Sau khi lật đổ vương triều III Ua, người Êlam và người Amôrit có những định hướng khác nhau. Người Êlam cướp bóc, vơ vét của cải của Lưỡng Hà rồi rút quân về nước, ngược lại người Amôrít đã từ bỏ đời sống du mục, định cư ở khu vực Lưỡng Hà. Họ đã xây dựng ở đây nhiều thành thị, nổi bật nhất là Ixin và Laxa (ở Nam Lưỡng Hà), Esmuna và Meri (ở phía bắc lưu vực sông Tigrơ và Ơphơrát).
Người có công xây dựng vương triều Babylon thành quốc gia hùng mạnh, thống nhất cả khu vực Lưỡng Hà là vua Hammurabi (1792 – 1750 TCN). Bằng vũ lực, ngoại giao với những biện pháp khôn khéo, kiên quyết, Hammurabi đã lần lượt chinh phục được các vùng đất của các quốc gia khác của người Amôrit đồng tộc ở Lưỡng Hà. Liên minh với Laxa (lúc đó, dưới quyền cai trị của người Êlam), Hammurabi đã chiếm được một số nơi. Liên minh với Meri (kể cả sử dụng lực lượng quân sự của Meri), Hammurabi đã đánh thắng quốc gia Esmuna. Khi thế và lực đã mạnh, Hammurabi huy động đại quân thôn tính Laxa (1762 TCN), Meri. Thế là cả một vùng rộng lớn của khu vực Lưỡng Hà được thống nhất lại. Từ đó, người ta gọi chung miền Lưỡng Hà là Babylon. Cư dân sống ở vùng này là người Sumer-Akkad hay Amôrít cũng được gọi chung là người Babylon.
Thời kì tồn tại của vương quốc Babylon (1894 – 1595 TCN) là thời kì huy hoàng nhất của lịch sử Lưỡng Hà. Thủ đô Babylon trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn của phương Đông cổ đại trong nhiều thế kỉ tiếp theo.
Bài viết liên quan:
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,