ở Trung Á, khoảng năm 250, họ chiếm kinh đô Peshawar của Kusana. Vương triều của Kusana chỉ còn lại một phần lãnh thổ ở thượng lưu sông Hằng và phải chịu thần phục vương triều Sassanid.
Miền Trung
So với miền Bắc, miền Trung và Nam Ấn Độ phát triển chậm hơn. Khoảng tiếp giáp của Công nguyên là thời gian mà các miền này chuyển biến hết thời kì tiền sử.
Các bộ lạc sống ở phía đông cao nguyên Dekkan, trên luu vực sông Gôđavari đã tập hợp nhau lại vào khoảng giữa thế kỉ I CN, lập nên nhà nước. Vua đầu tiên là Satakarni, vương triều do ông sáng lập, gọi là Satavahanas. Nằm ven biển, ở giữa Kalinga và miền Nam Ấn, vùng Gôđavari nằm trên đường giao lưu văn hóa và buôn bán Bắc – Nam, nên đã có điều kiện, tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài, phát triển tương đối nhanh.
Ngay khi vừa mới lập nước, Satakarni đã ham muốn mở rộng thế lực, bành trướng lãnh thổ, đã tiến đánh Kalinga ở phía bắc, ngược sông Gôđavari đi về phía tây đến sông Narmada kiểm soát một vùng rộng lớn đến tận Sanchi. Tiếp đó, ông tiến quân về phía nam, thu phục các bộ lạc ở vùng sông Krisna, do đó ông có danh hiệu Dakshina pathapati (vương Công miền nam). Quốc gia của họ có tên gọi là Andhras bao gồm hầu như toàn bộ miền Trung bán đảo Hindustan, từ bờ biển phía đông đến bờ phía tây, từ sông Narmada đến sông Krisna.
Các đời vua sau, Nahapana (còn gọi là Gautamiputra) và Pulumavi (còn gọi là Vasishthiputra), ở ngôi vào khoảng năm 100 – 150, tiếp tục mở rộng thêm lãnh thổ thuộc Andhras về phía tây bắc. Vương triều Satavahanas theo đạo Bà la môn, không ưa nhóm người Sakat còn sống ở Gujarat, đã thường xuyên tấn công lấn đất của họ, những lí do chính là lúc này, người Sakat đã suy yếu, không còn là đối thủ của người Andhras.
Nahapana tuyên bố là ông đã đánh đuổi người Sakat, hạ uy thế đẳng cấp Ksatria, đề cao lợi ích của tầng lớp “sinh 2 lần” (Arya nói chung, nhưng ở đây là muốn nói Bà la môn), chấm dứt sự pha tạp 4 varna. Cả Nahapana và Pulumavi còn khoe trong một bi kí là đã đánh đuổi không chỉ có người Sakat, mà cả lavanat và Palavat.
Vương triều Satavahanas suy yếu trong thế kỉ III, nước Andhras chia thành nhiều xứ nhỏ, tiếp tục tồn tại độc lập với nhau.
Miền Nam
Từ Madras ở phía đông và Mangalor ở phía tây đến mũi Comorin ở cực Nam là địa bàn sinh sống của người Tamil, bộ phận cực Nam của nhóm Draviđa. Lãnh thổ của họ, ngày nay vẫn gọi là Tamil-nad (Đất của người Tamin).
Các minh văn của Asôca đã kể tên một số liên minh bộ lạc này, ở miền Nam, có thái độ thần phục Asôca. Đó là người Chola, Kerala, Pandya v.v…
Chola ở phía đông – nam, Kerala ở tây – nam, còn Pandya ở mỏm cực Nam. Kalinga vẫn có quan hệ buôn bán với Pandya.
Còn Megasten thì ghi lại rằng Pandya do một nữ hoàng, con gái của Hêrakles, sáng lập, nhưng quốc gia này lại có đạo quân đông tới 500 voi, 4000 kị binh và 13.000 bộ binh. Lực lượng quân sự có thể đã được nói cường điệu, trong khi chi tiết về nữ hoàng lại có thể phản ánh tình trạng mẫu hệ trong xã hội Pandya.
Từ các bộ lạc Tamin ở miền Nam Ấn Độ đã hình thành những quốc gia sơ kì, 3 – 4 nước tương đối lớn và hơn 10 nước nhỏ. Các nước này thường xung đột với nhau để tranh địa vị bá quyền. Quá trình này diễn ra trong khoảng 3 thế kỉ đầu công nguyên, trong đó, Chola đã giành được ưu thế, bắt các nước khác phải thần phục. Song có lẽ quan hệ giữa các nước với Chola chưa phải là sự thân thuộc và cai trị trực tiếp mà mới chỉ là sự quy thuận, cống nạp. Vì thế mà người ta vẫn thấy sự tiếp xúc và ghi chép riêng về từng nước của các du khách và thương nhân nước ngoài, chủ yếu là Hi Lạp và Rôma.
Một vài tài liệu cho biết ít nhiều sự kiện thuộc các vương triều đầu tiên của những nước như Chola, Pandya… nhưng xen lẫn sự cường điệu, huyễn hoặc, khó tin.
Khó mà biết được điều gì chắc chắn, chính xác, nhưng có thể phỏng đoán là các nước Tamil ở nam Ấn Độ đã hình thành xã hội có giai cấp, bộ máy nhà nước sơ khai, đã tiếp thu văn hóa Bắc Ấn Độ và đã tiến hành giao lưu buôn bán Bắc – Nam. Ngoài ra, họ cũng đã tiếp xúc và quan hệ buôn bán với các du khách và thương nhân Hi Lạp, Rôma qua đây. Có lẽ chính họ đã có khả năng đóng tàu thuyền đi ven biển tới Hồng Hải và vùng biển Đông Nam Á.
Một ghi chép của người nước ngoài cho biết vua Chola có tục lệ làm lễ hiến tế Veda. Hẳn là người Tamin đã có lúc đóng tàu vượt biển chinh phục Sri Lanka, nên đã trở thành chi tiết “bổ sung” cho Ramayana vào thời gian muộn. Đạo Phật đứng vững ở Sri Lanka, có thể đã đến đây từ thời Asôca, nhưng đạo Phật có được truyền bá ở Nam Ấn không, mà cuối cùng, những nghi lễ và quan niệm Bà la môn giáo đã hoàn toàn chiếm lĩnh, ở đây ?
Bên trên có nói tới việc nước Andhras ở miền Trung Ấn Độ tiến công Pahlava, tức người Parthia. Chắc rằng không phải Andhras đã vượt qua Bactria để đánh Parthia ở phía bắc Iran mà có lẽ là đánh hoặc cản người Parthia hay Pahlava rồi bị người Shakas dồn đẩy, một bộ phận có thể đã chạy tới miền đông nam Ấn Độ. Họ đến sống xen kẽ với dân Tamin, Munda trên lãnh thổ do Andhras và Chola kiểm soát, dần dần hòa đồng với dân bản địa, để sẽ xuất hiện sau đây một quốc gia Palavat có vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa Hinđu ở miền Nam và mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Như thế, sau thời kì thống nhất dưới vương triều Morya (321 – 232 TCN), 5 thế kỉ tiếp theo không phải là giai đoạn khủng hoảng tan rã của Ấn Độ, mà là một giai đoạn chia cắt, phân tán để phát triển cao hơn, tương đối đồng đều nhau hơn, trong từng phạm vi nhỏ hơn ở mỗi phần bán đảo.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,