Bạn đã đến Tây Sơn ở Bắc Kinh chưa? Ở đây có Chùa Phật Nằm, trong chùa có một pho tượng đúc bằng đồng rất lớn, thân dài hơn 5 mét, nặng mấy vạn cân. Đặc biệt là thân tượng nằm nghiêng, tay phải gối đầu, ánh mắt hiền từ, thần thái trang trọng, chung quanh còn có 12 pho tượng Phật nhỏ bằng đồng. Phật nằm như là đang đau yếu mà vẫn giảng giải không biết mệt mỏi cho các đệ tử. Ngoài Bắc Kinh ra, ở các nước Phật giáo trên thế giới cũng đều có tượng Phật nằm với hình dáng tương tự. Vị Phật nằm đó là ai? Đó chính là người sáng lập ra đạo Phật: Sakya Muni tức Thích-ca Mâu-ni.
Sakya Muni sinh ngày 8 tháng 4 năm 565 TCN, họ Gôtama (Gautama) tên là Xitđacta (Siddharta). Cha ông là Quốc vương một nước nhỏ ở Bắc bộ bán đảo Ấn Độ (nay thuộc Nêpan). Phong tục nơi đó, trẻ em mới sinh ra thì đến ở nhà bà ngoại. Bà mẹ của Sakya Muni mang thai, sửa soạn về nhà mẹ đẻ để sinh nở, trên đường đi qua một vườn hoa, khi ngồi nghỉ dưới một gốc cây thì sinh ra vương tử. Bà mẹ từ đó mắc bệnh đến ngày thứ bảy thì qua đời. Vì vậy Sakya Muni được bà dì nuôi nấng lớn khôn. Cậu bé này lúc nhỏ rất ham học, văn học, triết học, toán học đều tinh thông. Đồng thời cậu cũng ham thích võ thuật, cưỡi ngựa, bắn cung, múa kiếm, môn nào cũng thành thục. Cha cậu rất vui mừng, quyết định sẽ truyền ngôi vua cho cậu và hy vọng cậu sẽ trở thành một vị đại vương thống nhất thiên hạ, làm rạng rỡ tổ tông.
Nhưng Sakya Muni không ham quyền thế. Đầu óc chàng toàn nghĩ tới mọi thứ bất bình trong thế gian: Vì sao phải phân chia người Ấn Độ thành bốn đẳng cấp? Vì sao người da trắng lại thống trị những người da màu khác? Vì sao những đứa con hỗn huyết lại thành những người dân hèn hạ bị mọi người khinh rẻ.
Một hôm chàng ngồi xe đi du ngoạn, nhìn thấy những người nông dân đang làm việc trồng trọt trên đồng ruộng dưới ánh nắng chói chang, người nào cũng gầy gò, mặt mũi vàng vọt, mồ hôi ướt đẫm lưng, lộ rõ vẻ đói khát mệt mỏi. Con trâu già đang cày ruộng càng kiệt sức. Phía trước có người kéo căng đoạn giây rợ xỏ qua mũi trâu lôi đi, phía sau có người dùng roi vụt đen đét. Con trâu già đau đớn lúc lắc cặp sừng, thở phì phò, lôi chiếc lưỡi cày cắn sâu xuống đất, chậm chạp bước lên.
Sakya Muni bất giác buột mồm than:
– Khổ thay!
Trong lòng Sakya Muni cuộn trào những câu hỏi:
– Con người trên thế gian vì sao lai có bao khổ đau về sinh, lão bệnh, tử? Làm sao có thể thoát khỏi những khổ đau này? Chàng đã đọc rất nhiều sách mà không tìm được câu trả lời. Sau này chàng hiểu rằng, Quốc vương quyền lực lớn bao nhiêu cũng chẳng thể giải quyết được vấn đề này. Thế là chàng quyết tâm từ bỏ quyền thừa kế ngôi vua, xuất gia tu đạo.
Quốc vương nghe tin, giật mình kinh hãi:
– Con ta điên rồi sao? Nó chưa đến 20 tuổi!
Để ngăn con xuất gia, Quốc vương tìm mưu tính kế, cưới cho Sakya Muni một Nữ vương xinh đẹp trẻ trung ở nước láng giềng.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/luu-vuc-song-hang-thoi-so-su-khoang-nam-1000-600-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/thoi-tien-su-va-nen-van-hoa-song-an-indus/
- https://ngaydacbiet.com/vua-acoka/
- https://ngaydacbiet.com/vuong-trieu-morya-va-su-thong-nhat-an-do-321-232-tcn/
- https://ngaydacbiet.com/so-luoc-dat-nuoc-an-do/
Quốc Vương nói:
– Con xem, sau này mọi thứ ở hai nước đều thuộc về con, chẳng lẽ như vậy vẫn không đủ sao?
Một năm sau, Sakya Muni sinh một cậu con trai: Nhưng quyền thế lớn lao, cuộc sống hào hoa, người vợ kiều diễm mỹ lệ, đứa con kháu khỉnh đáng yêu, cũng đều không thể ngăn cản được quyết tâm xuất gia của chàng.
Đêm khuya ngày mồng 8 tháng 12 năm vừa tròn 29 tuổi, Sakya Muni lẳng lặng cưỡi ngựa phóng ra khỏi kinh thành tới vùng rừng sâu một nước khác. Ông thay đổi quần áo vương tử, cắt trọc đầu tóc, làm một nhà tu hành.
Quốc vương không thấy vương tử, lo lắng vô cùng liền phái năm người đi tìm, cuối cùng đã tìm thấy Sakya Muni trong rừng sâu, nhưng ông quyết không trở về. Sakya Muni đã tìm ba học giả nổi tiếng để học hỏi triết học, sau đó lại vào trong rừng cây thâm u theo các nhà sư khổ hạnh học đạo. Ông đã bôn ba sáu năm trời, ngay tắm rửa cũng không, mà trước sau vẫn chưa tìm được biện pháp xóa bỏ nỗi thống khổ trong nhân gian.
Một hôm, ông đi tới một dòng sông, quyết xuống sông tắm táp để tẩy rửa sạch những vết nhơ bẩn trên người tích lại từ sáu năm qua. Một cô gái chăn bò ven sông thấu tình cảnh ấy liền mang nhiều sữa bò đến mời ông uống. Sakya Muni đã trở lại như xưa. Ông đến bên một gốc bồ đề, mặt đất phủ đầy cỏ, ngồi xuống xếp bằng tròn, mặt quay về hướng Đông, thề với Trời rằng:
– Nếu ta không thể giác ngộ đến cùng thì cho dù thịt nát xương tan cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này.
Cứ như vậy, ông ngồi trầm tư trước gốc bồ đề tìm lời giải cho việc giải thoát khổ đau của con người.
Đêm mồng 8 tháng 2 năm ông 35 tuổi, khi một ngôi sao sáng mọc lên ở phương Đông, ông bỗng nhiên hiểu ra thông suốt đạo lý này, tìm ra con đường giải thoát và từ đó được gọi là Bouddha tức Phật, có nghĩa là ”người giác ngộ”. Di tích cây bồ đề này hiện nay vẫn còn ở tỉnh Bôca Ấn Độ. Sau đó Sakya Muni đi khắp nơi trên bán đảo Ấn Độ để truyền bá giáo lý mới của ông, mà về sau người ta gọi là đạo Phật (Bouddhisme). Truyền rằng ông còn đi tới Ceylan (nay là SaiLanka) và Miến Điện. Giáo lý của Phật giáo là chống lại việc phân chia con người theo đẳng cấp: chống lại hiện tượng bất bình đẳng, đồng tình với người dân bất hạnh. Đồng thời cũng tuyên truyền thuyết nhân quả báo ứng cho rằng đời nay làm việc thiện, đời sau sẽ được hưởng phúc lành, đời nay làm điều ác, đời sau tất có ác báo. Những thuyết này của Sakya Muni có mặt tiêu cực là trốn tránh hiện thực tàn khốc. Ông còn chủ trương xóa bỏ mọi phiền não bằng cách tự giải thoát, phủ định đấu tranh. Chủ trương này đương nhiên là có lợi cho giới chủ nô và bọn thống trị phong kiến, cho nên giai cấp thống trị các đời đều lợi dụng Phật giáo để củng cố nền thống trị của họ đối với quần chúng bị áp bức.
Năm 485 TCN, Sakya Muni sắp tròn 80 tuổi. Ông vừa già vừa ốm yếu nhưng vẫn đi khắp nơi truyền giáo. Ngày 15 tháng 2 ông đến bên một dòng sông, bệnh tình đã nặng, biết mình không qua khỏi ông liền xuống sông tắm rửa. Các đệ tử liền đặt một chiếc giường vải gai giữa mấy cây chà là. Sakya Muni nằm nghiêng trên đó, gối đầu bên tay phải, vẫn rành rọt căn dặn các đệ tử, không được vì không có thấu mà sa ngã, vẫn phải lấy Phật pháp để dẫn đường. Nói xong, ông qua đời. Sau này để tưởng niệm tới việc ông hết lòng dạy dỗ các đệ tử mọi người đã tạc tượng Sakya Muni nằm, đặt ở các chùa chiền. Rồi lấy ngày Sakya Muni giáng sinh (mồng 8 tháng 4) là ngày ”Lễ tắm Phật”, ngày ông đi tu đạo (ngày 8 tháng 12) làm ngày ”Lễ lạp bát”.
Di thể của Sakya Muni sau khi hỏa táng, tro xương kết thành từng hạt, đạo Phật gọi những hạt đó là ”Xá lị”- Sau này, tám nước chia nhau xá lị, đem cất giữ cúng lễ trong những cây tháp cao được xây dựng đặc biệt, để tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ Sakya Muni. Loại tháp này dùng bảy thứ báu vật vàng, bạc, trân châu, mã não. . . để trang trí, mọi người gọi là ”Bảo tháp”. Thế kỷ I CN, Phật giáo truyền vào vùng người Hán ở Trung Quốc, sau này lại từ Trung Quốc truyền sang Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Nhưng từ sau thế kỷ VIII, đạo Bà-la-môn ở Ấn Độ thắng thế, đổi gọi thành đạo Hinđu (Hindouisme) tức Ấn Độ giáo. Phật giáo ở Ấn Độ dần dần suy yếu, cho nên ở Ấn Độ ngày nay còn rất ít người theo tín ngưỡng Phật giáo. Nhưng Phật giáo bắt nguồn từ bán đảo Ấn Độ vẫn được toàn thế giới coi trọng. Trong bảo tháp ở chùa Linh Quang, Tây Sơn, Bắc Kinh truyền rằng còn cất giữ được một chiếc răng của Sakya Muni, mọi người gọi bảo tháp này là ”Phật Nha Tháp” (Tháp Răng Phật).